Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

CÂU CHUYỆN VỀ MỘT CHUYẾN ĐI




      Chúng tôi đến Khánh Hòa vào một ngày đẹp trời, một ngày có chút nắng gió ấm. Có lẽ với nhiều người đó là một ngày bình thường như bao ngày khác nhưng với chúng tôi - lớp sư phạm Văn k32 đó lại là một ngày đặc biệt, ngày mà chúng tôi tạm xa thành phố biển Quy Nhơn, xa ngôi trường đại học thân yêu, tạm rời xa những người bạn hiền để thực hiện chuyến đi thực tế với nhiệm vụ sưu tầm văn học dân gian tại huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa như thầy giáo bộ môn đã phân công.

      Mờ sáng ngày 07/03/2011, chiếc xe chở chúng tôi và hành lý của mình bắt đầu nổ máy chạy bon bon trên đường dài, mang theo đó biết bao cảm xúc, sự hồi hộp pha chút lo lắng, nhưng cũng có bạn hi vọng, trông mong nơi mình sắp đến sẽ có nhiều điều mới lạ. Riêng tôi có lẽ cảm giác rõ nhất hiện lên là sự hồi hộp nhưng cũng nhen nhóm trong mình một niềm tin rằng nơi đó sẽ là nơi mình có thể khám phá ra những nét đẹp văn hóa dân gian của người dân quê vùng biển, những điều mới mẻ của miền đất lạ.

      Xe vẫn cứ chạy đều trên con đường dài, cuối cùng điểm dừng chân cũng đã đến, đó là Uỷ ban nhân dân xã Vạn Thắng. Vậy là biết bao suy nghĩ , sự tò mò, lo lắng như một câu hỏi của chúng tôi đang dần hé mở trước mắt. Cán bộ trong UBND xã chào đón chúng tôi nhiệt tình, nhưng vẫn có thể nhận ra họ còn bối rối trong việc phân công chỗ ở, vì có lẽ đây là lần đầu tiên sinh viên đến với xã Vạn Thắng để sưu tầm văn học dân gian.

       Sau một chuyến đi dài là sự chờ đợi, cảm giác chán nản mệt mỏi khiến tôi cảm thấy hụt hẫng, một chút thất vọng. Không chỉ vậy đâu khi nhìn xung quanh xã Vạn Thắng tôi và các bạn cũng thật ngạc nhiên bởi thầy giáo giao nhiệm vụ sưu tầm văn học dân gian tại một vùng quê như trí tưởng tượng của tôi đó chắc hẳn là một nơi có đông lúa bát ngát với những cánh cò trắng, mái nhà tranh đơn sơ, những túp lều và những ngọn đèn dầu…Nhưng ở đây thì khác, trước mắt chúng tôi đó là những ngôi nhà cao cửa rộng san sát nhau, đường phố nhộn nhịp, thoạt nhìn con người nơi đây cũng không có vẻ lam lũ cho lắm. Hay tại xã Vạn Thắng gần thị trấn nhỉ?!

      Tạm gác lại bao suy nghĩ với phút đầu đến với Vạn Thắng, lúc ban đầu xã định phân công cho chúng tôi hai chỗ ở là trạm y tế xã và trường tiểu học, nhưng chỗ ở đó bất tiện, sinh viên thì thích ở nhà dân để sưu tầm có hiệu quả hơn. Giờ làm việc buổi chiều đã đến, sau một buổi trưa chờ,đợi mệt mỏi dường như chúng tôi đã mất cả sức sống thì cán bộ trong UBND xã đến và thông báo sẽ bố trí chúng tôi ở nhà dân. Cả nhóm như muốn reo lên, cảm giác tủi thân phần nào được an ủi.

      Vậy là các bạn trong nhóm xã Vạn Thắng đã được phân nơi ở từng nhà dân. Tôi cũng vây, tôi được phân vào một nhóm nhỏ cùng ba bạn nữ khác và hai bạn nam duy nhất trong nhóm. Nhóm của tôi được phân ở thôn phú hội II _ nhà chú chủ tịch xã (mọi người thường gọi là chú Sáng). Chúng tôi rời UBND xã theo chân chú trưởng thôn dẫn đường, con đường nhỏ quanh co, lúc này đây cũng là lúc tôi cảm nhận được không khí yên bình của vùng quê mà tôi chờ mong ở chuyến đi thực tế này. Đạp chậm chiếc xe đạp của mình qua con đường nhỏ với hai bên đườn lá cánh đồng lúa xanh bát ngát, những ngọn lúa xanh mơn mởn hòa một màu cùng hàng dừa xanh tít tắp, xa xa là những bụi tre già. Lòng tôi như rạo rực hơn, cảm giác chán nản ban nảy đã dần tan biến, tôi hi vọng đợt đi thực tế này sẽ gặp thật nhiều niềm vui và thành công.

      Đến vời nhà chú Sáng, một ngôi nhà bình thường như những ngôi nhà khác trong thôn. Nhưng điều đặc biệt ở đây là thái độ đón tiếp của họ, chúng tôi rón rén bước vào nhà với sự xa lạ, lo lắng nhưng đáp lại với chúng tôi là nụ cười, sự nhiệt tình chào đón của chị Dung và ông bà trong nhà khiến chúng tôi cảm thấy yên tam và thật hạnh phúc.

       Ngày thứ nhất sum họp cùng gia đình chú Sáng là một buổi cơm chiều với các thành viên trong gia đình, không khí thật ấm cúng và thoải mái, mọi người ăn cơm vui vẻ và chúng tôi cũng rất tự nhiên trong bữa cơm cùng với họ. Sau bữa cơm nhóm tôi dắt nhau dạo quanh thôn nhỏ này, xem ti vi và cũng bắt đầu đi ngủ. Đêm đầu tiên ngủ tại nơi đất khách là một đêm mưa, tiếng mưa rơi tí tách, giọt mưa như nhịp lòng thổn thức của ai, mỗi người một nổi nhớ, một cảm giác với suy nghĩ lan man dần chìm vào giấc ngủ, tiếng mưa như ru êm. Một ngày trôi qua để bao điều muốn nói…

       Ngày thứ hai là ngày bắt đầu công việc của chúng tôi. Sau khi nghe sự hướng dẫn của nhóm trưởng, nhóm nhỏ của chúng tôi chia thành hai nhóm nhỏ nữa để phân nhau đi sưu tầm, tìm đến các nghệ nhân. Cuộc tìm kiếm không mấy suôn sẻ khi chúng tôi tìm đến các nhà nghệ nhân do xã giới thiệu nhưng đáp lại là sự từ chối vì bệnh tật, vì tuổi cao,…vậy là tôi và hai bạn trong nhóm dắt nhau đi trên con đường thôn… Ngày đầu tiên sẽ trôi qua vô nghĩa nếu chúng tôi không gặp bà Phạm Thị Út, bà có vẻ già lắm rồi, bà đang chăm chú làm công việc của mình là tước lá dừa thành từng sợi nhỏ dưới gốc dừa mà không hay chúng tôi đang lò mò về phía bà.

       Chúng tôi bẽn lẽn bắt chuyện với bà, bà rất vui khi biết chúng tôi là sinh viên đi sưu tầm văn học dân gian. Và thật may thay trước kia bà cũng đi cách mạng, vốn văn học dân gian của bà rất phong phú, bà đã cung cấp cho chúng tôi, những năm tháng tham gia cách mạng của mình. Bà còn đọc cho chúng tôi nghe những bài ca dao, tục ngữ, bài hát đối, hát hò khoan,… bà như một kho tàng nhỏ về văn học dân gian. Vì giọng bà tôi nghe không quen cũng như khó nghe nên tôi không thể tốc kí được, còn trong nhóm tôi có một bạn ở Nghệ An nên nói bà cũng không hiểu. thế là tôi đảm nhiệm công việc ghi âm và gợi chuyện,…

      Ngày thứ hai, ngày làm việc thật mệt nhưng hiện lên khuôn mặt của chúng tôi là sự vui mừng vì có một ngày làm việc thật hiệu quả. Ba bạn khác cũng tìm đến các nghệ nhân và có kết quả tốt. Với gia đình chú Sáng chúng tôi cũng dần quen hơn, ban nữ chúng tôi phụ giúp bà nấu cơm, khi chúng tôi đến bà có cơ hội trổ tài nên bà rất vui. Bà thương chúng tôi như ngững đứa cháu ruột của bà nên bà chỉ cho chúng tôi phụ một ít, đến cả đi chợ bà cũng chẳng cho chúng tôi đi theo nữa mà.

      Những ngày làm việc tiếp theo cũng là những ngày đáng nhớ, chúng tôi tìm đến nhiều nhà nghệ nhân hơn, thỉnh thoảng chúng tôi rủ nhau đạp xe xung quanh thôn, quanh cánh đồng và ngắm biển. Nhiều khi đi sưu tầm người ta bảo “lại đi tiếp thị nữa rồi”. Chúng tôi chỉ biết nhìn nhau cười…

      Ngày 8/3 cũng thật đặc biệt và đáng nhớ, chúng tôi- những bạn nữ chấp nhận ngày 8/3 không quà và không hoa hồng,…hixhix. Nhung cũng thật may mắn nhóm tôi được phân ở cùng hai bạn nam, thế là chúng tôi có ngày lễ no nê và vui vẻ, mấy chị và bà trong nhà cũng nhận được những bông hoa và lời chúc của chúng tôi.

       Trong chuyến đi thực tế này Đoàn thanh niên xã Vạn Thắng cũng đặc biệt quan tâm và giúp đỡ chúng tôi. Đó là một đêm lửa trại bập bùng, nhóm chúng tôi hòa mình vào các bạn thanh niên xã với những trò chơi vui nhộn, tiếng hát rộn rã. Buổi giao lưu ấm áp tình người.

      Sáng hôm sau chúng tôi tham gia lễ phát động “năm thanh niên” của xã Vạn Thắng, chúng tôi nhận được nhiều lời khen và cảm ơn của xã. Mười ngày thực tế trôi nhanh và chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho lễ tổng kết…kết quả nhóm tôi hoàn thành rất tốt, mỗi bạn hoàn thành cho mình hơn trăm phích với rất nhiều thể loại, ca dao tục ngữ, hò khoan, đối đáp,… Cả nhóm chọn những bài tiêu biểu nhất để chép vào ba quyển sổ tặng cho xã, huyện và thầy chấm điểm. các nghệ nhân cũng được mời đến, họ hát những bài chòi, hò khoan,…chất giọng miền quê vùng biển thật hay.

      Mới đó thôi tưởng chừng chuyến đi thực tế sẽ rất lâu nhưng ngày chia tay Vạn Thắng cũng đã đến, chia tay với gia đình chú Sáng, mọi người trong xóm nhỏ biết bao tình cảm,… Một chiếc đồng hồ treo tường cũng là món qùa mà chúng tôi tặng kỷ niệm gia đình chú. Còn mấy chị cũng dẫn chúng tôi đi ăn một bữa thật thích thú.

        Sáng 18/3, chúng tôi phải thật sự chia tay xã Vạn Thắng, chia tay với cánh đồng lúa bát ngát, chia tay với người dân, với các nghệ nhân, chia tay với những ngày biết bao kỷ niệm đáng nhớ. Chia tay nhau nhiều bạn đã khóc, gia đình chú Sáng cũng vậy, Bà là người chăm lo và thương chúng tôi nhất, bà coi chúng tôi như những đứa cháu nhỏ nghịch ngợm mà đáng yêu. Khi chúng tôi đi tôi thấy trên mắt bà rưng rưng những giọt nước mắt.

      Vậy là chuyến thực tế đã kết thúc, nhiệm vụ đã được hoàn thành tốt, chúng tôi thân và hiểu nhau hơn. Chia tay với Vạn Thắng không biết đến khi nào mới trở về thăm nơi ấy?!
                  Xa rồi ngày ấy biết bao kỷ niệm
                  Nơi hàng dừa cánh đồng lúa xanh ngát
                 Nhịp hò vang trên những gương mặt hiền
                Giờ chia xa chỉ còn Vạn Thắng nhớ! 

                                                         KPĂH'BA


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét