Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

NHỚ MÙA BÁNH TRÁNG QUÊ TÔI





        Mùa đông năm nay không có những cơn mưa dầm dề, điều đó đồng nghĩa với việc quê tôi không chìm ngập trong những đợt nước dâng của con sông Trà. Ở trong Quy Nhơn, bắt gặp những cơn gió heo may phả về, thấy từng đợt lá vàng xao xác rụng trong cái nắng chiều se lạnh khiến tôi quay quắt nhớ quê.


       Quê tôi, đó là cái xóm Ba, thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kì, Tư Nghĩa. Tuy nhiên, xóm Ba chỉ là tên gọi hành chính còn hầu như ai cũng gọi nó bằng cái tên khác thân thương, trìu mến hơn và mang tính chất đặc trưng hơn. Đó là “xóm bãi” hay “xóm bánh tráng”. Sỡ dĩ có tên “ xóm bãi” cũng là bởi quê tôi nằm ở địa phận có con sông Trà chảy qua và có bãi cát trắng phau, dài, rộng tít tắp ôm lấy con sông hiền hòa, điểm xuyết cho quê hương. Còn cái tên “xóm bánh tráng” là bởi trước kia, xóm tôi nổi tiếng với nghề tráng bánh. Hầu như nhà nào cũng sống bằng nghề này. Chẳng biết nghề tráng bánh có từ bao giờ nhưng từ khi còn nhỏ xíu, tôi đã biết đến đĩa bánh tráng ướt nóng hổi chấm với mắm ớt tỏi do ông nội làm và lớn thêm ít tuổi nữa, tôi và nhiều đứa trẻ khác trong xóm đã biết bao lần ăn trừ bữa bằng những cặp bánh tráng ướt ráo cũng ngon không kém. Những người già trong xóm thường nói rằng : “ Con gái xóm Bãi lấy chồng thì thoát được cái cảnh thức khuya dậy sớm cầm cái gáo bánh tráng còn con gái nơi khác về làm dâu xóm mình, mười cô thì đã có tới chín cô cầm cái gáo tráng bánh, bán mặt cho những bếp lửa đỏ rồi”.
      Bánh tráng (miền Bắc gọi là bánh đa) quê tôi được làm từ nguyên liệu chính là gạo và mè. Để làm ra cái bánh nướng vàng ruộm, nhai giòn tan, để làm ra cái bánh mỏng ăn với bát canh don, canh hến mà dưới phố người ta hay bán thì cũng lắm công phu. Đầu tiên là khâu chọn gạo. Đó phải là thứ gạo không quá cứng mà cũng không quá dẻo, đặc biệt gạo càng cũ ( tức là lúa gặt phơi khô để qua nhiều tháng) thì càng tốt. Bởi gạo cứng thì bánh khi phơi lên nó sẽ toát ra còn gạo dẻo hoặc gạo lúa mới thì khi tráng nó dính gáo, vớt không được. Sau khâu chọn gạo là khâu ngâm gạo, thường thì mọi người ngâm trước khi đi ngủ để khi nghe tiếng gà gáy đầu tiên cất lên là họ lục tục thức dậy để gút gạo cho ráo nước, sạch cát sạn rồi gánh tới máy xay. Người ở nhà thì tranh thủ nhóm lò, nấu nồi nước sôi thật to để lấy hơi hấp bánh. Gánh bột đem về cũng là lúc nồi nước bốc hơi nghi ngút và bắt đầu khâu pha bột, trộn mè để cho ra những mẻ bánh đầu tiên trong ngày.

       Nghề bánh tráng quê tôi hoạt động quanh năm. Mùa hè, dưới cái nắng vàng gay gắt thì cũng là lúc bãi cát ven sông Trà Khúc quê tôi rực lên một sắc màu duy nhất, màu trắng của những vỉ bánh tráng, điểm vào đó là bóng liêu xiêu của các bà, các chị tay thoăn thoắt phơi bánh, gỡ bánh và bóng của những chú chim sẻ lượn lờ, rình chỗ nào không có người là nhảy sà xuống mổ lấy mổ để vào những vỉ bánh còn ướt. 

       Khi những cơn gió mùa hạ đi qua, cái nắng vàng dịu lại và nhường chỗ cho những cơn mưa tháng chín, tháng mười dầm dề cũng là lúc bãi cát sông Trà quê tôi chìm ngập trong con nước lớn, những đợt nước dâng rồi nước rút kéo dài nên không thể phơi bánh được nữa, nhìn từ xa chỉ còn sót lại mấy cây sào phơi bánh làm bằng tre mốc meo dưới màn mưa. Trời không chiều lòng người nhưng nhu cầu thì không dứt, “cái khó ló cái khôn”, thế là người dân quê tôi thay vì phơi bánh bằng nắng họ chuyển sang sấy bánh trong nhà bằng than.

     Mùa mưa đi qua, khi những cơn gió bấc hiu hiu thổi về, cái lạnh cắt da cắt thịt phả vào những buổi chiều quê hương và tiếng sếu thảng thốt kêu lưng chừng trời cũng là lúc bãi cát sông Trà quê tôi trở lại vẻ hiền hòa và tấp nập thưở nào. Hiền hòa là bởi sau những trận lụt bãi sông được bồi thêm lên, bãi cát thêm mịn và những bãi dâu, bãi đậu phộng được phù sa bồi đắp nên thêm xanh. Tấp nập là bởi trên bãi, mọi người trong xóm đồng loạt chôn lại sào tre để phơi bánh, bắt đầu một mùa bánh tráng phục vụ cho dịp tháng chạp và dịp tết nguyên đán. Mùa này, hầu như ai cũng vất vả hơn, số lượng bánh tiêu thụ nhiều hơn. Những bước chân thoăn thoắt của các bà, các chị và trên đầu của họ và những vỉ bánh tráng nặng trĩu lại tiếp tục đi ra đi vào trên con đường dẫn ra bãi cát để rồi cuối ngày là hình ảnh các bà mẹ gò mình trên chiếc xe đạp với từng chồng bánh tráng được buộc kĩ càng sau yên xe, từ đó tỏa xuống phố bỏ mối cho quán don, quán bún. Có những người bà không đi xe đạp được thì xếp bánh vào đôi trạc rồi đi đường tắt gánh xuống chợ ga, chợ Thu Lộ để bán. Kết thúc một ngày của họ thường là lúc thành phố đã lên đèn và ở quê những rặng tre già đã ngả màu đen kịt dưới bóng đêm tháng chạp, ngoài bãi sông tiếng gió thổi rít lên từng đợt lạnh buốt, vắng lặng.

       Nghề nào cũng có một thời của nó, nghề bánh tráng quê tôi cũng vậy. Giờ đây, hầu hết mọi người đã gác gáo, dỡ lò. Tấp nập dòng xoáy kinh tế thị trường những mẻ bánh được tráng bằng máy móc đã lấn át bánh tráng bằng tay. Hơn nữa, nghề bánh tráng cũng không đem lại hiệu quả kinh tế nữa. Lớp trẻ lớn lên rồi đi học, đi làm ăn xa trong Sài Gòn hoặc đẩu đâu, chỉ tết mới về. Ở nhà, chỉ còn phụ nữ, người già nên họ cũng không thể làm xuể những công việc tráng bánh nặng nhọc nữa. Giờ đây, đi khắp xóm chỉ còn được chục hộ gia đình là vẫn bám trụ với nghề này nhưng họ tráng cũng không nhiều, có chăng là chỉ mười, hai mươi kg gạo để phụ sống đắp đổi qua ngày và để đỡ nhớ cái nghề cha ông để lại. Những cái tên của người tráng bánh nổi tiếng một thời như Bà Sáu Bênh, Sáu Be, Bà Sáu Tại, Bà Tám giờ chỉ còn đọng lại trong tâm trí của lớp chúng tôi, những lớp trẻ sinh ra sau này thì cái tên đó không có ý nghĩa gì nữa. Mùa tháng chạp năm nay, xóm tôi đã không còn tiếng máy xay bột nổ phành phành từ lúc gà gáy, không còn tiếng bước chân nhộn nhịp, tiếng gọi í ới của các bà, các cô trong thôn xóm gọi nhau đi xay bột, không còn bãi cát trắng phau với những sào bánh tráng như năm nào. Bãi cát trắng năm xưa cũng lỡ dần theo những mùa nước lớn, chỉ còn chơ vơ những đá là đá, cây dại mọc um tùm hiu hắt, bãi dâu cũng bị đào gốc để thay cho những cây trồng khác.

. Nhớ mùa bánh tráng quê hương để mà tiếc, mà ngậm ngùi.


                                   Nguyễn Thị Tuyết



1 nhận xét:

  1. Hãy ghé và mua hàng tại Renhatdanang.com với giá thấp nhất nhé mọi người!

    Trả lờiXóa