Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Kỷ niệm 15 năm ngày mất Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : HỒN TRỊNH GIỮA ĐẤT QUY NHƠN (Thầy Võ Minh Hải)




Quy Nhơn chớm hạ - tôi lang thang trên những con đường ngập đầy hoa nắng, nghe nôn nao Hạ trắng vọng về: “Gọi nắng cho vai em gầy, đường xa áo bay. Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say…”.

Tháng Tư này, Trịnh Công Sơn về với Cát bụi chẵn tròn 10 năm (01/04/2001 - 01/04/2011), một thời đoạn chưa phải là dài để người yêu nhạc nguôi ngoai đi nỗi đau mất anh - Kẻ du ca về tình yêu quê hương và thân phận. Sinh năm 1939 tại Buôn Mê Thuột nhưng cuộc đời anh gần như đã gắn với Huế, Sài Gòn. 

Trịnh say mê âm nhạc từ nhỏ, với ca khúc Ướt mi (1958) - bản nhạc đầu tiên của anh nói về những giọt nước mắt thuần khiết của một cô ca sĩ vừa tròn 16, đêm đêm vẫn đến hát ở phòng trà Văn Cảnh - Sài Gòn để nuôi mẹ bị bệnh lao nặng. Đêm nào hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong cô cũng khóc - anh dường như đã liễu ngộ về những khổ đau của thân phận người. Tiếp sau đó là những tình khúc buồn được ra đời ở tuổi 17, 18. Có lẽ, tài năng âm nhạc của anh đã thực sự chín rộ từ trong cảnh đất nước hoang tàn của chiến tranh, bước chân của anh hoà cùng với những bước chân của biết bao thế hệ sinh viên học sinh ở các đô thị miền Nam vào những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước cất lên những tiếng ca đấu tranh cho hoà bình, công lý và tình thương. Trịnh Công Sơn thao thức với Kinh Việt Nam và những Ca khúc da vàng - dĩ nhiên anh tham gia với tư cách là một nhà nghệ sĩ. Anh có mặt trong những đêm không ngủ, trong những ngày hát cho dân tôi nghe. Tiếng đàn ghi ta và chất giọng mộc mạc của anh đã vang lên trong những giảng đường đại học Văn khoa, ký túc xá Nam Giao trong những năm 1966 - 1967 với những ca khúc Người con gái Việt Nam, Đồng dao hòa bình, Nối vòng tay lớn…

Qua ca từ của những bài hát ấy, ta cảm như anh không chỉ biết khóc than cho quê hương đang oằn mình trong bom đạn, lòng anh vẫn sáng lên một niềm tin ở tương lai, rồi đây đất nước sẽ thanh bình và quê hương sẽ tươi đẹp: “Mầm hoà bình nở trên đời dân khốn khó. Cùng đứng lên ta đi dựng căn nhà tự do…”. Trong âm nhạc của Trịnh, ta không nhận thấy vẻ kiêu sa của dòng trữ tình lãng mạn hay vẻ cổ kính của phong cách nhạc cổ điển một thời thịnh hành. Nghe nhạc hay đọc thơ anh, ta nghe những lời ca mộc mạc như cây thơm, như quả dại, phóng khoáng như nắng gió, nhẹ nhàng như mây trôi, êm ái như là hơi thở hay lời tâm tình của những thiếu nữ ở tuổi đang yêu và cũng chính như cuộc đời anh vây! “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng… Em là tôi mà tôi cũng là em…”.

Như một sự tình cờ mà có lẽ “ngẫu nhiên” nhưng lại là một định mệnh, cuộc đời của Trịnh Công Sơn rong ruổi trên một hành trình mà ở đó những nơi anh từng qua, từng ở, từng gắn bó đều in dấu trong sáng tác của anh. Tôi - người yêu nhạc của Trịnh nhưng mới chỉ “cảm” thôi chứ chưa thể hiểu hết nhạc anh. Những người thầy của tôi - những người đã từng sống và bước qua những ngày khói lửa của bom đạn chiến tranh, rồi trở thành những giảng viên đại học văn khoa Quy Nhơn, yêu và hiểu khá nhiều về dòng nhạc phản chiến của anh. Sau những giờ lên lớp, các thầy thường tìm đến những quán cà phê, nhấp từng giọt đắng và gõ nhịp gầy guộc theo phách điệu, tiết tấu của Một cõi đi về (1974): “Mây che trên đầu và nắng trên vai, đôi chân ta đi sông còn ở lại. Con tim yêu thường vô tình chợt gọi, lại thấy trong ta hiện bóng con người…”. Dường như ở một cõi vô thường nào đó đã thôi thúc tôi viết nên những dòng cảm xúc về mối giao cảm, duyên kỳ ngộ giữa Trịnh và Quy Nhơn, giữa Trịnh và trường Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn). Ở nơi ấy có mái trường ngày xưa anh đã từng theo học từ năm 1962 đến 1964, Có những con đường (1973 - 1974) và vùng Biển nhớ (1962) nên thơ mà anh vẫn lang thang sau những buổi tan trường, có những góc phố thân quen hay quán cà phê tri kỷ và đó cũng là nơi anh đã gặp, đã cảm, đã trao những hương tình nồng say trên những khuôn nhạc với những người bạn, những người em và cũng là những người tình: “Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về, gọi hàng liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya…”.

Trịnh quan niệm, cuộc đời là quán trọ và Quy Nhơn cũng là một quán trọ như bao lữ quán khác trên bước đường lãng du của mình “tôi nay làm quán trọ để em ghé bên đường…” “Tôi nay ở trọ trần gian - trăm năm về chốn xa xăm cuối đời…”. Nhưng chúng ta, những người mến mộ anh phải cảm ơn quán trọ bên Biển nhớ này, vì đó là cảm hứng cho bao ca khúc bất tử. Vang đâu đây, nơi sóng biển Quy Nhơn - Ghềnh Ráng vẫn dạt dào, con đường nhỏ vẫn lao xao hàng cây lá rụng, những gác trọ vẫn đơn sơ trống lạnh và bóng ai đó vẫn ôm đàn và cất lên những giai điệu nồng ấm, da diết, yêu thương. Vẫn biết đó là cõi tạm nhưng Trịnh vẫn nặng tình, cái duyên may nhưng mặn mà ấy đã gieo vào lòng người những giọt nhớ và thăng hoa thành những bản tình ca sâu lắng, đúng như anh đã tâm sự: “Khi bạn hát lên một bản tình ca, là bạn đang hát về một cuộc tình của mình. Hãy hát đi đừng e ngại, dù hạnh phúc hay dang dở thì cuộc tình ấy cũng là một phần máu thịt của bạn rồi…”. Hồn anh dường như đã hoà vào những con sóng biển, ẩn khuất sau những lùm cây và hoá thành những hơi sương để khi trở về với Cát bụi (1965) anh vẫn thanh thản ngân vang: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi làm cát bụi…”. Ngày mai cũng là ngày chia xa, những kỉ niệm về anh vẫn còn in đậm trong lòng mỗi người, anh đã tri ân Quy Nhơn - nơi in dấu một thời trai trẻ và Quy Nhơn cũng nhớ đến anh - kẻ du ca trên cõi tạm. Từ khi đến với công chúng lần đầu tiên vào năm 1958, những bản tình ca của Trịnh vẫn luôn là tiếng nói tri âm, đồng cảm với bất cứ người Việt Nam nào, bởi đó là tiếng nói tha thiết của tình yêu quê hương và thân phận con người. Đúng như Bích Hạnh - tác giả công trình Biểu tượng ngôn ngữ trong ca từ của Trịnh Công Sơn đã viết: “Qua hành trình âm nhạc của Trịnh Công Sơn, chúng ta cảm nhận được một gương mặt Việt Nam trong lịch sử: đau thương trong chiến tranh, khao khát hoà bình…”.

Trịnh Công Sơn là một hiện tượng hiếm có trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Là một nghệ sĩ chân chính sáng tác với một triết luận giản đơn: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua những miền đất để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ hư ảo…”. Và Quy Nhơn mãi là mảnh đất tình thương, nơi dung dưỡng những kỷ niệm đẹp của Trịnh, là nơi cất cánh cho những bản tình ca say sưa, hồn nhiên nhưng tha thiết, nồng ấm và yêu thương của người nghệ sĩ vĩ đại - Trịnh Công Sơn .

Võ Minh Hải
Bài viết này ra đời năm 2011
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét