Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

KIỂU TÁC GIẢ NHÀ NHO HÀNH ĐẠO ĐÀO TẤN (ThS. Nguyễn Đình Thu)

       Lịch sử văn học có thể được xem như lịch sử của những loại hình tác gia văn học. Bằng cái nhìn loại hình học trên phương diện văn học, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đã tạo nên những nhà nho trong văn học trung đại Việt Nam. Và từ những loại hình nhà nho gắn liền với kiểu sáng tác mà chi phối, quy định hệ thống đề tài, chủ đề, thể loại, cho đến ngọn nguồn cảm xúc và hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm.


         Nhìn từ phía cuộc đời tác giả, khi mười ba tuổi, Đào Tấn đã bắt đầu tiếp thu nền Hán học từ cụ tú Nhơn Ân Nguyễn Diêu – một tú tài có tiếng học rộng hiểu cao, ham thích tuồng hát trong vùng. Đến hai mươi ba tuổi, ông đỗ cử nhân tại trường thi Bình Định (Khoa Đinh Mão, Tự Đức 20), bắt đầu làm quan lúc hai mươi bảy tuổi, và từ đó cho đến lúc về hưu (1904), ông liên tục giữ chức vụ cao và là một bậc trọng thần của triều đình nhà Nguyễn. Vì vậy có thể khẳng định tư tưởng ảnh hưởng xuyên suốt cuộc đời Đào Tấn là tư tưởng Nho giáo. Vấn đề đặt ra là ở chỗ, trong sáng tác thơ, con người tác giả thuộc loại hình nhà nho nào?

         Xét trên những thi phẩm viết bằng chữ Hán của Đào Tấn thấy có đầy đủ biểu hiện của ba kiểu loại ứng xử nhà nho: hành đạo, ẩn dật và tài tử(1). Tuy nhiên xuyên suốt và đậm nét hơn cả vẫn là loại hình nhà nho hành đạo. Có điều sắc thái biểu hiện của nhà nho hành đạo trong thơ cụ Đào đậm nhạt trong mối quan hệ nào, mới mẻ ở đâu đòi hỏi phải có sự khảo sát nghiêm túc.

 Không chỉ nhận được nhiều ân sủng của vua, mà giữa vua Tự Đức, Thành Thái với Đào Tấn còn là những người có tâm hồn văn chương và có tinh thần yêu nước. Ông còn được chính tay Tự Đức, Đồng Khánh viết thơ tặng. Điều đó phần nào đã củng cố thêm quan hệ quân thần trong con người Đào Tấn. Phải thừa nhận rằng việc cụ Đào đang ẩn dật trên Linh Phong tự rồi lại theo chỉ dụ của vua Đồng Khánh ra làm quan (1886) không giản đơn chỉ vì kế sinh nhai như cái cách ông đã nói, hay để có cơ hội thi thố tài năng, thực hiện hoài bão mà  ông chưa đủ dũng khí để xóa bỏ được thân phận của một tôi trung như những người anh hùng đã đứng hẳn về phía nhân dân trong hoàn cảnh mất nước. Khảo sát cụ thể sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn, nhiều biểu hiện cho thấy tác giả vẫn sống đúng với phận vị của một bề tôi. Tết đến xuân về, Đào Tấn không quên gửi lời chúc tốt đẹp đến vua: Ngự Bình Nam vọng chiêm hoa đánNguyện hiệu sơn hô đệ kỷ thanh (Ngóng về phương Nam nơi có núi Ngự Bình mà đón tết/ Xin tung hô nhiều lần chúc thọ nhà vua – Nhâm Dần nguyên đán thí bút). Trong mắt cụ Đào, đôi khi ngay cả cỏ hoa cũng mang ơn vua: Kỳ viên hoa thảo thượng quân ân (Hoa cỏ vườn chùa còn thắm đượm ơn vua – Dạ quá Hòa Quang tự ngẫu chiếm). Có lúc, kẻ bề tôi cô đơn lại hổ thẹn vì cảm thấy có lỗi với đấng tiên đế (Tự Đức): Tiên đế ủy vi kim nhật dụng/ Cô thần hoàn tác cố sơn mưu (Đấng tiên đế ủy thác cho ta phải làm công việc ngày hôm nay/ Nhưng kẻ bề tôi cô đơn này lại toan tính việc trở về non cũ – Vô đề), tựa như Nguyễn Khuyến từng trách mình: “Ơn vua chửa chút báo đền/ Cúi trông hổ đất ngửa lên thẹn trời (Di chúc văn – Trần Tán Bình dịch). Và trong những lúc buồn rầu, cô đơn ấy, khi nghe tiếng cuốc kêu, Đào Tấn không khỏi bâng khuâng nhớ về vị vua cũ đầy tâm đắc, tri ngộ (Văn đỗ vũ). Xuất phát từ lý tưởng “Quân minh thần lương” nên khi vua quan nhà Nguyễn ngày càng sa sút, từ trong đáy lòng mình, Đào Tấn vẫn mong muốn có một vị vua sáng suốt, biết dựa vào dân như người anh hùng Lê Lợi để phò tá. Điều đó giải thích tại sao hai lần đi thăm di tích Lam Sơn (Thanh Hóa), tác giả đều có thơ ca ngợi Lê Lợi (Du Lam Sơn bái đề Lê Thái Tổ miếuTrùng du Lam Sơn tuyệt cú). Tuy tư tưởng trung quân ở Đào Tấn không được phát biểu trực tiếp như Nguyễn Đình Chiểu từng nói: Trai thời trung hiếu làm đầu (Truyện Lục Vân Tiên) nhưng tác giả lại gián tiếp mượn hình ảnh bề tôi nổi tiếng trung với vua, sẵn sàng chết vì vua như Nhạc Phi (thời Nam Tống) để ngầm thể hiện điều đó: Đại nghĩa quân thần trọng/ Cô trung thiên địa tri (Nặng lòng vì nghĩa lớn vua tôi/ Ôm nỗi cô trung trời đất biết – Vịnh Nhạc Vũ Mục). Như vậy, nuôi lý tưởng trung quân vẫn là khát vọng mong manh của Đào Tấn trong chốn quan trường. Tuy nhiên, tiếng nói ơn vua, giữ phận làm tôi trong thơ ông không có được sự hùng sảng, khẳng định mạnh mẽ mà chỉ phảng phất, có phần mờ nhạt. Điều đó phù hợp với tâm trạng tác giả, với sự suy tàn của chế độ phong kiến nước ta cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
          Bên cạnh đạo vua tôi, Đào Tấn nổi bật hơn là một nhà nho luôn giữ lối sống phải đạo đối với những người thân. Người học trò họ Đào ấy dù đi đâu cũng không quên ân nghĩa của thầy (Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật). Khi làm quan nơi đất khách quê người, trong nỗi nhớ quê thường trực, Đào Tấn luôn thể hiện ước nguyện báo hiếu và nỗi nhớ mẹ già day dứt khôn nguôi. Đó còn là tình cảm anh em sâu nặng chỉ biết lấy rượu mà giải bày: Chước bãi hân nhiên hướng quân đạo (Rượu rót rồi khuây khỏa nói cùng em – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Bao nhiêu thành đạt trên bước đường hoạn lộ, chẳng lúc nào ông không nghĩ tới công ơn của người vợ từ thuở hàn vi ở quê nhà Bình Định (Đợ áo cho ta rượu, lúc nghèo/ Bỏ nhà khi loạn, bế con theo/ không màng cảnh sống ngày vinh lạc/ So với nàng, ta thẹn xiết bao –Mai tăng đề ư An Tịnh tổng chế đường chi khiếu ngạo đông hiên, đương Thành Thái Quý Tỵ, hòa tiết, Vũ Ngọc Liễn dịch). Tình cảm phu thê thắm thiết, thủy chung được Đào Tấn bộc lộ trong nhiều thi phẩm của mình (Bệnh tích Diêu Tiên ái khanh thi dược hữu hiệu hí thư thị chi, Thọ Diêu Tiên phu nhân ngũ thập sơ độ, Thính Diêu Tiên khanh độc tao…). Đặc biệt, tác giả còn có cả một bài thơ khóc vợ: Tự cổ sinh ly túc cảm thương/ Tranh giao tử biệt tiện tương vương (vong)/ Hoang pha hà xứ phần tam xích/ Lão nhãn tha hương lệ sổ hàng… (Từ xưa đến nay, sống mà chia lìa đã là chuyện đau thương/ Huống chi sự chia lìa bằng cái chết, thế là mất nhau rồi/ Ngôi mộ ba thước đặt nơi gò hoang nào/ Ở đất khách, đôi mắt già rơi bao hàng lệ… – Điệu vong). Bài thơ vừa nói lên được cái triết lí tình cảm sâu sắc của con người, vừa là bài khóc vợ thống thiết thương đau. Bài thơ xứng đáng là một trong những tác phẩm ai điếu hay nhất trong văn học trung đại Việt Nam, bên cạnh Nguyễn Kiều (1694-1771) khóc thương Đoàn Thị ĐiểmNgô Thì Sĩ (1726-1780) với Khuê alụcNgô Thì Nhậm (1746-1803) với Hoài nộiPhạm Thái (1777-1813) với Văn tế Trương Quỳnh Như,Nguyễn Khuyến (1835-1909) với Điếu nội, v.v... Trong quan hệ với con, Đào Tấn là người cha mẫu mực, luôn quan tâm, lo lắng, khuyên bảo con những điều hay lẽ phải. Từ việc con đi lấy chồng, con đi học, đi ứng thí, hay đặt tên cho cháu, ông đều trăn trở và ký thác vào thơ (Giá nữ tiểu khúc, Ký nhi, Sinh tôn chu nguyệt mệnh danh Sư Kiệm thị nhi Thạch…). Qua đây, chúng ta thấy, Đào Tấn luôn quan tâm đến mọi sắc thái của tình cảm gia đình. Đó là biểu hiện của một tâm hồn nhà nho giàu tình cảm và phần nào mang cảm quan hiện thực. Bên cạnh đó, trong 141 bài thơ chữ Hán, thơ viết về bạn, viết cho bạn của cụ Đào cũng chiếm một số lượng khá lớn. Một lần tiễn bạn, bạn nhậm chức mới, bạn mất, hay những lúc ngồi một mình nhớ bạn,… tất cả đều có thể tạo thành nguồn cảm xúc vô tận để tác giả chấp bút thành thơ (Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu, Ký hoài Hà Đình công, Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên...).

          Khi tìm hiểu về phẩm chất của Đào Tấn, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã phát hiện ra có một sự thống nhất đến lạ kỳ trong con người tác giả: “Mộng Mai Đào Tấn sinh ra trên đất Mai, đặt tên hiệu là Mai, đặt tên cái vườn nhà cũng là Mai, chết chôn ở núi Mai (...). Nghĩa là ông rất yêu mai, muốn sống một cuộc đời như Mai...”(2). Về vấn đề này, Đào Tấn đã có sự gặp gỡ với Cao Chu Thần, cả cuộc đời cũng chỉ biết lạy tạ trước hoa mai. Nói đến khí tiết trong sạch của cụ Đào, giới nghiên cứu thường lấy thi phẩmĐề mai sơn thọ viên của ông để minh họa:
Nhàn hướng Mai sơn bốc thọ viên,
Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn.
Mai sơn tha nhật tàng mai cốt,
Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn.
                                (Lên đỉnh núi Mai tìm đất thọ,
Mỉm cười lặng ngắm đá chon von.
Núi Mai rồi gửi xương mai nhé,
Ước được hoa mai hóa mộng hồn)
                                    (Xuân Diệu dịch)
          Bài thơ chuyển tải được vẻ thanh thản, ung dung, tự tại của một con người đã “tri thiên mệnh”, xem thường danh lợi, không còn quá lo lắng trước sóng gió cuộc đời. Cái “tiếu vô ngôn” ấy mang tinh thần “vô úy”, chứa chất nội lực đến mức “vô ngã” mà hòa nhập đến tận cùng vào trời mây cây cỏ. Khi rảnh rỗi tìm đất thọ, thản nhiên với một ngày mình sẽ nằm lại nơi này, ước tâm hồn biến thành hoa mai, chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ nói lên nhân cách lớn của một bậc đại nhân.

Nhìn từ phía những sĩ phu đương thời, với đề mục Đóa mai giữa chốn bụi lầm, Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh: “Giới sỹ phu đương thời ca ngợi rằng tuy xuất thân là một học trò nghèo, nhưng Đào Tấn làm quan không hề vì danh lợi mà chỉ để thi thố chí lớn…”(3). Nhìn từ phía các vị vua cũng như triều đình nhà Nguyễn, Quách Tấn, Quách Giao tiếp tục khẳng định: “Làm Phủ doãn Thừa Thiên, Đào công đảm nhiệm sáu huyện, có nhiều thành tích, được triều đình tặng 3 chữ “thanh, thận, cần” và được vua Tự Đức phê tặng 4 chữ “Bất úy cường ngự”(4). Ở góc độ khác, trong cách nhìn của người Pháp, chính Charles Gosselin cũng đã phải thừa nhận: “Một đời tận tụy trong nhiều chức vụ quan trọng nhưng Đào Tấn vẫn tay trắng thanh bần”(5). Mười năm làm quan gắn bó sâu nặng trên đất Lam Hồng, có lúc nhà thơ hóm hỉnh hỏi sông Lam núi Hồng để gián tiếp thể hiện khí tiết như tác giả cũng đã từng trực tiếp khẳng định tâm hồn trong sạch của mình qua thơ: Thập niên lai vãng Hồng Lam lộ/ Thanh khoáng ngâm hoài tự thử trung (Mười năm qua lại con đường núi Hồng sông Lam/ Thơ văn ta cũng trong sạch như cảnh nước non nơi đây – Hành bộ ngẫu đắc)...

Không chỉ “thanh, thận, cần”, Đào Tấn còn mang phẩm chất cương trực, cứng cỏi của một nhà nho “tiết tháo”: An đắc Linh Phong phong hạ kiến tiết lâu (Dễ đặng một ngôi nhà dành cho người tiết tháo dựng dưới chân núi Linh Phong – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Ông tồn tại như một cây tùng, cây bách giữa trời, dày dạn nắng mưa (Vãng đăng Hồng Sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác) như Nguyễn Trãi, hay Nguyễn Công Trứ cũng đã từng khẳng định. Đào Tấn đã hết lời ca ngợi những người bạn như thế: Bắc Hải hào tình dư khẳng khái(Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu), Hà xứ giai nhân không cốc trung (Tịnh am tôn thất tặng lan thư thử báo chi), Khởi thị tầm thường nhất hác mưu/ Thung dung tiến thoái thị hà vưu (Tống Hoàng Miễn Trai hiệp quỹ công trí sự). Ngược lại, ông rất ghét những gian thần bất nhân bất nghĩa như Tần Cối: Phần bạn hưu lưu Cối/ Hành nhân dục phủ chi (Vịnh Nhạc Vũ Mục), hay những kẻ xử sĩ không giữ được khí tiết trong sạch như mai: Thử tâm nguyên bất vị mai hoa (Quan mai hữu cảm).

Theo đạo đức Nho giáo, người quân tử sau khi đã tu thân, có được đạo đức; biết  thi, thư, lễ, nhạc thì phải có bổn phận hành động nhập thế bằng con đường công danh. Trong công trình Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại, Trần Đình Sử khái quát đặc điểm của thơ ngôn chí – thơ trữ tình trung đại là “làm ra để ca ngợi chí của mình, khẳng định nó, lý tưởng hóa nó”(6). Con người nhà nho hành đạo trong thơ Đào Tấn cũng tỏ chí, cũng nói lên khát vọng của mình nhưng hẳn không phải là khát vọng công danh kiểu như Đặng Trần Côn từng tỏ bày: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao” (Chinh phụ ngâm) mà là khát vọng giúp dân, cứu nước. Nền văn hóa nông nghiệp lúa nước chúng ta vốn trọng tình và coi trọng khái niệm quốc gia nên đã biến khái niệm trung quân phải đi liền với ái quốcpháp trị phải đi liền với nhân trị. Điều đó phù hợp với cách ứng xử của đại đa số nhà nho Việt Nam và cũng đúng với Đào Tấn. Khi vua với đất nước không còn là một thì trách nhiệm của nhà nho là trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân chứ không chỉ còn dừng lại ở trách nhiệm của một bề tôi đối với vua chúa.

          Đứng về phía đất nước, nhân dân nhưng lại làm quan cho một triều đình tay sai nên chí trai của Đào Tấn không có cơ hội để khẳng định mạnh mẽ, quyết liệt như Nguyễn Công Trứ : “Chí những toan xẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ” (Chí anh hùng); hay mang phong vị hào hùng của một tráng sĩ như Đặng Dung: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma” (Cảm hoài). Cái ngục văn tự treo trên đầu những nhà nho có cái tôi công dân như Đào Tấn, buộc họ phải tỏ chí theo kiểu truyền thống – thể hiện gián tiếp qua thiên nhiên, con người. Mượn nhân vật lịch sử là Trịnh Ninh, tác giả đã bày tỏ được khát vọng trừ gian diệt tà, mang lại thái bình cho đất nước: Nghịch tử cường thần đương nhật bối/ Khả tằng trảm đắc kỷ đầu lai (Đề Trịnh thị Ninh Quận Công thí kiếm thạch). Hỏi Trịnh Ninh đã chém được bao nhiêu cường thần nghịch tử, Đào Tấn cũng như hỏi chính bản thân mình. Câu hỏi tu từ không nhằm để biết mà để khẳng định lại dũng khí của một nhà nho đầy trách nhiệm đối với đất nước. Trước cảnh nước mất nhà tan, triều đình nhu nhược, nhà thơ canh cánh nung nấu khát vọng cứu dân giúp nước. Tiếng vọng của non sông đất nước, của phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng nơi núi cao cứ ngân mãi trong lòng nhà thơ, khiến tác giả trăn trở nhiều đêm không ngủ được: Dạ trường bất đắc miên/ Minh nguyệt hà chước chước/ Tưởng văn tán hoán thanh/ Hư ứng không sơn nặc (Đêm dài không ngủ được/ Ánh trăng sao cứ lấp lánh?/ Đâu đây như có tiếng vang gọi/ Dội lại từ núi xa –Tý dạ ca nhị thủ). Và có những thi phẩm, Đào Tấn lại như nhắn nhủ, gửi gắm khát vọng đó ở những người bạn của mình: Thạch Thành sơn thủy hảo/ Tịnh nhập họa đồ trung (Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên). Câu thơ ngũ ngôn tự nhiên mà rất hàm súc, đầy ẩn ý. Nói đến cảnh đẹp non nước phải chăng là tác giả đang ca ngợi phong trào cách mạng chống Pháp nơi đây, và khuyên bạn nên hòa mình vào giúp đỡ mọi người. Như vậy, làm quan, Đào tiên sinh vẫn ôm mộng giữ cho nền chính trị được ổn định, mọi mối quan hệ, mọi điều phải trái phải rõ ràng, đặc biệt là khát vọng giúp sức cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc thắng lợi.

          Có nhiều người nghi vấn rằng: Đào tấn từ chối tham gia phong trào Cần Vương, không đi theo Phan Bội Châu, không trực tiếp nằm trong các phong trào chống Pháp của nhân dân nổ ra khắp nơi mà lại là một bậc đại thần của triều đình tay sai nhà Nguyễn, vậy ông có thực sự là một nhà nho yêu nước, thương dân hay không? Đây là câu hỏi đã gây ra bao tranh cãi khi nghiên cứu về con người Đào Tấn.

          Nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhiều học giả đã phát hiện và đi đến thống nhất với những sự kiện, chi tiết tối quan trọng liên quan đến cuộc đời làm quan của Đào Tấn: “Đào Tấn từng nhận mật chỉ của Thành Thái để liên kết các nghĩa đảng Cần Vương. Ông tham gia lập Duy Tân hội cùng các chí sĩ trẻ xứ Quảng như Nguyễn Hàn, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng; che chở, tạo điều kiện cho Phan Bội Châu hoạt động, tham gia tổ chức việc Đông Du của Phan Bội Châu và Cường Để. Đào Tấn còn kết thân với các văn thân yêu nước xứ Nghệ như Cao Xuân Dục, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Sinh Sắc; tiến cử hoạ sĩ Lê Văn Miến tham gia kế hoạch phục quốc bí mật của vua Thành Thái”(7)… Trên cơ sở những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy đó, cho phép chúng ta tiếp tục khẳng định, mặc dù làm quan cho triều đình tay sai, được triều đình sủng ái nhưng Đào Tấn là một ông quan yêu nước, tư tưởng, tình cảm của ông luôn hướng về đất nước, nhân dân. Ông không trực tiếp tham gia các phong trào cách mạng lúc bấy giờ vì chưa tin vào sự thắng lợi của nó chứ không phải không có tinh thần dân tộc. Mặt khác, dù làm quan nhưng ông không phải dứt áo, quay lưng với phong trào cách mạng cứu nước. Không chỉ căn cứ vào những cứ liệu lịch sử trên, ngay trong thơ chữ Hán Đào Tấn, tinh thần yêu nước cũng được bộc lộ khá rõ, ở việc tác giả có hàng loạt những bài thơ khóc thương, ca ngợi những người anh hùng xả thân vì nước như: Hoàng Kế Viêm, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Hoàng Quang Viễn...

          Có thể nói, trong thời buổi đen tối nhất của lịch sử, Đào Tấn đã chọn cách ứng xử linh hoạt, vì chẳng bao lâu sau, phong trào Cần Vương của Đào Doãn Địch – Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, của Phan Đình Phùng ở Nghệ Tĩnh bị dập tắt, sự nghiệp cứu nước của Phan Bội Châu cũng không thành. Ông đã tìm con đường đi phù hợp theo quan điểm nhận thức lịch sử của bản thân, chọn “lối đi bình dị” mà lên đến đỉnh non (Chỉ tùng bình dị quá sơn điên – Sơn hành ngẫu đắc). Phải chăng, đối với Đào Tấn, làm quan là kiểu “đại ẩn” tốt nhất để vừa mưu sinh, có thời gian chăm lo sự nghiệp soạn tuồng, vừa có điều kiện giúp đỡ các phong trào cách mạng, tìm ra đường lối cứu nước. Trên cơ sở những tư liệu lịch sử cũng như qua sáng tác thơ văn, chúng ta có thể khẳng định, mặc dù không có những hành động dứt khoát, mạnh mẽ trong việc chống lại triều đình phong kiến tay sai và thực dân pháp, không trực tiếp tham gia các phong trào cách mạng nhưng tâm thế của ông vẫn luôn hướng về cách mạng, về vận mệnh của đất nước.

          Khác với tấm lòng yêu nước phải thổ lộ một cách kín đáo, tình cảm thương dân của Đào Tấn phần nào được bộc bạch trực tiếp hơn. Ở Đào công, tình cảm thương dân vừa xuất phát từ tinh thần của một nhà nho “dĩ dân vi bản”, vừa xuất phát từ tinh thần, truyền thống của một dân tộc giàu lòng nhân đạo và đoàn kết. Hơn nữa, chính ông cũng xuất thân từ một vùng quê nghèo Tuy Phước  Bình Định. Do đó, trong thơ, tâm hồn ông đã thực sự hòa nhập vào đời sống của nhân dân, vui buồn cùng người dân, chứ không còn khoảng cách xa lạ, tự đặt mình cao hơn những người lao động, lấy người dân để khẳng định vai trò của mình như một số sáng tác của vua quan, nho sĩ thế kỷ XV. Đi ngang qua những cánh đồng, nhà thơ không khỏi lo lắng, xót thương cho người dân vì nắng hạn: Xuân, hạ tồ thu thốn trạch vô/ Cao đê, điền mẫu thái tiêu khô (Từ xuân, hạ đến thu vẫn chưa có giọt mưa nào/ Đồng thấp, đồng cao đều khô cháy cả –Thương hạn). Rồi một ngày mưa xuống, ông lại tràn ngập niềm vui: Vạn kim hảo vũ tán nguyên điền/ Tẩy tịnh viêm trần lục nguyệt thiên (Cơn mưa lành như muôn vàng rải xuống ruộng đồng/ Rửa sạch lớp bụi nóng của tiết trời tháng sáu – Hỷ Vũ ). Không dừng lại ở đó, Đào Tấn còn có sự hiểu biết sâu sắc và đồng cảm thực sự với nỗi khổ của người nông dân. Thi nhân ai cũng bảo nhà nông sướng, Đào Tấn lại thấy nhà nông rất đáng thương: Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên/ Đạp xa nhi nữ ca thả miên/ Thi nhân mỗi đạo điền gia lạc/ Như thử điền gia tối khả liên (Thủy xa), rồi hiểu được ngàn nỗi lo của người dân sau ba ngày tết: Đồng du tam nhật xuân/ Trúc phù khan phóng hạ/ Thiên lự hựu thùy nhân (Tân sửu trừ tịch). Đặc biệt, trong thời buổi “súng giặc đất rền”, ông rất buồn cho những cảnh tan tác, chia ly: Thùy gia trú trạch Bắc sơn ôi/ Loạn hậu bô nhân thượng vị hồi(Nhà ai dựng ở hẻm núi phía Bắc/ Sau khi loạn, người đi trốn vẫn chưa về  –  Kinh phế trạch). Và có lúc không kìm nén được lòng mình, tác giả đã thốt lên lời ai oán, xót thương cho những người dân vô tội trong cơn loạn lạc: Thử địa tùng tiền diệc phú nhiêu/ Khả liên loạn hậu bán tiêu điều(Chốn này trước kia là nơi trù phú/ Thương thay sau cơn loạn lạc bị xơ xác đến một nửa – Vô đề). Tấm lòng xót xa của Đào Tấn trước cảnh bể dâu ấy đã bắt gặp được sự đồng điệu ở Nguyễn Du (Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng – Truyện Kiều), hay ở Nguyễn Đình Chiểu (Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây – Chạy giặc).

          Càng yêu nước thương dân bao nhiêu, Đào Tấn càng phê phán, tố cáo lũ vua quan thối nát bấy nhiêu. Đó cũng là một biểu hiện khác trong con người nhà nho hành đạo còn giữ được lương tâm trong cảnh “trời đất nổi cơn gió bụi”. Trong nhiều bài thơ của mình, Đào Tấn đã vẽ nên bức tranh biếm họa về sự thối nát không thể cứu vãn của bộ máy chính quyền phong kiến nhà Nguyễn. Ông đã vừa xót thương vừa căm giận khi nhận ra hiện thực phủ phàng là sự đối lập giữa cảnh vua chúa ăn chơi sa đọa với nỗi khổ ải của nhân dân trong chiến tranh: Giang Nam xứ xứ phong yên khỉ/ Hải thượng niên niên ngự tửu lai (Phương Nam chốn chốn khói lửa dậy/ Mặt biển năm năm rượu ngự về (Tịch thượng tác – Xuân Diệu dịch). Đối lập giữa cảnh binh đao, khói lửa của nhân dân lục tỉnh Nam kỳ với cảnh tiệc tùng của triều đình cùng bọn phương Tây, bản thân nó đã cất lên tiếng nói phê phán, tố cáo đối với thói ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ cá nhân mà phớt lờ đi nỗi nhục mất nước, cam chịu làm tay sai cho giặc của vua quan nhà Nguyễn. Vua quan lao vào những cuộc truy hoan, chỉ biết ăn chơi sa đọa nên bàng quan với mọi nỗi khổ của nhân dân, giữa vua quan với lê dân đã có một khoảng cách rất lớn: Xuân, hạ tồ thu thốn trạch vô/ Cao đê điền mẫu thái tiêu khô/ Lão long bất thức miên hà xứ/ Ký ngữ lôi thần vị nhất hô (Xuân, hạ rồi thu chẳng giọt mưa/ Đồng cao, ruộng thấp thảy đều khô/ Lão rồng ngủ ở nơi nào vậy?/ Thần sấm, nhờ ông gọi lão cho! – Thương hạn, Xuân Diệu dịch ). “Lão rồng” ở đây là ai nếu không phải là vua chúa? “Thần sấm” ở đây là ai nếu không phải là những lương thần có trách nhiệm với nước với dân? Đây là cách nói bóng gió, mang ý nghĩa phê phán sâu sắc, như Nguyễn Đình Chiểu từng thể hiện trong bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông): Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông/ Chúa xuân đâu hỡi có hay không?Vua không còn là một đấng minh quân nên triều đình là cái tổ đẻ ra bao nhiêu “sâu mọt” hại nước, hại dân. Trước thực trạng đó, nhà thơ bật lên một tiếng cười phủ định mà không kém phần chua chát, chán nản: Ưng tiếu quan trường hữu đố ngư (Bỗng bật cười vì có con mọt ở chốn quan trường – Trừ tịch quan thư ngẫu đắc). Cũng với cách nói gián tiếp bằng hình ảnh, cách phản ánh theo phương thức ngụ ngôn, trong một lần đi công cán, ông quan Đào công đã phát hiện và tố cáo tình trạng cướp bóc, tham nhũng của quan lại địa phương: Khứ nhật Nam Đàn hô thỉ dật/ Thanh Chương kim vãn hựu dương kinh/ Cách giang hà sự thiên đồng hoạn/ Nghi thị thuyền trung hữu báo huynh (Tổng đốc hành bộ hý tác). Như vậy, dù không trực tiếp tham gia các phong trào cách mạng chống lại triều đình và thực dân Pháp nhưng Đào Tấn đã thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” (Nguyễn Đình Chiểu)…

          Nhìn lại con người Đào Tấn trong thơ, ta thấy toát lên hình ảnh một nhà nho hành đạo nhưng có phần ly tâm, xa chính thống. Về hình thức, ông vẫn làm quan nhưng tâm hồn thì đã hướng hẳn về phía nhân dân, cách mạng; hướng vào quan hệ gia đình, bạn bè, thiên nhiên hơn là nói chí trung quân, tỏ lòng khát vọng công danh. Ông là một nhà nho thức thời, linh hoạt xuất xử trong tình cảnh mất nước, nặng lòng với nước, với dân. Trên lĩnh vực văn chương, tác giả đã có những thi phẩm thực sự có giá trị đóng góp vào sự phát triển của dòng thơ văn yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, bản thân con người Đào Tấn là hiện thân cho sự chuyển hóa của tầng lớp nho sĩ cuối mùa □
 

(1) Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo): Đào Tấn thơ và từ. Nxb. Sân khấu, H., 2003, 635 trang. 

(2) Vũ Ngọc Liễn: Đào Tấn – Ông quan nghệ sĩ, trong sách Đào Tấn trăm năm nhìn lại. Nxb. Hội Nhà văn, H., 2008, tr.116. 

(3) Nguyễn Thế Khoa: Đóa mai giữa chốn bụi lầm, trong sách Đào Tấn trăm năm nhìn lại. Sđd, tr.61. 

(4) Quách Tấn – Quách Giao: Đào Tấn và hát bội Bình Định. Nxb. Văn hoá dân tộc, H., 2007, tr.134. 
                                                                                                  
(5) Mịch Quang: Đào Tấn – Một nghệ sĩ thiên tài, một chính khách mẫu mực, trong sách Đào Tấn trăm năm nhìn lại. Sđd, tr.100.

(6) Trần Đình Sử : Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam. Nxb. Giáo dục, H., 1999, tr.172.

(7) Mịch Quang: Đào Tấn – Một nghệ sĩ thiên tài một chính khách mẫu mực, trong sách  Đào Tấn trăm năm nhìn lại. Sđd, tr.100.

          Nguồn: Nguyễn Đình Thu (2014), "Kiểu tác giả nhà nho hành đạo Đào Tấn", Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 12, tr. 92-100.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét