Thứ Tư, 12 tháng 6, 2013

CẢM NHẬN BÀI HÁT : "MẶT TRỜI BÉ CON" (Trần Tiến)



         Chiến tranh đã qua đi nhưng kí ức về một thời bom đạn vẫn còn đó. Chiến tranh là đau khổ, là chia ly, là cội nguồn của nước mắt. Cũng có nụ cười, có hạnh phúc, song nó chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc bởi chưa thể vỡ òa trên nỗi đau của tang thương. Hoài niệm và xúc động mãnh liệt với những hạnh phúc đơn sơ, nhạc sĩ Trần Tiến đã cho ra đời ca khúc Mặt trời bé con mà đến hôm nay tôi mới thật sự thấy hay, thấy ý nghĩa.

Nhạc sĩ đã từng tâm sự rằng: “Một trong những người lính ấy, ôm cây đàn phong cầm từ ngoài biển xa vào thành phố. Anh nghỉ ở nhà tôi để thi vào nhạc viện. Đêm đêm trộm nghe anh, tưởng như một người lính Nga
lãng mạn đang chơi đàn. Chiến tranh ở đâu cũng vậy, cũng chỉ một hình hài. Tâm hồn người lính ở đâu cũng vậy, cũng chỉ cùng một vẻ, đến cái chết cũng tựa như nhau. 30 năm sau, gặp lại tôi anh mừng muốn khóc, anh biết là tôi đã viết về anh - người lính hải quân năm nào cùng với lũ trẻ con lớn lên trong khu phố bom ấy, ngày ấy…”. Thật cảm động khi nghe được những dòng kí ức đã in sâu vào tiềm thức người nghệ sĩ này! Khó có ca khúc nào lại viết hay về những điều có thực. Thế nhưng Mặt trời bé con là một thành công của cái tưởng chừng khó ấy. 20 tuổi, tôi biết mình chưa thể hiểu hạnh phúc là gì nhưng khi nghe bài hát này, tôi nghĩ phải chăng niềm mơ ước nhỏ nhoi của lũ bé con khu phố bom và tâm hồn thơ mộng của người chiến sĩ hải quân năm nào cũng là hạnh phúc rồi?

“Ngoài kia, có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi. Ngoài kia, có chú bé trèo cây me mắt xoe tròn lắng nghe…”. Thuở ấy, chiến tranh hiện diện trong từng ngọn cây, kẽ lá. Âm vang của nó đã lấn át cả mọi thứ âm thanh khác thì làm gì có tiếng đàn trong trẻo, vô tư. Dễ hiểu vì sao có cô bé, chú bé ngỡ ngàng trước giai điệu du dương của tiếng đàn người lính trẻ. Có lẽ chiến tranh đã làm tiếng đàn nghe hay đến nỗi làm lũ trẻ con hạnh phúc ám ảnh đến cả trong từng giấc mơ. Ngỡ như tiếng đàn là người bạn thân thiết trên hành trình của người chiến sĩ nhưng có ngờ đâu “Đàn anh đã cho tôi, trời xanh như ước mơ tuổi thơ. Đàn anh đã cho tôi, dòng sông mang cánh buồm khát vọng”. Nó còn là niềm khát khao của biết bao con người thiếu thốn; thiếu ăn, thiếu mặt đã đành, đằng này họ còn thiếu cả tiếng đàn, thiếu một tâm hồn bình yên. Bởi lẽ tiếng đàn là tiếng lòng, là ước mơ, là quyết tâm và đầy ắp yêu thương nữa. “Hạnh phúc quá đơn sơ, mà tôi đâu có ngờ, từng đêm cô bé chờ, như chờ từng giấc mơ…Hạnh phúc quá đơn sơ, đừng quên các em thơ. Từng đêm đứng ngóng chờ, ơi mặt trời bé con”. Hạnh phúc là gì cả anh, lũ trẻ và tôi không thể nào cắt nghĩa được nhưng tiếng đàn của anh đã cho tôi biết hạnh phúc của anh là đưa ngón tay gảy lên tiếng đàn của khát vọng còn niềm vui của lũ trẻ con là nhịp đùi nghe trộm những thanh âm ấy! Nhưng hạnh phúc nhất đối với cả anh và chú bé con năm nào là cuộc hội ngộ sau ba mươi năm, anh đã khóc khi biết nhờ tiếng đàn của mình mà chú bé ngày xưa đã xem đó là kỉ niệm ấp ủ suốt cả cuộc đời và viết nên ca khúc bất hủ Mặt trời bé con. Hạnh phúc ngày ấy và hạnh phúc bây giờ khác nhau ở hoàn cảnh. Ngày ấy, hạnh phúc trong chiến tranh nhưng có nụ cười của tâm hồn con trẻ còn bây giờ, hạnh phúc trong hòa bình lại lăn dài những giọt nước mắt của kẻ đã pha sương. Nhưng hạnh phúc có bao giờ thay đổi?

Một thời đi giữa dòng người bon chen nơi phố thị, tôi đã từng thấy hạnh phúc của mình chỉ có thể tìm nơi tuổi thơ. Tuổi thơ tôi với mái nhà vách đất có ba mẹ, các anh chị quây quần bên mâm cơm trộn sắn mì; với con đường dài đằng đẵng tôi gồng mình đến trường trong những buổi mưa dông… Không còn chiến tranh nhưng vẫn còn nhiều thiếu thốn, song tôi vẫn thấy mình hạnh phúc biết bao! 

Thời gian cứ dần qua, tôi đã biết nhiều đau khổ, tôi đã nghĩ hạnh phúc đang chờ mình ở tương lai. Nhưng khi nghe bài hát này tôi mới nhận ra rằng hóa ra những hạnh phúc tưởng chừng giản dị nhất lại chính là những điều ý nghĩa nhất của cuộc sống mà cả đời con người tìm kiếm và không phải ai cũng có thể chinh phục nó cho mình. 

Và bây giờ, tôi lại thấy thấm thía lời của nhạc sĩ Trần Tiến: “Chiến tranh ở đâu cũng vậy, cũng một hình hài. Tâm hồn người lính ở đâu cũng vậy, cũng cùng một vẻ” và hạnh phúc trong hoàn cảnh nào thì cũng không phải tự dưng mà có, nó là con đẻ của đau khổ và quyết tâm mà ra. Cho nên hạnh phúc không chỉ có trong tuổi thơ như hạnh phúc của lũ trẻ con nơi phố nhỏ, cũng không chỉ có trong thời thanh niên đầy nhiệt huyết của chàng lính hải quân xưa, cũng không phải chỉ có ở cuối cuộc đời trong cuộc hội ngộ của hai kẻ tri âm. Hạnh phúc hiện diện trong suốt cả cuộc đời và ở ngay cạnh ta nhưng không phải lúc nào ta cũng nhận thấy. Thế nhưng, phải nói rằng hạnh phúc tuổi thơ là niềm hạnh phúc trong trẻo, hồn nhiên nhất. Đó là niềm vui của những tâm hồn nhiều khát vọng, luôn rực cháy những ước mơ như những mặt trời bé con nóng bỏng và ngây thơ.

Hãy yêu cuộc sống này, hãy xem mỗi ngày trôi qua là một niềm vui. Dẫu sẽ có nhiều đau khổ, đắng cay nhưng hãy tin rằng đó là con đường đưa chúng ta đến với hạnh phúc. Bài hát Mặt trời bé con là một kỉ niệm khó quên của nhạc sĩ nhưng với thế hệ người nghe chúng tôi hôm nay là một cách nhìn nhận cảm xúc và lắng đọng. Tiếng hát “Là la lá, lá la la là la, la là la” của nhóm Mây trắng thật dí dỏm đã đưa tôi miên man chìm vào một niềm hạnh phúc­_hạnh phúc được nghe nhạc mà không cần vé cũng chẳng phải trộm nhìn. Có lẽ, với tôi giờ này, hạnh phúc là như thế chăng?

Nguyễn Thị Thùy Nhân


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét