Th.S Phan Nguyễn Trà Giang
Trường Đại học Quy Nhơn
Khác với văn nghệ thuật được hình thành dựa trên tư duy hình tượng, văn nghị luận được hình thành dựa trên tư duy logic. Do đó, nếu ngôn từ trong văn nghệ thuật có độ mềm mại, uyển chuyển, bóng bẩy, giàu chất tượng hình thì ngôn ngữ sử dụng trong văn nghị luận đòi hỏi phải rõ ràng, chính xác và trong sáng. Mục đích của văn nghị luận là làm sáng tỏ một vấn đề, hiện tượng có ý nghĩa xã hội nào đó, nên để đạt được mục đích này, người làm văn không chỉ cân nhắc lựa chọn, xây dựng luận điểm và lập luận chặt chẽ mà còn phải quan tâm đến việc sử dụng ngôn ngữ đối thoại như thế nào để diễn đạt trong bài văn được mạch lạc, rõ nghĩa.
Ngôn ngữ là yếu tố quyết định không nhỏ đến sự thành công của một bài văn NLXH, bởi lẽ câu từ được người làm văn đưa ra có đủ sức nặng thuyết phục người đọc (nghe) tin vào quan điểm của mình hay không là nhờ vào quá trình lựa chọn từ ngữ sao cho vừa đúng lại vừa đắt, phục vụ cho việc bảo vệ chủ kiến của người làm văn. Hơn nữa, một bài văn nghị luận xuất sắc không chỉ phản ánh vẻ đẹp trí tuệ mà còn ghi nhận sự sắc sảo trong tư duy của người cầm bút, vì ngôn ngữ được sử dụng trong bài văn sẽ là tấm gương phản chiếu những nhận thức mà người làm văn có được từ việc quan sát, phân tích, tổng hợp những góc nhìn liên quan đến vấn đề, hiện tượng được nghị luận. Cho nên, một trong những yếu tố cần phải nói đến khi xem xét một bài văn NLXH có tính đối thoại hay không đó chính là ngôn ngữ đối thoại. Việc rèn cho HS năng lực sử dụng ngôn ngữ đối thoại trong quá trình làm văn NLXH là một điều vô cùng cần thiết mà bất cứ GV Ngữ văn nào cũng nên lưu ý, chú trọng.1. Nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ đối thoại khi làm bài văn NLXH
Khi sử dụng ngôn ngữ trong bài làm văn NLXH theo hướng đối thoại, HS cần tuân thủ một số nguyên tắc và nghi thức giao tiếp thông thường.
Trước hết, trong quá trình đối thoại, người làm văn luôn ghi nhớ phải nói đúng vai xã hội. Sự giả định người đối thoại ngay từ khâu tìm hiểu đề bài chính là cơ sở để người làm văn hướng cách viết, cách nói của mình phù hợp với đối tượng mà mình hướng đến: không tự phụ, kiêu căng; không tự ti, khúm núm. Nếu bài văn được viết ra để đối thoại với những người lớn tuổi hơn, có địa vị, chức vụ trong xã hội thì ngôn ngữ sử dụng phải có nét nghĩa chuẩn mực, kính trọng, lễ phép; nếu để đối thoại với người ngang vai như bạn bè đồng lứa, đồng niên, đồng môn thì ngôn ngữ phải có nét nghĩa tôn trọng, bình đẳng, văn minh; còn khi đối thoại với người có vai thấp hơn thì người viết (nói) nên lựa chọn ngôn ngữ có nét nghĩa hòa nhã, trân trọng, tránh các mệnh lệnh giáo điều, sáo rỗng. Việc viết (nói) đúng vai sẽ đem lại thiện cảm cho người tham gia đối thoại vì nó thể hiện tinh thần “biết người biết ta” trong nghệ thuật giao tiếp, ứng xử.
Ví dụ: Xét văn bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở góc độ là một văn bản nghị luận xã hội – bàn về vấn đề độc lập và chủ quyền của dân tộc Việt Nam – ta nhận ra tính đối thoại trong văn bản này thể hiện rất rõ. Đối tượng mà bản tuyên ngôn hướng đến là tất cả quốc dân đồng bào, toàn thể thế giới và những lực lượng thù địch có dã tâm muốn nô dịch đất nước ta thêm lần nữa. Nếu đặt vào bối cảnh giao tiếp và xét theo vai xã hội thì đất nước ta một mặt là nước bé so với các cường quốc lúc bấy giờ như Mỹ, Pháp; một mặt là đất nước đứng về phe Đồng minh nên cũng được xem là ngang vai với tất cả các nước có cùng tư tưởng chống phát xít; ngoài ra, với kẻ thù mà dân tộc ta vừa đánh bại thì đất nước ta có tiếng nói của người thắng trận. Do đó, ngôn ngữ được Hồ Chí Minh sử dụng trong bản tuyên ngôn trên vừa có sự khiêm nhường, nể phục nước lớn (dẫn lại lời trong Bản tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp), vừa có sự thẳng thắn, dứt khoát thoát ly mối quan hệ thuộc địa với kẻ thù (khẳng định kết quả của hai cuộc cách mạng dân tộc và cách mạng dân chủ), đồng thời lại có sự tự tin, trịnh trọng của một quốc gia vừa giành lấy chủ quyền và bước sang trang tự quyết cho số phận của dân tộc mình (lời tuyên bố độc lập). Bên cạnh đó, đây còn là bản tuyên ngôn của người Việt và dành cho tất cả mọi người Việt – mà phần đông dân số lúc bấy giờ đều mù chữ và thành phần chủ yếu là nông dân – nên từ ngữ mà Bác sử dụng trong bản Tuyên ngôn hầu hết đều dễ hiểu, trong sáng. Lịch sử ghi lại rằng trong quá trình đọc Tuyên ngôn độc lập trước quảng trường Ba Đình nhuộm nắng mùa thu, Người thậm chí còn dừng lại giữa chừng để ân cần hỏi: “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Như vậy, ngôn ngữ trong Tuyên ngôn độc lập đã đạt đến đỉnh cao sự giản dị nhưng sang trọng, lịch sự của tiếng Việt chuẩn mực và hiện đại. Điều này góp phần làm nên sự bất hủ của bản Tuyên ngôn, biến một văn kiện lịch sử trở thành một áng văn chính luận mẫu mực nhưng cũng rất đỗi trữ tình.
Thứ hai, trong lúc đối thoại, người làm văn cũng cần lưu ý sử dụng ngôn ngữ sao cho phù hợp với trình độ của người đọc (nghe). Nếu phải làm sáng tỏ một vấn đề, hiện tượng với người mà chưa biết tí gì về vấn đề, hiện tượng đó thì người làm văn phải dùng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nhất để người đọc (nghe) có thể nắm bắt được vấn đề một cách trung thực và đầy đủ, giúp họ có nền tảng hiểu biết và gợi cho họ có những suy nghĩ của riêng mình về vấn đề, hiện tượng mà mọi người đang bàn bạc. Còn nếu trao đổi với một người đã có quan điểm nhất định về vấn đề, hiện tượng được đem ra nghị luận thì người làm văn cần vận dụng tổng hợp những kiến thức, kinh nghiệm mà mình có để tranh luận và sau cùng tìm ra cách hiểu, cách giải quyết vấn đề, hiện tượng một cách hợp lí nhất, có thể làm thỏa mãn cả hai bên. Muốn làm tốt điều này thì người làm văn cũng dựa vào tiền đề là giả định người đối thoại để hiểu rõ đối tượng mà mình đang giao tiếp. Đặt trong ngữ cảnh của bài viết này, người làm văn là HS ở nhà trường phổ thông, đối tượng mà các em hướng đến trong các bài viết của mình thường là bạn bè đồng lứa, hoặc những người có thẩm quyền trong một lĩnh vực nào đó (chẳng hạn GV cũng được xem là người có thẩm quyền trong lĩnh vực giáo dục, là người đánh giá và xếp loại bài viết của các em) nên ngôn ngữ mà các em sử dụng thường phải chứa đựng một hàm lượng tri thức nhất định, có vậy mới thuyết phục được người tham gia đối thoại.
Thứ ba, cảm hứng chủ đạo của cuộc đối thoại sẽ quyết định thái độ đối thoại của những người tham gia. Và ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện chính xác nhất thái độ này. Đó có thể là thái độ mạnh mẽ thông qua lớp từ vựng mang nét nghĩa cứng rắn, dứt khoát; có thể là thái độ đồng tình, sẻ chia thông qua lớp từ vựng mang nét nghĩa mềm mỏng, nhẹ nhàng; cũng có khi là thái độ phê phán, bác bỏ thông qua lớp từ vựng mang nét nghĩa phủ định. Ngoài từ vựng, cấu trúc câu và nhịp điệu cũng góp phần thể hiện thái độ đối thoại của người làm văn. Câu văn dài, nhịp điệu dàn trải thường là biểu hiện của thái độ ôn hòa; câu văn ngắn, nhịp điệu nhanh thường là biểu hiện của lối tư duy gãy gọn, khúc chiết, có thái độ kiên quyết, rõ ràng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, dù chủ kiến của người làm văn có trái ngược hoàn toàn với quan điểm của người đối thoại thì khi tranh luận không được dùng ngôn ngữ khích bác, thóa mạ, bởi lẽ nó sẽ dẫn tới sự xấc xược, vô văn hóa trong giao tiếp, biến cuộc đối thoại thành cuộc đối đầu. Mà nếu vậy thì bài viết sẽ hoàn toàn đi ngược lại mục đích ban đầu.
Ví dụ: Sử sách đã ghi lại những cuộc bút chiến của các anh hùng hào kiệt thuở xưa về quan điểm chính trị, dẫu hoàn toàn đối lập nhau nhưng họ vẫn giữ thái độ đối thoại rất điềm tĩnh, sử dụng ngôn từ rất cẩn trọng, lịch sự, văn minh. Hãy xem cuộc đối thoại giữa hai nhà nho, hai vị tướng: một người là Đình Nguyên Tiến sĩ – Phan Đình Phùng – một trí thức yêu nước của Việt Nam những năm cuối thế kỉ XIX, một người là tổng trấn Bắc phần – Hoàng Cao Khải – một đại thần thân Pháp và chủ trương đàn áp các phong trào nghĩa quân chống Pháp của nhân dân An Nam. Bỏ qua nội dung của bức thư, chỉ xét cách dùng từ của vị gian quan Hoàng Cao Khải, ta cũng phải nể nang cái thái độ nhã nhặn đúng mức của ông khi đối đáp với cụ Phan Đình Phùng trong những lần dụ hàng không thành công của mình.
Thư của Hoàng Cao Khải gửi cho cụ Phan Đình Phùng:
“Đồng Ấp Phan Đình Nguyên Đại Nhân túc hạ,
Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi đã 17 năm rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy là mỗi người đi một ngả khác nhau, nhưng trong giấc mộng – hồn vẫn thường thấy nhau, không xa xôi gì.
Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can… các quan thường thở than khen ngợi, và tỏ ý kính trọng lắm…”
Và đây là thư phúc đáp của cụ Phan Đình Phùng:
“Hoàng quy-đài các hạ,
Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi chốn rừng rú, lại thêm lúc này rét quá, nông nỗi thật là buồn tênh. Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh lẽo tan đi đâu mất cả…
Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu biết. Cách nhau muôn dặm mà chẳng khác gì ngồi chung một nhà đối mặt mà nói chuyện với nhau…”(1).
Đoạn thư qua thư lại của hai vị cao nhân trên đây đã minh chứng cho thấy dù bất đồng quan điểm, tư tưởng nhưng không vì thế mà họ dùng những lời lẽ không hay để xúc phạm nhau. Ngược lại, chính ngôn từ lịch sự, đúng mực mà họ sử dụng đã khiến người đời sau phải ngưỡng vọng tinh thần đối thoại rất văn minh của họ. Đúng như triết gia người Syrian Publilius Syrus (sống ở Italy vào thế kỉ thứ nhất trước Công nguyên) đã nói: “Lời nói là tấm gương của tâm hồn: anh nói như thế nào, anh là như vậy”.
2. Hướng dẫn HS sử dụng ngôn ngữ đối thoại khi làm bài văn NLXH
Ở trên chúng tôi đã đề ra các nguyên tắc sử dụng ngôn ngữ trong quá trình tham gia đối thoại. Tuy nhiên, việc tuân thủ các nguyên tắc ấy tốt đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng rèn luyện ngôn ngữ của mỗi HS. Chúng tôi thử đề xuất cách thức rèn luyện thông qua các bước sau đây:
Bước 1: Lựa chọn từ ngữ khi xây dựng luận điểm
Bất cứ người làm văn nào cũng thấy việc hiểu từ, dùng từ đúng chỗ là điều quan trọng và khó khăn bậc nhất. Đặc biệt, trong văn nghị luận nói chung và văn NLXH nói riêng, việc đưa ra luận điểm có sức nặng về lí lẫn về tình để thuyết phục người khác hay không phụ thuộc vào việc dùng từ thật đúng và thật đắt.
Vậy thế nào là dùng từ đúng và đắt? Đó là người làm văn phải dùng từ chính xác, nghĩa là đảm bảo được sự tương hợp sát sao giữa ý nghĩa của từ với nội dung muốn biểu đạt (tức khái niệm, sự vật, hành động, tính chất, trạng thái, v.v…). Cụ thể là:
Thứ nhất, nghĩa biểu niệm hay biểu vật của từ phải phản ánh đúng khái niệm, sự vật, hành động, tính chất… mà người làm văn muốn đề cập đến. Đây là sự tương hợp cơ bản nhất. Không đảm bảo được sự tương hợp này thì sẽ dẫn đến lỗi chọn sai từ.
Thứ hai, nghĩa biểu thái của từ phải phù hợp với tình cảm, thái độ của người làm văn đối với vấn đề, hiện tượng được đem ra nghị luận; đồng thời nghĩa biểu thái của các từ phải tương hợp với nhau và tương hợp với sắc thái ý nghĩa chung của cả câu văn.
Thứ ba, giá trị phong cách của từ phải phù hợp với phong cách ngôn ngữ của văn bản, ở đây cụ thể là phong cách ngôn ngữ chính luận.
Ví dụ: Trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba, tác giả Thân Nhân Trung muốn nhấn mạnh vai trò của người hiền tài đối với vận mệnh của đất nước nên đã mở đầu bằng một luận điểm rất sắc sảo: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Nổi bật trong luận điểm này là các từ Hán Việt và thuần Việt được sử dụng rất tương xứng, tạo ra phép đối và nhịp điệu cho câu văn: “hiền tài – nguyên khí”, “thịnh – suy”, “thế nước mạnh – thế nước yếu”, “hưng thịnh – thấp hèn”. Không chỉ vậy, từ Hán Việt còn tạo ra sắc thái trang trọng, phù hợp với thái độ nghiêm túc của tác giả khi bàn về chuyện đại sự của quốc gia là biết trọng dụng người tài. Luận điểm này tạo ra một tiền đề mang tính chân lí để các luận cứ, luận chứng, lí lẽ mà tác giả dẫn ra sau đó có một điểm tựa vững chắc, tạo thành một lập luận logic về nội dung và sang trọng về mặt hình thức.
Bước 2: Sử dụng các thao tác trình bày để xây dựng câu trong quá trình lập luận
Nếu văn tự sự hấp dẫn người đọc bởi câu trần thuật có chứa các sự kiện, sự việc; văn miêu tả lôi cuốn người nghe bởi những câu văn giàu tính tượng thanh và tượng hình; văn thuyết minh chinh phục độc giả bằng những câu tường minh, rõ nghĩa thì văn nghị luận nói chung và NLXH nói riêng lại thu hút người tiếp nhận bằng những câu văn khúc chiết, gọn gàng. Các thao tác trình bày thường sử dụng chủ yếu để tạo câu trong làm văn NLXH là: giải thích, liệt kê, so sánh, nhân quả.
Câu văn trong văn bản nghị luận theo phương pháp giải thích gắn liền với cấu trúc C là V. Loại câu này thường được người làm văn dùng ở phần giải thích vấn đề, hiện tượng cần nghị luận trước khi đi vào bàn bạc, đánh giá về vấn đề, hiện tượng ấy. Ví dụ: “Thụ động là chịu sự chi phối, chỉ biết làm theo, nghe theo người khác mà thiếu chủ động sáng tạo” (trích Đáp án đề thi tuyển sinh đại học môn Ngữ văn khối D năm 2013 của Bộ GD&ĐT). Hoặc: “Ngưỡng mộ thần tượng là sự tôn kính, mến phục nồng nhiệt dành cho những đối tượng được xem là hình mẫu lí tưởng hoặc có quyền năng đặc biệt, có sức cuốn hút mạnh mẽ đối với cá nhân hay cộng đồng; mê muội thần tượng là sự say mê, tôn sung một cách mù quáng, thiếu tỉnh táo trước thần tượng” (trích Đáp án đề thi tuyển sinh đại học môn Ngữ văn khối D năm 2012 của Bộ GD&ĐT).
Thao tác liệt kê được sử dụng để tạo câu trong văn bản nghị luận khi người làm văn muốn diễn đạt cùng lúc thật nhiều ý tưởng. Cách làm này giúp người đọc hiểu sâu sắc, toàn diện và có ấn tượng đối với vấn đề, hiện tượng được nghị luận. Ví dụ: “Sự hèn nhát khiến con người không thể vượt qua được những cám dỗ, dục vọng tầm thường; không dám đấu tranh với cái xấu, cái ác; không dám lên tiếng bênh vực cái thiện, cái đẹp” (trích Đáp án đề thi môn Ngữ văn – kì thi THPT Quốc gia năm 2016 của Bộ GD&ĐT). Yêu cầu khi viết kiểu câu này là các yếu tố được liệt kê phải có giá trị ý nghĩa đồng đẳng, tương đương nhau, có vậy mới tạo ra sự cân xứng cho câu văn nghị luận.
Sử dụng thao tác so sánh để tạo câu trong quá trình làm văn NLXH cũng là một cách làm phổ biến của nhiều người làm văn. Thao tác này sẽ giúp người viết (nói) có thể làm rõ đặc điểm, tính chất của vấn đề, hiện tượng cần nghị luận; đồng thời tăng sức thuyết phục và độ tin cậy cho vấn đề, hiện tượng đó. Để tạo lập kiểu câu này, người viết có thể đặt câu gắn liền với những từ và cụm từ như: “như”, “hơn cả”, “không có nghĩa”, v.v… Ví dụ: “Dũng khí không đồng nghĩa với sự liều lĩnh, bất chấp; sống là chính mình không đồng nghĩa với chủ nghĩa cá nhân cực đoan” (trích Đáp án đề thi môn Ngữ văn – kì thi THPT Quốc gia năm 2016 của Bộ GD&ĐT).
Thao tác trình bày nhân – quả (nguyên nhân – kết quả) là thao tác được người viết (nói) sử dụng rất phổ biến để tạo câu trong làm văn NLXH. Đây là kiểu câu thường gắn với các từ liên kết như: “bởi vậy”, “do đó”, “vì thế”, “cho nên”,… có tác dụng giúp người đọc (nghe) dễ dàng hình dung những nhận định, kết luận của người viết (nói) trước một vấn đề, hiện tượng nào đó. Ví dụ: “Hiền tài là nguyên khí của đất nước. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà xuống thấp. Bởi lẽ đó các bậc thánh đế minh vương không ai không coi việc gây dựng nhân tài, tuyển chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc quan trọng hàng đầu. Kẻ sĩ đối với nước nhà quan trọng như vậy, cho nên cái ý tôn sùng không biết thế nào là cùng” (Thân Nhân Trung – Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba).
Như vậy, kiểu câu thích hợp nhất cho phong cách ngôn ngữ dùng trong văn bản nghị luận thường là câu khẳng định, câu phủ định. Do đặc điểm và tính chất riêng biệt nên người làm văn nghị luận ít dùng loại câu mô tả, trần thuật “kể lể” sự việc mà thường sử dụng loại câu khẳng định và phủ định với nội dung hầu hết là các phán đoán hoặc những nhận xét, đánh giá chắc chắn, sâu sắc. Việc sử dụng linh hoạt và kết hợp khéo léo các thao tác trình bày trong lúc tạo câu sẽ giúp người làm văn tránh được sự đơn điệu, khô khan trong lúc viết văn NLXH, thay vào đó, bài văn sẽ có những câu, những đoạn mềm mại, giàu cảm xúc, in đậm dấu ấn cá nhân của người viết. Đây chính là yếu tố tạo nên “cái tình” để bài văn nghị luận có sức thuyết phục người đọc bằng tất cả trái tim. Hãy thử xem một đoạn văn nghị luận bàn về Bản chất của thành công của tác giả Hà Minh Ngọc – nguyên là HS lớp 10 chuyên Văn, khối chuyên THPT trường ĐHSP Hà Nội – từng được điểm 9+ và gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài vào năm 2006: “Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Còn đối với tôi, thành công là khi ai đó đọc được bài viết nhỏ này. Có thể sẽ chẳng được điểm cao, nhưng gửi gắm được những suy nghĩ của mình vào trang viết, với tôi, đó là một thành công”. Đoạn văn này đã sử dụng kiểu câu chủ yếu là khẳng định, phủ định để giữ vững lập trường, quan điểm của tác giả. Cho nên, sự tin tưởng của người đọc (nghe) vào những điều mà người viết đánh giá, nhận định là hoàn toàn có cơ sở.
Bước 3: Sử dụng các phép liên kết để dựng đoạn văn hoàn chỉnh
Ngoài việc dùng từ, đặt câu, người làm văn còn cần lưu ý đến kĩ năng dựng đoạn văn trong bài làm văn NLXH. Ấy là sử dụng các từ nối, các phép liên kết để tạo ra sự gắn kết giữa các câu và làm nên những đoạn văn mang giá trị tương đương với một lập luận hoàn chỉnh. Những từ nối phổ biến mà ta thường bắt gặp trong làm văn nghị luận nói chung và làm văn NLXH nói riêng là: thật vậy, tuy thế, bởi lẽ, cho nên, vì vậy, không chỉ… mà còn, có nghĩa là, giả sử, nếu như, trước hết, sau cùng, một mặt, mặt khác, nói chung, tóm lại, tuy nhiên, bên cạnh đó, v.v… Hệ thống từ nối này thực sự là một vũ khí lợi hại, là chất keo bền bỉ tạo ra sự gắn bó chặt chẽ giữa các câu cả về mặt hình thức lẫn nội dung, góp phần tạo ra sự mạch lạc cho đoạn văn và văn bản.
*
Tóm lại, giúp HS nắm vững các nguyên tắc khi sử dụng ngôn ngữ đối thoại và rèn cho các em khả năng sử dụng ngôn ngữ đối thoại khi làm bài văn NLXH là một công việc cần thiết và quan trọng của người GV trong quá trình dạy học làm văn NLXH ở nhà trường phổ thông. Thao tác này tác động rất nhiều đến sự thành công của bài văn nói riêng cũng như hiệu quả sau cùng của hoạt động đối thoại, giao tiếp nói chung. Do đó, khi tiến hành dạy học làm văn NLXH, GV nên có ý thức rèn luyện cho các em khả năng này một cách thường xuyên, tự giác; góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng của việc dạy và học làm văn NLXH ở nhà trường phổ thông hiện nay.
-----------------------------------------
(1) Dẫn theo Lãng Nhân (1964), Giai thoại làng Nho, Nxb Nam Chi Tùng Thư, tr.17.
Bài in trong Kỉ yếu Hội thảo khoa học 2017 của khoa Ngữ Văn - ĐHSP Huế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét