(Khảo sát qua đề tài Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn)
ThS. Nguyễn Đình Thu
1. Tên đề tài nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, thao tác hóa khái niệm
Tên đề tài nghiên cứu: Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn.
Câu hỏi nghiên cứu: Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn có đặc điểm như thế nào ?
Để trả lời được câu hỏi nghiên cứu trên cần phải giải thích những khái niệm liên quan: Thế giới nghệ thuật, thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn.
Thế giới nghệ thuật “là khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (tác phẩm, sáng tác của một tác giả, trào lưu) thịnh hành trong nghiên cứu văn học hiện đại”. Như vậy: Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn là chỉ tính chỉnh thể của thơ Đào Tấn. Tính chính thể này là sự tổng hòa biện chứng giữa nội dung nghệ thuật thơ Đào Tấn và hình thức nghệ thuật thơ Đào Tấn. Trong nội dung nghệ thuật thơ Đào Tấn có thể bao gồm hai nội dung lớn là: sự thể hiện con người trong thơ Đào Tấn và hệ thống chủ đề trong thơ Đào Tấn. Trong hình thức nghệ thuật thơ Đào Tấn có thể bao gồm những nội dung lớn như: ngôn ngữ nghệ thuật thơ Đào Tấn, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thơ Đào Tấn, thể loại thơ Đào Tấn, giọng điệu thơ Đào Tấn.
Thế giới nghệ thuật “là khái niệm chỉ tính chỉnh thể của sáng tác nghệ thuật (tác phẩm, sáng tác của một tác giả, trào lưu) thịnh hành trong nghiên cứu văn học hiện đại”. Như vậy: Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn là chỉ tính chỉnh thể của thơ Đào Tấn. Tính chính thể này là sự tổng hòa biện chứng giữa nội dung nghệ thuật thơ Đào Tấn và hình thức nghệ thuật thơ Đào Tấn. Trong nội dung nghệ thuật thơ Đào Tấn có thể bao gồm hai nội dung lớn là: sự thể hiện con người trong thơ Đào Tấn và hệ thống chủ đề trong thơ Đào Tấn. Trong hình thức nghệ thuật thơ Đào Tấn có thể bao gồm những nội dung lớn như: ngôn ngữ nghệ thuật thơ Đào Tấn, không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật thơ Đào Tấn, thể loại thơ Đào Tấn, giọng điệu thơ Đào Tấn.
2. Tổng quan các nghiên cứu có liên quan đến câu hỏi nghiên cứu
Cho đến nay đã có 4 cuộc hội thảo và 4 lần kỷ niệm về Đào Tấn:
- 4 hội thảo về Đào Tấn: Đào Tấn – con người và sự nghiệp (1977), Hý trường tuỳ bút của Đào Tấn (1979), Phong cách tuồng Đào Tấn (2002), Danh nhân Đào Tấn – Sự nghiệp, tài năng và sự cống hiến (2010).
- 4 lần kỷ niệm về Đào Tấn: 150 năm ngày sinh (1995), 90 năm ngày mất (1997), 100 năm ngày mất và 55 năm thành lập Nhà hát tuồng Đào Tấn (2007), 155 năm ngày sinh danh nhân Đào Tấn (2010).
Qua những bài viết ấy, chúng tôi nhận thấy đã có những nhận định liên quan đến đề tài.
2.1. Nhận định chung về thơ Đào Tấn
Nhìn chung, thơ Đào Tấn được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao:
- Năm 1997, trong bài viết “Thơ và từ của Đào Tấn – mấy cảm nhận”, trên Tạp chí Khoa học xã hội, số 33, Hồ Sĩ Vịnh nhận xét: “Nói thơ Đào Tấn có những đặc điểm của thơ phương Đông, chủ yếu là thơ thời đại thịnh Đường và Tống cũng không đến nỗi khấp khểnh”
- Năm 2000, trong bài viết “Thơ Đào Tấn như nỗi lòng ưu thời mẫn thế của ông”, in trên Văn nghệ Bình Định, số 30, nhà nghiên cứu Trường Lưu cho rằng, Đào Tấn “đã góp phần cống hiến quan trọng vào dòng thơ văn yêu nước của dân tộc từ cuối thế kỷ trước đến những năm đầu thế kỷ XX”.
- Năm 2007, trong công trình Đào Tấn và hát bội Bình Định, Nxb Văn hoá dân tộc, Quách Tấn – Quách Giao đã khẳng định: “Thơ Đào Tấn loại nào cũng thành công, cũng đáng đọc, đáng nghiên cứu...”.
- Năm 2008, với sự ra đời của công trình Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Nxb Hội Nhà văn, đã cung cấp cho độc giả nhiều nhận xét khái quát về thơ Đào Tấn như:
+ Nhạc sĩ Vũ Mão qua bài viết “Vài cảm nhận về danh nhân văn hoá Đào Tấn” đã nhận định: “Trong lĩnh vực thơ và từ, ông là người có những đóng góp quan trọng cho nền văn học”.
+ Trong bài viết “Đào Tấn – danh nhân văn hoá dân tộc”, Hoàng Chương đã dẫn lại ý kiến của Hoàng Trinh: “Đào Tấn là ngôi sao sáng chói ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX về thơ, từ và kịch bản tuồng... tên tuổi của Đào Tấn không còn bó hẹp trong nước mà đang có tiếng vang rộng trên thế giới”.
+ Và ở bài viết “Đào Tấn – Một nghệ sĩ thiên tài, một chính khách mẫu mực”, nhà nghiên cứu Mịch Quang tổng kết lại: “Nghiên cứu thơ và từ của ông, các học giả Đặng Thai Mai, Nguyễn Huệ Chi, các nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Hoàng Trung Thông, Thanh Thảo và nhiều học giả, nhà thơ nổi tiếng nhiều thế hệ đều coi Đào Tấn như một nhà thơ lớn của văn học Việt Nam”.
2.2. Nhận định về nội dung thơ Đào Tấn
Không như tuồng và từ, nội dung thơ Đào Tấn rất phong phú, đa dạng. Vì thế nó phản ánh được một con người phức tạp, đa chiều. Đó cũng là nhận định chung của nhiều nhà nghiên cứu khi đi vào tìm hiểu con người Đào Tấn trong thơ.
- Cùng trong công trình Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Vũ Khiêu khẳng định: “Tư tưởng yêu nước, căm thù giặc, lòng khát vọng vô biên đối với sự nghiệp khôi phục đất nước đã toát ra mạnh mẽ trong những bài thơ gửi Hoàng Kế Viêm, gửi Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, tỏ lòng khâm phục Phan Đình Phùng và mong nhớ Phan Bội Châu . Trong rất nhiều bài thơ ngẫu hứng của ông, khí phách bừng bừng của một người yêu nước đã tràn ngập vào từ ngữ, vào âm thanh và giai điệu của những bài thơ chữ Hán”. Qua đó, tác giả Mịch Quang cho thấy Đào Tấn đã “không ngần ngại công khai đứng về phía những người cầm súng chống Pháp”. Nhà thơ Hoàng Trung Thông sau khi nhận định ở Đào Tấn “làm quan là cái xác, còn làm thơ là cái hồn” đã chỉ ra “Con đường làm quan của ông thì lắm éo le (kỳ lộ), đầy bụi bặm, nhưng con đường thơ của ông lại là từ tâm hồn không thể vướng bụi trần quan lại”. Đó là trong quan hệ với đất nước của một kẻ sĩ làm quan, còn trong quan hệ gia đình, với người dân lao động, nhạc sĩ Vũ Mão thừa nhận: “Nhân cách lớn của Đào Tấn, trước hết thể hiện trong quan hệ gia đình. Với các con, ông rất quan tâm dạy bảo...Những thành đạt trong sự nghiệp của mình, bao giờ Đào Tấn cũng nhớ tới sự hy sinh thầm lặng của người vợ ... Với các giai tầng trong xã hội, nhất là nông dân là những người chịu nhiều khổ đau, Đào Tấn cảm thông và chia sẻ sâu sắc”. Với thiên nhiên, con mắt xanh Xuân Diệu nhận ra Đào Tấn “là một tâm hồn thi sĩ, Đào Tấn nhạy cảm với thiên nhiên”. Bên cạnh đó, nếu như Thanh Thảo phát hiện ra có một cõi Phật trong thơ Đào Tấn “với đầy những xúc cảm miên man, đứt nối của nhân duyên, của phận người thì qua Bài thơ trên đầu gậy trúc của cụ Đào, Nguyễn Đức Quyền và Trần Hinh đều kinh ngạc trước một con người có thế giới quan sâu sắc như Đào Tấn: “Tôi kinh ngạc vì Đào Tấn đã nói đến chỗ vi diệu của sự sống trong vũ trụ như Kinh Dịch đã nói, như Thích Ca, Lão Tử đã nói…”
- Cũng như sáng tác từ, khi khát vọng sống đẹp của Đào Tấn đổ vỡ trước hiện thực xấu xa thì Đặng Hiếu Trưng lại bắt gặp trong thơ ông một con người luôn có “tâm sự day dứt, đau thương, bất lực” (Đặng Hiếu Trưng (1997), “Cảm nhận về tâm hồn và tài năng Đào Tấn qua thơ và từ của ông”, Tạp chí Sông Hương, số 104). Trên cơ sở giải thích vấn đề Đào Tấn ra làm quan với triều đình nhà Nguyễn, Trường Lưu thấy qua thơ có một Đào Tấn “từ đáy lòng ôm một mối cô trung. Ông chỉ lặng lẽ biểu lộ nhân cách kẻ sĩ qua cuộc đời một vị quan thanh liêm chính trực, và qua những vần thơ ưu thời mẫn thế” (Trường Lưu (2000), “Thơ Đào Tấn như nỗi lòng ưu thời mẫn thế của ông”, Văn nghệ Bình Định, số 30). Nguyễn Thế Khoa lại nhận thấy “suốt ba mươi năm làm quan, ông thượng quan “Mộng Mai” luôn cảm thấy cô đơn lạc loài vô hạn, luôn ôm một “hương mộng” và khắc khoải ngày đêm một mơ ước “hoàn hương”, để được rời xa chốn dối gian nhơ nhuốc, chốn hang hùm nọc rắn đó” (Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Nxb Hội Nhà văn).
- Trong những bài viết, khai thác nội dung thơ Đào tấn, chúng tôi dành sự chú ý nhiều đến bài viết “Đất nước và tâm trạng Đào Tấn qua một số thơ và từ” của tác giả Thu Hoài, trong công trình Đào Tấn nhà thơ nghệ sĩ tuồng xuất sắc (Nhiều tác giả, Ty văn hoá và thông tin Nghĩa Bình, 1978). Cũng như những nhà nghiên cứu khác, tác giả bài viết khẳng định con người Đào Tấn luôn đằm thắm trong nhiều niềm yêu thương: “Đối với bạn bè chiến hữu, tình cảm ông thắm thiết chân thành, song vẫn kín đáo […] tình người nồng nàn, đằm thắm còn tình đất nước cũng dào dạt, mênh mông. Một cành dương liễu bên sông, một nhánh hải đường trước cửa, một vách núi, một khoảng thành… Tất cả đều được phản ánh trong thơ như một tâm hồn mang đầy nỗi ưu ái đối với cuộc đời…. Từ đó, tác giả đi đến khái quát “tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong các tập thơ là tình yêu đất nước, thiên nhiên và con người. Tất cả hòa hợp vào nhau dưới ngòi bút tài năng của ông, tạo nên giá trị chân chính của tác phẩm”. Không chỉ nhận thấy nỗi buồn đau, day dứt của thi nhân, Thu Hoài còn đưa ra những kiến giải sâu sắc về nguyên nhân gây ra nỗi buồn đau ấy, rằng: “Thi sĩ buồn cho mình vì đường công danh mà mai một bản tính tốt đẹp ngày xưa… Ông muốn bước vào cuộc chiến đấu của nhân dân, song vẫn cứ đứng bên này với nỗi khổ đau bởi những ràng buộc của phận tôi trung, đắn đo thành bại… Cái tâm sự bi tráng đó đeo đuổi suốt đời ông, và là nguyên nhân của bao nỗi buồn đau, lo lắng của nhà thơ”. Đặc biệt tác giả còn phát hiện ra “con người trong thơ chữ Hán của ông đã bắt đầu có cá tính, thế giới nội tâm đã được miêu tả, tái hiện trung thực và đa dạng”.
2.3. Nhận định về nghệ thuật thơ Đào Tấn
Có thể thấy rải rác một vài nhận xét về các khía cạnh liên quan đến nghệ thuật thơ Đào Tấn trong các bài viết, các công trình nghiên cứu như:
- Về ngôn ngữ nghệ thuật
Trong bài viết “Tâm tình quê hương qua thơ và từ Đào Tấn”, in trên Báo Bình Định, ngày 26 tháng 8 năm 1994, Thuý Vi nhận định: “Thơ Đào Tấn giản dị mà sâu sắc. Ngôn ngữ thơ phong phú, nhiều cảm xúc. Thơ ông viết bằng chữ Hán nhưng mang tâm hồn Việt Nam”. Hồ Sĩ Vịnh qua “Thơ và từ của Đào Tấn – mấy cảm nhận”, TC Khoa học xã hội, số 33, năm 1997, khẳng định thêm: “Nhân vật trữ tình trong thơ Đào Tấn thường nói ít, im lặng nhiều. Dường như nhà thơ cố tình để “ý tại ngôn ngoại”. Quách Tấn, Quách Giao nhận ra “Đào Tấn là một nhà thơ chân chính, là một nhà văn uyên bác. Bên Hán cũng như bên Nôm, Công rất thận trọng trong việc dùng Chữ, dùng điển” (Quách Tấn – Quách Giao (2007), Đào Tấn và hát bội Bình Định, Nxb Văn hoá dân tộc).
- Về không gian nghệ thuật
Trong công trình Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Hồ Sĩ Vịnh nhận xét khái quát: “Ở Đào Tấn, trong sáng tác văn tuồng, văn tế, biểu, thơ, từ khúc, câu đối cũng có hiện tượng tương đồng. Đó là không gian liên văn hoá giữa văn hoá Trung Hoa và văn hoá Việt Nam, giữa văn hoá bác học và văn hoá dân gian, giữa văn hoá sinh hoạt cung đình triều Nguyễn và văn hoá đời thường”.
- Về biểu tượng và hình ảnh nghệ thuật
Cũng trong công trình Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Hồ Sĩ Vịnh còn chỉ ra: “Trong văn tuồng, thơ, từ của Đào Tấn, người đọc bắt gặp những biểu tượng ước lệ phản ánh triết lý: Thiên – Địa – Nhân của phương Đông để nói lên tâm trạng, hoài vọng, đạo đức của nhân vật trữ tình”. Đoàn Thị Tình qua bài viết “Cảm nhận về hình, sắc qua một số thơ, từ của Đào Tấn” nhận định thêm: “hình ảnh, sắc màu lung linh, tinh tế trong thơ và từ của cụ”.
Qua những cuộc hội thảo và những lần kỷ niệm Đào Tấn, nhìn chung, việc nghiên cứu về Đào Tấn phần lớn tập trung vào làm sáng tỏ thân thế sự nghiệp và đóng góp của tác giả trong lĩnh vực tuồng. Những bài nghiên cứu về thơ còn ở dạng nhỏ lẻ, mới chỉ dừng lại ở cảm nhận riêng biệt trong từng tác phẩm, từng khía cạnh mà chưa có tính hệ thống, khái quát, chưa thấy được trọn vẹn đặc điểm nghệ thuật cũng như bức chân dung con người Đào Tấn trong thơ.
3. Những thông tin cần thiết để trả lời câu hỏi nghiên cứu
Để trả lời câu hỏi nghiên cứu: Thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn có đặc điểm như thế nào ? Chúng ta phải xác định những thông tin cần thiết như:
- Chỉnh thể nghệ thuật thơ Đào Tấn gồm 144 bài thơ (Theo Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo) (2003), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội).
- Những đặc điểm về nội dung và hình thức nghệ thuật thơ Đào Tấn sẽ trả lời cho đặc điểm thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn.
- Cần phải biết thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn có đặc điểm nào là đặc trưng nổi bật nhất, và cơ sở nào tạo nên đặc trưng đó ?
4. Loại thiết kế nghiên cứu sẽ sử dụng
Thực hiện đề tài này, chúng tôi sẽ sử dụng loại thiết kế kết hợp giữa định lượng và định tính. Vì sử dụng loại thiết kế này sẽ cho phép người nghiên cứu vừa thu thập được những số liệu chính xác, khách quan, vừa tìm ra được những đặc điểm về các yếu tố trong nội dung và hình thức nghệ thuật thơ Đào Tấn. Từ đó có thể khái quát lên đặc điểm thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn.
Để chỉ ra các thông tin ở mục 3, người nghiên cứu sẽ sử dụng một số phương pháp thu thập dữ liệu như: dùng phỏng vấn sâu để thu thập những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp thơ Đào Tấn, dùng điều tra để biết được những tài liệu có liên quan đến đề tài nghiên cứu, dùng phương pháp phân tích văn bản để tìm ra những đặc điểm về thế giới nghệ thuật thơ Đào Tấn, ...vv.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Minh, Vũ Thị Thanh Hương (2012), Bài giảng Thiết kế nghiên cứu khoa học xã hội: lý luận và thực tiễn, Hà Nội.
2. Phạm Văn Quyết, Nguyễn Quý Thanh (2001), Phương pháp nghiên cứu xã hội học, Nxb Đại học quốc gia.
3. Nhiều tác giả (1978), Đào Tấn nhà thơ nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty văn hoá và thông tin Nghĩa Bình.
4. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học bộ mới, Nxb Thế giới.
5. Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Nxb Hội Nhà văn, Bến Tre.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét