Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

BIỂU TƯỢNG TRÚC VÀ THI NHÂN (Thầy Võ Minh Hải)


Từ xưa đến nay, màu xanh thẫm của những rừng trúc đã khiến cho không biết bao nhiêu văn nhân, thi sĩ hết lời ca tụng. Thơ phú từ khúc viết về trúc có thể nói là vô số, không thể lượng tả được. Cổ nhân quan niệm: “Ninh khả thực vô nhục, bất khả cư vô trúc. Vô nhục sử nhân sấu, vô trúc sử nhân tục 寧可食無肉不可居無竹. 無肉使人瘦無竹使人俗” (Có thể ăn mà không cần có thịt nhưng không thể sống mà không có trúc, không có thịt thì chỉ khiến cho người ốm đi, không có trúc khiến cho người trở nên bình thường). Câu nói trên đã khẳng định nhã thú thanh cao thoát tục của văn nhân sĩ đại phu thời trước.

Trịnh Bản Kiều 鄭板橋 đời Thanh 清代 là người cả đời chỉ vẽ trúc và làm thơ về trúc (vịnh trúc hoạ trúc 詠竹畫竹) và đã để lại khá nhiều hảo thủ giai cú (好首佳句) viết về trúc, trong bài thơ Trúc thạch 竹石, ông viết:

“Giảo định thanh sơn bất phóng tùng,
Lập căn nguyên tại phá nham trung.
Cán ma vạn kích hoàn kiên kính,
Nhậm nhĩ đông tây nam bắc phong

咬定青山不放鬆,
立根原在破岩中.
幹磨萬擊還堅勁,
任爾東西南北風”

Tạm dịch: 

Bám chặt núi xanh chẳng buông rời,
Gốc mọc bền vững nơi vách xa.
Ngàn đập muôn va vẫn cứng chắc,
Bốn bề gió cuộn mặc thổi qua.

Ý tứ của bài thơ không ngớt lời ngợi ca khí chất hùng dũng của cây trúc trước phong ba của cuộc đời. Các hoạ gia đời trước không chỉ vẽ trúc mà còn kết hợp với những yếu tố khác hình thành một trường phái hoạ trúc (Trúc tử hoạ thể 竹子畫體). Tô thức 蘇軾 (tức Đông pha cư sĩ 東坡居士, một danh sĩ đời Tống 宋代) cũng yêu trúc và thích vẽ trúc. Ông nói: “Hàn mai nhi tú, trúc sấu nhi thọ, thạch xú nhi nghĩa 寒梅而秀, 竹瘦而壽, 石醜而義” (Mai lạnh nhưng đẹp, trúc thon nhưng sống lâu, đá xấu nhưng lại có nghĩa), do đó người đời mới gọi chúng là “Tam ích 三益” (ba cái có ích) và từ đó cũng hình thành một hoạ phái lấy đá và trúc làm chủ đề chính. Nguyên Nhược Can 元若干, hoạ gia đời Tống cũng rất thích vẽ Tùng松, Trúc 竹, Mai 梅, thường xưng là Tuế hàn tam hữu 歲寒三友 (Ba người bạn mùa đông). Vì lẽ ấy, văn nhân đời sau thường lấy trúc để biểu đạt tình cảm, ý chí của cá nhân mình, bởi họ xem trúc là loài cây tượng trưng cho sự Thanh cao 清高, Khí tiết 氣節, Kiên trinh 堅貞 của kẻ trượng phu.

Trúc là loại cây đã gần gũi với cuộc sống con người từ ngàn xưa, phần lớn các đồ gia cụ ngày trước đều được làm từ trúc. Trong hội hoạ, người ta cũng thường lấy phong thái cao khiết của trúc làm đề tài. Trong kiến trúc phong thuỷ Trung Hoa, các nhà phong thuỷ học cũng thường xây dựng các mô hình rừng trúc trong vườn nhà để tạo không gian tĩnh mịch, yên lặng, thư thái, còn thơ ca từ trước đến nay thì hết lời ca tụng, tán mỹ. Tô Đông Pha làm thơ về trúc khá nhiều, thưởng thức tác phẩn Thư Yên Lăng Vương Chủ Bạ Sở Hoạ Tích Chi 書鄢陵王主簿所畫析枝của ông, chúng ta sẽ cảm thấy được tấm lòng của bậc cao sĩ đối với trúc: “Phàm luận về hoạ thì lấy đường nét làm chủ, nói về thi phú thì bàn đến âm điệu du dương, Thơ và hoạ vốn là một luật chung, tạo hoá và văn nhân ấy đều là người sáng tạo... Trúc thon như U nhân (người ở ẩn), u hoa (hoa buồn) như Xử nữ (con gái còn trình nguyên), con chim sẻ trên cành trúc ngang tàng nhìn bóng sương rơi như hoa tuyết, đôi cánh như muốn bay nhưng lá trúc như muốn ào ào phóng vượt. Đáng thương cho con mật rong ruổi, gánh bầu mật thơm oằn cả hai vai. Ôi, người thì sâu sắc, trời thì xảo diệu thay! Ta muốn làm câu thơ nên gởi thanh âm và tìm diệu ngữ…” 

Trong câu “Sấu trúc như u nhân, u hoa như xử nữ 瘦竹如幽人, 幽花如處女”, Tô Đông Pha dùng hình ảnh của trúc để nhấn mạnh đến phẩm cách và lý tưởng của người quân tử. Tao nhân mặc khách vui thích khi vẽ trúc, ngâm thơ về trúc là quá trình cao khiết hoá phẩm cách cá nhân mình, lấy trúc để nói về ý chí con người, tìm bạn tri âm.

Trong ngôn ngữ giao tế, người ta nhận thấy có khá nhiều mỹ từ nói về trúc. Hình ảnh của trúc được dùng để biểu đạt khí phách cao khiết, văn nhân yêu trúc, dùng ống trúc để cắm hoa và xem nó như một biểu tượng của cái đẹp. Những giai cú, mỹ từ chúc tụng nhau, văn nhân, dật sĩ thường dùng trúc như một biểu tượng, ví dụ như:

- Phú quý bình an 富貴平安 : biểu tượng thường là Mẫu đơn牡丹 và Trúc竹

- Phúc thọ bình an 福壽平安: biểu tượng là Tùng松, Trúc竹, Mai梅

- Bình an đại cát 平安大吉: biểu tượng là Trúc 竹, Đại Dữu 大柚 (cây quýt lớn)

- Quân tử chi giao 君子之交: biểu tượng là Trúc 竹, Mai 梅

- Tử tôn phồn vinh 子孫繁榮: biểu tượng là Trúc 竹, Đồng 筒 (ống trúc)

Bên cạnh đó, trúc cũng được xem là biểu tượng của sự cương nghị, xem thường phú quý, tượng trưng cho đức trọng, khí phách hiên ngang của người quân tử. Lời đề từ, lạc khoản cho những bức hoạ thuỷ mặc, các hoạ gia thường sử dụng các thành ngữ, giai từ như:

- Tuế hàn nhị hữu 歲寒二友: Tùng 松, Trúc 竹

- Tuế hàn nhị nhã 歲寒二雅: Mai 梅, Trúc 竹

- Tuế hàn tam hữu 歲寒三友: Tùng 松, Trúc竹, Mai梅

- Tam ích hữu 三益友 : Tùng 松, Trúc竹, Thạch 石

- Tứ quân tử 四君子: Lan 蘭, Trúc竹, Cúc菊, Mai 梅

- Tứ hữu 四友: Tùng 松, Trúc竹, Mai梅, Cúc菊

- Ngũ Thanh 五清: Tùng 松, Trúc竹, Cúc菊, Thạch 石, Ba Tiêu 芭蕉

Hình ảnh Trúc từ một loài cây quen thuộc với cuộc sống đã trở thành một biểu tượng cho khí cốt con người và cũng là đề tài quen thuộc của thơ ca từ xưa đến nay. Với văn nhân mặc khách, hình ảnh của Trúc không chỉ là nơi để ký thác tâm sự mà còn là biểu tượng của đạo đức, là sự biểu trưng cho tư tưởng nhàn dật, góp phần làm phong phú thêm văn hoá ẩn sĩ - một nét đặc trưng của văn hoá phương Đông, một trường phái văn học tiêu biểu của văn học cổ điển Trung Quốc. Trong quá trình hình thành và phát triển của trường phái này, hàm nghĩa văn hoá của Trúc đã hun đúc và dần trở thành một biểu tượng văn hoá đặc biệt, là thi liệu tiêu biểu của văn chương cổ trung đại Trung Hoa, Việt Nam.

Quy Thành, tháng 07/2011
Thầy Võ Minh Hải
(Khoa Ngữ văn, ĐH Quy Nhơn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét