Thứ Tư, 9 tháng 9, 2015

Nghiên cứu : THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG THƠ CHỮ HÁN ĐÀO TẤN (Thầy Nguyễn Đình Thu)



Thời gian nghệ thuật là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thế giới nghệ thuật tác phẩm. Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn nổi bật với bốn hình thức thời gian: thời gian vũ trụ, thời gian lịch sử, thời gian đời người, và thời gian sinh hoạt. Ở mỗi hình thức thời gian, bên cạnh những đặc trưng quen thuộc thường thấy trong văn học trung đại, tác giả đều có những cảm nhận riêng, gắn với biểu hiện con người cá nhân, và cảm quan hiện thực. Tồn tại trong thời gian nghệ thuật, Đào Tấn vẫn mang tư thế chủ động của một nho sĩ nhập thế, bền bỉ sống với hiện thực đau thương, tìm niềm vui giản dị trong đời thường, và không thôi đau đáu hy vọng vào tương lai. Ở đó, hình tượng tác giả vừa mang cốt cách của con người phương Đông vừa mang tư tưởng, tình cảm cá nhân, hiện đại. 


Từ khóa: thời gian nghệ thuật, thơ chữ Hán, Đào Tấn

1. Đặt vấn đề

Đào Tấn (1845-1907) sinh trưởng trong thời buổi lịch sử chế độ phong kiến có nhiều biến động bất thường. Cả ba hệ tư tưởng Nho – Phật – Đạo cho đến những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc đều được ông tiếp thu. Bản thân Đào công suốt đời lại “vùng vẫy” trong những mâu thuẫn, bi kịch cá nhân. Bên cạnh đó, tâm hồn thi sĩ họ Đào cũng rất nhạy cảm trước bước đi của thời gian. Tổng hòa những cơ sở trên đã chi phối cách nhìn về thời gian trong sáng tác thơ chữ Hán của tác giả thật đa chiều, phức tạp(1). Đó vừa là sự tích hợp, đan xen hầu hết những hình thức thời gian đặc trưng trong thơ ca trung đại đồng thời nó cũng được vận hành theo cảm thức riêng, thể hiện tầm nhận thức, tư duy, quan niệm của tác giả, làm nên một gương mặt Đào Tấn vừa quen vừa lạ.

2. Thời gian vũ trụ

Với thơ chữ Hán Đào Tấn, thời gian vũ trụ không nằm ngoài cách cảm thụ thời gian của con người trung đại. Thời gian lặp lại tuần tự một cách đơn điệu với những biểu hiện giống nhau, mang cảm giác vĩnh viễn nhưng bất biến: Thiên địa tuần hoàn vi tuế nguyệt (Trời đất xoay vần thành năm tháng– Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút), Xuân khứ xuân lai tự chuyển hoàn(Xuân đi rồi xuân đến cứ thế chuyển tiếp – Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch). Cái nhìn thời gian vũ trụ tĩnh tại, bất biến này là đặc trưng của thơ ca trung đại thế kỷ X – XVII, nhất là của các nho sĩ thời Hồng Đức. Qua đó còn nhằm gián tiếp khẳng định sự trường tồn, thịnh trị của các vương triều. Tuy nhiên điều đó dường như lại nằm ngoài ý đồ nghệ thuật của Đào Tấn.

Cũng có thể chỉ là một khoảng thời gian ngắn của vũ trụ trong hiện tại, như một buổi chiều, một đêm, hay thời điểm giao thừa… song nhà thơ lại chìm đắm trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy mà suy tư, chiêm nghiệm, hay hứng thú ngắm cảnh đến mức vô tình quên đi sự vận động của thời gian: cả đêm vì nhớ con mà không ngủ được: Tri thị tư thân dạ bất miên (Ức Cẩm Cầu nhi), đêm giao thừa ngồi kiểm điểm lại việc làm của năm qua: Tuế trừ kiểm điểm lưu niên ký (Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch), hay năm hết mà một mình cứ mãi miết ngắm bóng chiều trên thuyền: Độc lập thuyền đầu khán vãn huy (Tuế mộ chu hành). Cảm giác vô thời gian đó còn được tác giả biểu hiện một cách chủ ý trong một số thi phẩm mang thiền tâm, thiền cảnh. Hình ảnh khối băng trong suốt ở bài Tự Phật được nhà thơ sử dụng như một biểu tượng cho cõi Niết bàn vô sinh vô diệt, vô thủy vô chung, nghĩa là một thế giới vô thời gian, thế giới vĩnh hằng, bất biến. Đến bài Du Ngũ Hành sơn và Đề vách đá chùa Ông núi, tâm hồn thiền nhân đã hòa vào thiền cảnh làm thời gian hòa nhập vào không gian, cái khoảnh khắc hiện tại không được ý thức đến bỗng trở nên tĩnh lặng, hòa vào cái vĩnh viễn. Và nói như Trần Đình Sử, đó chính là “cảm quan trá hình của thời gian vũ trụ”(2).

Đến với các mùa trong năm, Đào Tấn hứng thú nhất với mùa xuân. Ngoài những bài thơ lẻ tẻ nhắc đến mùa xuân, chỉ căn cứ vào nhan đề tác phẩm, tác giả có tới 16/141 bài viết trong thời điểm mùa xuân, đặc biệt là ở thời điểm ngày đầu xuân (Tuế đán thư hoài, Tuế đán ngẫu thành, Tân Sửu xuân đán thí bút, Nhâm Dần nguyên đán thí bút, Quý Mão nguyên nhật chu trung khai bút, Bính Ngọ đán thí bút (kiêm tứ nhi bối), Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút…). Đây là thời điểm chuyển giao của đất trời, là mùa đầu tiên trong năm, mùa khởi tạo của một sức sống mới. Bởi vậy nhà thơ đón đợi mùa xuân với tất cả tâm thế, hứng thú đầy chủ động: Đãi đáo minh triêu khan vạn vựng/ Tình hòa thắng phủ vị xuân sơ (Thử đợi đến sáng mai xem muôn vật/ Có tươi sáng hơn lúc chửa vào xuân không – Trừ tịch). Vui mừng trước cảnh vật tươi mới lúc vào xuân, tác giả dường như vẫn còn hy vọng vào sự đổi thay theo chiều hướng tích cực của bản thân cũng như của giang sơn xã tắc. Đó phải chăng là biểu hiện mong manh của tư tưởng nhập thế còn sót lại ở những nho sĩ trí thức cuối mùa như Đào Tấn.

Điều đáng chú ý trong sự vận động của từng mùa, bước đi thời gian được tác giả tri giác một cách tinh tế, cụ thể qua hình sắc, âm thanh chân thực mà thoát ly những hình ảnh tượng trưng sáo mòn thường thấy trong văn học trung đại: Thủy thanh sơn sắc mã tiền thu (Qua tiếng nước và màu núi thấy mùa thu trước ngựa – Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh – nhị tuyệt), Dã phố đống vân thâm (Bến quê mùa rét mây xám ngắt – Phỏng hữu bất trị), Hồng Lam xuân sắc tối phân minh (Sắc xuân của núi Hồng sông Lam thật rõ nét – Tân Sửu xuân đán thí bút)… Trong thi phẩm chữ Hán, nhà thơ ít nhiều dùng những hình ảnh quen thuộc như tùng, cúc, trúc, mai, sen, chim cuốc… nhưng không phải với tín hiệu tượng trưng chỉ mùa mà tượng trưng cho những phẩm chất của người quân tử, cho nỗi buồn trước tình cảnh đất nước. Qua đó cho thấy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trước những biến đổi lớn của lịch sử, văn hóa, xã hội, văn chương đã có sự thay đổi theo hướng tiếp cận gần hơn với hiện thực, và từng bước phá vỡ tính quy phạm một cách toàn vẹn.

Ở thời gian vũ trụ, nếu Đào Tấn chú ý nhiều đến mùa xuân trong năm thì tác giả lại thường quan tâm đến thời điểm buổi chiều và buổi tối trong ngày. Những từ hoàng hôn (chiều tối), vãn huy (bóng chiều), nhật tịch (mặt trời lặn), dạ (đêm), dạ bán (nửa đêm), trung dạ (trong đêm), kim tịch (đêm nay), nhất dạ (một đêm), dạ thâm (giữa khua), dạ dạ (đêm đêm), trừ tịch(đêm giao thừa)… xuất hiện dày đặc trong thi phẩm chữ Hán của ông. Lúc bấy giờ, thời gian như bị không gian hóa, thống nhất làm một, thường như “chất xúc tác” cho tâm trạng tác giả khởi phát. Chìm đắm trong những thời khắc này, cái tôi trữ tình tác giả đọng lại là những suy tư, trăn trở, là nỗi buồn cô lẻ.

Với Đào Tấn, thời gian vũ trụ không chỉ gắn liền với những phạm trù lớn lao như sự đổi thay của đất trời, triều đại mà còn gắn với cuộc sống của người dân. Điểm gặp gỡ giữa cụ Đào với cụ Tam nguyên Yên Đổ là họ thường bắt trúng vào những mối quan tâm nhất của con người, nhất là người nông dân ở những thay đổi của thời tiết gắn với mùa vụ. Đào Tấn đã nhận ra điều đáng quan tâm nhất của người nông dân không gì khác là mảnh ruộng họ đang cày cấy. Và ông cũng vui buồn trên mảnh ruộng của người nông dân những khi hạn, lụt, mưa đến, mất mùa hay được mùa: Xuân hạ tồ thu thốn trạch vô/ Cao đê điền mẫu thái tiêu khô (Từ xuân, hạ đến thu vẫn chưa có giọt mưa nào/ Đồng thấp, đồng cao đều khô cháy cả – Thương hạn), Mạc thán niên lai đa hạn lạo/ Tâm điền cửu hĩ báo phong thu (Chớ lo rằng năm tới trời hạn lụt nhiều/ Lâu nay hết lòng với ruộng đều báo tin được mùa – Quy canh cuộc quan điền thị Huỳnh Giản thủ chỉ Trần ông), Vạn kim hảo vũ tán nguyên điền/ Tẩy tịnh viêm trần lục nguyệt thiên (Cơn mưa lành như muôn vàng rải xuống ruộng đồng/ Rửa sạch lớp bụi nóng của tiết trời tháng sáu – Hỷ vũ). Điều đặc biệt là tác giả còn cảm nhận thời gian vũ trụ bằng chính con mắt của người nông dân, nhận ra thời điểm cuối thu qua hình ảnh lúa chín: Đông trù cốc dĩ tam phân thục (Đồng ruộng phía đông lúa ba phần chín – Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu). Phải là lương quan xuất thân từ làng quê, hết sức quan tâm, gần gũi với cuộc sống người nông dân, Đào Tấn mới có cái nhìn chân thực và đồng cảm đến như vậy.

Chỉ qua thời gian vũ trụ trong thơ chữ Hán, ta hiểu được một Đào Tấn vừa thấu lẽ biến dịch của thiên nhiên, trời đất lại vừa có cái nhìn tinh tế, chân thực trong sự biến dịch đó. Tác giả dù nói đến thời gian tuần hoàn, vĩnh viễn nhưng không phải gắn với cái xa xôi, viễn vông mà gắn liền với thực tại. Trong khoảng thời gian vô tận ấy, con người tác giả không mất hút vào khoảng không mà luôn hiện hữu với những ưu tư, nhất là đồng hành với cuộc sống con người.

3. Thời gian lịch sử

Dù hơn ba mươi năm làm quan cho nhà Nguyễn, được triều đình sủng ái, song điều đáng nói là trong trang thơ của cụ Đào không hề cất lên tiếng nói ca ngợi vương triều. Đây đó ở một số thi phẩm xuất hiện hình ảnh Trường An, sông Hương, núi Ngự… nhưng chúng chỉ có tác dụng định vị nơi đóng đô hoặc nói về lịch sử dân tộc chứ không tạo vẻ uy nghi, trường thịnh của vương triều (Trường An trúc chi từ, Đắc triệu hồi kinh, Hương giang Hành tạp vịnh, Tân Sửu xuân đán thí bút…). Ngay cả tiếng nói ơn vua, giữ phận của đạo quân thân trong toàn bộ sáng tác thơ chữ Hán của tác giả cũng cất lên rất yếu ớt. Nói cách khác, với thơ chữ Hán Đào Tấn, hình ảnh vương triều nhà Nguyễn trong buổi cáo chung hiện lên mờ nhạt như bóng trời chiều không còn vẻ sáng ngời rực rỡ, chỉ có thể cảm nhận được mà khó có thể tri nhận một cách rõ ràng. 

Trong thi phẩm thơ chữ Hán Đào Tấn, thời gian lịch sử nhìn từ phía hiện thực phản ánh là sự đồng hiện của ba mảng lớn: hiện thực chiến tranh diễn ra khắp nơi, hiện thực đời sống vua quan nhũng nhiễu, sa đọa và hiện thực tình cảnh người dân cơ cực, hoang tàn (Tổng đốc hành bộ hý tác, Trừ tịch quan thư ngẫu đắc, Tịch thượng tác, Thương hạn, Kinh phế trạch, Vô đề (a)…). Do chủ yếu nhìn vào hiện tại nên thời gian lịch sử trong thơ Đào Tấn không phải là những sự kiện, thời kỳ lịch sử cách xa nhau tạo cảm giác bất biến; tất cả như đang cùng diễn ra trước mắt với vô số những vấn đề nổi cộm. Bởi vậy có thể nói, thời gian lịch sử trong thơ chữ Hán Đào Tấn không chỉ đậm tính hiện thực mà còn mang tính thời sự. Về điều này, như chính Trần Đình Sử đã lý giải: “Sự suy tàn và thối nát của xã hội phong kiến từ thế kỷ XVIII trở về sau đã làm mất đi cảm giác thời gian bất biến của thời trước, mài sắc thêm cảm giác về sự trôi chảy của thời gian, sự mai một của những thời đại ra đi không trở lại”(3). 

Qua tiếng nói phê phán vua quan và tiếng nói cảm thương trước tình cảnh của người dân trong lịch sử, Đào Tấn đã gián tiếp phủ nhận sứ mệnh lịch sử của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Ông chỉ có thể kỳ vọng vào những người tài giỏi, đầy dũng khí, vì nước, vì dân như Phan Bội Châu, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… Nhưng thực tế và cả trong thế giới nghệ thuật thơ ông cho thấy khát vọng cứu nước của những con người ấy đều bị nhấn chìm trong bi kịch chung của lịch sử. Điều này được tác giả thể hiện qua hàng loạt những bài thơ nhớ thương, khóc thương (Ức Phan San, Khốc Hoàng Quang Viễn, Khốc Phan Đình nguyên…). Trong hiện thực đó, chính nhà thơ cũng đặt câu hỏi đau đáu vào tương lai mờ mịt: Lão phu hoài bão kỷ thời khai (Biết chừng nào hoài bão già này mới toại nguyện – Tịch thượng tác). Và ông đã mệt mỏi, đau buồn vì giấc mơ thiên hạ thái bình nghe như không thể trở thành hiện thực: Quân Thiều hứa cửu lao thanh mộng (Nhạc Quân Thiều từ lâu vẫn mỏi mệt trong giấc mơ trong trẻo – Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành). Bởi vậy, nhìn vào thực tại lịch sử, có thể nói Đào Tấn thường trực đi về trong hai trạng thái cảm xúc: đau đáu hy vọng và đau buồn thất vọng.

Bằng hoài niệm, tác giả đã ngược dòng thời gian tìm về lịch sử quá khứ. Nhưng cũng như trong thực tại, đó chủ yếu là hoài niệm về những người anh hùng, những tấm gương vì nước, vì dân như tướng quân họ Phạm thời Lý, Lê Lợi, Trịnh Ninh, Nhạc Phi… chứ không phải hoài vọng vào một vương triều thịnh trị trong tương lai (Bái đề Độc Lôi sơn từ, Trùng du Lam Sơn tuyệt cú,Đề Trịnh thị Ninh Quận công thí kiếm thạch, Vịnh Nhạc Vũ Mục…). Điều đó nói lên Đào Tấn không còn kỳ vọng gì vào chế độ phong kiến trong thực tại đã thực sự đổ nát mà chỉ có thể hy vọng vào những anh hùng dân tộc tiếp tục đứng lên để cứu vãn tình thế đất nước đang trong thời buổi đen tối nhất. Đó quả là một cái nhìn thức thời, tiến bộ của một ông quan mang tinh thần dân tộc, dân chủ.

Điều đáng nói là trong những đổi thay của lịch sử, vấn đề tác giả quan tâm nhất không phải là sự hưng phế của các triều đại mà là số phận của con người trong lịch sử. Trong thơ chữ Hán Đào Tấn, từ cổ chí kim, từ vua tôi, tướng lĩnh, lãnh tụ, binh lính, cho đến người dân nói chung, dù mỗi người mang thân phận, địa vị khác nhau, dù trong lịch sử Trung Quốc hay lịch sử nước nhà, họ đều gặp nhau ở cái chết bi thương (Bái đề Đông Thánh Hậu linh từ, Bái đề Độc Lôi sơn từ, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi, Khốc Phan Đình nguyên, Khốc tây tân Đinh Tử Trạch…). Đó không chỉ là cái nhìn đau thương, bế tắc về lịch sử nước nhà cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX mà còn là cái nhìn cảm thương của một con người mang tấm lòng nhân đạo sâu sắc.

Ngoài những đặc điểm nói trên, trong thơ chữ Hán Đào Tấn, sự trôi chảy của thời gian lịch sử còn hiện hình trên những dấu tích cụ thể. Mỗi dấu tích như những cổ máy thời gian đo sự hưng phế. Nhà thơ nhìn thành Bình Định không phải với cái nhìn vật chất mà bằng cái nhìn lịch sử, bức tường thành như trang sử khắc ghi những đau thương, tổn thất kinh hoàng của các trận đánh trong quá khứ (Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi). Hay sông Hương không được tác giả khai thác ở những nét gợi hình gợi cảm mà được nhìn từ truyền thống hào hùng trong lịch sử dân tộc. Nước sông như muôn đời lưu giữ mùi thơm dòng máu biếc của bao anh hùng, những người ngã xuống vì giang sơn xã tắc: Thanh sử trường lưu bích huyết hương/ Nam nhi vị quốc tính danh dương (Sử xanh gìn giữ mãi mùi thơm dòng máu biếc/ Tên tuổi các chàng trai vì đất nước được nêu cao – Hương giang hành tạp vịnh). Trước những dấu tích còn lại, tác giả không khỏi tiếc cổ thương kim, bởi cái tốt đẹp đã lùi vào quá khứ chỉ còn lại cái điêu tàn, hoang phế trong hiện tại: Thử địa tùng tiền diệc phú nhiêu/ Khả liên loạn hậu bán tiêu điều(Chốn này trước kia là nơi trù phú/ Thương thay sau cơn loạn lạc bị xơ xác đến phân nửa – Vô đề (a)), Cựu thị trang nghiêm hoan hỷ địa/… Như kim kiếp hỏa dĩ thành khôi (Khi xưa nơi đây là chốn trang nghiêm hoan hỷ/… Mà nay lửa kiếp đã thành tro – Du Thiên Tượng phế tự ký thực).

Nhìn chung, cảm nhận về thời gian lịch sử, Đào Tấn có đối sánh cổ - kim, hưng – phế nhưng đối sánh trên cái nền cảnh vật thực tại để thấy lịch sử đang vận động theo chiều hướng xấu. Nhà thơ hoài cổ không chỉ để tiếc nuối thời vàng son mà còn để cảm thương cho những bi kịch lịch sử, để “ôn cố tri tân” nhằm cổ vũ cho hiện tại. Thời gian lịch sử trong thơ chữ Hán Đào Tấn không có tính ổn định, trường tồn mà có những biến động, bất ổn lớn được diễn tả qua cái chết của những cuộc thương vong, những người anh hùng, những người ngả xuống trong chiến tranh, hay ở cảnh khói lửa, loạn lạc, hoang phế. Điều đáng trân trọng ở ông quan Đào Tấn là trong tình cảnh mất nước, ông quan tâm đến vận mệnh đất nước, cuộc sống và số phận con người hơn là quan tâm đến vương triều mà ông đang trực tiếp phục vụ. Và trước hiện thực đen tối của lịch sử hiện tại, ông không buông xuôi, thoát ly, yếm thế mà vẫn không thôi hy vọng vào sự thay đổi của lịch sử dân tộc, vẫn sống và làm quan sao cho có ý nghĩa, dù phải chấp nhận chung sống với những dằn vặt, đớn đau.

4. Thời gian đời người

Điểm mới mẻ và thú vị nhất ở thời gian nghệ thuật trong thơ chữ Hán Đào Tấn là cái nhìn nghệ thuật đối với thời gian đời người: thời gian gắn liền với những giai đoạn, những kỷ niệm, những thời khắc đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi con người, nhất là của cá nhân tác giả. Không như thơ ca trung đại thường chú ý đến tuổi thanh xuân và lúc đầu bạc, biểu đồ thời gian đời người trong sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn hiện lên với đầy đủ các giai đoạn: từ thời niên thiếu, lúc trẻ trung, khi về già, và cho đến thời điểm kết thúc một sinh mệnh. Thuở niên thiếu cũng như lúc trẻ trung hiện lên trong quá khứ qua hồi ức, còn tuổi già và cái chết lại được tác giả miêu tả, nghĩ đến trong hiện tại.

Đào Tấn sinh trưởng trong một gia đình không có truyền thống làm quan như Nguyễn Du. Bởi vậy hoài niệm về thời niên thiếu, Nguyễn Du nhớ ngay đến cuộc sống phong lưu, sung túc: “Khi sao phong gấm, rủ là” (Truyện Kiều) còn với Đào Tấn không gì khác là trở về với ký ức tuổi thơ được thụ giáo những thầy đồ trường làng. Gần như với tác giả, đó là thời kỳ trong trẻo nhất, đẹp nhất và cũng là đáng nhớ nhất trong cuộc đời. Thăm lại nơi ngày xưa hằng ngày học chữ, ông như được trở về trong bầu không khí vô ưu: Ngẫu qua bình nhật học ngữ xứ/ Vong khước cao tường thiên lý tâm (Chợt ngang qua nơi xưa kia hằng ngày học chữ/ Liền quên hết tấc lòng cao bay ngàn dặm – Quá phỏng Kỳ Sơn Đặng gia trang ức thiếu thời độc thư ngẫu chiếm). Đó là những tháng ngày ông hết sức trân trọng: Thu khí bán sơn hoàn cổ mộ/ Xuân phong nhất nguyệt ức tiên sinh (Hơi thu tỏa lưng chừng núi và quanh ngôi mộ cổ/ Nhớ khi đến với thầy như ngồi giữa gió xuân – Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật). 

Thời niên thiếu của tác giả gắn liền với những năm tháng theo học thì lúc trẻ trung lại đi liền với cuộc sống khó khăn nhưng nghĩa tình bên vợ hiền. Trong trang thơ tác giả, dù người vợ nơi quê nhà Bình Định hay phu nhân của một bậc đại quan hiện lên đều rất đẹp. Nhớ về người vợ cả ở quê nhà, ông không khỏi “thẹn” trước một tấm gương tần tảo, lo toan trong buổi hàn vi, loạn lạc, cả đời chỉ quen sống chân chất, mộc mạc (Đợ áo cho ta rượu, lúc nghèo/ Bỏ nhà khi loạn, bế con theo/ không màng cảnh sống ngày vinh lạc/ So với nàng, ta thẹn xiết bao – Mai tăng đề ư An Tịnh tổng chế đường chi khiếu ngạo đông hiên, đương Thành Thái Quý Tỵ, hòa tiết, Vũ Ngọc Liễn dịch). Còn với Diêu Tiên – phu nhân đồng hành cùng ông trên bước đường hoạn lộ hiện lên vừa như một người vợ hiền lại vừa như một người bạn tri kỷ. Dù tuổi thanh xuân hay khi tóc đã bạc đều là những tháng ngày Đào Tấn được sống trong tình cảm lứa đôi thắm thiết, bền chặt: Nẫm tứ niên tiền thử dạ du/ Hải đường hoa hạ thuyết phong lưu (Hai mươi bốn năm trước cũng đêm nay chúng ta cùng dạo chơi/ Dưới khóm hoa hải đường cùng bàn chuyện phong lưu – Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự). Như vậy, qua ký ức tuổi thơ cũng như hồi ức của tác giả về thời còn trẻ, ta thấy một Đào Tấn không chỉ tất bật với việc quan mà còn luôn biết lưu giữ, trân trọng những kỷ niệm đẹp, một con người nặng nghĩa tình.

Người đời thường rất lo sợ tuổi già ập đến, như Mãn Giác thiền sư cảm nhận: Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tùng đầu thượng lai (Trước mắt việc đi mãi/ Trên đầu già tới rồi – Cáo tật thị chúng). Những người chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo với khát vọng nhập thế như Đặng Dung lại càng oán trách trước tuổi già bất lực: Quốc thù vị báo đầu tiên bạch (Thù nước chưa trả đầu đã bạc – Cảm hoài). Trong khi đó, Đào Tấn lại rất ung dung, tự tại vui với tuổi già. Điều tưởng như mâu thuẫn, trái ngược ấy chỉ có thể lý giải bằng chính cuộc đời tác giả. Có lẽ Đào công trông đến tuổi già bởi đó là lúc ông được thoát khỏi chốn quan trường ô trọc, bụi bặm, được về vui cảnh ruộng vườn an nhàn, nghĩa là được thỏa giấc mộng cuối đời (mộng hoàn hương) khi những giấc mộng cao xa đã không được như ý muốn (mộng cứu nước và mộng giang hồ). Bên cạnh đó, với ông, càng thêm tuổi như càng làm tâm hồn phong phú, dày dặn, càng giúp ông có những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc hơn về cuộc đời: Cố miến cầm thư bế tiểu trai/ Niên quang nhẫm nhiễm trợ ngâm hoài(Ngắm lại sách đàn đóng cửa phòng văn/ Cái trôi qua của năm tháng làm giàu thêm hồn thơ – Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu).

Điều đặc biệt nữa ở Đào Tấn là trong khi ông thường xót xa, đau buồn trước sự kết thúc của một đời người thì lại rất thản nhiên nghĩ đến một ngày mình sẽ “ra đi” vĩnh viễn: Nhàn hướng Mai sơn bốc thọ viên/ Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn/ Mai sơn tha nhật tàng Mai cốt/ Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn (Nhân lúc rảnh rỗi đến núi Mai tìm sinh phần/ Đứng trên mỏm đá cao cười mà không nói/ Ngày nào đó núi Mai lại chứa xương Mai/ Hẳn có hoa mai hóa làm hồn mộng ­­– Đề Mai sơn thọ viên). Đó quả là cái nhìn của một thiền nhân đã nhậm vận, thấu triệt lẽ tâm không. Ông xem sự “ra đi” như một biểu hiện biến đổi trong lẽ sắc không của vòng luân hồi vô tận, “ra đi” cũng là trở về với cát bụi, là hóa thân vào nhành mai giữa đất trời quê nhà Bình Định.

Cũng như thời gian lịch sử, trong thời gian đời người, thì hiện tại được tác giả nói nhiều hơn cả, trong đó dấu ấn hằn sâu trong tâm thức nhà thơ là nỗi ám ảnh về cuộc đời làm quan tha hương, cơ cực, bất đắc ý: Phù thế ngô sinh ưu lạc đa (Đời ta là một cuộc đời trôi nổi nên lắm nỗi buồn vui – Huỳnh Giản chu dạ), Ngã yểm phong trần trì nhất xa (Ta chán cảnh một cỗ xe quan lao vào gió bụi – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Tác giả sử dụng tới 16/141 bài thơ mang nội dung cảm thương cho cuộc đời làm quan của mình. Bởi vậy, từ hiện tại nhìn vào quá khứ, ông luôn cảm thấy hối hận vì mình không sớm trở về: Càn khôn nộn tán quy lai vãn/ Không phụ ngô sư hối nhữ tình (Trời đất đã đảo lộn rồi mà ta thì về chậm/ Lòng rất hối hận vì đã phụ lời thầy dạy bảo – Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật). Đào Tấn tìm niềm vui trong thú ngao du, thưởng nhàn nhưng những giây phút đó quả là hiếm hoi đối với thân phận của một bậc đại quan như ông. Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi chữ nhàn khi đang ở ẩn, Đào công đề cao chữ nhàn khi đang làm quan. Bởi vậy khát khao hưởng nhàn, thưởng cảnh trong thơ tác giả vang lên khắc khoải, mãnh liệt hơn bao giờ hết: Ngã bản lao nhơn thậm kỷ nhàn (Ta vốn là kẻ nhọc nhằn nên rất thích an nhàn – Tống đồng thành Tôn Thất Ngũ Phong cải Thanh niết, Kỳ nhất), Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên (Một ngày nhàn là một ngày tiên – Lục thập sinh nhật mai viên tiểu chước)... Chỉ tính riêng những thi phẩm mang nội dung đề cao khát vọng về hưu, ca ngợi cuộc sống thanh nhàn, tác giả đã có 25/141 bài. Có lúc, nhà thơ lại tìm niềm vui trong quan hệ bằng hữu. Nhưng những người bạn đồng liêu ai cũng bận rộn như ông, ai cũng như cánh nhạn, cánh hồng khi Nam lúc Bắc. Không thực hiện được mộng phục quốc đã đành; hoàn hương, thưởng nhàn, vui thú ngao du, bầu bạn cũng không xong; hơn nửa cuộc đời phải sống tha hương, bị người đời nghi kỵ vì làm quan cho triều đình tay sai; bản thân lại phải chứng kiến cảnh vợ, con mất… Xem ra cả cuộc đời Đào Tấn không có được một niềm vui trọn vẹn!

Cảm nhận về sự ngắn ngủi của đời người, nhà thơ không dừng lại ở cảm xúc nuối tiếc tuổi thanh xuân mà quan trọng là ông luôn biết quý trọng hiện tại, đề cao việc tận hưởng hạnh phúc trần thế, cá nhân ngay trong hiện tại, nhất là khi còn trẻ. Không phải đến Xuân Diệu mới biết: Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn/ Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại (Vội vàng). Những nhà thơ thuộc mạch tài tử như Đào Tấn đã cảm nhận sâu sắc điều đó: Thịnh thời bất tác lạc/ Xuân hoa bất trùng sinh (Lúc vui không biết vui/ Hoa xuân không trở lại – Cổ nhạc phủ nhị thủ). Tính triết luận về thời gian trong thơ Đào Tấn đã khá rõ: thời gian trôi đi không trở lại nên phải biết vui, biết tận hưởng từng phút từng giây. Mà sự tận hưởng ngọt ngào nhất là trong tình yêu. Đọc bài Sơn ca nhị thủ có lẽ người đọc không nghĩ đó là sản phẩm của văn học viết trung đại, vì nó mang quan niệm khá mới mẻ và táo bạo về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Nhà thơ nhận ra tình yêu, duyên kiếp ở kiếp sau theo quan niệm Phật giáo như “thiên đường ảo” để an ủi cho nỗi đau tình duyên thực tại. Làm gì có kiếp sau! Thi nhân chỉ muốn kết duyên gấp gáp, tận hưởng gấp gáp hạnh phúc lứa đôi trong kiếp này: Nhân nhân yếu kết hậu sinh duyên/ Nùng chỉ kim sinh kết mục tiền/ Nhất thập nhị thời bất ly biệt/ Lang hành, lang toạ, tổng tuỳ kiên (Người người muốn nên duyên ở kiếp sau/ Tôi chỉ mong kết duyên ngay trước mắt trong kiếp này/ Mười hai thời ngày đêm không xa rời nhau/ Chàng đi, chàng ngồi, theo sát vai chàng). Quan niệm tình duyên này chẳng khác Xuân Diệu là mấy. Rõ ràng tác giả đã nhìn cuộc đời bằng cái nhìn hiện sinh, nhân bản, tiếp cận với quan niệm và cách thể hiện về con người trong văn học lãng mạn sau này. Đây quả là một quan niệm mới mẻ, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, một đóng góp lớn của tác giả trên phương diện nội dung nghệ thuật.

Tóm lại, Đào Tấn có cảm giác thời gian tuổi trẻ, đời người trôi đi nhanh chóng còn thời gian làm quan như chậm lại, kéo dài. Nhìn vào hiện tại làm quan cơ cực, bất đắc chí, ông chỉ thấy tương lai mờ mịt trong những câu hỏi vô vọng. Nhớ về quá khứ trong sáng, nghĩa tình; than trách cuộc đời làm quan cơ cực; phủ định công danh, quan trường; khát khao ngao du, thưởng nhàn; khát khao được trở về chốn thanh tịnh, yên bình, vui cùng ruộng đồng, con trẻ là những cung bậc tâm trạng đan xen trong cuộc đời tác giả. Ở thời gian đời người, Đào Tấn còn có cái nhìn, quan niệm khá mới mẻ, hiện đại, đánh dấu bước chuyển mình của văn học viết trung đại cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

5. Thời gian sinh hoạt

Thơ chữ Hán Đào Tấn phong phú về hình thức ngôn từ chỉ thời gian sinh hoạt. Thời gian sinh hoạt ở thời điểm nào trong năm cũng xuất hiện trong thơ ông: tuế đán (đầu năm), xuân hạ tồ thu (từ xuân, hạ đến thu), tuế mộ (cuối năm), trừ tịch (đêm giao thừa), trúc phù khan phóng hạ (khi cây nêu hạ xuống)... Tác giả đã sử dụng một khối lượng lớn những từ ngữ để chia nhỏ thời gian sinh hoạt ra trong ngày: cập thời (ngay bây giờ), thiên vị hiểu (lúc trời chưa sáng), hiểu, thanh thần (sáng sớm), ngọ (buổi trưa), hoàng hôn(buổi chiều), dạ bán (nửa đêm), dạ thâm (đêm khuya), v.v... Đôi lúc, hình thức ngôn từ chỉ thời gian sinh hoạt lại được cụ thể hóa khi tác giả kết hợp chúng với những từ chỉ hoạt động: dạ túc (đêm ở trọ), dạ du Di Lặc điện (đêm thăm điện Di Lặc), dạ quá Hòa Quang tự (đêm tới chùa Hòa Quang), loạn hậu (sau khi loạn), quy khứ hậu (sau khi trở về), vũ hậu (sau khi mưa), túy hậu (sau khi say). Mặt khác, nhà thơ còn dùng nhiều hình tượng nghệ thuậtđể thể hiện hình thức thời gian này: tịch dương (bóng chiều), nhật tịch (mặt trời lặn), đăng (đèn), trung thu nguyệt (trăng giữa mùa thu), tàn nguyệt(trăng tàn), nguyệt xuất (trăng mọc), phong vũ dạ (đêm mưa gió), kê loạn đề(gà gáy huyên thiên), v.v… Qua đó cho thấy bước đi của thời gian sinh hoạt trong thơ chữ Hán Đào Tấn gần như song hành với bước đi của thời gian tự nhiên, được cảm nhận qua các hình tượng thiên nhiên. Đó phải chăng là cảm quan đặc trưng về thời gian sinh hoạt của những nho sĩ, thiền nhân.

Nhìn từ phương diện sinh hoạt đời thường ở cá nhân tác giả, thời gian sinh hoạt trong thơ chữ Hán Đào Tấn thường đi liền với những không gian hẹp mà thoáng đãng, yên tĩnh: viên (vườn), tiểu trai (phòng văn), đông hiên(hiên phía đông), thảo thất (nhà cỏ).... Khi ấy, một ông quan mũ cao áo dài đạo mạo đã trở về với một lương dân hết sức giản dị, đời thường: ngôi vườn là chốn ông sum vầy cùng gia đình (Cố viên kim tịch hựu đoàn viên – Thất tịch tiểu đề), hiên phía đông là chỗ ông trò chuyện cùng bọn con trẻ (Đông hiên tiểu tọa đối nhi tào – Cửu nhật ngẫu đắc), nhà cỏ là nơi ông nằm nghe vợ đọc thơ (Thảo thất xuân thâm ngọ ảnh trì/ Lang lang ngâm hưởng xuất hương vi – Thính Diêu Tiên khanh độc tao). Và cũng có một khoảng riêng yên bình cho con người ấy trầm tư, suy ngẫm: Cố miến cầm thư bế tiểu trai (Ngắm lại sách đàn đóng cửa phòng văn – Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu), Phần hương độc tọa phúc quân thi (Đốt hương ngồi một mình đọc đi đọc lại thơ ông – Trùng phỏng Long Cương). Đó là những phút giây ông cảm thấy thanh thản, yên bình nhất, dù ít ỏi nhưng lại có ý nghĩa rất lớn, nhằm đối trọng với những áp lực của cuộc đời làm quan để có thể cân bằng trạng thái tâm lý.

Gắn với những gì diễn ra trong quan hệ bằng hữu, gia đình là điểm nổi bật trong thời gian sinh hoạt ở sáng tác thơ chữ Hán của cụ Đào. 15/141 bài thơ chữ Hán là số lượng sáng tác, tác giả dùng để bộc lộ tình cảm, tâm trạng trong lúc dạo chơi cùng bạn; đi thăm, tiễn, viếng bạn hay ngay cả lúc một mình nhớ bạn. Nhà thơ còn có 23/141 thi phẩm chữ Hán sáng tác trong dịp sinh nhật (bản thân và vợ), lúc dạo chơi cùng vợ, điếu vợ, mong nhớ mẹ, vợ, con; những ngày con đi thi, con lấy chồng, con sinh cháu, đến nhà con chơi... Chỉ bấy nhiêu thôi đủ cho ta thấy một Đào Tấn đằm thắm trong các mối quan hệ thân hữu, luôn biết vui với những niềm vui giản dị, bền chặt trong cuộc sống đời thường.

Có thể nói đặc sắc nhất ở thời gian sinh hoạt trong thơ chữ Hán Đào Tấn là chúng thường được đánh đấu bằng những ngày lễ, tết trong năm. Từ ngày lập xuân, hoa triêu, cho đến thất tịch, rằm tháng bảy, trùng cửu, đặc biệt là ba mươi tết, tết nguyên đán… đã thường xuyên lặp lại và có mặt trong 22/141 bài thơ chữ Hán của tác giả. Phải nói rằng không có một tác giả nào trong văn học viết trung đại Việt Nam lại hứng thú với những sinh hoạt văn hóa truyền thống như Đào Tấn. Ông không tồn tại với tư cách người ngoài cuộc để quan sát mà luôn hòa mình vào không gian, sinh hoạt văn hóa trong các ngày lễ đó. Đêm hoa triêu (đêm kỷ niệm sinh nhật các loài hoa) là đêm Đào Tấn cùng vợ ôn lại chuyện phong lưu dưới khóm hoa hải đường (Hải đường hoa hạ thuyết phong lưu – Hoa triêu dạ dữ nội hữu Diêu Tiên khanh du Diệc Cổ tự), ngày thất tịch (ngày 7/7, ngày Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau) là ngày tác giả xem mình như chàng Ngâu già mong gặp lại quê nhà (Tùng cúc biệt lai tam thập tải/ Giai kỳ ngã diệc lão khiên Ngưu – Thất tịch), còn ngày trùng cửu (ngày 9/9, ngày các thi nhân đăng cao ẩm tửu, ngâm vịnh), nhà thơ không quên mình đã từng lên dãy núi kia để uống rượu với bạn bè (Tiếu chỉ quần sơn phiếm lục giao – Cửu nhật ngẫu đắc). Những nét đẹp văn hóa truyền thống như khai bút đầu xuân, chúc tụng ngày tết cho đến dựng cây nêu ở sân nhà… đều được tác giả đề cập tới trong sáng tác (Quý Mão nguyên nhật chu trung khai bút, Tân Sửu trừ tịch,…). Chủ đề này phần nào ta thấy trong sáng tác của vị quan đồng triều với Đào Tấn là Nguyễn Khuyến. Và về sau, nó vẫn còn được biểu hiện ở sáng tác của nhiều tác giả trong phong trào Thơ mới như Vũ Đình Liên, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Nguyễn Bính… Gắn với những sinh hoạt văn hóa truyền thống, bởi vậy thời gian sinh hoạt trong thơ chữ Hán Đào Tấn mang bản sắc của con người Á Đông, mang hương vị dân tộc khá rõ.

Khi tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, Trương Xuân Tiếu đã nhận thấy kiểu thời gian sinh hoạt “được nhà thơ thể hiện qua rất nhiều bài thơ vịnh vật và vịnh việc”(4). Trên phương diện thời gian sinh hoạt gắn với hoạt động lao động, đặc điểm này lại ít thấy trong thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn. Những hoạt động lao động, sản xuất của người dân trong thơ chữ Hán Đào Tấn dường như vắng bóng. Duy chỉ có một thi phẩm miêu tả hoạt động đạp guồng nước của một thôn nữ trong tiết trời tháng sáu khô hạn: Ngũ nguyệt, lục nguyệt bất vũ thiên/ Đạp xa nhi nữ ca thả miên (Tháng năm, tháng sáu trời chẳng mưa/ Cô gái đạp guồng xe nước vừa hát vừa ngủ gật – Thủy xa). Không phải Đào công bàng quan trước cuộc sống lao động của người dân mà dường như sự vắng bóng những khung cảnh lao động là bức tranh ảm đạm của cuộc sống người dân trong tình cảnh chiến tranh, loạn lạc.

Điều đáng nói nữa ở thời gian sinh hoạt diễn ra trong ngày, những lúc một mình vào thời điểm nhạy cảm như chiều tối, đêm khuya, hay trong thời khắc chuyển giao, Đào Tấn thường rất hay suy tư, chiêm nghiệm. Nhà thơ đã đạt đến chiều sâu của tư duy, biểu hiện ra là những chiêm nghiệm, triết lý sâu sắc trong sáng tác. Ông triết lý về chữ nhàn: Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên (Một ngày nhàn là một ngày tiên – Lục thập sinh nhật Mai viên tiểu chước), triết lý về tài văn chương: Văn chương bổn vô bằng/ Đắc thất đương tự tri (Văn chương xưa nay vô bờ bến/ Thành bại nên tự biết – Ký nhi). Nhiều nhất là tác giả triết lý về cuộc đời, như về lẽ sống, thái độ sống, về công danh, hay lẽ sinh tử (Thứ vận tống Cúc Viên Trương Đông Các công trí sự, Phỏng nữ tế Vân Sơn cư thất thư dữ chi, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi, Điệu vong). 

Tựu chung, biểu hiện thời gian sinh hoạt trong thơ chữ Hán Đào Tấn khá phong phú. Hình thức thời gian này có sự gắn kết, giao thoa với thời gian vũ trụ cũng như thời gian đời người. Áp lực từ cuộc đời của một vị đại quan đã đẩy tâm hồn, hứng thú nhà thơ hướng về những sinh hoạt giản dị, đời thường bên bằng hữu, thân hữu, làm nên một Đào Tấn mộc mạc mà thanh tao, cởi mở mà sâu sắc. Một lần nữa, vẻ đẹp truyền thống của con người phương Đông nói chung, nho sĩ nói riêng cũng có thể được nhận diện qua con người tác giả.

6. Kết luận

Thời gian nghệ thuật trong thơ chữ Hán Đào Tấn tiêu biểu với bốn hình thức: thời gian vũ trụ, thời gian lịch sử, thời gian đời người, thời gian sinh hoạt. Điểm nhìn nghệ thuật của Đào Tấn đối với thời gian trong sáng tác bao giờ cũng xuất phát từ hiện tại. Trong khi tác giả luôn cảm nhận một cách tinh tế bước đi thời gian vũ trụ qua sự biến đổi của hình sắc, âm thanh thì nhà thơ lại cảm nhận cổ – kim, hưng – phế trên cái nền những dấu tích lịch sử thực tại. Ám ảnh về cuộc đời làm quan cơ cực, quý trọng tuổi trẻ, đề cao hưởng thụ hạnh phúc lứa đôi ngay trong trước mắt là những đặc sắc nghệ thuật trong cách nhìn về thời gian đời người của nhà thơ. Bên cạnh đó, tác giả còn sử dụng một khối lượng lớn ngôn từ biểu hiện thời gian sinh hoạt, mà nổi bật nhất là những sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các ngày lễ tiết. Nhìn chung, ông đã có cảm nhận cụ thể, chân thực về thời gian trong thi phẩm, mà bao giờ đích đến cũng hướng về cuộc sống con người, mang tinh thần dân tộc, dân chủ. Tác giả nghiêng về quan điểm nhân sinh, với bút pháp tiếp cận gần hơn với hiện thực, dần thoát ly những hình ảnh vay mượn, ước lệ sáo mòn. Điều đó cho thấy, cùng với văn học viết cuối thế kỷ XIX, sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn đã dần thoát khỏi ảnh hưởng văn học Trung Quốc cũng như thi pháp trung đại, tiến gần với những đặc điểm của phạm trù văn học hiện đại □


(1) Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

(2) Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.198.

(3) Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr.206

(4) Trương Xuân Tiếu (2002), Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Luận án Tiến sĩ Ngữ văn), Viện Văn học, tr.66.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Kỷ yếu hội nghị (1978), Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty văn hóa và thông tin Nghĩa Bình.

2. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

3. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2006), Đào Tấn qua thư tịch, Nxb Sân khấu, Hà Nội.

4. Nguyễn Phong Nam (Chủ biên, 1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5. Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

6. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

7. Trương Xuân Tiếu (2002), Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Luận án Tiến sĩ Ngữ văn), Viện Văn học, Hà Nội.

8. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Yoshiharu Tsuboi (2011), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa(Nguyễn Đình Đầu dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội.

Nguyễn Đình Thu
Nguồn : Tạp chí Khoa học xã hội



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét