Đó là tên tập tản văn vừa ra mắt của tác giả trẻ Lữ Hồng, sau tập thơ đầu tay “Một mai thức dậy”. Cầm trên tay tập sách chợt nhớ đến một câu nói rất hay của ai đó về quá trình sáng tạo, lao động nghệ thuật: “Trước vũng nước mưa, có người chỉ thấy đó đơn thuần là một vũng nước, nhưng có người lại nhìn thấy trong đó cả bầu trời xanh”. Và Lữ Hồng là người đã nhìn thấy bầu trời phản chiếu trong bóng nước, để rồi thì thầm kể lại về những vẻ đẹp của cuộc sống bằng giọng văn rất mềm, rất trong.
Lữ Hồng từng bộc bạch, nếu như đất trời có 4 mùa xuân, hạ, thu, đông thì trong tâm cảm của tác giả trẻ này cũng có 4 mùa: ký ức, ký ức, ký ức và… ký ức. “Những ngày của tháng 5 đang đến thật gần. Tôi phải ngồi ở nơi đâu giữa thành phố này để ru mình qua những mùa ký ức?”-tác giả đã tự hỏi lòng giữa một ngày loanh quanh phố (Pleiku và những mùa ký ức). Những mùa ấy cứ nối tiếp nhau, đan xen với thực tại, làm nên những trang viết vừa rất thật, rất gần mà cũng lại lãng đãng, mơ màng, hồ như không thể tách rời. Ở đó, Phố núi như bức tranh có thể kéo gần mà ngắm nghía với từng con đường nhỏ, từng góc phố quen, hoàng hôn chiều ngoại ô, tán bàng đỏ trong mưa, màn sương ảo mờ giăng phủ hay ly cà phê ấm sực một sớm mùa đông. Tưởng chừng bấy nhiêu đặc trưng của Phố núi sẽ khiến ngòi bút quẩn quanh, vậy mà vẫn thấy đầy cuốn hút. Bởi như Lữ Hồng chia sẻ, ngay nhịp thở của hôm nay đã khác với hôm qua, cớ gì sợ cảm xúc lặp lại. Đó là lý do khiến người đọc đi vào miên man phố của Lữ Hồng mà không thấy nhàm nhạt, mà luôn trong tâm thế đón đợi những gì tinh khôi nhất, rỡ ràng nhất dù đôi lúc không tránh khỏi chút u hoài về thân phận. Người đọc sẽ bắt gặp ở đây một cô gái trẻ với rất nhiều tự sự, hoang mang, buồn vui, nhưng trên hết vẫn là một nỗi cô-đơn-có-điểm-tựa. Nói vậy là bởi, cuối cùng thì, tất cả những chông chênh ấy vẫn được tác giả quy về cảm xúc tích cực, vẫn thấy đâu đó những ấm áp thắp lên trong lòng, giữa phố. “Để nỗi buồn lắng xuống và niềm tin yêu cứ thế bừng lên, để ý niệm về cuộc sống trong mỗi người lắng đọng mà sâu thêm” (Người đọc sách, người trồng cây).
28 tuổi, Lữ Hồng từng đối mặt với khoảnh khắc sinh tử do mắc bệnh nan y. Tôi biết, Hồng rất ít muốn nói đến điều ấy. Nhưng vẫn mạo muội nhắc lại để hiểu vì sao cô gái trẻ này lại thấu suốt về cái chết đến thế, lại yêu cuộc sống đến thế. Và an nhiên đón đợi mọi điều sẽ đến. Là bởi, “dường như, khi cận kề cái chết, ai trong chúng ta cũng đều muốn mỉm cười, muốn thứ tha và nói lời yêu thương với tất thảy. Vậy tại sao ngay lúc này, mỗi người không chọn sống như giây phút đối mặt với sinh ly tử biệt?”. Với tâm thế đó, tác giả đã cho rằng ta nên “biết ơn cái chết”. Cũng là biết ơn cuộc đời, biết ơn mẹ cha và những tình thân. Yêu thêm từng khoảnh khắc được sống. Điều này khiến người đọc thêm một lần nữa nhận ra rằng tản văn là thể loại rất ý vị, đưa ta đến những miền tâm tưởng êm dịu, hiền hòa mà thấm đẫm nhân sinh.
Chăm chút từng câu chữ, đặt vào đó từng đắn đo, cân nhắc, cẩn trọng, Lữ Hồng là một cây bút rất mực chỉn chu. Có lẽ điều ấy đến từ khao khát khẳng định một cái tên, lại thêm dự cảm xa xôi rằng đó có thể là những dòng cuối cùng mà mình gõ ra trên bàn phím. Vậy nên câu chữ cứ bật lên chất chứa những rời rợi, tha thiết, hồn nhiên. Trong khi nhiều tác giả phải chật vật bỏ tiền túi ra in sách, việc Lữ Hồng được Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ký hợp đồng sử dụng tác phẩm và trả nhuận bút đã chứng tỏ nội lực của cây bút này.
“Bao năm rồi, nơi tôi sống có người già khuất núi, có người trẻ lớn lên như măng nứt ra từ kẽ đá. Cuộc đời dẫu thăng trầm thì cái đẹp muôn đời vẫn hiện hữu. Với những nỗ lực tự thân thông qua cái nhìn riêng về cuộc sống đa màu, tôi hy vọng sẽ góp thêm một tiếng nói trên hành trình khơi gợi cái đẹp cái nhân văn hoặc chí ít cũng đem đến cho mọi người một vài xúc cảm tích cực”. Bấy nhiêu đã đủ để nói lên cái tình của Lữ Hồng dành cho cuộc sống này, cho vùng đất cao nguyên thân thương. Đủ để phải thốt lên rằng: “Xin được yêu xứ sở này bằng tình yêu nồng nhiệt mà đơn sơ nhất, chân thành mà thiết tha nhất” (Quê hương).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét