Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

CẢM NGHĨ VỀ CHUYẾN ĐI THỰC TẾ




      
      Sau một chuyến đi thưc tế tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tôi lại trở về Quy Nhơn tiếp tục công việc học tập của mình. Vậy là tôi thật sự rời xa vùng đất đó, một vùng đất yên ả thanh bình, mang đậm phong vị dân gian, dạt dào hương quê nồng thắm, trở về với cuộc sống náo nhiệt ồn ả của chốn thị thành với biết bao lo toan trong việc học tập. Giây phút rời xa vùng quê ấy tôi mới cảm thấy mình thật sự thấu hiểu được ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
            “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
             Khi ta đi dất bỗng hóa tâm hồn
      Trước khi đến với vùng quê ấy, trong tâm trí tôi có biết bao suy nghĩ , bâng khuâng, lo lắng. Tôi không biết vùng đất ấy sẽ như thế nào, con người và cuộc sống sinh hoạt nơi ấy ra sao, liệu mình có thể làm quen, sống tốt và hoàn thành được nhiệm vụ đã được giao hay không?
Nhưng rồi tất cả cũng đã qua đi, hai tuần sống, sinh hoạt với người dân nơi ấy đã để lại trong tôi biết bao kỉ niệm đẹp.

      Được ở Vạn Thắng tôi như được ở chính quê hương của mình. Quê tôi cũng là một miền quê như thế, có cánh đồng lúa xanh rì, gió mát và trong lành đến lạ, tôi thích nhất là cái sự mát lạnh đến tinh khiết của gió chiều nơi ấy và đặc biệt cứ mỗi chiều được đạp xe thật chậm trên những con đường làng nơi đây để ngắm phong cảnh và miên mang thả hồn theo những làn gió nhẹ.

       Tôi vẫn nhớ rất rõ những buổi tối chúng tôi ngồi ngoài hè lắng nghe những tiếng ếch nhái kêu văng vẳng từ ao rau muống trước nhà vọng lại. Tiếng ếch nhái ấy đã đánh thức bao nhiêu niềm thơ ấu trong tôi, cái thưở tôi chưa vào đại học còn được ở nhà bên ba mẹ. Cảnh và người nơi đây làm cho tôi cảm thấy thân thiết, quen thuộc đến lạ lùng.Tôi ở với bốn người khác cùng nhóm trong một ngôi nhà chỉ có hai mẹ con, họ là những người rất đôn hậu, hiền hòa và cũng rất nhiệt tình làm cho chúng tôi cảm thấy không còn xa lạ. Bác đối xử với chúng tôi như chính con cháu trong nhà, Thư Văn_con gái bác cũng rất dễ mến, vào thời gian rảnh rỗi khi chúng tôi đã sưu tầm xong Văn hay dẫn cả năm đứa đi dạo ở đường làng, đi thưởng thức những món ăn ngon, đến một số nơi có phong cảnh đẹp để chụp ảnh làm kỷ niệm. Em còn là một “phiên dịch viên” cho chúng tôi bởi vì có những lúc đi sưu tầm chúng tôi không thể nghe rõ được giọng địa phương của các cụ thì Văn nói lại giúp chúng tôi hiểu được và ghi chép chính xác hơn. Những người hàng xóm cũng vô cùng thân thiện, cô hàng xóm hay đùa là “nay bác có đến sáu cô con gái trong nhà” làm chúng tôi cũng bật cười. Tôi không ngờ chỉ mới đến ở nơi đây có vài ngày vậy mà mình lại nhận được tình thương yêu của những người hàng xóm nhiều đến thế. Cô hàng xóm khi biết nhiệm vụ của chúng tôi đến đây là để sưu tầm văn học dân gian cũng đã giúp đỡ rất nhiều, cô đã cho mượn một số tài liệu mà cha mẹ cô còn để lại cho chúng tôi xem và ghi chép. Có bác còn đem cho gạo để cả nhóm nấu ăn, bác bảo rằng sinh viên đi học khó khăn nhiều. Những kỷ niệm ấy sẽ làm cho tôi không thể nào quên được.

        Nhiệm vụ sưu tầm của nhóm được hoàn thành thuận lợi và nhanh chóng cũng một phần nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của chú trưởng thôn. Chú đã bỏ ra rất nhiều thời gian để dẫn cả nhóm đến nhà những nghệ nhân, những người có vốn văn học dân gian phong phú, những cụ trước kia hay đi hò đi hát trong các lễ hội của làng của xã. Chúng tôi đến đây đã gợi lại trong họ niềm yêu mến văn nghệ năm nào. Hầu như tất cả các cụ đều đã ở tuổi trên 80, có cụ còn bị tật nguyền ốm đau, đi lại rất khó khăn thế nhưng ai cũng nhiệt tình kể chuyện, hò hát cho chúng tôi nghe, đọc lại cho chúng tôi ghi chép, có cụ còn lấy cả nhạc cụ ra vừa đàn vừa hát rất say mê, thích thú. Ngày tổng kết lại kết quả thu được sau đợt sưu tầm, các cụ tuy đã già yếu, bệnh tật, đi lại khó khăn nhưng ai cũng cố gắng đến dự buổi tổng kết và còn thể hiện tài năng văn nghệ của mình rất sôi nổi bằng những câu hát bài chòi, bài vè cách mạng, câu thơ, câu chúc… làm cho chúng tôi rất cảm động. Sự nhiệt tình của họ làm cho tôi cảm thấy hăng hái, phấn chấn hơn để tiếp tục tìm hiểu vốn văn học dân gian của đất nước mình.

      Ngày chúng tôi trở về trường cũng là một ngày âm u, không nắng và trời cũng giống hệt như lòng người vậy, người đi buồn, người ở lại cũng không mấy vui. Nhóm chúng tôi về để lại sự trống vắng trong ngôi nhà ấy, bác chủ nhà bảo rằng co chúng tôi vui hơn, ấm cúng hơn nhiều, giờ chúng tôi về rồi nhà chỉ còn hai mẹ con, lại hiu quạnh như xưa. Hôm trước ngày về là một ngày mưa tầm tã, cảnh sắc u buồn, mọi người ở đấy ai cũng chúc chúng tôi về trường học tập thật tốt, có dịp trở lại thăm nơi này. Chúng tôi bùi ngùi cảm động không biết phải nói gì hơn chỉ biết chúc mọi người ở lại mạnh khỏe, tôi cũng muốn nói nhiều lắm nhưng sao nói chẳng nên lời. Tôi về lòng cũng se se lạnh, vậy là tôi lại có cảm giác như lúc mình phải rời xa nhà, xa gia đình để đi học, một cảm giác vừa lạ lại vừa quen. Lạ nhỉ, đây chỉ là một mảnh đất xa lạ thôi mà, chỉ mới ở có hai tuần thời gian không phải là dài lắm, sao mình lại có cảm giác như xa nhà vậy? Thế nhưng, thật sự đó không phải là cảm giác lạ, bởi mảnh đất ấy, những con người ấy quá giống với quê hương của chính mình, những tiếng gà gáy sáng, hương lúa thoang thoảng những chiều gió mát, tiếng ếch nhái văng vẳng ngoài đồng ban đêm… làm sao có thể tìm thấy được nơi thị thành nhộn nhịp…Làm sao có thể có??? Những giây phút cả nhóm thực tế lên xe về lại trường cũng thật nhiều cảm xúc xen lẫn, có người vui, có người buồn. Một số người vui vì sắp được về nhà sau một khoảng thời gian xa cách, được gặp lại người yêu thương nhưng cũng đã có những tiếng nấc, những tiếng sụt sùi, thút thít đâu đây vì dù sao đi nữa mình cũng đã gắn bó với nơi này một thời gian đủ để hiểu và yêu mến con người, cảnh vật nơi ấy. Có một số bạn may mắn được những anh thanh niên trong xã ra tiễn và có lẽ đó cũng là một khoảnh khắc cảm động và đáng nhớ với nhiều người. Biết đâu qua chuyến đi này lại có những tình cảm mới được hình thành ở một tâm hồn nào đó!

       Vậy đã thật sự xa rồi Vạn Thắng! Tạm biệt Vạn Thắng, tạm biệt đất và người! Đối với tôi chuyến đi thực tế lần này không chỉ là hoàn thành một môn học, bồi đắp vốn văn học dân gian cho bản thân mà nó còn giúp tôi trưởng thành hơn, biết đoàn kết giúp đỡ người khác, biết sẻ chia và thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn mà qua quá trình tiếp xúc tôi có thể biết được. Quả thật, nó đã cho tôi một bài học về kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử và giao tiếp hằng ngày. Để có được sự thành công đó không chỉ là sự nổ lực phấn đấu của mỗi sinh viên, sự nhiệt tình của những nghệ nhân, sự giúp đỡ của những người dân địa phương mà có một phần công rất lớn thuộc về các thầy hướng dẫn, các thầy đã hướng dẫn chúng tôi rất tận tụy, xin được cảm ơn thầy rất nhiều và cảm ơn khoa đã tạo điều kiện để chúng tôi có được một chuyến đi thực tế thành công.


                                      Lê Thị Hồng Diễm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét