Thứ Ba, 23 tháng 12, 2014

GÓP PHẦN TÌM HIỂU BÀI THƠ “XUÂN VỌNG” CỦA ĐỖ PHỦ (Thầy Võ Minh Hải)


    春望


國破山河在,
城春草木深。
感時花濺淚,
恨別鳥驚心。
烽火連三月,
家書抵萬金。
白頭搔更短,
渾欲不勝簪。


Phiên âm: Xuân vọng

Quốc phá sơn hà tại,
Thành xuân thảo mộc thâm.
Cảm thì hoa tiễn lệ,
Hận biệt điểu kinh tâm.
Phong hoả liên tam nguyệt,
Gia thư để vạn kim.
Bạch đầu tao cánh đoản,
Hồn dục bất thăng trâm.

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Nước phá tan, núi sông còn đó,
Đầy thành xuân cây cỏ rậm sâu.
Cảm thời hoa rỏ dòng châu
Biệt ly tủi giận, chim đau nỗi lòng.
Ba tháng khói lửa ròng không ngớt,
Bức thư nhà, giá đắt bạc muôn.
Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun,
Dường như hết thảy, e khôn búi tròn.

Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi, chết sau họ Lý 8 năm (712-770), tự là Tử Mỹ, hiệu là Thiếu Lăng, tổ quán ở Tương Dương, sinh ra trong một gia đình văn học nghèo. Thời trai tráng ông đã từng lang bạt khắp Ngô, Việt, Tề, Lỗ, 30 năm trường không rời lưng lừa, mãi đến năm 39 tuổi mới nhận một chức quan nhỏ. Đến tháng 3 năm 757, trong cơn biến loạn An – Sử, ông bị cầm tù ở Trường An, cảm thời thế, xót dân tình và tiếc thương cho đất nước, ông sáng tác khá nhiều tác phẩm như: Nguyệt dạ, Bi Trần Đào, Ai giang đầu và nổi bật nhất là Xuân Vọng.

Xuân Vọng thể hiện hình ảnh mùa xuân buồn bã với cảnh vật thê lương và nỗi trống trải cô đơn của con người. Bài thơ có thể chia làm hai đoạn như một số nhà nghiên cứu đã từng làm, 4 câu đầu là mùa xuân trong cách nhìn của tác giả, 4 câu sau là nỗi đau của nhà thơ giàu tâm huyết. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đặt vấn đề tìm hiểu hai câu thơ đầu nhằm giúp cho người đọc có thể hiểu rõ hơn ý tưởng của tác giả.

“Quốc phá sơn hà tại
Thành xuân thảo mộc thâm…”

Về cách dịch của hai câu thơ này, lâu nay các dịch giả vẫn xem chữ Xuân trong câu hai là danh từ và dịch nghĩa như sau : Nước bị tàn phá, còn núi sông; Thành mùa xuân, cỏ cây âm u… (SGK Thí điểm lớp 10, Bộ 2 – Tập 2, Phan Trọng Luận (chủ biên), NXB GD 2003).

Từ góc độ văn tự, chúng tôi mạn phép nêu lên một cách hiểu khác nhà làm rõ hơn ý tưởng của nhà thơ. Bắt đầu từ chữ Quốc, nếu chiết tự ra thì chữ này bao gồm chữ Vi (vây quanh), Qua (một loại vũ khí), Khẩu (cái miệng, tức người lao động) và Nhất (số một). Theo Lễ cổ, đất đai của thiên tử là cả thiên hạ, sau đó thiên tử căn cứ vào công lao mà ban đất, người lao động, vũ khí cho các sĩ khanh đại phu để lập quốc định bang, xây dựng chính quyền. Như vậy, câu thơ “Quốc phá, sơn hà tại” có nghĩa là đất nước đã bị tàn phá nhưng núi sông vẫn còn. Đất nước ở đây nên hiểu là quốc gia do một dòng họ lập nên trên lãnh thổ Trung Hoa đã bị lụn bài nhưng núi sông đất đai vẫn hằng tồn. Điều này góp phần khẳng định tính bất biến của khái niệm “Quốc gia” và khái niệm “Sơn hà” trong quan niệm của người Trung Quốc nói chung và Đỗ Phủ nói riêng. 

Ở câu thơ thứ hai : “Thành xuân, thảo mộc thâm” đã được rất nhiều dịch giả chuyển nghĩa rất công phu như : “Thành xuân, cây cỏ mộc đầy” (Trần Trọng San), “Thành về mùa xuân cây cỏ chìm trong âm u” (Trần Xuân Đề) hay “Thành mùa xuân cây cỏ âm u” (Nguyễn Thị Bích Hải). Những cách dịch trên đều có những chỗ đạt và chư đạt, ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một vài điểm khúc mắc nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của câu thơ.

Đó là hai từ Xuân và Thâm. Như trên đã nói, Xuân từ loại gốc của nó là danh từ, nói đến một mùa trong tứ quý. Song ở đây chữ Xuân nên hiểu là động từ, tức là chúng ta phải xem xét đến yếu tố linh hoạt của việc sử dụng từ loại trong cổ văn. Vì thế, Thành xuân nên dịch là Thành đã vào xuân hay thành xuân sẽ làm cho ý nghĩa của câu thơ trở nên linh hoạt hơn và hợp với vế sau, đặc biệt là chữ Thâm. Thâm, nếu đi với các từ chỉ về nước hay mưu chước thì nó lại có ý nghĩa là sâu, khi đi với từ chỉ cây cỏ thì nó lại có nghĩa là sum suê, tươi tốt và như vậy cả câu thơ nên hiểu là : Thành vào mùa xuân, cỏ cây trở nên sum suê (tươi tốt).

Từ những điều đã trình bày, chúng ta có thể cảm nhận được cái nhìn tinh tế của thi nhân về cảnh vật thiên nhiên đặt trong mối quan hệ với con người : “Sông núi vẫn còn đó” là ở ngoài không còn gì nữa, “hoa cỏ tốt tươi” tức là không có người, hoa và chim thường là vật làm cho người vui nhưng thấy nó mà khóc, nghe nó mà buồn, tức là có thể hiểu thời thế như thế nào ?...”. (Ôn công thi thoại, Dẫn lại theo Phan Ngọc, Đỗ Phủ, nhà thơ thánh với hơn 1000 bài thơ, NXB VHTT và Trung tâm Ngôn ngữ Đông Tây, H., 2001, trang 186).

Hai câu thơ trên thực sự đã đặt tiền đề cho quá trình tìm hiểu những câu thơ còn lại theo một chiều hướng tích cực : Núi sông còn là còn tất cả ! Nhan đề bài thơ là Xuân vọng nhưng cũng là hy vọng, ngóng xuân cũng là mong một ngày mai tươi sáng hơn. Đây cũng là một điểm khá độc đáo trong phong cách hiện thực của Thi sử Đỗ Phủ.

Quy Thành, Giáp Ngọ - Đông chí
Tam Bất hiên thư trai 
Thầy VÕ MINH HẢI



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét