Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

Báo : HỘI HỌC SINH-SINH VIÊN BÌNH ĐỊNH TẠI KHU VỰC Ở PHÍA BẮC: TÌNH "NẪU" Ở THỦ ĐÔ (Phan Nguyễn Trà Giang)




Được thành lập từ năm 1994, Hội Học viên-sinh viên (HV-SV) Bình Định khu vực phía Bắc đến nay vẫn duy trì sinh hoạt đều đặn và thực sự trở thành cầu nối cho những người con “xứ nẫu” giữa lòng Thủ đô.

Những ngày qua, nhiều người con “xứ nẫu” tụ họp nhau tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Hà Nội) để tập những tiết mục văn nghệ cho ngày hội ngộ của HV-SV Bình Định ở phía Bắc vào 27.3. Gắn bó với Hà Nội suốt quãng đời sinh viên, và nay dù đã đi làm nhưng Phạm Hữu Định- 23 tuổi, quê Tuy Phước - vẫn dành thời gian để tham gia “hát hò góp vui” cho ngày hội ngộ của HV-SV Bình Định ở phía Bắc. Anh chàng cười toe toét nhớ lại cái ngày được cô bạn ở gần nhà - cũng đi học đại học ở Hà Nội - giới thiệu và đến tham gia buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 36 năm Ngày giải phóng Bình Định do Hội HV-SV Bình Định khu vực phía Bắc tổ chức.

“Kể từ đó, mình có dịp quen biết nhiều anh chị em đồng hương, học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm học tập cũng như được chia sẻ vui buồn trong suốt những năm tháng đi học xa nhà”, Định chia sẻ.

Đại diện Ban chấp hành Hội HV-SV Bình Định khu vực phía Bắc
trao học bổng cho các SV có thành tích học tập tốt.

Anh Trương Văn Quan, Chủ tịch Hội HV-SV Bình Định khu vực phía Bắc, cho biết, năm 1994, Hội ra đời dưới sự gợi ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Hội đồng hương Bình Định tại Hà Nội, và thống nhất bầu anh Cao Anh Dũng - nay là Tiến sĩ kinh tế, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, làm Chủ tịch Hội ở nhiệm kỳ đầu tiên. Trải qua 22 nhiệm kỳ, số hội viên ngày càng đông và hoạt động trên cơ sở tự nguyện nhằm chia sẻ tâm tư tình cảm, hỗ trợ nhau lúc thiếu thốn vật chất và tinh thần.

“Ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng Ba hằng năm” đã trở thành “giao ước hẹn hò” của anh em trong Hội, vì đó là dịp mọi người được gặp nhau, nhắc lại truyền thống vẻ vang của sự kiện giải phóng Bình Định, nói với nhau bằng giọng “nẫu” trong những câu chuyện về quê hương. Rộn ràng và hân hoan lắm!”, anh Quan cho biết.

Trong quá trình hoạt động, Hội nhận được sự giúp đỡ và động viên tinh thần và vật chất của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Hội đồng hương Bình Định khu vực miền Bắc và các doanh nghiệp, cá nhân có uy tín đã hoặc đang công tác, sinh sống tại Hà Nội. Những cuộc gặp mặt “tranh thủ” do các anh chị trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhân dịp đi công tác ở Hà Nội chủ động đề xuất đã không ít lần làm các HV-SV Bình Định cảm thấy xúc động vì được quan tâm. Qua đó, mỗi người lại có thêm ý chí để vươn lên học tập, mai sau góp phần xây dựng quê hương.

Điều vui nhất khi trò chuyện với các sinh viên Bình Định đang học tập ở Hà Nội là nghe các bạn “khoe” về học bổng của Hội, do Tỉnh ủy, Hội đồng hưong Bình Định xứ Bắc và những người Bình Định thành đạt ở Thủ đô ủng hộ. Đều đặn hàng năm, vào dịp gặp mặt truyền thống, Hội sẽ trao các suất học bổng cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc có thành tích học tập tốt. Cô sinh viên quân y Nguyễn Thị Điệp, hai năm liên tiếp nhận học bổng từ Hội, hồ hởi: “Tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với sự quan tâm này, nó là động lực để tôi phấn đấu học tập tốt, rèn luyện tốt trong chặng đường sắp tới”.

Không chỉ hỗ trợ về mặt học tập, Hội còn chú trọng tổ chức các hoạt động thể thao để tăng cường sự giao lưu giữa 18 chi hội ở các đơn vị, trường học. Điều thú vị là có không ít các cặp đôi “nam thanh nữ tú” trong Hội đã phải lòng nhau, và sau khi ra trường, cùng về Bình Định, “rủ” nhau về một nhà.

Anh Nguyễn Tường Thành, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn, nguyên là Chủ tịch Hội HV-SV Bình Định khu vực phía Bắc nhiệm kỳ 2014-2015, cho biết Hội đã có trang facebook (với tên gọi Hội HV-SV Bình Định khu vực phía Bắc) và hộp thư điện tử riêng - và đây thực sự là kênh liên lạc nhanh chóng, hiệu quả, tiện lợi nhất cho tất cả hội viên.

PHAN NGUYỄN TRÀ GIANG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét