Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

ĐÔI ĐIỀU VỀ THƯ PHÁP TRUNG HOA VÀ NGHỆ THUẬT VIẾT CHỮ CỦA NGƯỜI PHƯƠNG ĐÔNG (tt)


Kỳ 2 : Thư pháp - Thú chơi cũng lắm công phu

Nếu coi thư pháp như là một thú chơi tao nhã thì quả thật nghề chơi này cũng lắm công phu. Trước tiên, người muốn học thư pháp phải có sự ham thích và năng khiếu cộng thêm vốn chữ nghĩa tương đối rộng. Thư pháp không thể nóng vội, không qua rèn luyện mà có thể thuần thục được ngay, để có thể viết được chữ đẹp, người học có khi phải mất gần nửa đời người luyện tập mới sở hữu được nét bút mang thần thái riêng không trộn lẫn. Chữ viết thư pháp nhìn có vẻ phóng khoáng, nhẹ nhàng nhưng thực chất muốn tạo hình được nó phải tuân theo một nguyên tắc cực kỳ nghiêm ngặt. Khi viết phải xác định được bố cục để có tỉ lệ chữ chính xác, tránh được tình trạng thiếu giấy hay thừa giấy. Khi đặt bút xuống để tạo chữ, người viết phải tuân theo các quy tắc viết đã được các thư gia đúc kết lại như: Ngũ chỉ pháp (cách cầm bút), Oản pháp (cách điều khiển cổ tay), nhãn pháp (điều khiển mắt), thân pháp (cách đặt thế khi biết). Đặc biệt, khi họa một bức thư pháp, người viết phải tuân theo lối viết “bạch văn” (cách viết liền một mạch, không có các dấu ngắt câu), không sử dụng “cú đậu” (các dấu tròn hay phẩy được cổ nhân sử dụng để ngắt câu khi viết) để tránh làm mất thẩm mỹ của một tác phẩm nhiều chữ.


          Thư pháp đề cao cái “thần” của con chữ, chữ của mỗi thư gia khác nhau quý cốt ở cái “thần” riêng biệt, độc đáo. Người viết thư pháp thường cố gắng tạo ra cái “thần” riêng cho chữ viết của mình tuy nhiên đó lại là điều cực kỳ khó vì nó là kết tinh của cá tính, tu dưỡng thi văn, tư tưởng, kỹ pháp và khí lực của thư gia. Theo Tôn Quá Đình, bút pháp của một thư gia lão luyện có thể tạo ra khí lực trong thiên nhiên, chẳng hạn, bút khí của thư gia như thể “phi điểu xuất lâm, kinh xà nhập thảo” (chim bay khỏi rừng, rắn sợ hãi chui vào cỏ) hay “phi hồng ký hải, vũ hạc du thiên” (hồng nhạn bay đùa trên biển, chim hạc bay múa trên trời). Thư gia lỗi lạc là người đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật viết, không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc của mình trong từng nét bút, ví như viết chữ mà nhìn ra gió, ra chim thì đó là bậc kỳ tài, biết mềm, biết rắn, nhẹ nhàng như “thiền dực” (cánh ve) nhưng cũng có khi vững chắc như “trụy thạch” (đá rơi). Ngọn bút khi lướt trên giấy nhẹ như gió thoảng mà dừng lại thì nặng như thái sơn. Để tạo được cái thần của thư pháp, việc dùng bút cũng rất quan trọng, nó thể hiện tài năng và sự tinh tế của người viết chữ. Trách Lãng trong cuốn “Họa sự vi ngôn” có nói rằng: “Câu lặc dụng ngạnh bút, trứ sắc dụng huyễn bút, công tế dụng tân bút, tả ý dụng thoái bút, giới họa dụng ngạnh bút, họa nhiễm dụng huyễn bút, câu cân dụng ngạnh tiêm bút, điểm đài dụng ngạnh thoái bút, bát mặc dụng đại huyễn bút, đạm sắc dụng huyễn thoái bút” (Bút lông cứng dùng để vẽ đường nét, bút lông mềm dùng để tô màu, bút mới để vẽ nhưng nét công phu, tỉ mỉ, bút cũ để mô tả theo lối tượng trưng tả ý, bút lông cứng để vẽ chi tiết, bút lông mềm để quét màu, bút lông cứng đầu nhọn dùng để vẽ gân lá, bút cũ lông cứng dùng để chấm những điểm rêu, bút lớn lông mềm để quét mực loãng, bút cũ lông mềm dùng để quét những mảng màu nhạt mỏng).

          Người nghệ sĩ phải cẩm nhận từ trong tâm, khi đó thì phóng bút sẽ rất nhanh và liền mạch, nhất khí, không đứt đoạn, nét bút viết ra sẽ tự khắc có thần khí khiến người thưởng thức có thể cảm nhận được. Tích xưa truyền lại, khi chiêm ngưỡng tác phẩm của Nhược Quỳ, Tô Đông Pha đã từng thốt lên tán thưởng: “Chữ viết tiêu sơ như mưa bay, phát tán một cách tự nhiên mà không cẩu thả”. Đó là sự giao cảm, đồng điệu một cách hết sức tự nhiên giữa người sáng tác và người thưởng thức nghệ thuật thông qua tác phẩm là cầu nối giao cảm, cái thần đã được thư gia gửi gắm và người xem đã nắm bắt được. Thưởng thức một tác phẩm thư pháp, người ta chủ yếu thưởng ngoạn thần thái nét bút chứ ít chú trọng đến nội dung tác phẩm. Vì thế, cho dù có viết cùng một chữ, một câu văn, một đề tài nhưng chính sự khác nhau trong cách dụng bút mà tạo ra những thần sắc riêng biệt, thu hút người xem. Cách thưởng thức này sẽ dẫn đến sự biệt lập về nội dung và hình thức của chữ, giữ gìn và đề cao lên trên hết là tính nghệ thuật của mỗi tác phẩm, tôn vinh vẻ đẹp con chữ thế nhưng nó lại gây ít nhiều khó khăn và giảm phần thích thú đối với những người am tường cũng như có mối quan tâm về nội dung, ý nghĩa văn bản chữ Hán của tác phẩm.


          Những thư pháp gia của Trung Quốc từ xưa đến nay đều có thể tìm thấy trong nét bút của họ cái “thần” rất đặc biệt. Khải thư của Liễu Công Quyền và Nhan Chân Khanh được người đời tán tụng bởi khí chất được thể hiện trong chữ viết “Nhan cân Liễu cốt” (Nhan thể có gân, Liễu thể có xương), không chỉ tạo được thần thái cho chữ viết của mình, Liễu thể và Nhan thể còn là chuẩn mực về chữ khải cho người luyện chữ. Trong các cách viết còn có lối viết “cuồng thảo” khá đặc sắc với hai gương mặt là Hoài Tố và Trương Húc đời nhà Đường. “Cuồng thảo” là cách viết thể hiện rõ nhất thần thái của người viết thông qua tác phẩm của mình, đó là khi người viết hội tụ nhiều nhất sinh khí và cảm hứng đã đạt đến độ cao nhất ắt sẽ sinh cái cuồng, khi đó chữ viết tuôn ra trôi chảy, liền mạch, không gián đoạn, viết một mạch, không dừng bút. Vì thế mà chữ viết khi được viết ra gây được ấn tượng mạnh, nhanh chóng tạo được cảm xúc cho người xem. Trường phái chữ cuồng không thể không nhắc đến “cuồng thảo nhị tuyệt” (hai bậc tuyệt đỉnh về cuồng thảo) là Trương Húc và Hoài Tố được người đời truyền miệng qua câu nói “Điên Trương túy Tố” (Trương Húc điên, Hoài Tố say) đều xuất phát từ con người và thói quen thư pháp của họ. Giai thoại kể lại rằng: Trương Húc là thư pháp gia thích uống rượu, khi đã say thì gào thét, phóng bút điên cuồng trên giấy không gì có thể ngăn lại được hoặc giả khi đã cuồng thì nhúng đầu tóc vào nghiên mực. Cái thần của “cuồng thảo” được Trương Húc nắm bắt và lĩnh hội thông qua những màn múa kiếm mà ông được xem. Chữ của ông đẹp và sắc đến nỗi vua Đường Văn Tông đã sắc chiếu phong rằng đời nhà Đường có ba thứ được xem là “Tam tuyệt” là Thi ca của Lý Bạch, tài múa kiếm của Bùi Mân và cuồng thảo của Trương Húc. Về phần nhà sư-nhà thư pháp Hoài Tố, tài năng chữ cuồng thảo của ông cũng không hề thua kém Trương Húc. Hoài Tố vốn là nhà sư xuất gia từ nhỏ, nhà nghèo không đủ tiền mua giấy nên đành viết thư pháp trên lá chuối. Nếu như Trương Húc nhận thấy cái thần của thư pháp từ việc xem múa kiếm thì nhà sự Hoài Tố lại lĩnh hội cái “thần” ấy từ việc quan sát những vết rạn nứt trên tường hay những tia chớp. Mặc dù xuất thân là một nhà sư nhưng ông lại rất thích uống rượu, rượu vào thì múa bút viết chữ thảo liên miên, kỳ dị, tuy có vẻ cuồng loạn nhưng lại mang một quy cách riêng khó ai có thể bắt chước theo được. Để tạo được chữ đẹp, có hồn thì trước hết phải dùng cảm xúc của bản thân mình vận vào từng nét bút, chỉ có như thế thì thư gia mới có thể thổi vào tác phẩm của mình linh hồn, chữ viết do đó mà có thần sắc, không khô cứng, vô hồn.


          Nghệ thuật thư pháp vốn dĩ hay và đẹp, dễ làm rung cảm lòng người. Thư pháp không chỉ đơn thuần là trò chơi với chữ nghĩa mà còn là một bộ môn khoa học giúp con người vừa rèn cho mình khả năng viết chữ đẹp lại vừa giúp tu tâm, dưỡng tính, lánh xa những suy nghĩ phàm tục mà chuyên chú thưởng thức và nâng niu cái đẹp thanh khiết. Ngắm nhìn một bức thư pháp đẹp, câu chữ câu đối có thần khiến tâm hồn con người trở nên thanh tịnh, nhẹ nhàng. Học thư pháp phải tuân theo những bước nhất định và lâu dài, từ những bước cơ bản cho đến thành thục. Từ xưa đến nay, người tìm đến với thư pháp đều phải bắt đầu bằng cách tập viết loại chữ khải và phải là trung khải, sau khi đã thành thạo mới nên luyện viết sang tiểu khải và chữ thảo vì nếu luyện ngay chữ thảo thì nét chữ sẽ trở nên yếu đuối, không có gân cốt, nhìn không được đẹp mắt và không có linh hồn. Người muốn học viết chữ thư pháp không thể thiếu thầy dạy đế nắm bắt được bút pháp của thầy, tiếp thu những kỹ thuật trực quan mà sách vở đọc sẽ không thể nắm bắt được hết. Học trò từ đó sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ bút pháp người thầy, thầy dạy quen với kiểu chữ nào thì trò học thường sẽ viết tốt kiểu chữ đó. Người thầy thường đóng vai trò “phá mê” cho học trò của mình, chỉ ra những nét còn chưa đẹp, chưa có thần khí, nét có chứa “tự bệnh” và “giải hoặc” cho học trò, tức là giảng giải những điều còn chưa thông suốt. Từ sự hướng dẫn của thầy dạy, người luyện thư pháp dần dần sẽ cải thiện được kỹ thuật của mình, tránh mắc phải những tật viết chữ dễ mắc phải nhưng lại khó sửa chữa, xác định cách viết đúng để từ đó mà việc luyện tập thư pháp ngày càng có hứng thú và mau chóng tiến bộ hơn.

          Về mặt hình thức, người Trung Hoa chơi thư pháp phổ biến dưới dạng câu đối, liễn được viết trên giấy đỏ tượng trưng cho sự may mắn, phát tài. Nội dung câu đối thường là hai câu chữ Hán đối nhau về ý, về vần, có nội dung chúc phúc, chúc thọ, chúc sức khỏe, phát tài, thịnh vượng, sung túc. Câu đối thư pháp thường được treo ở những vị trí đẹp, trang trọng nhất của ngôi nhà như cổng, cửa chính, chính giữa phòng khách, cột nhà, bàn thờ gia tiên. Câu đối cũng được phân chia thành nhiều loại: Xuân liên (câu đối xuân), môn liên (câu đối dán ở cửa), doanh liên (câu đối dán ở cột). Về sau này, khi nghệ thuật viết thư pháp đã trở nên hoàn thiện và là một môn nghệ thuật không thể thiếu được trong đời sống tinh thần, xã hội thì các thư gia đã nâng tầm nó thành sự kết hợp bằng bức tranh và chữ viết, trở thành linh hồn của nghệ thuật hội họa của đất nước này. Tranh vẽ cùng với chữ tạo nên vẻ đẹp hài hòa, sinh động, hình vẽ cũng dùng bút lông để vẽ với những kỹ pháp khác nhau đã góp phần hiệu quả cho việc tăng tính trực quan, sinh động cho tổng thể tác phầm. Người xem không chỉ thỏa mãn khi nhìn ngắm vẻ đẹp con chữ mà còn được thưởng thức những bức họa được vẽ bằng những nét chấm của bút lông nhưng lại cực kỳ tinh tế và sang trọng, giúp chuyển tải ý nghĩa của chữ viết một cách trực quan. Người vẽ tranh thư pháp có thể vẽ theo nhiều đề tài khác nhau, dụng bút khác nhau nhưng nhìn chung loại tranh này thường diễn tả 3 chủ ý của người sáng tác:

          Một là, gửi gắm ý chí, quan niệm của mình về thế sự, về cuộc sống và về con người.

          Hai là, biểu đạt ước nguyện về mọi sự tốt lành, cát tường cho bản thân mình.

          Ba là, cầu phúc điều tốt lành, hạnh phúc cho người khác, thường được dùng để tặng nhau trong những dịp lễ, tết hay những dịp mừng thọ trong gia đình.

          Một bức tranh thư pháp không thể thiếu ấn chương, là con dấu màu đỏ, có khắc tên người viết được đóng ở góc bức tranh, thể hiện dấu ấn riêng của tác giả.

          Để tạo nên một bức thư pháp hoàn chỉnh đòi hỏi người viết phải trải qua một quá trình khổ luyện dài để tập viết, hơn nữa là tập vẽ sao cho đẹp, cho khéo và nắm bắt được hầu hết các kỹ thuật viết nhằm tạo nên một tác phẩm đẹp nhất. Một tác phẩm chỉ gói gọn trong một trang giấy thế nhưng ẩn chứa đằng sau nó là kết tinh rất nhiều ý chí cũng như sức lực của người sáng tác. Chính vì thế, nó được người đời rất trân trọng, nâng niu và gìn giữ. Thú chơi thư pháp không chỉ dừng lại ở một thú vui mà nó còn là “đặc sản tinh thần” vô giá của người Trung Hoa sáng tạo nên, được xem là quốc túy của dân tộc và lan tỏa đến nhiều đất nước khác trong khu vực.



Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo
Số 184 ra ngày 1/9/2013



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét