Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

CẢM NHẬN BÀI HÁT : MẸ CON ĐÃ VỀ

Tháng tư về mang theo cái nắng vàng của đầu hạ, chút gió nồm của biển cả, chút vị ngọt của những mía, xoài,…và mang theo cả cái xốn xan, hồi hộp của học trò với những ngày nghỉ lễ hân hoan. Bạn bè ai ai cũng tất bật với những kế hoạch, đứa đi biển, đứa cắm trại bên hồ,… Còn con thì được dịp về với mẹ, mẹ ạ!

Đã lâu lắm rồi, con dường như quên mất cái thời gian chuyển bánh của tuyến xe buýt về nhà. Con hư quá mẹ nhỉ? Học hành cùng với những bận rộn cứ quấn lấy con, riết chặt, để rồi con nhận ra rằng đã thật lâu rồi, con chưa về thăm mẹ. Và rồi chiều nay, sau một ngày học cuối tuần quá căng thẳng với những bài kiểm tra giữa kì, ngồi một mình trong căn phòng trọ, con buồn thật nhiều và cũng nhớ mẹ thật nhiều. Con tự nhủ: Mẹ! con sẽ về.

Sáng thứ bảy, xe buýt đợi con như một người bạn đã lâu mới gặp. Con đường quen thuộc bỗng dưng dài hơn mọi ngày. Từ chiếc radio, con chợt nghe vang lên giai điệu quen thuộc: “Một sáng sớm trở về quê hương, về trong câu hát âm vang đất trời. Ru hời ru cho ta ngọt bùi, ấm áp bên tình xa xôi…” Không biết vô tình hay cố ý mà bác tài cho con nghe bài hát này mẹ ạ! Chỉ biết rằng sao con thấy nó hay quá, hay đến nỗi những giọt nước mắt như được mùa lăn dài trên gò má. Đột nhiên, con ước ao đoạn đường hãy ngắn lại thật gần để con nhanh về với mẹ.

Bánh xe vẫn quay đều mải miết trong cái tinh khôi dịu dàng của nắng. Một vài giọt sương mai vẫn run rẩy, e ấp mình nấp sau lớp kính. Dường như tháng tư về mang theo tất cả những gì trong trẻo nhất, lung linh nhất. Những kỉ niệm ngày thơ con với mẹ cũng theo về. Con vẫn nhớ cánh diều giấy mẹ làm cho con lúc con đòi mẹ ra đồng. Con cũng nhớ những hạt chà là rừng đen láy, mũm mĩm mỗi khi mẹ đi gánh củi về. Con thấy giận mình bởi sinh ra và lớn lên bằng dòng nước giếng cha đào, bằng từng hạt lúa mẹ gieo, ấy thế mà con có biết gì khổ sở để gánh bớt cho cha mẹ đâu! Cuộc sống cứ xô bồ, vội vã làm con quên đi những giọt mồ hôi của mẹ vẫn ngày đêm tưới lên những luống rau, ngọn lúa để cho con học được bài học làm người.

“Trở về nơi tôi sinh ra từ đây, biết bao con tim mừng vui vòng tay đón mời. Nhìn tôi không dám tin là tôi một thời, người làng quê ấy”. Phải rồi, con đâu còn là con bé bỏng, con khóc nhè của mẹ ngày nào, con đã là một cô sinh viên biết đứng dậy mỗi lúc té ngã, biết tự lau khô nước mắt mỗi lúc yếu mềm. Nhưng mẹ ơi! Giá như con cứ mãi nằm trọn trong vòng tay của mẹ thì còn hạnh phúc nào hơn. Con ghét mình phải lớn lên mẹ ạ! Nhưng con đã lớn, lớn để kịp nhìn thấy mái tóc mẹ trắng đậm dần, thấy những nếp nhăn trên trán mẹ sâu dần và để con biết thương mẹ nhiều hơn.

Đã mấy chiều cuối tuần rồi mẹ ngồi đó chờ con, thế mà mãi vẫn chưa thấy con về. Chỉ nghe con bảo khỏe, con bận và tiếng chuông tắt máy nơi đầu dây bên con. Mẹ chỉ cười, ừ! chắc con bận. Con biết mẹ buồn, mẹ khóc,…vì nhớ con. Hôm nay con về, nhà mình vẫn thế, mẹ vẫn tất bật, vẫn bận rộn nhưng con thấy mẹ cười nhiều và con hiểu con là tất cả với mẹ. Tay mẹ như run hơn bởi căn bệnh thấp khớp, đôi mắt mẹ như sâu hơn bởi mong ngóng con nhiều hơn, hình như con đang hối hận một điều: con đã thật vô tâm. Chợt một chút trẻ con lại ùa về, con như muốn chạy sà vào vòng tay của mẹ để muốn nói rằng: Mẹ! Con đã về.

Cuộc đời thật diệu kì khi sinh ra những bà mẹ và những đứa con. Hạnh phúc đôi khi thật giản dị mà mấy ai có thể nhận ra và định nghĩa. Còn với tôi, hạnh phúc là khi được trở về, được nằm trong sự vỗ về của mẹ, được nấu cho mẹ những bữa cơm ngon…mà bấy lâu nay tôi quên lãng.

Có lẽ, nhạc sĩ Mạnh Quân đã bắt nhịp được những trái tim non nớt mong mỏi được trở về như tôi nên đã viết lên những giai điệu thật tuyệt vời ấy. Một lần được nghe ca khúc này là một lần thấy yêu mẹ nhiều hơn, một lần thấy cuộc sống này ý nghĩa hơn và một lần biết trân trọng hạnh phúc hơn.

Chuyến xe buýt chiều chầm chậm đưa tôi quay về với nhịp sống vồn vã nơi phố thị. Thế nhưng tôi biết rằng bất kì lúc nào, dù mệt mỏi đến dâu vẫn có một nơi luôn đợi tôi trở về, ấy là nơi mẹ. Cảm ơn quà tặng cuộc sống đã cho tôi một người mẹ tuyệt vời.

NGUYỄN THỊ THÙY NHÂN

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét