Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Tản văn : NHỮNG CHUYẾN TÀU



Đời người là một chuyến tàu. Mỗi một chặng đường là một sân ga. Sân ga dù lớn dù bé cũng làm ta dừng chân đôi lúc. Biết đâu ở một sân ga không tên nào đó ta tìm được bình yên hay ta vô tình rơi vào cơn bão tố. Từ bé tôi đã có niềm say mê đặc biệt với những đường ray và những thân tàu. Mỗi tiếng còi tàu như hút tôi về những miền đất xa xôi với nhiều khám phá. Tôi ước ao được một lần ngồi bên khung cửa sổ của một khoang tàu và phóng tầm mắt về những hàng cây, những dãy nhà hai bên đường; tôi sẽ đầy kiêu hãnh khoe với bạn bè - những đứa trẻ con đều thèm cái cảm giác lăn trên những vòng quay đang nghiền nát những viên đá.
Tôi hứa với lòng lớn lên tôi sẽ làm việc trên những chuyến tàu, sẽ điều khiển những đầu tàu to lớn, sẽ kéo cao những ống khói báo hiệu một chuyến đi mặc dù tôi là một đứa con gái, một đứa con gái của vùng quê ngày ngày nhìn những chuyến tàu như ngững người bạn quen mặt mà chẳng bao giờ biết tên.

       Tôi sẽ ôm hoài ước mơ ấy nếu không có một lần tôi vô tình lạc chân vào thế giới thần tiên mà tôi hằng khát khao đó. Lần ấy tôi cùng chị tiễn mẹ lên tàu về quê thăm ông ngoại ốm. Tàu sắp chạy mà tôi cứ ríu rít bên mẹ. Không biết có phải vì tôi nhớ mẹ hay vì cái cảm giác lần đầu tiên được đứng trên những toa tàu rục rịch như chao đảo làm tôi không kịp xuống tàu. Thế là tôi trở thành hành khách bất đắc dĩ trong niềm hân hoan trẻ thơ. Tôi thầm nghĩ ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi không buồn ngủ như những lần tôi đi xe khách. Mắt tôi cứ sáng rực nhìn quanh mọi phía như đứa trẻ ra tháng lần đầu tiên được nhìn ánh nắng mặt trời: lạ lẫm và đầy mời mọc.

       Bỗng nhiên tôi thấy một phụ nữ trẻ dẫn đứa bé chắc là ít hơn tôi vài tuổi chạy vội vào nhà vệ sinh. Không lẽ đứa bé lớn như thế mà còn bắt mẹ đưa đi vệ sinh sao, nếu như ở nhà tôi đã trêu nó rồi. Nhưng hình như không phải, người phụ nữ và đứa bé cứ ngó trộm về phía nhân viên soát vé. Khi chú nhân viên đi rồi hai mẹ con mới thở phào nhẹ nhõm mà bước ra. Hóa ra không phải ai đi tàu cũng là người giàu cả, bởi vì hai mẹ con kia không có tiền nên mới phải trốn vé. Đêm ấy hai mẹ con phải trải cái bao trên sàn để nằm nhờ. Đầu óc của đứa trẻ 13 tuổi như tôi chợt ghi nhớ rằng khi đi tàu chỉ những người có tiền mới được ngồi còn ai không có tiền sẽ phải nằm và những người ngồi đôi lúc vô tình giẫm chân lên.

      Đến khuya khi những chiếc xe đẩy thức ăn thơm lừng đi qua có những ánh mắt như dán chặt vào các phần đầy ăm ắp vun cao, bốc khói nghi ngút nhưng miệng lại chẳng dám gọi. Tôi cũng là một trong những con người nhút nhát đó. Tôi lại hiểu thêm một điều, đôi lúc người ta muốn làm mà không dám làm không phải vì người ta thiếu can đảm mà vì người ta thiếu tiền. Những đứa trẻ được người lớn dỗ dành, phân tán sự chú ý bằng những lời đe dọa, hứa hẹn. Nhưng có là gì so với nỗi khát thèm trong con người chúng. Đó không chỉ là cái đói vật chất mà còn là cái khát vọng được tận hưởng, được thỏa mãn. Những chuyến tàu cho những đứa trẻ như tôi cái hào nhoáng, tươm tất khi nhìn từ xa nhưng lúc lại gần nó trở nên khó chịu, kén chọn và chỉ thực sự là thiên đường đối với những con người thượng lưu ít nhất là trung lưu.

      Tôi từng khát khao được ngồi trên tàu để nhìn hai ven đường nhưng bây giờ điều đó thực sự không cần thiết vì tôi nhận thấy trên tàu còn nhiều cái đáng xem hơn trên mặt đất. Kia là một cụ già ốm yếu, mắt nhắm nghiền nhưng miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu, tay thì ôm khư cái giỏ nhựa không còn rõ là màu gì vì đã quá cũ. Đó lại là một thiếu nữ, mà hình như là người mẹ trẻ vì trên tay cô là đứa trẻ mắt còn nheo nheo vì chưa quen với ánh sáng của bóng điện dù ánh sáng đó rất mù mờ. Bên cạnh cô là người đàn ông, hình như chồng cô vì đôi lúc tôi thấy cô quay sang lay anh ta khi đứa bé khóc. Nhưng cái vẻ rụt rè của cô như lại sợ làm anh ta thức giấc thế nên anh vẫn say ngủ và có lúc còn nói mớ. Cô vật lộn mãi với đứa bé cho tới khi nó mệt, ngoan ngoãn ngủ trong lòng mẹ cũng là lúc chồng cô thức dậy vì đã mắt rồi. Tôi bỗng thầm ghen tị với sinh linh bé bỏng kia. Tôi phải chờ đợi mười mấy năm mới được đặt chân lên tàu còn em bé tí ti đã được hưởng thụ. Không biết tôi và em ai sướng hơn ai nhưng khi tôi thức giấc thì em đã nằm một mình bơ vơ xung quanh những cái chỉ trỏ, những lời xót thương, những tiếng trách móc… Em vẫn ngủ, gương mặt không đượm chút phiền lo vì em không biết rằng ba mẹ em đã gửi em lại cho chuyến tàu đêm hôm đó.

       Rồi tôi thấy một chú bộ đội rất trẻ thậm chí trẻ con ngồi nói chuyện cùng cô sinh viên nọ. Họ có vẻ rất tâm đầu ý hợp, hai người còn trao đổi địa chỉ liên lạc cùng nhau, hẹn một ngày gần nhất sẽ ghé thăm. Mười ba tuổi tôi vẫn chưa hiểu gì về tình yêu nhưng tôi thấy họ như đã yêu nhau. Thế rồi chàng trai xuống ở một sân ga tồi tàn, vắng vẻ để lại người bạn mới quen lưu luyến như không nỡ chia tay. Cô sinh viên nhạy cảm sợ phải nhìn thấy cảnh chia tay đã lặng lẽ không dám nhìn dáng hình lần đầu gặp gỡ. Nơi sân ga cũng có một bóng người vụt lao tới anh bộ đội và gọi tha thiết: “mình ơi”…

      Trái tim non nớt của tôi chưa đủ sạn để hiểu rằng cuộc đời đôi lúc như một cánh cửa khóa nhiều gian phòng bí mật, mở được gian này rồi ta lại tiếp tục khám phá gian khác. Chuyến tàu đêm hôm ấy cũng đầy những bí mật dù tôi không cố gắng hay nói đúng hơn là tôi không có ý thức mở thì nó vẫn lần lượt phơi bày như hiển nhiên nó phải như vậy. Tôi chỉ là một hành khách phát sinh, không mua cho mình một tấm vé có giá trị lưu thông nhưng tôi đã vô tình được nhận tấm vé có giá trị nhận thức. Thế giới trên những toa tàu đã từng rất lung linh với tôi, với bạn bè tôi. Sau này lớn lên được học truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam hình ảnh chị em Liên và An như chính ký ức tuổi thơ của bản thân tôi vậy. Cũng niềm háo hức, say mê; cũng cái nhìn lấp lánh; cũng ảo giác về một thế giới xa hoa đầy dịu ngọt nhưng tất cả lại được hiện thực hóa chỉ sau một chuyến tàu đêm.

      Trong truyện của Thạch Lam chuyến tàu đêm đi qua để lại sự nuối tiếc, chờ mong cho chị em Liên về những chuyến tàu mang hơi hướng thủ đô nhưng đối với tôi chuyến tàu đêm hôm ấy đã dạy tôi không chỉ một mà rất nhiều điều. Tôi thấy mình lớn hơn khi về tới sân ga. Tôi tự hỏi hai mẹ con người phụ nữ lậu vé sẽ ra sao nếu họ vô tình ngủ quên để nhân viên soát vé bắt gặp. Cụ già giữ gì trong chiếc giỏ, tôi sẽ hoàn toàn không biết nếu tôi và mẹ không vô tình xuống cùng sân ga với cụ. Cụ nâng niu chiếc giỏ và lấy ra một cái quách nhỏ, cụ thầm thì rất nhỏ nhưng đầy yêu thương “về tới nhà rồi, chiến sĩ của mẹ”. Em bé! Em đã dậy chưa hay em vẫn còn ngủ quên và ngỡ rằng mình đang được ấp ủ trong vòng tay mẹ chỉ cần em khẽ cựa mình là có dòng sữa mát thơm, ấm nồng vỗ về ru em tìm lại giấc ngủ. Cả cô sinh viên vẫn đang chờ đợi một lời hứa, chờ đợi một tình yêu sẽ tiếp tục được gây dựng, vun đắp. Cô sẽ chờ tới bao giờ?

      Một chuyến tàu đơn thuần chỉ để con người di chuyển từ nơi này sang nơi khác nhưng đối với những đứa trẻ như tôi chúng đã gửi gắm vào đó những ước mơ. Mỗi chuyến tàu lăn bánh tới bao vùng đất, tới bao miền đất hứa, chứa đựng cả những hy vọng, tin yêu. Nhưng cũng từ những vòng quay đó con người rũ bỏ trách nhiệm, chối bỏ nhân tình. Họ chọn những chuyến tàu để lùa gạt đức tin con người. Phải chăng chuyến tàu cũng chính là chợ đời có bán có mua, có được có mất, có hạnh phúc cũng có những bất an.

      Tôi dừng chân ở một sân ga nhưng vẫn còn những lữ khách tiếp tục hành trình của mình, biết đâu sẽ có niềm vui nhưng biết đâu cũng gặp buồn đau. Có thể ai đó sẽ không tin nhưng chuyến tàu đêm hôm đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất tuổi thơ tôi. Không có nó tôi vẫn tin rằng chỉ những người có tiền mới được đi tàu, chỉ những ai thật giàu mới có diễm phúc nhìn cảnh vật ào ạt lướt qua những khung cửa sổ đan lưới. Cho tới tận bây giờ tôi vẫn tin rằng chuyến tàu đêm hôm đó là bài học lớn đầu tiên mà cuộc đời dành cho tôi. Phải chăng cuộc đời đã vô tình “cho tôi một vé đi tuổi thơ”.


                                Nguyễn Ngọc Nam Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét