Thứ Ba, 16 tháng 4, 2013

GIỌNG ĐIỆU THƠ ĐÀO TẤN




                                                        ThS. Nguyễn Đình Thu


       1. Thơ trung đại nhìn chung ít bộc lộ cái tôi chủ quan, cảm xúc lại thường ẩn dấu sau câu chữ. Vì thế nhận diện ra giọng điệu trong tác phẩm là điều hết sức khó khăn. Thơ Đào Tấn chủ yếu sáng tác vào cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX. Trong giai đoạn giao thời này, lịch sử xã hội cũng như văn hóa tư tưởng đã có nhiều biến đổi. Bản thân Đào Tấn mang nhiều khuynh hướng tư tưởng, lại nhiều hờn giận, yêu thương. Vì thế, có thể nói, thơ Đào Tấn là tiếng nói đa thanh, nhiều giọng điệu.

      2. Sôi nổi, thiết tha tuy không phải là giọng điệu xuyên suốt trong sáng tác thơ Đào Tấn nhưng lại là giọng nổi bật và khá đặc sắc, gây được hứng thú lớn trong lòng người đọc. Ai cũng trải qua tuổi trẻ, cũng một lần rạo rực yêu thương. Và thế là trái tim mỗi người lại có cơ hội đập những nhịp đập qua các cung bậc tình yêu. Đối với sáng tác thơ Đào Tấn, dù nhân vật trữ tình đang ở cung bậc tình yêu nào thì mẫu số chung vẫn là sự sôi nổi, thiết tha!

     Khảo sát thơ Đào Tấn, ta thấy tác giả gần như đi trọn các cung bậc tình yêu: từ nhớ nhung mong gặp đến yêu nhau thắm thiết, thề nguyền, cuối cùng thay bằng sự đổ vỡ không thành như trong thơ Mới là sự xa cách tạm thời trong nỗi nhớ và niềm khao khát mãnh liệt.

      Bài thơ Thu tịch nói đến trăng, nước, gió, cây… nhưng đó chỉ là cái nền khung cảnh để cuối cùng đọng lại là một nỗi nhớ người yêu da diết: Tọa niệm tố tâm nhân / Giai kỳ diễu hà xứ (Ngồi nghĩ nhớ người yêu / Trong cảnh đẹp này mà xa bặt nơi nao). Nhân vật trữ tình ở đây không thể kìm nén được cảm xúc cá nhân theo kiểu “Phép công là trọng niềm tây xá gì” (Đặng Trần Côn – Chinh phụ ngâm) mà để tiếng lòng ngân lên tự nhiên, để mình được sống thực với lòng mình. Càng nhớ người yêu bao nhiêu thì càng mong gặp bấy nhiêu, người con gái muốn làm mây bay đến bức tranh tường nơi lầu chàng ở: Thiếp nguyện vi vân trục họa tường (Tặng mỹ khanh nhị thủ). Ở đây, ta bắt gặp một cái tôi cá nhân chủ động của người con gái đang yêu, phá vỡ quan niệm thụ động, tĩnh tại trong tình yêu của người con gái theo quan niệm phong kiến, như trăm năm về trước Kiều đã “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (Nguyễn Du – Truyện Kiều). Tuy mới dừng lại ở ý muốn (nguyện) nhưng ý muốn ấy không thể có được nếu không xuất phát từ trái tim cá nhân sôi nổi, nhiệt thành.

      Khi họ đã chấp nhận yêu nhau thì đó là một tình yêu tự do, gần gũi thân xác, và họ luôn tìm cho nhau một không gian riêng nằm ngoài sự cương tỏa của cha mẹ, của đạo đức phong kiến: Trung đình thập ngũ nguyệt minh đa / Hảo bạn tương huề trúc hạ qua / A muội liên kiên văn tế ngữ / Hồi đầu vi tiếu bái Hằng Nga (Tạm dịch: Trăng rằm, sáng tỏ khắp phương xa / Đôi bạn cầm tay, trúc luồn qua / Kề vai thủ thỉ nghe chàng nói / Ngoảnh đầu chàng ngợi: bái Hằng Nga – Khuê kiều). Ngay ở tên bài “Khuê kiều” (Người đẹp), ở hành động “tương huề” (cầm tay), “trúc hạ qua” (luồn qua khóm trúc), “liên kiên” (kề vai), ở sự hút hồn của cô gái đối với chàng trai “bái Hằng Nga”, ta đã cảm nhận được không gian nghệ thuật trong tác phẩm như đang nóng lên theo nhịp tim yêu thương của đôi bạn trẻ. Ở đây, Đào Tấn đã tiếp cận được với tình yêu cá nhân khác với tình cảm nam nữ mang khoảng cách xa vời như trong thơ Nguyễn Đình Chiểu: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra / Nàng là phận gái ta là phận trai” (Truyện Lục Vân Tiên). Mặc dù thế, nó vẫn mang cái đằm thắm, tế nhị chứ chưa đến mức cuồng nhiệt: “Hãy sát đôi đầu! hãy kề đôi ngực! / Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!” như trong thơ tình Xuân Diệu (Xa cách).

      Yêu nhau bao nhiêu thì càng sợ mất nhau bấy nhiêu, nhân vật trữ tình vì thế đã thề nguyền. Lời thề của họ không to tát đến mức phải lấy sông biển, trời đất ra chứng giám mà như một lời nhắc nhở giản dị, chân thành: Mạc tương hậu nhật tình / Bất như sơ kiến thì (Đừng để tình về sau / Không như lúc mới gặp –Tý dạ ca). Nếu phải chia ly, xa cách thì người phụ nữ trong thơ Đào Tấn cũng khóc đến ướt áo lụa (La y lệ triêm thấpBiệt ý). Chính vẻ đẹp thủy chung và những giọt nước mắt đầy nữ tính ấy làm tình yêu trong thơ Đào Tấn mặn mà, thắm thiết hơn.

      Người tình trong thơ Đào Tấn cũng như người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đều có khát vọng hưởng thụ hạnh phúc cá nhân. Họ thấy mọi sự chăm sóc cho sắc đẹp đều trở nên vô nghĩa nếu không có chàng ở bên: “Vắng chàng điểm phấn trang hồng mà chi” (Chinh phụ ngâm) hay thấy lo lắng khi vẻ đẹp của mình ngày càng mai một mà chưa thấy chàng trở về: “Chu nhan bất khả trượng / Na năng bất trù trướng” (Hữu sở tư). Trong nỗi buồn lo ấy, nhân vật không thất vọng, buông xuôi mà vẫn khát khao mong đợi. Vì thế nó không đánh mất đi âm điệu sôi nổi, thiết tha của trái tim rạo rực yêu thương.

      Qua kiểu giọng điệu này, người đọc nhận ra rằng, thì ra bên trong một ông quan có vẻ lạnh lùng kia vẫn tồn tại một thế giới tình yêu nhiều hương sắc. Hơn thế nữa, chúng ta cũng gián tiếp cảm nhận được quan niệm về tình yêu trong thơ Đào Tấn: vừa truyền thống nhưng cũng hết sức hiện đại. Đó cũng là bức tranh phản ánh thơ Đào Tấn nói riêng và văn học cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX nói chung đang thay da đổi thịt, bước dần sang địa hạt của văn học hiện đại.

       Ngợi ca là một trong những điểm tựa cho ta biết được hứng thú thẩm mỹ cũng như khuynh hướng tư tưởng của tác giả. Bởi vì sự thực thường là người ta yêu cái gì, cho cái gì là hay, là đúng thì sẽ ngợi ca cái đó. Giọng điệu ngợi ca trong thơ Đào công chủ yếu nằm ở mảng thơ viết về thiên nhiên hay những bậc anh hùng, những người đức độ, tài giỏi.

      Cả cuộc đời Đào Tấn luôn mang trong mình một giấc mộng – giấc mộng giang hồ (được đi đây đó để ngắm cảnh thiên nhiên). Chính vì thế nhiều cảnh thiên nhiên tươi đẹp đã lọt vào con mắt xanh nhà thơ và được tác giả hết lời ca ngợi. Ở Đào Tấn, ta thấy một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết, luôn dang rộng vòng tay đón nhận tất cả những vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật. Ông yêu cảnh gió trăng trên biển: Mã quá sa nam nhàn bộ nguyệt / Châu hoành triều khẩu bán nghênh phong (Ngựa qua phía nam bãi cát thì thả bộ dưới trăng / Thuyền chèo ngang cửa biển nửa phần đón gió – Hành bộ ngẫu đắc), yêu bức tranh thôn dã yên bình: Tam ngũ thôn đồng tiêu tán thậm / Ôn ky ngưu bối khán giai san (Rải rác năm ba đứa trẻ trong làng / Ngồi yên trên lưng trâu nhìn núi đẹp – Đồng Nguyễn Tiểu Cao nhàn du), và nhất là cảnh núi non diệu kỳ: Tuần nhai tạc thạch diệu thiên nhiên (Đá tạc dọc theo triền núi, thiên nhiên thật diệu kì – Sơn hành ngẫu đắc).

       Thiên nhiên trong vườn thơ cụ Đào còn mang vẻ đẹp cụ thể và sinh động. Đó là cảnh núi đồng Nghệ An sắp vào mùa gặt : Đông trù cốc dĩ tam phân thục / Nam dũ sơn như nhất tự bài (Đồng ruộng phía đông lúa ba phần chín / Cửa sổ bên nam thấy dáng núi như hình chữ nhất – Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu), là cảnh nước non ở bến đò Đông Cương trong đêm: Thủy lưu đáo xứ hồn vi trọc / Sơn thế hồi đầu bán dục thanh (Nước chảy đến nơi này dường như bị đục ngầu / Ngoảnh đầu thấy nửa núi non như muốn xanh lại – Đông Cương hải độ dạ túc ký kiến). Cũng là trăng nhưng trăng trong thơ Đào Tấn không đông cứng mà bay nhảy, thoắt ẩn thoắt hiện rất sinh động : Ngưỡng khán nguyệt tại thiên / Phủ khán nguyệt tại thuyền / Hốt nhiên tại giang tâm / Hốt nhiên tại thụ điên / Chỉ hữu nhất minh nguyệt / Lãn chiếu hà vô biên (Tạm dịch: Ngẩng đầu, trăng trên trời / Cúi xuống, trăng trên thuyền / Vừa mới ở lòng sông / Lại leo trên cành cây / Chỉ mỗi vầng trăng ấy / Mà rọi thấu muôn nơi – Kiến nguyệt châu trung tác). Từ vẻ đẹp của thiên nhiên tạo vật trong thơ đã toát lên giọng điệu ngợi ca, đắm say rất rõ của tác giả.

       Qua sự ngợi ca này, ta thấy được thiên nhiên đối với Đào công đâu chỉ là chốn di dưỡng tinh thần của kẻ sĩ hàn nho mà còn là người bạn tâm giao ở mọi lúc mọi nơi. Ở đó, con người đã vượt ngục bằng tinh thần, vượt thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của chức năng phận vị để được sống với chính mình, là chính mình. Đó là biểu hiện của những nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, nhân cách cao cả mà không phải nho sĩ nào, con người nào cũng có được. Như vậy, chỉ trong quan hệ với thiên nhiên, con người cá nhân trong thơ Đào Tấn đã thể hiện khá rõ.

      Đào Tấn là một bậc đại thần của triều đình nhà Nguyễn và cũng là một nhà nho yêu nước. Vì thế khát vọng về một vị vua anh minh luôn là niềm mong mỏi của nhà thơ. Điều này được thể hiện qua việc gián tiếp ca ngợi những ông vua như Lê Lợi. Những câu thơ vang lên hào sảng như bản anh hùng ca:

         - Tuyết sỉ thù ân chung thủy khoái

          Thưởng công phạt tội chính vô thiên.

       (Rửa nhục đền ơn trước sau nhanh chóng

        Thưởng công phạt tội chính sự công bằng.)

                                 (Du Lam Sơn bái đề Lê Thái Tổ miếu)

            - Anh hùng can đảm uất phong lôi

              Tứ cố thương mang diệc tráng tai.

         (Gan mật anh hùng chứa toàn sóng gió

      Xung quanh mênh mông một vùng trời sừng sững.)

                                             (Trùng du Lam Sơn tuyệt cú)

       Trong sáng tác của mình, Đào Tấn có không ít những bài thơ thể hiện sự trân trọng, kính phục đối với những con người mang khí tiết tốt đẹp theo tư tưởng nho giáo bằng giọng ngợi ca. Đó là những bề tôi nổi tiếng trung nghĩa như Nhạc Phi (thời Nam Tống): Đại nghĩa quân thần trọng / Cô trung thiên địa tri (Nặng lòng vì nghĩa lớn vua tôi / Ôm nỗi cô trung trời đất biết – Vịnh Nhạc Vũ Mục). Và chính là người có khí tiết trong sạch, cứng cỏi nên Đào Tấn cũng hết lời ca ngợi những con người như thế: Bắc Hải hào tình dư khẳng khái (Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu), Hà xứ giai nhân không cốc trung (Tịnh am tôn thất tặng lan thư thử báo chi), Khởi thị tầm thường nhất hác mưu / Thung dung tiến thoái thị hà vưu (Tống Hoàng Miễn Trai hiệp quỹ công trí sự - dụng Cúc Viên Trương hưu ông vận).

       Tuy nhiên, trong trường ca hào hùng ấy, nhà thơ dành phần lớn sáng tác vào việc đề cao những bậc anh hùng vì nước vì dân. Mượn nhân vật lịch sử là Trịnh Ninh, tác giả đã thể hiện được khát vọng trừ gian diệt tà mang lại thái bình cho đất nước : Nghịch tử cường thần đương nhật bối / Khả tằng trảm đắc kỷ đầu lai (Đề Trịnh thị Ninh Quận Công thí kiếm thạch). Tinh thần yêu nước, khát vọng cứu nước của cụ Đào đã gián tiếp thể hiện qua hàng loạt những bài thơ ca ngợi những người anh hùng như : Tặng Hoàng Kế Viêm tướng quân, Khốc Phan Đình Nguyên, Ức Phan San, Khốc Hoàng Quang Viễn.

        Đào Tấn là con người yêu thiên nhiên, lấy thiên nhiên làm nơi di dưỡng tinh thần. Con người ấy luôn hướng đến những giá trị cao đẹp của một bậc hàn nho nhưng cũng hết sức tiến bộ qua tư tưởng cứu nước.

       Có thể nói, thương cảm, chua xót là giọng chủ âm trong sáng tác thơ Đào Tấn. Tấm lòng nhà thơ rộng mở hướng đến mọi nỗi đau của con người và hướng vào nỗi đau của chính mình. Phải là con người có tấm lòng nhân văn, có tình cảm mãnh liệt và luôn nhận thức, tự thức mới có được điều ấy.

       Nhà thơ có một loạt tác phẩm ca ngợi những lãnh tụ khởi nghĩa, những con người anh hùng đứng về phía nhân dân như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Kế Viêm, Hoàng Quang Viễn… nhưng đó là những khúc bi ca vì khát vọng cứu nước của họ đều thất bại. Ông thương cảm cho sự ra đi của bạn (Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu). Và còn thương cảm cho cả những nạn nhân trong những cuộc hưng vong nói chung, không kể là con người nước Việt: Khả liên hàng hải hữu quân thần / Thiên cổ hưng vong đệ nhất nhân (Đáng thương cho chuyến đi biển có đủ vua tôi / Những cuộc hưng vong xưa nay thì đây là người số một – Bái đề Đông Thánh Hậu linh từ).

       Khác với tấm lòng yêu nước phải thổ lộ một cách kín đáo, tình cảm thương dân của Đào Tấn phần nào được bộc bạch trực tiếp hơn. Ở Đào công, tình cảm ấy vừa xuất phát từ tinh thần của một nhà nho phải “Dĩ dân vi bản”, vừa xuất phát từ tinh thần, truyền thống của một dân tộc giàu lòng nhân đạo và đoàn kết. Do đó, tâm hồn ông đã thực sự hòa nhập vào đời sống của nông dân, vui buồn cùng nông dân, chứ không còn khoảng cách xa lạ, tự đặt mình cao hơn những người lao động. Đi ngang qua những cánh đồng, nhà thơ không khỏi lo lắng, xót thương cho người dân vì nắng hạn: Xuân, hạ tồ thu thốn trạch vô / Cao đê, điền mẫu thái tiêu khô (Từ xuân, hạ đến thu vẫn chưa có giọt mưa nào / Đồng thấp, đồng cao đều khô cháy cả - Thương hạn). Không dừng lại ở đó, Đào Tấn còn có sự hiểu biết sâu sắc và đồng cảm thực sự với nỗi khổ làm ruộng của người dân. Thi nhân ai cũng bảo nhà nông sướng, Đào Tấn lại thấy nhà nông rất khổ cực: Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên / Đạp xa nhi nữ ca thả miên / Thi nhân mỗi đạo điền gia lạc / Như thử điền gia tối khả liên (Thủy xa), rồi hiểu được ngàn nỗi lo của người dân sau ba ngày tết: Đồng du tam nhật xuân / Trúc phù khan phóng hạ / Thiên lự hựu thùy nhân (Tân sửu trừ tịch). Đặc biệt trong thời buổi “súng giặc đất rền”, tác giả rất buồn cho cho những cảnh tan tác, chia ly: Thùy gia trú trạch Bắc sơn ôi / Loạn hậu bô nhân thượng vị hồi (Nhà ai dựng ở hẻm núi phía Bắc / Sau khi loạn, người đi trốn vẫn chưa về - Kinh phế trạch). Và có lúc không kìm nén được lòng mình, tác giả thốt lên lời ai oán, xót thương cho những người dân vô tội trong cơn loạn lạc: Thử địa tùng tiền diệc phú nhiêu / Khả liên loạn hậu bán tiêu điều (Chốn này trước kia là nơi trù phú / Thương thay sau cơn loạn lạc bị xơ xác đến một nửa – Vô đề). Tấm lòng xót xa của Đào Tấn trước cảnh bể dâu ấy đã bắt gặp được sự đồng điệu ở Nguyễn Đình Chiểu : “Bến Nghé của tiền tan bọt nước / Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (Chạy giặc).

       Làm quan hơn 30 năm, triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp vừa muốn dùng Đào Tấn để xoa dịu các phong trào cách mạng, vừa sợ ông liên kết, giúp đỡ phong trào cách mạng địa phương nên ông bị đổi đi rất nhiều nơi. Vì thế, nhà thơ cảm nghiệm được cuộc đời làm quan của mình hết sức nhọc nhằn, cơ cực cứ long đong như cánh chim hồng, chim nhạn hết Bắc đến Nam (Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên, Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh – nhị tuyệt, Tống đồng thành Tôn thất Ngũ phong cải thanh niết – nhị tuyệt, Huỳnh Giản chu dạ, Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch…). Ông thương cảm, chua xót cho những số phận làm quan và cũng là cho chính bản thân mình.

       Buồn vì cuộc đời làm quan cơ cực, vì khát vọng cứu nước không thành, nhà thơ càng chua xót khi giấc mộng về quê đã trở thành thảm mộng, bởi ông không sao dứt ra khỏi chốn quan trường mà mình cho là nhơ nhuốc, bụi bặm ấy. Từ quan về nhà, bị giáng bốn cấp nhưng rồi Đào Tấn vẫn phải trở lại làm quan. Cụ Đào trở thành “người lữ khách mang nặng mối sầu tha hương” [9, 43]. Sự uất ức ấy đọng lại trong thơ là nỗi chán chường, hối hận. Đào Tấn cảm thấy xấu hổ khi người ta gọi mình là “tôi cũ”:Tàm quý nhân hô đế cựu thần (Đắc triệu hồi kinh), đi làm quan mà như đi tù vì bị giam hãm: Thập niên thử địa lưỡng câu lưu (Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh – nhị tuyệt). Những vần thơ chán nản cảnh quan trường vang lên bi đát, nhà thơ đã thổ lộ với em trai Khiêm Khiêm rằng: Nhân sinh vũ nội các hữu thác / Ngã yểm phong trần trì nhất xa (Mỗi kẻ sinh ra trong trời đất đều có nỗi niềm riêng / Ta chán cảnh một cỗ xe quan lao vào gió bụi – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Từ chỗ chán nản, xót thương (Mạn đề), hối hận (Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật) về việc làm quan đến phủ định công danh phong kiến (Hương giang hành tạp vịnh, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi), Đào Tấn đã đi đến đỉnh cao của sự thất vọng, trở thành nỗi tuyệt vọng giữa chốn quan trường.


        Càng yêu nước thương dân bao nhiêu, Đào Tấn càng phê phán, đả kích lũ vua quan thối nát bấy nhiêu. Đó cũng là một biểu hiện khác trong con người nhà nho còn giữ được lương tâm trong cảnh “trời đất nổi cơn gió bụi”. Nếu với những bài thơ nhưThái Bình mại ca giả, Sở kiến hành, Phản chiêu hồn, “Nguyễn Du đã đặt ngón tay vào tận trong vết thương lở loét của xã hội” [2, 52] thì những bài thơ như Tịch thượng tác, Thương hạn, Trừ tịch quan thư ngẫu đắc, Tổng đốc hành bộ hý tác, Đào Tấn lại vẽ nên một bức tranh biếm họa về sự thối nát không thể cứu vãn của bộ máy chính quyền phong kiến từ vua chúa đến quan lại địa phương. Ông đã vừa xót thương vừa căm giận khi nhận ra hiện thực phủ phàng là bức tranh đối lập giữa cảnh vua chúa ăn chơi xa đọa với nỗi khổ ải của nhân dân trong chiến tranh: Giang Nam xứ xứ phong yên khỉ / Hải thượng niên niên ngự tửu lai (Phương Nam chốn chốn khói lửa dậy / Mặt biển năm năm rượu ngự về (Xuân Diệu Dịch – Tịch thượng tác). Đối lập giữa cảnh binh đao, khói lửa của nhân dân lục tỉnh Nam kỳ với cảnh tiệc tùng của vua chúa nhà Nguyễn cùng bọn phương Tây, bản thân nó đã cất lên tiếng nói phê phán, tố cáo đối với thói ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ cá nhân mà phớt lờ đi nỗi nhục mất nước, cam chịu làm tay sai cho giặc của vua chúa nhà Nguyễn. Vua chúa lao vào những cuộc truy hoan, chỉ biết ăn chơi xa đọa nên bàng quan với mọi nỗi khổ của nhân dân, giữa vua chúa và lê dân đã có một khoảng cách rất lớn: Xuân, hạ tồ thu thốn trạch vô / Cao đê điền mẫu thái tiêu khô / Lão long bất thức miên hà xứ / Ký ngữ lôi thần vị nhất hô (Xuân, hạ rồi thu chẳng giọt mưa / Đồng cao, ruộng thấp thảy đều khô / Lão rồng ngủ ở nơi nào vậy? / Thần sấm, nhờ ông gọi lão cho! – Xuân Diệu dịch – Thương hạn). “Lão rồng” ở đây là ai nếu không phải là vua chúa? “Thần sấm” ở đây là ai nếu không phải là những lương thần có trách nhiệm với nước với dân? Đây là cách nói bóng gió mà mang ý nghĩa phê phán sâu sắc như Nguyễn Đình Chiểu từng thể hiện trong bài Ngóng gió đông (Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông / Chúa xuân đâu hỡi có hay không?). Vua không còn là một đấng minh quân nên triều đình là cái tổ đẻ ra bao nhiêu “sâu mọt” hại nước, hại dân. Trước thực trạng đó, nhà thơ bật lên một tiếng cười phủ định mà không kém phần chua chát, chán nản: Ưng tiếu quan trường hữu đố ngư (Bỗng bật cười vì có con mọt ở chốn quan trường – Trừ tịch quan thư ngẫu đắc). Cũng với cách nói gián tiếp bằng hình ảnh, cách phản ánh theo phương thức ngụ ngôn, trong một lần đi công cán, ông quan Đào công đã phát hiện và tố cáo tình trạng cướp bóc, tham nhũng của quan lại địa phương: Khứ nhật Nam Đàn hô thỉ dật / Thanh Chương kim vãn hựu dương kinh / Cách giang hà sự thiên đồng hoạn / Nghi thị thuyền trung hữu báo huynh (Tổng đốc hành bộ hý tác).

        Như vậy, dù không trực tiếp tham gia các phong trào cách mạng chống lại triều đình và Pháp nhưng nhà thơ đã thực sự là một chiến sỹ trên mặt trận văn nghệ “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu). Giọng điệu phê phán, đả kích trong thơ Đào Tấn cùng với thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương… đã tạo nên khuynh hướng thơ châm biếm nổi bật của văn học cuối thế kỷ XIX.

        Cả cuộc đời làm quan, Đào Tấn không nguôi trăn trở, suy tư về số phận của mình – số phận của một ông quan đầy bi kịch. Bi kịch của Đào Tấn là Bi kịch của những khát vọng con người. “Loại bi kịch này nảy sinh do xung đột gay gắt bởi những mâu thuẫn không thể nào khắc phục nổi giữa những khát vọng chính đáng riêng tư của con người và khả năng không thể thực hiện được những khát vọng đó trong cuộc sống.” [4, 84].

      Nếu tuồng của cụ Đào phản ánh sự đổ vỡ của lý tưởng trung quân (Trung quân chi chí cánh nan thành) thì thơ ông lại phản ánh sự đổ vỡ của lý tưởng cứu nước. Từ chỗ hăm hở đi làm quan là để có điều kiện giúp đỡ phong trào cách mạng, thực hiện lý tưởng cứu nước, cứu dân, Đào Tấn ngày càng cảm thấy mệt mỏi vì lý tưởng ấy như một giấc mơ xa vời: Quân Thiều hứa cửu lao thanh mộng (Nhạc Quân, Thiều từ lâu rồi vẫn mỏi mệt trong giấc mơ trong trẻo – Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành). Đặc biệt đứng trước hòa nghị và cảnh ăn chơi xa đọa, sự vô tâm của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, Đào Tấn càng như thấy được hoài bão của mình sẽ không thành: Như thử phong yên, như thử tửu / Lão phu hoài bão kỷ thời khai (Khói lửa thế đấy, rượu thế đấy / Biết chừng nào hoài bão già này mới toại nguyện –Tịch thượng tác). Câu hỏi cuối bài mang một niềm trăn trở, day dứt khôn nguôi, “bao giờ” là không biết bao giờ nên nó bế tắc, đau đớn vô cùng. Như vậy, Đào Tấn “Muốn bước trên con đường cứu nguy dân tộc thì vận nước chưa đến, hoàn cảnh chưa cho phép, đành ôm “nỗi sầu không nói được” và gửi nỗi lòng qua văn chương” [6, 78].

       Từ bi kịch cứu nước không thành đã nảy sinh ra bi kịch xuất xử trong con người Đào Tấn. Lý tưởng không thành cộng với quan trường ô trọc, Đào Tấn lúc nào cũng ôm giấc mộng về quê : Mộng lý hoàn gia tam thập xuân (Ba chục năm nay ta vẫn ước mơ về quê cũ – Thạch, Tuyên nhị tử nhập quốc học lâm hành thư thử miễn chi). Đó cũng là nỗi niềm của những người thân ở quê nhà: Gia thư thập ngũ hàng / Hàng hàng vô biệt ngữ / Chỉ đạo tảo hoàn hương (Thư nhà vẻn vẹn mười lăm dòng / Chẳng nói việc gì khác / Chỉ bảo sớm về quê – Kinh sư đắc gia thư). Áp lực về chính trị trong thời buổi đen tối nhất của xã hội có lúc còn đẩy Đào công tới ý nghĩ đi tu. Hình ảnh chùa Linh Phong vẫn là nơi vẫy gọi trong tâm tưởng nhà thơ: Linh Phong tam thập tải / Vị kiến thử tăng quy (Ba mươi năm xa cách chùa Linh Phong / Vẫn chưa thấy vị tăng ấy trở về - Mai tăng tiểu chiếu). Trường Lưu đã có lý khi cho rằng: “Những mâu thuẫn trong lòng Đào Tấn là nửa phật nửa trần thế lôi kéo, nửa đạo từ bi nửa đạo cương thường, không bên nào dứt khoát. Cuối cùng, ông vẫn tiếp tục làm quan theo con đường có phần thuận buồm xuôi gió bên ngoài mà trong tâm tư có nhiều uẩn khúc” [8, 150]. 

         Không những ý thức về số phận, Đào Tấn còn hay tự đánh giá về phẩm chất, việc làm của mình. Từ bỏ thiên nhiên, xã hội rộng lớn, Đào Tấn đã đi vào khám phá chính bản thể tác giả. Trong thơ cụ Đào, thường có những giây phút trăn trở, suy xét về mình, đặc biệt là vào những thời khắc giao thừa: Thông thông nhân sự kỷ tằng nhàn / Tuế trừ kiểm điểm lưu niên ký (Sự đời bận rộn mấy khi rỗi / Đêm giao thừa kiểm điểm lại việc làm của năm qua – Hoan thành kỷ hợi trừ tịch). Đối với ông, tự nhận thức là yêu cầu thường xuyên của bản thân, bởi vì: Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý / Vị tri ngũ thập cửu niên phi (Cười mình, trong kiếp phù sinh nếu sống đến tuổi sáu mươi / Thì chưa hẳn đã biết được sai lầm của tuổi năm mươi chín – Quý Mão trừ tịch thư hoài). Có những lúc ngồi trong phòng một mình hay ngắm cảnh thiên nhiên, nhà thơ lại lặng lẽ triền miên trong những suy tư về nhân tình thế thái hay về chính cuộc đời mình: Nhàn hướng Mai sơn bốc thọ viên / Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn (Nhàn rỗi, lên núi Mai tìm đất thọ / Lặng nhìn trên đá cười không nói - Đề mai sơn thọ viên).

       3. Từ giọng điệu ngoài đời sống, thơ cũng mang trong mình giọng điệu chủ quan của cá nhân tác giả. Giọng điệu nghệ thuật trong thơ là một trong những yếu tố hình thức quan trọng tạo nên phong cách tác giả, là phạm trù cơ bản của chuyên ngành Thi pháp học. Xác định được giọng điệu trong sáng tác, người đọc sẽ nắm bắt được thế giới tư tưởng, tình cảm, thái độ của chủ thể trữ tình, cái tôi cá nhân tác giả một cách chính xác hơn. Tuy nhiên nắm bắt được giọng điệu của các tác phẩm văn học trung đại, nhất là thơ là một thử thách lớn đối với người đọc.

        Thơ Đào Tấn về thuộc loại hình văn học trung đại. Sáng tác thơ ông tuy không nhiều nhưng lại là phức hợp của nhiều giọng điệu. Qua giọng điệu thơ Đào Tấn, chúng ta có thể khẳng định, ông là con người có nhiều phẩm chất đáng quý của một bậc hiền nho, yêu thiên nhiên, có tư tưởng thân dân, có khát vọng cứu nước. Đó còn là một người vừa sôi nổi, thiết tha nhưng cũng hay yên lặng trong những trăn trở, suy tư. Tất cả điều đó là biểu hiện của một vị quan đầy trách nhiệm nhưng cũng là con người cá nhân đa tình, đa cảm.


                                TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb. Văn học, Hà nội.

2. TRỊNH BÁ ĐĨNH, NGUYỄN HỮU SƠN, VŨ THANH (2002), (Tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Du về tác gia và tác phẩm (Tái bản lần thứ ba), NXB Giáo dục.

3. TRẦN HOÀN (1995), “Đào Tấn một danh nhân kiệt xuất”,Phương Mai, (8).

4. ĐỖ VĂN KHANG (2002), (Chủ biên) Mỹ học đại cương, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

5. VŨ NGỌC LIỄN (1987), (Chủ biên) Thơ và từ Đào Tấn, NXB Văn học, Hà Nội.

6. TRƯỜNG LƯU (2000), “Thơ Đào Tấn như nỗi lòng ưu thời mẫn thế của ông”, Văn nghệ Bình Định, (30).

7. NHIỀU TÁC GIẢ (1978), Đào Tấn nhà thơ nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty văn hoá và thông tin Nghĩa Bình.

8. NHIỀU TÁC GIẢ (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, NXB Hội nhà văn.

9. O.W. WOLTERS (2002), “Khách tha hương trên chính quê mình…”, TCVH, (10).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét