Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Truyện dài: PHÍA TRƯỚC NHỮNG CON ĐƯỜNG - tt (Nguyễn Thị Thùy Nhân)



Phần hai : "Những chuyến Xe"

Những mái đầu nghiêng nghiêng lắc lư, những cái chạm vội vàng, từng hình ảnh lướt qua gấp gáp, xa tít mờ. Hình như con đường đang chạy? Những cây bên đường, những đồi, những núi cũng đang chạy. Nó thì ngồi yên. Nó mở cửa kính, gió ùa vào mang theo cái hơi lạnh của nước, vị khô của cát, của bụi và có cả cái vị của khói đốt đồng nghe ươn ướt mà cay cay. Không thể có những cái ngoái đầu nhìn lại, đồng đã xa rồi, đường đã chạy ngược về sau. Nó nhắm mắt. Trong cái khoảng vội vã, nó xòe tay ra cửa đón gió.

Tuổi thơ tràn về.

Gió lộng qua tay ngược, cái lạnh xen dần, chạm nhẹ trên từng khẽ nhỏ. Nắng đổi chiều, xe qua một khúc quanh ngược, loang lổ bóng trắng chen vào cửa. Tay nó chạm gió như muốn tê lại. Từng hàng cây bên đường vụt qua. Nó quay đầu nhìn vào trong. Má nó mắt nhắm hờ đang ngủ, ba nó đang ôm chị bé và cũng đang nhìn bên đường như nó. Chị bé nó cựa mình, ba cúi xuống cầm túi ni lông cho chị bé ói. Hình như chị bé nó rất mệt, không nói gì cả, không tíu tít với nó khi nhìn từng hàng cây, từng ngôi nhà, từng dòng xe chạy. Ba nó mở cửa vứt nhanh túi ni lông vào bụi cỏ ven đường. Nó vội trèo qua đùi ba, xòe bàn tay nhỏ bé đón gió. Ba cầm tay nó. Bàn tay ba, bàn tay nó cùng xòe ra, nó cười.

- Ba ơi, gió bên tay ba nhiều hay tay con nhiều hả ba?

- Bây giờ nhiều bằng nhau, mai mốt con lớn thì gió nhiều hơn ba.

Nó không thấy lạnh, nó thấy man mát mà âm ấm. Bàn tay nhỏ cứ xoay vòng đổi chiều đón gió, ba nó vẫn cầm nhẹ tay nó. Gió luồn vào cửa sổ, tóc nó bay bay làm lộ cái trán dồ bướng bỉnh.

Chị nó lại cúi gập người muốn ói, nó phải trèo qua bên má cho ba cầm túi ni lông cho chị. Nó ước gì ba nó có bốn cái tay, để nó tha hồ được ba cầm tay đón gió. Tự nhiên nó thấy giận chị bé cứ ói làm gì cho mệt, cứ để ba phải đưa tay giữ túi li lông còn tay kia hết vuốt rồi lại vỗ vỗ cái lưng, ba không có tay trống. Chị bé lại không nói với nó về cái cây, về ngôi nhà , về núi đồi cứ chạy ngược. Nó có ói đâu, ba có ói đâu, má cũng vậy. Mà ngộ lắm, má nó không ói mà hai mắt chỉ nhắm hờ, vòng tay ôm nó cũng chực nới lỏng. Trông má cứ giống như khi má chơi trò giả chết với nó, nó cù lét là má cười, cười tít mắt nên má nó sợ nó. Nó cũng định cù lét cho má tỉnh dậy cười với nó nhưng ba vừa thấy đã ngăn:

- Má đang say xe, con đừng phá.

- Ba ơi, sao lại say xe?... À, con biết rồi. Bàn tay nhỏ vỗ vỗ cái trán dồ: Giống mấy người uống rượu say phải không ba, mà người ta có uống rượu mới say, má uống gì mà say xe hả ba? Nó nheo nheo mắt tin chắc là ba nó đồng ý với nó rồi.

- Má con uống không khí. Ba cũng nheo nheo mắt lại. Nó thấy vui: Không biết uống không khí có ngon không, có giống uống nước mía không?... Ba, sao má với chị bé uống mà hông cho con uống? Nó lại líu lo.

- Chút nữa xe dừng lại con hỏi má con sao không cho con uống nghe? Ba nó lại cười. Nó thích lắm, nó sẽ hỏi, nó sẽ làm nũng để má mua nước mía nhiều hơn vì má với chị không cho nó uống không khí.

***

- Anh trai, anh trai, vui lòng đóng cửa sổ lại, anh để tay ra ngoài cửa rất nguy hiểm. Anh trai! Nó giật mình quay lại, người tài phụ xe đang lay lay vai nó. 

- Vâng, xin lỗi. Nó kéo cửa, mang cả bàn tay tê lạnh vào trong, đã không còn cảm giác, ngỡ như nơi ấy không có bàn tay - bàn tay đón gió. Nó vô ý quá, xe chất lượng cao, người ta mở máy lạnh, đóng tất cả cửa để ngăn bụi đường, để hơi lạnh không tràn ra ngoài, để trong xe giữ được một mùi hương nào đó. Những mái đầu lắc lư, im lặng, nghe cả những hơi thở nhẹ, hương thoang thoảng, cái mùi hương không thể định hình và đặt cho một cái tên. Bao chuyến xe nó đi về, mỗi chuyến xe là một mùi đặc thù khác nhau. Bởi dù nhà xe có sử dụng một mùi hương đi chăng nữa thì cái mùi hỗn tạp của bao con người cũng vẫn ngột ngạt lắm. 

Xe vẫn chạy. Ngoài kia ..

Đàn bò thong dong gặm cỏ, dẫm đạp lên cỏ, có hương cỏ nào lẫn xen vào gió. Cơn gió qua, xe chạy chen qua, có nơi nào lấm lem bụi đất, có nơi nào xốn mắt cát bay. Gió có mang hơi lạnh len vào nỗi nhớ.

***

- Dậy đi con. Má nó lay nó dậy.

- Mình tới nơi rồi hả má? Nó dụi mắt nhìn quanh. Mọi người đã chen nhau trên lối đi hẹp giữa hai hàng ghế, cả nhà nó vẫn ngồi yên. Ba đang vén những sợi tóc lòa xòa trên mặt chị bé. Khuôn mặt chị bé xanh lè, đôi mắt đen láy cũng chực sụp xuống. Nó nhìn má rồi nhìn ba, mọi người vẫn đi giữa hai hàng ghế hẹp.

- Mình tới nơi rồi hả má? Nó hỏi lại.

- Chưa tới nhà ngoại, mình nghỉ ăn cơm rồi sẽ đi tiếp, con đói bụng không ? Má trả lời, tay lại bẹo cái đôi má phúng phính của nó.

Nó nhớ rồi, nó chưa ăn gì hết. Bụng nó nghe má hỏi tự nhiên kêu rồn rột, lại không uống gì nữa, nó khát nước.

- Con đói, con ăn hết một con bò luôn, má ơi! Con đói quá, con khát nước nữa, con uống hết cái lu nước sau nhà mình luôn, má ơi, con đói, con khát quá! Nó nói to lên.

Vài người đi giữa hai hàng ghế quay lại nhìn. Nó mắc cỡ vội áp sát cái mặt đỏ lựng vào người má. Một bên mắt nó nhìn len lén lại phía sau. Má nó cười, ba nó cũng cười, chỉ chị bé nó không cười.

Lối đi giữa hai hàng ghế đã trống, chỉ còn vài người. Nó chạy trước, má nó đi sau, chị bé nó không tự đi mà ba đang bế. Nó chạy chưa hết thích thì đã tới bậc thang lên xuống. Nó ghét bật thang, nó phải dừng lại cho má bế xuống, nó không được chạy. Ba nó dặn nó không được chạy lên, chạy xuống cầu thang. Nếu nó chạy sẽ bị té, sẽ trầy chân, trật tay, ba má sẽ mang nó tới bác sĩ, bác sĩ sẽ chích thuốc nó. Nó sợ cái kim, nó ghét bác sĩ vì bác sĩ hay dụ nó. Nó nhớ, mỗi lần bác sĩ chích thuốc là bắt nó nằm xuống rồi cứ gãi nhè nhẹ ở mông nó, hỏi nó hôm qua nó ăn gì, ăn có ngon không. Mỗi lần như vậy nó đều trả lời nhưng rất bực: Tự nhiên chích thuốc mà cứ gãi mông rồi hỏi ăn gì. Nó thấy nhồn nhột, rồi bất ngờ bác sĩ chích cái kim vào mông nó làm giật cả mình.

Nó vẫn thích chạy trên những cầu thang. Nó từng hỏi ba: Sao phải có những bậc thang, người ta tạo ra bậc thang để làm gì hở ba? Ba trả lời nó: Để cho con đi chậm lại, để con nghỉ mệt giữa những lúc chạy, để con nhớ đến bác sĩ, để người lớn bế con lên xuống và cả để con bò lên, nhớ không con trai? 

Nó thích chạy.

***

Xe đã dừng lại, mọi người đang chuẩn bị xuống xe. Nó chầm chậm đi xuống. Bên ngoài, ồn ào tiếng mời gọi của những người bán hàng rong, vé số. Nó tìm một khoảng trống không gần chỗ trạm xăng rồi bật lửa, đốt thuốc, từng làn khói mỏng bay lên. Trời chạng vạng, những nhà ven đường đã lên đèn. Đêm chưa về, màn đêm chỉ dát mỏng, một màu đen đen bao trùm không gian. Gió thổi mang mùi cơm gạo tấm, mùi cá khô chiên giòn, có cả mùi khét nắng, mùi mồ hôi ngai ngái ở người... Gió nặng mùi.

- Mua vé số đi anh! Nó lắc đầu.

- Mua bịch mía, sơ ri, trứng cúc, cốc, xoài dùm em đi anh! Đứa bé cầm trên tay lủng lẳng nào những bịch nho nhỏ. Nó lại lắc đầu. Nó bước đi, đi tìm những khoảng trống. Đâu đó có tiếng chó sủa, tiếng chân chạy thình thịch, tiếng cười giòn tan.

- Xin mời mọi người lên xe. Tiếng người tài phụ xe mời mọi người trở về chỗ ngồi để đi tiếp chặng đường. Nó dụi điếu thuốc hút dở dưới chân, chầm chậm bước. Giữa hai hàng ghế, lối đi hẹp, nó đợi.

Xe đang chạy, những tiếng thầm thì không nghe thành tiếng. Nó ngồi một mình hai ghế, bên cạnh nó là khoảng trống.

- Kính thưa quý khách, ba mươi phút nữa, xe chúng ta sẽ tới quán cơm. Mọi người ăn cơm trong bốn mươi lăm phút, sau đó sẽ đi tiếp… Không có âm thanh nào đáp lại lời người tài phụ xe. Những mái đầu lắc lư, xe chạy, đêm tối dần. Một chặng đường có hai điểm dừng lại, một cho xe đổ xăng – tiếp nhiên liệu, một cho người – bổ sung dưỡng chất để sống. Những chặng đường dài hơn, xa hơn sẽ biết mấy điểm dừng?

Đêm tối, hình ảnh hai bên đường khi mờ ảo, khi sáng nhạt nhòa. Hình như cây, những ngôi nhà, đồi núi đã không còn chạy về phía sau?

***

Đêm tối !

Nó trèo lên đùi má nó, vọc tay vào bụng.

- Má ơi, con buồn ngủ. Mỗi lần ăn no nó lại buồn ngủ. Nó ôm má nó, nhưng tay không đủ dài để ôm hết được. Nó cù lét má nó. Má nó cầm tay nó và má cười.

- Má ơi, má nhỏ cái bụng lại đi, như con vậy nè! Nhỏ xíu thôi, để con ôm cho hết chứ!

Ba quay qua nhìn nó, nhìn má, ba cười. Chị bé nó ngủ, mắt cứ nhắm lại, không nói gì.

- Má ơi, sao má không nhỏ cái bụng đi, nhỏ nhỏ đi má! Má nó vòng tay ôm nó lại, tay má nó dài, chỉ một tay là ôm nó hết.

Tự nhiên nó thấy hình như có cánh tay khác, cánh tay bên ngoài áo má? Không phải tay má, vì nó biết tay má không ngoặc lại phía sau lưng được. Má hay nhờ nó gãi lưng dùm đó thôi! Lạ nhỉ? Nó rút tay ra khỏi bụng, khỏi lớp áo. Nó rút nhè nhẹ, nó sợ cái cánh tay đang ôm má nó biết và sợ má nó biết. Tay nó ngoe nguẩy, mắt nó len lén nghiêng mình hé nhìn, nó chạm vào cánh tay xương xẩu, to to.

- Á ! Ba ôm má. Nó la nhỏ, rất nhỏ, vậy mà ba và má nó đều nghe, đều nhìn nó cười. Nó cũng cười làm phúng phính cái đôi má đỏ, hai tay nó ôm má, hai tay chạm và cầm tay ba. Hình như nó đã ôm trọn một vòng ôm. Nó áp sát vào người má, nó nghe hơi ấm của má và cả hơi ấm của ba. Nó không thấy hơi ấm của chị bé, chị bé đang ngủ, chắc là người say xe thì không có hơi ấm?

Xe chạy qua khu dân cư, khu phố thị sầm uất, ánh đèn nhiều màu sắc vụt qua, thoáng hư ảo. Phố thị đông người, đêm như không về, không ngự trị nơi đây. Nó nhắm mắt lại, giấc ngủ không ùa về. Đã qua trạm dừng chân kế tiếp, xe đang chạy về Sài gòn, sẽ không còn dừng lại nữa. Sẽ không còn bước xuống để hòa mình với không khí bên ngoài, để đốt lên một điếu thuốc và để nghe, cảm nhận mạch sống đang chảy, đang dâng tràn quanh nó. Từ đây, từ đoạn đường này tới Sài gòn, nó biết bên đường là dạ vũ của ánh sáng. Dạ vũ ấy, lúc rực rỡ bóng bẩy, lúc dịu ngọt nhẹ nhàng, lúc là những khoảng tối loang loang, lúc như lửa vàng chói cả mắt. Dạ vũ ấy, bóng đêm và ánh sáng thỏa sức đan xen, quyện vào nhau không rời, chúng vồ vập, tan ra, hòa lại.

Những mái đầu lắc lư, đêm về . Nó căng mắt nhìn đồng hồ trên xe: 21:00. Nó nhìn ra bên ngoài, đường đông đúc, từng dòng xe máy, xe con, xe tải, nối đuôi nhau chạy về hướng Sài gòn. Ánh sáng hai bên đường như sáng hơn, dìu dặt hơn. Chiếc đồng hồ điện tử đang nhảy từng giây. Nó đợi, đợi con số 21:30, đợi cái chạm Sài thành, đợi chân nó bước xuống đường. Nó đã đi và về trên bao chuyến xe, nó biết khoảng thời gian ấy – hai mươi mốt giờ ba mươi phút, nó sẽ tới Sài gòn.

Ngoài kia , đêm của ánh sáng.


(Còn tiếp Phần ba: )
N.T.T.N


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét