Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

TRUYỆN THƠ “QUAN ÂM THỊ KÍNH” VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT ĐỂ LẠI TRONG NỀN VĂN HỌC NÔM VIỆT NAM


Truyện Quan Âm Thị Kính là một tác phẩm văn học khuyết danh được lưu truyền thông qua nhiều hình thức khác nhau. Nó đã trở nên quen thuộc với đông đảo quần chúng nhân dân Việt Nam. Tác phẩm mang màu sắc của Phật giáo, xuất phát từ một sự tích mà có tài liệu cho rằng có nguồn gốc từ Cao Ly, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát 觀世音菩薩 đã đầu thai xuống trần tu hành được 9 kiếp, đến kiếp thứ 10, ngài tiếp tục giáng sanh vào nhà họ Mãng ở nước Cao Ly 高麗.

Ở nước ta, tích truyện Quan Âm Thị Kính được lưu truyền trong dân gian Việt Nam từ lâu qua một số loại nghệ thuật dân gian như: hát chèo, cải lương, kịch, truyện thơ và truyện văn xuôi. Vở chèo Quan Âm Thị Kính ra đời trước, sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Truyện thơ Quan Âm Thị Kính chưa biết đã được sáng tác vào năm nào và do ai sáng tác. Từ lâu, nó được xem là một tác phẩm khuyết danh 缺名 nhưng qua một số công trình nghiên cứu và các cuốn gia phả còn được gìn giữ, chúng ta có hai giả thiết khác nhau về vấn đề tác giả của Quan Âm Thị Kính như sau:

- Theo nhà nghiên cứu Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm (1902-1977), tác giả của truyện thơ này là Nguyễn Cấp 阮伋(? - ?), một nhà văn sống vào nửa đầu thế kỉ XIX. Ông là người ở thôn Thượng, xã Nguyên Khiết, huyện Thọ Xương; nay thuộc thành phố Hà Nội. Sau khi đỗ Giải nguyên năm Quý Dậu (1912), ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Thiên Trường (1829). Sau vì một chuyện lôi thôi trong kiện tụng mà vợ ông có dính líu, ông bị bắt giam, nhưng trốn được. Nhờ Nguyễn Công Trứ 阮公著 bấy giờ đang làm Tham tán quân vụ ở Lạng Giang che chở, nên ông đến ẩn tu tại đây. Tác phẩm Quan Âm Thị Kính được ông sáng tác vào lúc cuối đời, đã thể hiện phần nào tâm sự u uất của ông.

- Theo Gia phả họ Đỗ 杜氏Bắc Ninh do Dương Xuân Thự 陽春曙 cung cấp, thì truyện thơ Quan Âm Thị Kính do Đỗ Trọng Dư 杜仲璵 (1786 - 1868) sáng tác. Ông là người xã Đại Mão, huyện Siêu Loại, xứ Kinh Bắc; nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đỗ Hương cống năm 1819, ông được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tri phủ Quốc Oai. Ở đây, ông bị kiện là thu tiền của dân không hợp lệ nên bị bãi chức (vì xin một chức vị trong phủ không được, mà một Nho sinh đã làm đơn kiện ông), phải về nhà dạy học. Chán nản với thế sự, ông đã viết Quan Âm Thị Kính để gửi gắm lòng mình. Năm 1876, con ông là Cử nhân Đỗ Trọng Vĩ 杜仲偉chép lại, đến năm 1948, thì tác phẩm (bản bằng chữ Quốc ngữ) được in ra (bản in đề rõ là của Đỗ Trọng Dư).


Đề cập đến vấn đề tác giả của tác phẩm này, GS. Nguyễn Huệ Chi có ý kiến như sau: Chưa rõ hai giả thuyết trên, thuyết nào gần chân lý hơn. Cũng có thể cả hai người, Nguyễn Cấp vả Đỗ Trọng Dư đều có liên quan đến việc cho ra đời tác phẩm Quan Âm Thị Kính...Tuy nhiên có phần chắc Đỗ Trọng Dư là người soạn sau, vì bản in sớm nhất truyện thơ Quan Âm Thị Kính hiện còn là vào năm Tự Đức 21 (1868).

Như vậy, cho đến ngày nay, vấn đề xuất xứ, nguồn gốc cũng như tác giả cụ thể của Quan Âm Thị Kính vẫn còn là những nghi vấn văn học chưa được sáng tỏ và vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm của các nhà nghiên cứu. Chính vì thế, cho đến hôm nay, trong khi chờ đợi các nhà nghiên cứu tìm hiểu, bổ túc thì tác phẩm này vẫn được xem là một tác phẩm khuyết danh.

            Quan Âm Thị Kính được lưu truyền qua nhiều đời dưới nhiều hình thức khác nhau vô cùng đa dạng, phong phú về thể loại dựa trên một nội dung như hát chèo, cải lương, kịch, truyện thơ và truyện văn xuôi. Vở chèo Quan Âm Thị Kính ra đời trước, sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Truyện thơ Quan Âm Thị Kính chưa biết đã được sáng tác vào năm nào và do ai sáng tác, chỉ biết bản in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này gồm có 788 câu thơ lục bát và một lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ. Sau đó có nhiều bản văn khác chép lại câu chuyện này như bản của cụ Thiều Chửu, bản của G.S Dương Quảng Hàm giới thiệu, gồm 786 câu, và có thể chia làm 5 hồi:
-         Thị Kính mắc tiếng oan giết chồng (câu 1-224)
-         Thị Kính đi tu (câu 225-370)
-         Thị Kính mắc tiếng oan với Thị Mầu (câu 371-584)
-         Thị Kính nuôi con Thị Mầu (câu 385-692)
-         Thị Kính rửa sạch tiếng oan và thành Phật (câu 693-786)

Trong quá trình lưu hành, ở một số vùng, người ta đã tự ý sửa lại hoặc viết lại câu chuyện Quan Âm Thị Kính. Ngày nay còn có thể tìm thấy một số dị bản, thậm chí có bản viết mới lại hoàn toàn như Truyện Thị KínhNghệ-Tĩnh, và tiêu biểu hơn cả là vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính...

Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung chính của tác phẩm này, trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu về nhan đề truyện. Theo cụ Thiều Chửu trong cuốn “Giải thích truyện Quán Âm Thị Kính”, NXB Đà Nẵng, năm 2002, nhan đề tác phẩm được giải thích như sau:

+ Quán Âm : Theo nghĩa cứu đời thì là một vị Bồ Tát coi xem cái tiếng đời kêu tên ngài mà ngài cứu cho. Tiếng kêu mà lại nói là coi xem được, là vì Bồ Tát đã tu chứng tới cõi sáu căn cùng dùng chung được, như tai có thể trông, mắt có thể nghe được vậy. Theo nghĩa tự tu, là Bồ Tát dùng cái trí tuệ sáng láng chiếu rọi vào trong, thấy rõ cái bản tính vì sao mà nghe được tiếng tâm của thế gian mà ngộ đạo vậy.

+ Thị Kính : Thị là họ, đàn bà dùng chữ Thị để phân biệt khác với lối đặt tên của đàn ông. Kính là giữ gìn nghiêm cẩn, không phóng túng buông lung. Trong kinh Phổ Môn nói: Chúng sinh tham dục quá, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, tự nhiên sạch lòng tham dục; Chúng sinh hay giận dữ, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát, liền sạch lòng giận dữ; Chúng sinh ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ Tát liền hết ngu si. Ấy là cái chính nghĩa chữ KÍNH là cái công hiệu chữ KÍNH đó. Hễ hiểu được nghĩa chữ KÍNH, làm cho được hết chữ KÍNH, tức là tiến được quá nửa con đường vào đạo vậy. Khi bà Thị Kính tới chùa Vân mà sự cụ đặt tên cho là Kính Tâm, cũng một ý ấy vậy.

Theo nghĩa kinh điển nhà Phật hai chữ “quan” và “quán” có đồng một nghĩa. Do vậy, có thể gọi tên tác phẩm là “Quan Âm Thị Kính” hay “Quán Âm Thị Kính” cũng không làm thay đổi ý nghĩa nhan đề tác phẩm.


Quan Âm Thị Kính đã xây dựng nên rất nhiều những nhân vật với những tính cách, số phận khác nhau. Có thể nói, với tác phẩm này, tác giả của nó đã tạo ra một bức tranh sinh động về xã hội phong kiến - nơi có những điều bất công, vô lí, những điều ràng buộc con người và còn cả những oan tình mà chỉ có cái chết mới giải tỏa được. Nhân vật trong tác phẩm là một Thị Kính氏敬 đoan trang, thùy mị, là hiện thân của đức Bồ Tát Quan Thế Âm nhưng lại chịu nỗi oan giết chồng đến mức phải bỏ nhà ra đi, nương nhờ nơi cửa Phật, chính Thị Kính chính là hiện thân của điều mà tác giả muốn gửi gắm thông qua tác phẩm này: đó là chữ Hiếu và chữ nhân của người xuất gia theo thiền môn.

Vướng phải oan tình khó gỡ với gia đình họ Sùng 崇氏, Thị Kính lên chùa nương nhờ cửa Phật với cái tên Kính Tâm 敬心, tuy vậy vẫn một lòng thương nhớ cha mẹ, tác giả đã xây dựng nên nhân vật Kính Tâm hiếu thảo với cha mẹ nhằm từ đó nêu lên được tình cảm cao cả của một con người đã xuất gia để đến với đạo Phật: họ không gạt bỏ tình cảm gia đình mà đã nâng tầm tình cảm ấy lên một mức cao hơn, sâu sắc và thắm thiết hơn. Thông qua nhân vật này, truyện thơ đã thể hiện một quan điểm: hiếu thảo với cha mẹ không chỉ đơn thuần là chăm sóc, phụng dưỡng tận tình, chu đáo mà chữ hiếu ấy còn là tìm cách để cha mẹ thoát khỏi vòng luân hồi, theo hướng giải thoát của đạo Phật. Không chỉ có thế, nhân vật Kính Tâm còn là một đại diện cho tấm lòng nhân ái cao cả của một con người: Kính Tâm mặc dù bị Thị Mầu vu oan, chịu khổ sở, nhưng vẫn hết lòng nuôi con Thị Mầu chu đáo, tận tình như nuôi con đẻ của chính mình. Đó là con người của cửa thiền và luôn từ bi hỉ xả 慈悲喜捨theo tinh thần Phật đà. Xây dựng nên nhân vật này, tác giả của nó đã qua đó phản ánh được con người dưới những bất công đè nén nhưng dưới con đường của nhà Phật vẫn một lòng nhân ái, yêu thương con người và hiếu thuận với những người sinh thành, từ đó tạo nên một màu sắc Phật giáo trong toàn tác phẩm.

Ngoài nhân vật chính là Kính Tâm, tác phẩm còn tạo nên nhiều nhân vật khác cũng đã đi sâu vào tiềm thức của nhân dân như Thị Mầu 氏牟 - một người phụ nữ lẳng lơ, ngây thơ, đầy sức xuân nhưng bị trói buộc bởi lễ giáo khắt khe của phong kiến. Thị Mầu là một nhân vật với tính cách gần như đối trọng với Kính Tâm, một là lẳng lơ, một là điềm đạm, nhẹ nhàng. Quan Âm Thị Kính đã thành công khi đã xây dựng được nhân vật Thị Mầu đã trở thành một khẩu ngữ thường ngày của nhân dân ta, nhất là nhân dân Bắc bộ. Cụm từ Thị Màu lên chùaoan Thị Màu là một điển tích điển cố trong số những điển cố hiếm hoi của ta, cố nhiên là so với điển cố của Trung Hoa.

Cũng cần phải kế đến những nhân vật khác như Thiện Sĩ 善士, Sùng bà 崇婆, Mãng ông 莽翁, Mãng bà 莽婆, Nô … Mỗi nhân vật được miêu tả và khắc họa với những đặc điểm, những nét tính cách riêng biệt nhưng cũng đã góp phần làm nên nét đặc sắc của tác phẩm và ít nhiều có sức sống trong lòng nhân dân ta qua nhiều thế hệ.


Quan Âm Thị Kính là một trong những tác phẩm thành công khi xây dựng tình huống truyện. Mở đầu là những dòng thơ miêu tả cuộc sống, gia cảnh của Thị Kính và Thiện Sĩ. Tình huống của truyện thực sự bắt đầu với nỗi oan của Thị Kính, Thị Kính bị kết tội giết chồng mà không thể dùng một lời nào thanh minh, hóa giải được. Trong cái tình thế chữa dép vườn dưa ấy, Thị Kính không còn cách nào khác mà phải chấp nhận oan tình ấy, buộc rời khỏi nhà. Tình huống này chính là bi kịch đầu tiên mở màn cho cuộc đời đầy những nỗi oan của Thị Kính, từ đó tạo nên một sự xung đột trong gia đình nàng, Sùng bà và Thiện Sĩ nhất mực đổ tội cho Thị Kính đang tâm mưu sát chồng, đuổi Thị Kính về nhà cha mẹ, xây dựng tình huống như vậy không đơn thuần là nói lên sự xung đột, mâu thuẫn trong nội bộ gia đình mà còn qua đó nói lên được mâu thuẫn của xã hội thông qua việc mô tả mâu thuẫn gia đình. Tình huống nói lên thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn chịu những bất công, đau khổ, những nỗi oan không biết tỏ cùng ai cũng như những bế tắc về tư tưởng, số phận con người.

         Nỗi oan thứ hai trong đời Thị Kính chính là bị Thị Mầu vu oan. Tình huống được tạo nên với nỗi oan từ trên trời rơi xuống làm cho Thị Kính lại một lần nữa chấp chịu nó. Cự tuyệt với Thị Mầu, Thị Mầu ngủ với Nô có thai lại đổ là con của Kính Tâm, tình huống được xây dựng để nói lên những ngang trái, oái oăm, tố cáo chế độ phong kiến áp bức, hà khắc với người phụ nữ như Thị Mầu để phải đổ tiếng oan cho Kính Tâm. Tình huống là một lời tố cáo xã hội, nó cũng là sự xót thương cho thân phận con người mỏng manh, không tìm được cho mình nơi bình yên cho dù có quy y nơi cửa Phật từ bi.

Tâm lí nhân vật cũng là một điểm rất đặc sắc của Quan Âm Thị Kính, tâm lí của nhân vật Thị Kính khi chịu đựng đến mức phớt đời trước những oan khuất của mình, mặc dù thừa sức giãi bày, tự mình biết mình trong sáng để cuối cùng siêu thoát vào cõi Phật. Đó không chỉ là nét tâm lí riêng của nhân vật mà đó còn là đại diện cho nét tâm lí chung của cả dân tộc Việt Nam mà Thị Kính cũng chỉ là một tiêu biểu, nó bộc lộ cái run rẩy của người Việt trước một xã hội vô thường mà trong một khoảnh khắc thiện chí có thể là đầu mối của tội lỗi, oan khiên. Diễn biến trong tâm lí nhân vật Thị Kính chính là những nét tâm lí thường thấy của con người Việt Nam trải qua chế độ phong kiến lâu dài, chịu đựng nỗi oan để mong tìm được giải thoát nơi cửa Phật. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng làm cho tác phẩm gần gũi với nhân dân.


Một trong những yếu tố tạo nên giá trị nghệ thuật của “Quan Âm Thị Kính” chính là ở ngôn ngữ của nhân vật. Ở đây, ta thấy ngôn ngữ được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, chính xác đối với từng nhân vật (mỗi kiểu nhân vật mang một kiểu tính cách khác nhau từ đó dẫn đến ngôn ngữ của họ cũng khác nhau, phù hợp với tính cách của mỗi người, Thị Kính nhẹ nhàng, từ tốn, Thị Mầu lẳng lơ…).

Kiểu ngôn ngữ trong tác phẩm còn thể hiện sự linh hoạt đối với mỗi số phận, mỗi tình huống, mỗi tính cách, trong những tình huống khác nhau thì ngôn ngữ nhân vật lại khác nhau cho phù hợp với tình huống ấy.

Ngoài ra, xét về phương diện ngôn ngữ của tác phẩm, ta còn thấy nổi rõ một nét nhuần nhuyễn, thuần tính trong cách nói của nhân vật, mỗi nhân vật được triển khai dưới những nét tính cách khác nhau sẽ có cách giao tiếp, cách nói chuyện, suy nghĩ khác nhau, những đoạn độc thoại nội tâm khác nhau. Điều này tạo nên sự nổi bật trong tính cách nhân vật, tô đậm hơn tính cách của nhân vật trong lòng người đọc, từ đó tạo nên những điển hình văn học cụ thể cho từng nhân vật của “Quan Âm Thị Kính”.

Theo G.S Nguyễn Huệ Chi (Viện Văn học), nhân vật Thị Kính từ lâu đã trở thành một điển hình sắc sảo cho số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, nơi tập trung chồng chất mọi nỗi bất công, oan nghiệt. Và thông qua cuộc đời Thị Kính, bức tranh ngang trái đầy mâu thuẫn của xã hội phong kiến thời tác giả sống, hiện lên thật rõ nét...Thêm vào đó, “bút pháp viết truyện của tác giả thật già dặn, lời thơ nhiều chỗ điêu luyện, chải chuốt (châm biếm hóm hỉnh, như khi nói về Thị Mầu; dồi dào cảm xúc như khi nói về cái chết của Thị Kính) nên càng tăng sức phổ biến của tác phẩm (câu thành ngữ “Oan như Thị Kính” quen thuộc của người Việt đã chứng tỏ sức sống của câu chuyện)...Tuy nhiên, triết lý “nhẫn nhục” cũng đã làm cho truyện thiếu đi một sức phản kháng cần thiết”.

Theo G.S Thanh Lãng (Viện Đại học Sài Gòn), tư tưởng trong Quan Âm Thị Kính là tư tưởng Phật giáo. Đời là một bể khổ mà mỗi người là một con thuyền vô trạo, một cánh bèo trôi giạt ở bến mê. Đời Thị Kính là một thí dụ. Đời buồn là thế, chúng sinh muốn hết khổ thì phải tìm đến con đường tu hành. Do vậy, luân lý của truyện có thể tóm lại ở câu:
“Nhân sinh thành Phật dễ đâu,
Tu thân, cứu khổ, rồi sau mới thành…”

Xét về phương diện nghệ thuật, “từ đầu đến cuối, truyện rất ly kỳ và mạch lạc, có những đoạn gây hồi họp, thắc mắc...Nhưng đi vào chi tiết, ở một đôi chỗ có hơi máy móc, như đoạn tả nỗi oan mưu giết chồng...Câu văn Quan Âm Thị Kính là thứ văn tôn giáo, thanh đạm và trang nghiêm. Tuy nhiên, có nhiều đoạn tả cảnh, tả tình rất tinh tế tỏ ra cái tài của tác giả. Nói tóm lại, văn ở đây tuy không bay bướm nhưng không phải là thứ văn tầm thường, nó đáng liệt vào những tác phẩm có giá trị”.

Theo nhà nghiên cứu văn học sử Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (quyển Trung), “truyện Quan Âm Thị Kính chính là một lời cảnh báo cho những người chọn con đường thanh nhàn khi đi tìm tới đạo Phật. Để đắc đạo, người ta phải chỉ chịu khổ hạnh, mà còn phải chịu những oan ức bất công nữa...Như Thị Kính, oan uổng đến vậy mà không hề oán trách trời và số phận, chỉ lấy từ tâm mà chiến thắng cảnh ngộ...
“Chữ rằng nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu.”
Ngoài ra ở truyện, ta cũng có thể nhận ra cái thuyết "tài sắc phong trần”. Thị Kính bị oan ức, bị quấy rầy, chẳng qua vì nàng có tài sắc hơn người:
Trời sinh tài sắc làm chi,
Hoa thơm bướm cũng có khi bận lòng...”.

Xét từ góc độ hình thức thể hiện của tình huống truyện, người đọc cảm nhận được tình tiết truyện có chỗ gò ép, như việc hiểu lầm của Thiện Sĩ, đã gây ra cái oan thứ nhất. Cái oan thứ hai với Thị Mầu được xây dựng khéo hơn...Văn phong của tác phẩm khá mộc mạc, giản dị và dường như đã phần nào chịu ảnh hưởng của văn Kiều.

Cùng với những tác phẩm truyện thơ khác mang hơi hướng Phật giáo hay dùng trong nó những chi tiết liên quan đến nhà Phật như: Cung oán ngâm khúc 宮怨吟曲 của Nguyễn Gia Thiều 阮嘉韶, Phan Trần 潘陳“Quan Âm Thị Kính” cũng là một trong những truyện thơ Nôm mang trong mình màu sắc Phật giáo tương đối rõ nét. Thông qua hình ảnh của nhà chùa nơi Kính Tâm nương nhờ mà nói lên được rất nhiều những nét, những tinh thần của nhà Phật. Tuy nhiên, xét về phương diện xây dựng nhân vật thì trong Quan Âm Thị Kính kỹ thuật xây dựng có phần thâm thuý hơn một số tác phẩm cùng thời khác, nhân vật ở đây không những có thái độ tự giác mà còn mang những đức tính từ bi, hỷ xả đạo đức, luân lý của nhà Phật, mang tấm lòng xả thân vì chánh pháp cứu giúp cho trần thế của phật tử.

Quan Âm Thị Kính là tác phẩm làm sáng tỏ đạo lý từ bi của Phật với hình tượng Thị Kính - đó là hiện thân của lòng từ bi của đức Phật bà (chấp nhận, nhẫn nhục trước mọi oan trái cuộc đời để hướng tới sự giải thoát), con người ấy không chỉ biết giữ đức độ cho cá nhân mà còn đem lòng từ bi ấy cứu giúp người khác theo tinh thần chánh pháp. Truyện Quan Âm Thị Kính trình bày quan niệm giải thoát dưới nhãn quan của người xuất gia. Tu hành không phải là hình thức tiêu dao nơi cửa Phật, làm duyên với hoa đàm, đuốc tuệ, an vui với tiếng mõ câu kinh, mà tu hành phải khổ hạnh, phải trải qua bao nhiêu thử thách gian truân, đó là cơ hội cho người ta lấy tâm từ để chiến thắng cảnh ngộ, không chỉ giải thoát cho cá nhân, mà còn cứu độ tha nhân. Ý nghĩa, giá trị Phật giáo của tác phẩm nằm ở đấy.

 Quan Âm Thị Kính là một truyện thơ mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, nó diễn tả, phản ánh những nét tâm lý, những suy nghĩ được truyền qua từ rất lâu đời của người Việt Nam, đó chính là tâm lý cam chịu, chấp nhận trước những bất công, ngang trái của xã hội, đó là một thái độ “phớt đời”, thường nơi yên bình để lánh xa những điều nhiễu nhương của xã hội, đó còn là sự run rẩy, e sợ trước cái xã hội còn có quá nhiều điều bất hợp lí đối với thân phận con người.

Mặc dù ra đời sau tích chèo Quan Âm Thị Kính được lưu truyền khá lâu đời trong dân gian nhưng truyện thơ Quan Âm Thị Kính đã góp phần làm phong phú thêm cho nền văn học trung đại Việt Nam, thể hiện sự tinh tế, khéo léo của tác giả trong cách dùng điển, cách miêu tả nhân vật, cốt truyện và cách diễn đạt tư tưởng.

Là một trong những truyện thơ Nôm tiêu biểu của nền văn học trung đại Việt Nam, Quan Âm Thị Kính có một chỗ đứng tiêu biểu cho riêng mình, tác phẩm cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác tác giả của nó nhưng Quan Âm Thị Kính là một truyện thơ hay, có sức hấp dẫn và gần gũi với đông đảo nhân dân Việt Nam trải qua nhiều thế hệ.


 Cùng với những truyện thơ Nôm tiêu biểu khác, Quan Âm Thị Kính đã hình thành nên một nét riêng không trộn lẫn trong nền văn học Việt Nam, mang đến cho văn học dân tộc những cách nhìn, dư vị mới độc đáo mà không bất cứ dòng văn học nào có thể có được.


Man Đức Huy
(Tổng hợp Văn K32 A)
Bài đã đăng trên 
Tạp chí Văn hóa Phật Giáo



1 nhận xét: