Sau bài “Bức thư của một cô giáo” viết về trường hợp cô giáo Lữ Hồng bị ung thư tụy cấp, giai đoạn cuối, di căn sang gan mà… sau 9 năm, đến giờ, cô vẫn tươi trẻ, vẫn thỏa nguyện ước mơ được là cô giáo, vẫn… đá bóng và vẫn sờ thấy cái cục u bằng nửa cái bát ăn cơm trong bụng, rất nhiều bạn đọc đã từ sửng sốt, kinh ngạc đến trân trọng, kính nể cô gái rất trẻ này.
Sinh 1992 trong một gia đình bố mẹ đều lao động chân tay nuôi ba chị em ăn học ở xã Biển Hồ ngoại thành thành phố Pleiku. Một ngày, đang học lớp 12, cô bé có tiếng là xinh và ham học chợt đau bụng quằn quại. Thăm khám ở bệnh viện Gia Lai xong bác sĩ khuyên nên vào Sài Gòn khám tiếp. Tại bệnh viện Chợ Rẫy, một ca mổ lớn kéo dài 6 tiếng chỉ để lấy một tí tế bào sinh thiết đã diễn ra, bởi người ta phát hiện khối u nó nằm rất sát gan và mật, không thể nội soi như thông thường được. Mổ xong, đóng lại, nằm đấy hơn một tháng cho lành vết mổ rồi xuất viện về nhà với chẩn đoán: U tụy giai đoạn cuối. Bó tay. Bà mẹ ngất lên ngất xuống khóc thương con. Ngày về cả xóm xúm đến thăm như đã… đi rồi. Chạy thầy chạy thuốc. Có người chỉ cho phòng mạch đông y của ông Nông Văn Khìn ở huyện Đắc Tô, Kon Tum, thế là lên thử vận. Và uống thuốc của ông ấy từ bấy đến nay, ngày một gói giá 30 ngàn, sắc lên uống.
Sau Sài Gòn thì 2 mẹ con cũng đã ra Huế, Đà Nẵng, đến đâu bác sĩ cũng bảo… xong rồi, có ông còn mô tả rễ nó đã xùm xòa rất xum xuê không can thiệp gì được nữa, về… chờ thôi.
Trong lúc “chờ” thì… dự thi tốt nghiệp. Mấy tháng không học không ôn mà vẫn đậu tốt nghiệp. Và đi thi đại học. Ước mơ lớn nhất của cô bé này là được làm cô giáo. Và thi đậu hệ sư phạm Ngữ văn của đại học Quy Nhơn (hệ sư phạm lấy điểm cao hơn hệ Tổng hợp). Thừa đến mấy điểm. 4 năm học ở chung nhà trọ với một cô bạn, cứ 3 giờ là dậy sắc thuốc, 6 giờ uống rồi lên lớp, đều như vắt chanh.
Tốt nghiệp lúc đang còn chế độ xét tuyển. Mà xét tuyển là như thế nào thì… nhiều người biết. Tất nhiên không phải hoàn toàn tiêu cực nhưng nó có đất cho quan hệ, tiền tệ len vào. 3 năm không được xét, đi dạy trẻ con quanh xóm, làm gia sư tự nuôi mình, và vẫn nuôi ước mơ làm cô giáo chính quy.
Năm vừa rồi, thi tuyển viên chức giáo dục, đậu đàng hoàng vào làm giáo viên cấp 2 ở xã Ia Pia, huyện Chư Prông. Nghe nói tỉ lệ chọi cũng kha khá. Xa nhà 50 cây số thế mà mừng hết lớn. Reo ầm lên: Con đạt ước mơ rồi mẹ ơi.
Tôi đọc trên facebook cô bé trong lúc lang thang đi… like dạo, thấy lời reo hớn hở ấy kèm bài thơ, bèn đọc kỹ rồi nhắn tin hỏi thăm. Và thấy rất đáng khâm phục nghị lực của một cô gái nhà nghèo, nuôi ước mơ làm cô giáo, tự mình thi tuyển và trúng tuyển, về một trường rất xa nhà mà hân hoan như vừa trúng số Việt Lốt. Lúc ấy tôi hoàn toàn chưa biết cô bé này bị ung thư. Chỉ sau đó, sau một buổi cà phê cô bé ra chào tôi trước khi vào huyện nhận công tác, nhân tiện nhận cuốn tạp chí tôi đăng thơ của cô thì nửa đêm cô dậy và viết cho tôi cái thư kia.
Lúc ấy chỉ mình tôi biết.
Khi bài báo in ra, người đầu tiên biết là… cô giáo ở cùng nhà trọ.
Vào trường, rủ thêm một cô giáo nữa thuê nhà trọ ở vì nhà công vụ tuềnh toàng đến nam còn không ở được huống gì nữ. Vẫn lịch ấy, 3 giờ sáng dậy sắc thuốc, chị bạn (mới ở chung với nhau hơn tháng) biết cô bé có bệnh gì đấy nhưng tế nhị không hỏi, vả thấy nó suốt ngày vui và tươi như chim sáo thế, chắc uống cho… đẹp da. Giờ chị đọc bài báo và… khóc ồ ồ, khóc ngon lành trước mặt Lữ Hồng, vừa khóc vừa nói (giọng Quảng): Mi là cái thứ chi chi rứa…
Tôi đưa bài báo lên blog cá nhân, trong ba ngày có hơn 20 ngàn lượt người đọc, hàng mấy trăm comment, mail, tin nhắn… chia sẻ. Kỷ lục một bài báo của tôi.
Chiều chủ nhật, tôi nhắn tin qua inbox (lúc này tôi vẫn chưa có số điện thoại của cô bé): Cháu nói địa chỉ, lát chú vào thăm nhà cháu. Nó nhắn lại: Nhà cháu đang bề bộn lắm, cháu chưa kịp dọn, thôi hẹn chú hôm khác cháu mời chú vào và ba mẹ cháu mời cơm chú. Tôi nhắn: Chú tôn trọng cháu, nhưng mời cơm không phải việc nhà cháu, nếu có là của chú. Vừa lúc ấy con gái tôi ở Quy Nhơn điện: Bạn con hỏi số điện thoại của ba đấy. Nó inbox nữa. Tôi mở tin nhắn inbox, nó nhắn: “Cháu là Khoa bạn cùng lớp A12 với Mai Hương nhà bác, giờ cháu làm ở Gia Lai và cháu có nuôi cấy được nấm đông trùng hạ thảo, loại nấm này có tác dụng ức chế tế bào ung thư. Cháu muốn gửi cho bạn ấy để giúp bạn ấy chống chọi lại với bệnh ung thư. Bác Hùng ơi, bác cho con xin thông tin về cô giáo Lữ Hồng ở Chư Prông được không bác?”. Tôi chụp ảnh màn hình tin nhắn này chuyển cho cô bé, cô bé nhắn lại: “Ngại quá chú ạ. Hay để nhường người khác, cháu thấy mình còn khỏe mà”. Tôi phải nạt: Đấy là tấm lòng người ta. Cháu tưởng một thằng con trai vợ mới đẻ một tháng mà lại có gan hẹn hò mang đồ nhà đi cho một cô gái lạ hoắc lạ huơ mà dễ à?
Vấn đề là, thái độ của cô bé này với căn bệnh mà mình mắc phải.
Hồng kể: Ai mà không sợ hả chú. Hồi mới nghe tin cháu choáng một lúc, nhưng rồi quên rất nhanh bởi còn lo… về kịp học. Mẹ cháu khóc và ngất lên ngất xuống, còn cháu thì chỉ lo không kịp thi tốt nghiệp. Về, cả xóm đến thăm vì nghĩ bệnh viện trả về là… xong rồi, còn cháu thì ôn thi. Và thi đậu cả tốt nghiệp lẫn đại học. Và viên chức giáo dục nữa. Cháu cho là cái việc thi đậu làm giáo viên là thành công nhất của cháu. Bây giờ, ước mơ làm cô giáo đã toại nguyện, nếu “có gì” bây giờ thì cháu mới tiếc, tiếc hơn hồi còn đi học, hồi mới biết mình bệnh. Vì cháu có công việc yêu thích, có các mối quan hệ, có học sinh, có đồng nghiệp… Tiếc thôi chứ không buồn, thực ra thì không phải không buồn, nhưng cháu tạo cho mình thói quen không còn thời gian để buồn. Xuống xã dạy học, cháu mua cả máy in mang xuống để tiện làm việc. Cháu lao vào công việc, dạy, tiếp xúc học trò, soạn giáo án, chấm bài, tham gia các công việc khác, mới nhất là làm MC cho cuộc đại hội thể dục thể thao của xã dù mới về trường có 2 tháng, có tham gia trong đội bóng của trường nữa… Ngoài ra, theo đề nghị của một chị biên tập viên một nhà xuất bản, cháu sẽ viết một cuốn sách, không phải về cháu, mà về căn bệnh của cháu, về những gì cháu hiểu về nó và cháu đã trải qua. Là dự định thế, không biết có viết nổi không, nhưng cháu sẽ cố gắng, một là để không còn thời gian, hai là để những ai bị bệnh như cháu có thể đúc rút được kinh nghiệm gì chăng. Chú nói cháu có nghị lực, thực ra cũng không hẳn. Cái tính cháu nó thế, đến đâu là… vui đấy. Cháu không muốn nói về ung thư bằng nước mắt. Cháu cũng không muốn ai tiếp xúc với cháu bằng thái độ thương xót, cũng không kêu gọi giúp đỡ vật chất. Vừa rồi khi bài báo của chú ra, có một số người rất tốt liên hệ với cháu với ý định giúp đỡ vật chất cho cháu, cháu đều cám ơn và nói họ san sẻ cho những người nặng hơn cháu, khổ hơn cháu. Cháu còn có công việc, vẫn khỏe và tự sống bằng đồng lương của mình được mà. Tôi nói với cháu: Nhưng những người như anh Khoa thì cháu nên nhận, trước hết đấy là tấm lòng của họ, thứ hai là “của nhà giồng được”, dù “giồng” để bán nhưng họ rất tốt, họ muốn chia sẻ với cháu và chú thấy việc lan tỏa lòng tốt là điều cực kỳ nên ở mọi thời đại.
Trở lại bài báo của tôi, hàng ngàn comment chia sẻ, đa phần là phục nghị lực của Hồng, một số chia sẻ hoàn cảnh tương tự. Đây là một vài chia sẻ như thế:
“Kính gửi anh Hùng!
Đọc bức thư của cô giáo mà anh đăng, em đã rơi nước mắt anh ạ! Em không bi ung thư như cô bé nhưng những người thân của em đã như thế và trong những hoàn cảnh rất đáng thương nên em cũng đau đớn không kém người bệnh. Vào một đêm cách đây hơn 5 năm, em đã viết về Mẹ của mình để dự một cuộc thi, nhưng thấy tội cho mình và Mẹ quá nên không gửi. Thằng con trai của em khi đó đang học lớp 5 (nay đã là lớp 10 chuyên toán trường Hùng Vương), là đứa nhạy cảm, thấy mẹ ngồi khóc cả đêm nên nó tò mò đọc bài viết, nó bảo Mẹ gửi dự thi đi, con thấy chuyện của mẹ xúc động và hay lắm", cuối cùng em cũng không gửi, khi nào thấy bế tắc trong cuộc sống, em lại lấy ra đọc để tạo động lực thêm cho mình. Tưởng vậy, ông Trời ổng buông cho em không phải chứng kiến người thân của minh đau đớn với căn bệnh ung thư nghiệt ngã, nhưng không anh ạ. Mới trước tết đây thôi, em trai em gọi điện bảo "em ho tức ngực kéo dài, rồi ho ra máu nữa, chụp citi họ nói em có u trong phổi chị ạ!". Em nghe mà tê tái, an ủi nó rồi về quê ngay hôm sau để đưa nó vào TP HCM khám lại; sau 20 ngày mấy chị em vật vã ở bệnh viện phổi Phạm Ngọc Thạch để chờ xét nghiệm, rồi mổ, rồi sinh thiết để chiều 30 tết bác sĩ thông báo với em "Em trai chị bị ung thư phổi, giai đoạn 2 ...". Em dù trước đó đã linh cảm nhưng cũng còn chút ít hy vọng mong manh nhưng cũng không khỏi bàng hoàng. Nó mới 45, 3 đứa con còn quá nhỏ (lớn nhất lớp 6, nhỏ nhất lớp 2). Những ngày tết em đã giấu nó, nhưng khi bắt buộc phải điều trị ở bệnh viện ung bướu Đà Nẵng, bác sĩ bảo phải nói thật để bệnh nhân hợp tác với bệnh viện. Cuộc chiến với bệnh tật của chị em em đã qua 4 lần hóa trị, vẫn cứ hy vọng ở sự tiến bộ của y học, vẫn phải thấp thỏm từng ngày. Và em mong sao thằng em của em cũng có phép nhiệm màu như cô giáo đó !
Và đây nữa:
“Những trò nhỏ của cô gái này là những người may mắn và hạnh phúc nhất. Cô vẫn luôn tin rằng một trong những phương cách chiến thắng bệnh ung thư đó là sự lạc quan, nghị lực và tình yêu cuộc sống. Cảm ơn cháu (một cô gái tuyệt vời) đã giúp cô và có lẽ rất rất nhiều người khác nữa củng cố thêm niềm tin này. Chúc cháu nhiều niềm vui và bình an nhé”.
Ngay trong giới nhà văn, nhà giáo, tôi biết khá nhiều người cũng bị ung thư, có người, kỳ lạ như cô bé Lữ Hồng, bị cả chục năm giờ vẫn… uống bia mỗi chiều như nhà thơ Hoàng Cát, nhà phê bình Ngô Thảo, nhà thơ Song Hảo, giáo sư Văn Như Cương vân vân… Và mới nhất, sáng nay, khi tôi ngồi viết những dòng này thì nhà văn Tống Ngọc Hân thông báo trên phây búc: “Giờ là lúc em chắp tay vái tứ phương. Bác nào có kiến thức về khối u đầu tụy thì tư vấn giúp em. Hiện tại khối u có kích thước lớn hơn 5cm một bề và theo kết luận của bệnh viện thì ở giai đoạn xâm lấn chuỗi hạch trên tá tràng. Tinh thần của bệnh nhân khá tốt, những cơn đau dữ dội đã lắng xuống và đang dùng thuốc nam. So với thời điểm chưa xuất hiện cơn đau thì đến giờ, bố của các con em đã sút 7kg. Hãy giúp em!”. Tôi đã cho Hân số điện thoại của Lữ Hồng để chị liên lạc, hy vọng một phép màu nữa lại đến với gia đình nhà văn Tống Ngọc Hân…
Cô bé Lữ Hồng vừa nhắn tin cho tôi: “Hôm qua tới giờ có rất nhiều người gọi điện thoại xin địa chỉ mua thuốc chú ạ, cháu rất mừng nếu như người thân của họ cũng được may mắn như cháu”.
Và cũng có một cô giáo ở huyện Đức Cơ, Gia Lai nhắn cho tôi: “Chú ơi, cháu vừa đọc status của chú và thấy có anh bạn của con chú có loại nấm có thể cải thiện tình trạng bệnh ung thư. Chú có thể cho cháu địa chỉ face của anh ấy hoặc số điện thoại để liên lạc không ạ? Cháu có một học sinh năm nay đang học lớp 10 nhưng lại bị ung thư máu. Tội lắm chú. Chết đi sống lại bao lần. Chú giúp cháu với nhé. Cháu cám ơn rất nhiều ạ”. Tôi đã nhắn số điện thoại và face của Khoa cho cô này, hôm nay Khoa nhắn: “Hi chú. Mới có một cô giáo ở Đức Cơ liên hệ với cháu cho một em học sinh bị ung thư máu chú ạ. Mà giờ cháu đang không có sẵn, ráng ít bữa có rồi cháu báo cổ. Ráng hỗ trợ được người nào mừng người ấy chú ạ. Ăn thì bao nhiêu cũng hết. Nếu có trường hợp nào nữa chú cứ cho cháu biết nhé…”.
Qua điện thoại, tin nhắn cho Lữ Hồng, cho Khoa và cho cả tôi mấy hôm vừa rồi, mới biết, căn bệnh ung thư ở nước ta đang hoành hành dữ dội đến như thế nào?
Có thể, không phải ai cũng may mắn như cô bé Lữ Hồng, bởi đã nói, trường hợp của cô bé này nằm trong một phần triệu cas vượt ra ngoài quy luật, nhưng những tấm lòng, những người tốt thì vẫn luôn luôn hiện diện quanh ta… Và té ra, vẫn có những sự lạ vượt ra ngoài những quy luật thông thường, dẫu chỉ một phần triệu như cô bé Lữ Hồng thì vẫn khiến chúng ta hy vọng, khiến chúng ta không phải nói về ung thư chỉ toàn bằng nước mắt…
Nhà thơ Văn Công Hùng
Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai
Nguồn: Văn nghệ Gia Lai
Dẫn theo trang Văn Công Hùng:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét