Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƯ PHÁP TRUNG HOA VÀ NGHỆ THUẬT VIẾT CHỮ CỦA NGƯỜI PHƯƠNG ĐÔNG



Kỳ 1 : Thư pháp Trung Hoa - Khởi nguồn nghệ thuật viết chữ phương Đông

Chữ Hán là một trong những ngôn ngữ xuất hiện sớm nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất ở phương Đông. Hán ngữ có nguồn gốc từ hệ thống ngôn ngữ Hán – Tạng, có hình thể được cấu tạo theo kiểu khối vuông với 6 nét bút cơ bản mà lập thành một hệ thống chữ viết có khả năng biểu đạt tương đối lớn từ các sự vật cụ thể đến những phạm trù trừu tượng. Khởi nguyên của chữ Hán là lối viết tượng hình, thấy gì viết nấy theo tư duy của người cổ đại mà dần dần đạt đến sự hoàn thiện theo lối lục thư nhưng vẫn giữ cách viết tượng hình làm gốc.

Trong lịch sử phát tích và hình thành đất nước, người Trung Hoa luôn có ý thức mở rộng lãnh thổ của mình, đặc biệt là các nước lân cận nhằm bành trướng thế lực, truyền bá văn hóa, phong tục đến các nước ngoại bang. Chính vì thế, theo bước chân của những đoàn quân di dân, những đoàn quân xâm lược, văn hóa Hán từng bước xâm nhập vào các nước tạo nên một dòng chảy văn hóa rộng lớn, trải dài gần như khắp phía Đông địa cầu. Cùng với dòng chảy đó, chữ Hán với lối viết nguyên thể khối vuông xâm nhập và định cư trong hệ thống ngôn ngữ của các nước trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên. Chính sự xâm nhập và đóng đô quá chắc chắn nên Hán tự đã chiếm một địa vị gần như độc tôn trong ngôn ngữ các nước, góp phần tạo nên khu vực “Hán ngữ đồng văn” về cả văn hóa lẫn chữ viết.

Chữ Hán được viết theo kiểu khối vuông với các chữ tách rời nhau, mỗi chữ thể hiện một ý niệm khác nhau. Ban đầu, chữ Hán cũng giống như các ngôn ngữ khác chỉ dùng làm phương tiện để trao đổi thông tin nhưng theo thời gian càng ngày càng hoàn thiện trong cách viết, người Trung Quốc đã sáng tạo ra lối viết thư pháp độc đáo dựa trên đặc thù của chữ khối vuông. Thư pháp thể hiện một cách triệt để cái đẹp của chữ Hán, nâng tầm nó lên thành nghệ thuật mà ngày xưa và cho đến tận hôm nay, lối chơi chữ thư pháp trở thành một thú chơi cao cấp, tao nhã. Nghệ thuật chữ viết không chỉ mang giá trị thẩm mỹ lại còn mang nhiều giá trị thực tiễn trong đời sống con người.

Thư pháp 書法 nếu hiểu một cách nôm na theo cách chiết tự thì: “Thư” 書 là viết, ghi chép lại; “Pháp” 法 là hình pháp, mẫu mực, cách thức, phép tắc (Theo Từ điển Hán – Việt của Nguyễn Tôn Nhan, NXB Tổng Hợp TPHCM, 2008). Từ đó, ta thấy “Thư pháp” là mẫu mực của chữ viết hay hiểu cách khác là nó đã được nâng tầm lên thành một môn nghệ thuật riêng biệt. Không chỉ có ở Trung Quốc hay ở phương Đông mới có môn nghệ thuật con chữ này mà ngay cả phương Tây, thư pháp (Calligraphy – Calligraphie – Calligraphia) hay còn gọi là nghệ thuật viết chữ cũng khá thịnh hành, nó cũng tồn tại trong chữ viết người Ả Rập. Thư pháp phương Đông hướng đến sự phóng khoáng trong cách viết nhưng vẫn trong khuôn khổ nhất định thì nghệ thuật chữ viết phương Tây lại được cắt gọt sắc cạnh, tỉ mỉ, phổ biến khi nghề in chưa phát triển, dùng để chép các văn kiện quan trọng như Kinh Thánh thành các tác phầm mỹ thuật. Còn ở các quốc gia theo đạo Hồi, thư pháp lại là một môn nghệ thuật thị giác quan trọng, một môn khoa học ưu việt.

Nói một chút như vậy để thấy từ lâu trên thế giới đã coi trọng cái đẹp của chữ viết. Quay lại với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa, người Trung Hoa đã nâng tầm nó thành môn nghệ thuật có tính tổng hợp cao, thanh khiết và là linh hồn của nghệ thuật mỹ thuật. Người Trung Hoa quan niệm rằng, mỗi chữ được viết ra không chỉ thể hiện tài hoa và sự khéo léo của người viết mà còn ẩn chứa những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ hoặc cảm xúc nhất thời của người viết chữ. Mỗi nét chữ lại mang phong cách riêng của từng thư pháp gia, không ai giống ai, mang cốt cách từng người. Xuất phát từ tâm thức nông nghiệp phương Đông ưa thích sự kín đáo, khai thác nhiều chiều sâu nội tâm, thư pháp chữ Hán đòi hỏi người viết phải khổ luyện và người thưởng thức cũng phải hết sức tinh tế để thấy chiều sâu nội tâm người viết trong mỗi con chữ.


Thư pháp Trung Hoa được hình thành từ rất sớm và được xem là một loại hình nghệ thuật rất cao. Hán tự có 5 thể chính là: Triện thư 篆書, Lệ thư 隸書, Khải thư 楷書, Hành thư 行書và Thảo thư 草書. Đó cũng chính là những thủ pháp chính của cách viết thư pháp. Người ta cho rằng: Thư pháp ra đời vào khoảng thế kỷ II-IV, được xem là thú chơi cao nhã của những người có học.

Nghệ thuật thư pháp giúp người ta rèn luyện óc thẩm mỹ cũng như nâng cao tính kiên nhẫn của mỗi người theo học. Đối với người Trung Quốc, thư pháp không phải ai cũng học tập và lĩnh hội được hết cái hay của nó mà phải trải qua khổ luyện, tu tâm dưỡng tính, nuôi dưỡng tình cảm. Người Trung Quốc có câu: “Thư pháp khả dĩ tu tâm dưỡng tính, đào dã tâm tình” 書法可以修心養性陶冶心情 (Thư pháp có thể khiến người ta tu tâm dưỡng tính, rèn luyện tình cảm). Người chơi và viết thư pháp cũng lắm công phu: phải biết cách đặt thân đúng, đặt bút đúng theo các quy tắc riêng, mắt nhìn thẳng, dụng bút phải chuẩn, thời gian luyện tập dài, không được nóng vội. Thư pháp gắn với “Văn phòng tứ bảo” gồm có: Chỉ 紙 (giấy), Mặc 墨 (mực), Nghiễn 硯 (nghiên), Bút 筆 (bút), mỗi thứ phải tuân theo quy cách, phải đúng loại thì chữ mới đẹp được. Giấy phải là loại giấy “xuyến chỉ” đắt tiền, mực thì dùng loại mực thỏi hoặc mực trấp pha theo tỉ lệ và phải điều tiết khi viết, nghiên mực phải có độ nghiêng nhỏ để tránh bị đọng mực. Bút lại càng phức tạp hơn, bút chuyên dụng để viết thư pháp gồm các loại tiểu, trung, đại, phải có mao quản 毛管 (ngòi bằng lông để có thể thấm mực dễ dàng), phải có đủ các bộ phận: đào tuyến 陶線 (sợi dây để treo bút), bút quản 筆管 (quản bút bằng trúc), bút hào 筆毫 (búp lông giống búp sen), bút căn 筆根 (phần lông gắn với quản bút). Vậy mới thấy, thú chơi thư pháp công phu và tỉ mỉ như thế nào.

Thư pháp của người Trung Hoa được xem như một loại hình nghệ thuật, thậm chí là một môn học với đầy đủ cơ sở lý luận mà người ta gọi là “Thư học” 書學. Thư pháp đòi hỏi có sự khổ luyện cao, người viết nếu thiếu kiên nhẫn sẽ khó học thành như câu nói: “Học thư vô nhật bất lâm trì” 學書無日不臨池 (Học thư pháp không có ngày nào mà không vào ao). Thuật ngữ “lâm trì” 臨池 chỉ sự khổ luyện thư pháp xuất phát từ giai thoại của thư pháp gia Trương Chi 張芝mỗi ngày luyện tập viết chữ xong lại rửa bút ở ao khiến nước đen như mực (Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc 臨池學書池水盡墨). Về sau này, “lâm trì” được dùng để chỉ sự luyện tập thư pháp. Ngược dòng lịch sử Trung Hoa, thời đại nào cũng có những nhà thư pháp lẫy lừng với phong cách rất riêng. Thời Hán với Trương Chi say mê thư pháp, không có giấy phải viết lên vải lụa cho đến khi không còn chỗ viết thì đem nhuộm để cắt may thành quần áo mặc. Sau này, thư pháp gia nổi tiếng Vương Hi Chi 王羲之 (nhà Tấn) noi gương Trương Chi mà bỏ đến 15 năm rèn luyện chữ nghĩa để trở thành “Thư thánh” (một trong Thập Thánh được dân gian Trung Quốc ca ngợi và truyền tụng). Thế mới thấy, nghệ thuật con chữ có sức hút thật mãnh liệt với người đời xưa.

Nghệ thuật viết chữ đẹp của người phương Bắc phải kể đến Vương Hi Chi và dòng dõi nhà ông. Vương Hi Chi ngày trước bắt đầu luyện chữ thư pháp bằng cách viết chữ “Vĩnh” 永 (chữ hội tụ đầy đủ tám nét cơ bản trong cách viết chữ Hán), tạo nên “Vĩnh tự bát pháp”永字八法 – bài học cơ bản cho người tập viết thư pháp. Không chỉ có Vương Hi Chi mà con cháu ông cũng say mê nghiên cứu thư pháp. Con trai ông Vương Hiến Chi 王獻之cũng yêu thích viết chữ không kém gì cha nên ngay từ thuở nhỏ đã gánh nước đổ đầy 18 chum nước để mài mực. Hai cha con Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi nổi tiếng với lối viết chữ Thảo, được người đời xưng tụng là “Thảo thánh nhị vương” 草聖二王 (Hai vị vua của lối viết chữ thảo), chữ thảo của hai ông mềm mại, uyển chuyển, trở thành khuôn mẫu của cách viết chữ thảo cho hậu thế luyện theo. Dòng dõi nhà Vương Hi Chi còn phải kể đến nhà sư Thích Trí Vĩnh 釋智永 (Vĩnh thiền sư) tương truyền là cháu bảy đời của Vương Hi Chi, sống đời nhà Tấn, là người khổ luyện thư pháp nhiều đến nỗi thoái bút 退筆 (bút bị cùn do viết chữ) chất cao thành gò. Vĩnh thiền sư tu luyện ở chùa Vĩnh Hân永欣, yêu thích thư pháp đến nỗi 40 năm luyện chữ trên lầu chùa mà không xuống đất (Đăng lâu bất hạ tứ thập niên登樓不下四十年), thiền sư cũng là người kế tục và nghiên cứu, phát triển “Vĩnh tự bát pháp” (Tám nét tạo thành chữ “Vĩnh”) đã được khởi xướng từ thời ông tổ bảy đời Vương Hi Chi. Giai thoại về Vĩnh thiền sư kể lại rằng: Khi nhà sư đã luyện chữ đạt đến mức độ điêu luyện, người người biết đến ông, ham thích và mong muốn sở hữu chữ ông đã chen lấn nhau xin chữ dẫm nát ngạch cửa đến nỗi phải lấy sắt bao lại, gọi là “Thiết môn hạn” 鐵門限. Nhà Đường có nhà sư Hoài Tố 懷素 nhà nghèo không có tiền mua giấy, phải tập viết trên lá chuối mà được xưng tụng là “Thảo thánh”. Dần dần, người yêu thích thư pháp không chỉ là bậc vua chúa, kẻ sĩ mà còn có cả thứ dân cũng rất thích mà ngày nay còn lưu truyền nhiều câu chuyện thú vị: Đường Thái Tông 唐太宗 rảnh rỗi lại luyện “Trừu không luyện tự” 抽空練字 (lấy ngón tay mà viết chữ vào không khí), nửa đêm đốt đuốc luyện Lan Đình tự 蘭亭字 (chữ của Vương Hi Chi trong “Lan Đình tập tự” 蘭亭習字) thật đáng khâm phục. Lương Vũ Đế 梁武帝 vì quá ham thích nét chữ Thư thánh đã truyền lệnh thu thập bút tích và ra lệnh trong cung phải lấy chữ viết của Vương Hi Chi làm chuẩn, nhà vua còn sai Chu Hưng Tự 周興嗣 soạn “Thiên tự văn” 千字文 bằng bốn cách viết thư pháp của Vương Hi Chi, dùng nó làm phương tiện dạy chữ Hán và viết thư pháp trong cung còn lưu truyền tới ngày nay.


Thư pháp đồng hành với sự phát triển và ổn định của chữ Hán, có lịch sử trải dài và thời đại nào cũng có những thư gia tiêu biểu với dấu ấn cá nhân không pha trộn. Đời nhà Tần không thể không kể đến “đệ nhất thư pháp gia” – tể tướng Lý Tư 李斯 , Triệu Cao 趙高 hay Mẫu Kính 母敬. Nhà Hán cũng góp mặt những thư gia như Sử Du 史游, Trương Chi 張芝, Tào Hỷ 曹喜, Sái Ung 蔡邕, Lương Hộc 梁鵠, Lưu Đức Thăng 劉德升… Đời Tam Quốc và Tây Tấn có Hàm Đan Thuần 邯鄲淳, Vỹ Đản 偉誕, cha con Vệ Ký 衛覬-Vệ Cẩn 衛瑾, Lục Cơ… Đời Đông Tấn có gia đình Vương Hi Chi 王羲之-Vương Hiến Chi 王獻之-Vương Tuần 王珣-Vương Dân 王民. Thư pháp đời Nam Bắc triều có Bạc Thiệu Chi 薄紹之, Vương Tăng Kiều 王僧虔, Đào Hoằng Cảnh 陶弘景, Vương Bao 王褒… Xuôi đến thời thịnh vượng nhất của thư pháp chữ Hán là đời Tùy – Đường cũng sản sinh nhiều cái tên như: Trí Vĩnh 智永, Đinh Đạo Hộ 丁道護, Âu Dương Tuân 歐陽詢, Ngu Thế Nam 虞世南, Lục Giản Chi 陸柬之, Vũ Tắc Thiên 武則天, Lý Ung 李邕, Trương Húc 張旭, Hàn Trạch Mộc 韓擇木, Hạ Tri Chương 賀知章, Nhan Chân Khanh 顏真卿, Liễu Công Quyền 柳公權, Đỗ Mục 杜牧, Cao Nhàn 高閑… Đời Ngũ Đại với Dương Ngưng Thúc 楊凝式, Từ Huyễn 徐鉉… Đời Tống có Lý Kiến Trung 李建中, Vương An Thạch 王安, Tô-Hoàng-Mễ-Sái (Tô Thức 蘇軾, Hoàng Đình Kiên 黄庭堅, Mễ Phế 米芾, Sái Tương 蔡襄), Nhạc Phi 岳飛, Lục Du 陸游, Vương Đình Quân 王庭筠,… Đời nhà Nguyên có Triệu Mạnh Phủ 趙孟頫, Tiêu Vu Khu 鮮于樞, Nghê Tán 倪瓚… Đời Minh-Thanh với những cái tên tiêu biểu như: cha con Tống Liêm 宋濂-Tống Thoại 宋璲, Trần Hiến Chương 陳獻章, Thẩm Chu 沈周, Hình Đồng 邢侗, Trương Thụy Đồ 張瑞圖, Phó Sơn 傅山, Vương Đạc 王鐸, Kim Nông 金農, Bao Thế Thần 包世臣, Hà Thiệu Cơ 何紹基, Trần Diệc Hi 陳亦禧, Tề Bạch Thạch 齊白石, Trịnh Bản Kiều 鄭板橋… Ngay cả đến thời hiện đại, số lượng thư gia cũng hết sức nhiều, có thể kể đến vài cái tên như: Trịnh Văn Trác 鄭文焯, Tăng Hi 曾熙, Hoàng Tân Hồng 黄賓虹, Hồ Tiểu Thạch 胡小石, Lỗ Tấn 魯迅, Quách Mạt Nhược 郭末若, Vu Hữu Nhiệm 于右任, Mã Nhất Phù 馬一浮…

Trên đây chỉ là vài cái tên tiêu biểu nhất của nghệ thuật thư pháp chữ Hán qua các triều đại. Kỳ thực, số lượng các nhà thư pháp Trung Hoa còn rất nhiều và ngày càng có nhiều người tiếp nối bộ môn nghệ thuật này. Điểm qua một số cái tên như vậy cũng đủ để thấy sức hấp dẫn lòng ham thích nghiên cứu, luyện tập của người Trung Quốc lớn thế nào. Thư pháp tinh tế không chỉ ở chỗ phải trải qua khổ luyện mới có nét chữ đẹp, có hồn mà nghệ thuật cho chữ cũng là một nét văn hóa. Chữ được viết ra là kết tinh của những năm tháng khổ luyện không ngừng của người viết, nó còn thể hiện cảm xúc, tình cảm và suy nghĩ của người tạo chữ. Chính vì thế, việc cho chữ cho ai cũng là điều mà các thư gia hết sức coi trọng, không phải ai cũng được tặng chữ. Văn hóa Trung Quốc nặng lễ nghĩa, coi trọng sách vở, chữ nghĩa, người có học luôn được trọng vọng, làm quan cũng lấy chữ nghĩa làm đầu, lời nói của người nhiều chữ rất có trọng lượng… tâm lý ấy không chỉ tồn tại trong xã hội mà ngay trong cả phạm vi gia đình truyền thống người Hoa, kẻ thất học không bao giờ được xem trọng, khó có thể thay đổi địa vị của mình. Mặt khác, viết thư pháp lại được xem là nghệ thuật của chữ nghĩa, do đó người viết cũng không thể tặng chữ mình cho đối tượng mình không xem trọng, rất khó để có thể ép một thư gia viết chữ khi tâm họ không mong muốn vì khi đó nét chữ sẽ không đẹp vì tấm lòng không thỏa mãn. Truyền thống từ ngày xưa để lại, các nhà thư pháp chỉ tặng chữ chứ không đem ra bán như bây giờ, họ cũng chỉ tặng anh em, bạn bè thân hữu mà họ quý mến, tuyệt đối không cho chữ tùy tiện. Người được tặng chữ phải là người có học, biết quý trọng và nâng niu chữ mình được tặng. Người Trung Quốc thường treo chữ thư pháp ở giữa gian phòng khách, hay bên cột nhà chính hay trước cửa, cổng nhà, đình thể hiện sự trang trọng, đề cao chữ được tặng, xem chữ là một vật quý giá trong nhà, ở những vị trí đặc biệt quan trọng trong không gian sống.

Kỳ 2 : Thú chơi cũng lắm công phu


Bài đã đăng trên tạp chí Văn hóa Phật Giáo
số 182 ra ngày 1/8/2013




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét