Sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn phần lớn thuộc giai đoạn cuối thế kỷ XIX – một giai đoạn lịch sử có nhiều biến đổi về chính trị, văn hóa, xã hội. Kết hợp với sự phức tạp trong đời tư tác giả đã tạo nên tính đa dạng, phong phú về hình thức cũng như những cảm nhận riêng biệt, đặc sắc đối với không gian nghệ thuật thơ chữ Hán của ông. Nhà thơ nhìn không gian bằng cái nhìn nghiêng về quan điểm nhân sinh, bút pháp tiếp cận gần hơn với hiện thực, dần thoát ly những hình ảnh vay mượn, ước lệ sáo mòn. Điều đó cho thấy, cùng với văn học viết cuối thế kỷ XIX, sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn đã từng bước thoát khỏi ảnh hưởng văn học Trung Quốc cũng như thi pháp trung đại, tiến gần với những đặc điểm thuộc phạm trù văn học hiện đại.
Từ khóa: không gian nghệ thuật, thơ chữ Hán, Đào Tấn
ARTISTIC SPACE IN POETIC COMPOSITIONS DAO TAN
Nguyen Dinh Thu*
Abstract: Most of the poetic compositions in Chinese of Dao Tan are in the end of XIX century, a historic period with so many changes in politics, culture and society. In addition, the complication of the private life also contributes to the variety and abundance in the form as well as individual, special feeling about the artistic space expressed in his poetic works. Viewing the space, Dao Tan almost bases on the human outlook and realistic penmanship, which gradually divorces from the loan images and commonplace conditioning. That shows that little by little the poetic compositions in Chinese of Dao Tan parts from the influences of Chinese literature, medieval prosody and approaches the characteristics of modern literature category.
Key words: artistic space, poetic compositions, Dao Tan
1. Đặt vấn đề
Nói đến danh nhân văn hoá Đào Tấn (1845-1907) dĩ nhiên là nói đến bậc hậu tổ nghệ thuật tuồng Việt Nam. Tuy nhiên không những nổi danh với nghệ thuật tuồng, ông còn là một nhà viết thơ chữ Hán xuất sắc(1). Nhìn từ phía không gian nghệ thuật, có thể thấy thơ chữ Hán Đào Tấn mang cảm quan đặc trưng không gian nghệ thuật thơ trung đại. Bên cạnh đó, dù ý thức hay vô thức, chính cuộc đời cũng như tư tưởng, tình cảm phức tạp ở cá nhân tác giả đã tạo ra nhiều kiểu không gian trong thơ ông với những đặc trưng riêng biệt. Tìm hiểu không gian nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn là tìm hiểu cách nhìn, quan niệm nghệ thuật của nhà thơ về một trong những hình thức tồn tại của thế giới. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần minh chứng cho những đặc sắc, những đóng góp lớn của tác giả trên lĩnh vực thơ, trong diễn trình văn học viết Việt Nam trung cận đại.
2. Không gian vũ trụ
Không gian vũ trụ trong thơ chữ Hán Đào Tấn là một thế giới phong phú, từ những hình ảnh kỳ vĩ như núi, sông, biển, hồ, trời, mây đến những hình ảnh nhỏ bé như khóm hoa cọng cỏ bên nương đều đồng hiện, tương sánh. Biên độ không gian được mở rộng theo bước chân trong cuộc đời nhiều đổi thay của tác giả. Dù ở quê nhà, lúc ẩn tu trên Linh Phong tự, hay làm quan nay đây mai đó hơn ba mươi năm, ở đâu, thiên nhiên, vũ trụ cũng được tác giả chụp lại bằng đôi mắt tinh tường và ký thác vào thơ.
Những mảnh không gian tuy dị biệt nhưng ghép lại ta được bức tranh toàn cảnh trong thơ chữ Hán Đào Tấn là không gian đặc trưng vùng duyên hải miền Trung. Ở đó có núi sông, đồng ruộng, đầm phá xen kẽ, hữu tình và có cả sóng gió, hạn hán hoành hành, khác xa với không gian vũ trụ tĩnh lặng, yên bình, ẩm thấp vùng đồng bằng chiêm trũng Bắc Bộ, như ta thường thấy trong thơ Nguyễn Khuyến. Cụ thể hơn, nếu đối chiếu với những sử liệu hiện tồn về thân thế, sự nghiệp của cụ Đào kết hợp với việc khảo cứu văn bản tác phẩm thì không gian vũ trụ trong thơ chữ Hán Đào Tấn là không gian của vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Nam Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Ngay ở nhan đề thi phẩm, nhiều địa danh thuộc những vùng miền nói trên đã hiển hiện trên bề mặt câu chữ như những bảng chỉ dẫn cho độc giả thấy rõ điều này (Trùng du Lam Sơn, Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành, Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh – nhị tuyệt, Hương giang thủy hữu sở ký, Quá Hải Vân, Du Ngũ Hành sơn, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi, Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên…). Như vậy, với sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn, tác giả đã góp phần rất lớn vào việc hoàn thiện bức tranh thiên nhiên, vũ trụ miền Trung, giúp độc giả đương thời được mở rộng tầm nhìn về vẻ đẹp non sông, đất nước. Ngoài ra, bằng vốn hiểu biết qua kinh sách cùng với sức mạnh của trí tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật, không gian vũ trụ trong thơ chữ Hán Đào Tấn còn vươn tới những địa danh của Trung Quốc vốn có trong thi liệu Hán học, đôi khi có cả những không gian phi hiện thực.
Không gian vũ trụ trong thơ chữ Hán Đào Tấn mang tính chất cao viễn, đặc trưng của thơ ca trung đại phương Đông. Đó có thể là cảnh đá tạc trên triền núi hoang sơ (Sơn hành ngẫu đắc), cảnh sông Ngân muôn ngàn lớp sóng (Họa Cao Long Cương thái sử thất tịch chi tác), là dãy núi đẹp ba mươi dặm (Chu hành ngẫu đắc), hay khắp vùng trời một đời tác giả khát khao ngao du, đề vịnh (Tuế đán ngẫu thành).... Tất cả cấu thành nên một không gian khoáng đạt, rộng mở, thông suốt, phù hợp với khát vọng chiếm lĩnh, hòa nhập vào thiên nhiên, vũ trụ của thi gia. Chính lúc đó, tâm hồn nhà thơ thăng hoa, “thoát xác” để bay bổng, nhập vào cõi thiên cùng địa tận, là những cuộc “vượt ngục” bằng tinh thần nhằm giải tỏa những áp lực chính trị, những nỗi ưu phiền trần gian.
Viết về không gian vũ trụ, thi nhân xưa thường nói đến cảm hứng đăng cao. Thi sĩ họ Đào đã 14 lần nói đến cảm hứng này trong 141 bài thơ chữ Hán của mình. Điều đặc biệt là nhà thơ đăng cao không phải để tỏ chí như người xưa thường làm mà chủ yếu để thực thi khát vọng du ngoạn, thưởng cảnh, hay suy ngẫm, triết lý về nhân sinh, thế sự. Ông leo núi để ngắm hoa (Sơn hiểu hành), để uống rượu, ngâm vịnh với bạn thơ (Cửu nhật ngẫu đắc). Và nếu có đăng cao một mình cũng chỉ để trò chuyện, cảm thương cho những kiếp sống trầm luân (Du Ngũ Hành sơn), hay tìm sinh phần cho mình với một cái cười an nhiên, tự tại (Đề Mai sơn thọ viên).
Không gian vũ trụ trong thơ chữ Hán Đào Tấn tuy cao viễn nhưng gần gũi, không tạo cảm giác lạnh lẽo, rợn ngợp. Bởi đó không chỉ là những địa danh quen thân, là món quà diệu kỳ thiên nhiên ban tặng mà còn là nơi ghi dấu những chứng tích lịch sử, gắn liền với những anh hùng, hào kiệt, nghĩa là mang theo sức ấm nóng của con người. Đó có thể là đất trời Lam Sơn tụ nghĩa gắn với người anh hùng Lê Lợi, là đèo Hải Vân án ngữ đường Nam Bắc hay dòng Hương giang trầm mặc, duyên dáng mà ẩn chứa bao trầm tích văn hóa, lịch sử.
Mang đậm dấu ấn, trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong con người Đào Tấn ở không gian vũ trụ là xứ Lam Hồng (Nghệ Tĩnh) và quê nhà Bình Định. 28/141 bài thơ chữ Hán quả là số lượng sáng tác không ít tác giả đã cảm nhận sâu hoặc nhắc đến cảnh núi sông, đất trời của hai vùng đất trên. Điều đó cũng dễ hiểu. Bởi Nghệ Tĩnh là nơi có sông Lam, núi Hồng hùng vĩ, tươi đẹp; nơi kết tinh truyền thống hiếu học và yêu nước, với những nhân vật tiêu biểu Đào Tấn rất ái mộ như Nguyễn Thiếp, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Đoàn Tử Quang… Quan trọng hơn, ông quan họ Đào này đã hai lần làm tổng đốc An Tĩnh, trong suốt 10 năm (1889-1893, 1898-1902). Thiên nhiên, đất trời nơi đây vì thế kết gắn với ông như những người bạn thân thiết: Tái đáo Hoan Thành kim kỷ xuân/ Giang sơn phong nguyệt cửu tương thân (Trở lại đất Nghệ An đã mấy xuân rồi/ Núi sông trăng gió nơi đây từ lâu ta vốn quen thân – Đắc triệu hồi kinh). Cũng xuất phát từ chính cuộc đời làm quan hơn 30 năm xa quê cơ cực, bất đắc ý nên quê nhà luôn là không gian vẫy gọi thường trực, day dứt khôn nguôi trong lòng tác giả. Đào Tấn đã dành tới 18/141 bài thơ nói lên nỗi nhớ, khát vọng về quê, hay niềm vui khi được ở quê nhà. Thú vị hơn là trong khi nhà thơ chú ý khá nhiều đến không gian núi non của đất trời xứ Nghệ thì lại dành sự ưu ái đặc biệt đối với không gian sông nước quê nhà Bình Định. Một phần, đó là kiểu không gian đặc trưng của mỗi vùng. Nhưng phải chăng khoảng thời gian mấy năm cuối đời, khi về hưu sống ở quê nhà (1904-1907), ông đã già, và không còn mặn mà lắm với cảm hứng đăng cao, như chính tác giả đã bày tỏ: Mạc tích trùng dương vô hảo vũ/ Vãn niên thi khách yểm đăng cao (Chớ tiếc ngày trùng cửu mà không có mưa/ Chỉ vì khách thơ về già chán leo núi cao – Cửu nhật ngẫu đắc).
Dù là những hình ảnh cao xa, kỳ vĩ hay thấp gần, nhỏ bé, không gian vũ trụ trong thơ chữ Hán Đào Tấn cũng rất chân thực, sinh động. Cũng là trăng nhưng trăng trong thơ Đào Tấn không “đông cứng” mà bay nhảy, thoắt ẩn thoắt hiện, với vẻ trong sáng như nó vốn có: Ngưỡng khán nguyệt tại thiên/ Phủ khán nguyệt tại thuyền/ Hốt nhiên tại giang tâm/ Hốt nhiên tại thụ điên/ Chỉ hữu nhất minh nguyệt/ Lãn chiếu hà vô biên (Ngẩng đầu, trăng trên trời/ Cúi xuống, trăng trên thuyền/ Vừa mới ở lòng sông/ Lại treo trên cành cây/ Chỉ mỗi vầng trăng ấy/ Mà rọi thấu muôn nơi – Kiến nguyệt châu trung tác). Điều đáng nói là trong khi cái chân thực, sinh động của cảnh vật ở thơ Nôm Hồ Xuân Hương chủ yếu dùng để biểu hiện sức sống tràn trề của tạo hóa, của khát khao giao cảm, hạnh phúc lứa đôi thì cái chân thực, sinh động trong không gian vũ trụ thơ chữ Hán Đào Tấn không gì khác là góp phần tạo nên vẻ đẹp diệu kì, bất chợt, khó đoán định, khó nắm bắt của cảnh vật: Ngũ sắc hồng kiều sơn bán lạc/ Tình trung đới vũ họa nan thành (Mống cầu vồng năm sắc rơi lưng chừng núi/ Khó vẻ được cảnh trời đã tạnh mà mưa vẫn còn lún phún rơi – Vũ hậu độ giang kiều). Mà ngọn nguồn là tình yêu sâu nặng và khả năng quan sát tinh tế của nhà thơ đối với thiên nhiên.
Điểm nhìn không gian vũ trụ ở thơ chữ Hán Đào Tấn thường diễn ra trên đường đi hoặc trên núi cao nhìn ra xa trong những lần đi công cán, thăm người thân, hay dạo chơi ngắm cảnh. Vì vậy không gian vũ trụ trong thơ Đào Tấn vừa có tính chất di chuyển, thay đổi (Song Ngư sơn, Giang trình ngẫu đắc, Kiến nguyệt châu trung tác,…) lại vừa hiện lên với dáng vẻ, thần thái chung nhất (Chu hành ngẫu đắc, Đề vách đá chùa Ông Núi, Du xuân nhật,…). Cũng vì thế khác với không gian vũ trụ thơ Nguyễn Trãi, bức tranh thiên nhiên thơ chữ Hán Đào Tấn phần lớn chỉ có sự hiện hữu của cảnh vật mà hầu như vắng bóng thế giới loài vật. Rồi cũng từ điểm nhìn trên đã tạo nên hệ quả ở không gian vũ trụ thơ tác giả là họa tính đậm hơn nhạc tính. Mỗi bức tranh thiên nhiên nổi bật bằng những đường nét, màu sắc, hình khối chứ không phải âm thanh: Đông trù cốc dĩ tam phân thục/ Nam dũ sơn như nhất tự bài(Đồng ruộng phía đông lúa ba phần chín/ Cửa sổ bên nam dáng núi như hình chữ nhất – Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu).
Nhìn vào không gian vũ trụ thơ chữ Hán Đào Tấn, người ta còn thấy, đôi khi, không gian bị mờ hóa bởi cảnh mưa, gió, mây, khói; có lúc lại ở trạng thái trong trẻo, tĩnh lặng nhất. Ấy là cảnh thiền sư về trong gió mưa (Phỏng Linh Phong tự quy châu phong vũ đại tác), là núi phủ mấy tầng mây khói trên dãy Hồng sơn (Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác), là động Tàng Chân đầy cỏ thơm, mây biếc (Du Ngũ Hành sơn), hay một vùng trời đầy khói mây, ráng chiều trên núi Ông (Đề vách đá chùa Ông núi). Đó không chỉ là sản phẩm của cái nhìn mang cảm quan hiện thực mà còn mang cảm quan tôn giáo, một cái nhìn đầy thiền tính, chứa đựng tinh thần siêu thoát.
Rút cuộc, không gian vũ trụ trong sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn đã được tác giả cảm nhận đa chiều, sắc nét. Nó vừa mang cái cao xa vời vợi của thơ ca cổ điển phương Đông lại vừa mang tính gần gũi, chân thực, sinh động của cảm quan hiện thực trong văn học hiện đại. Ở hình thức không gian này, Đào Tấn là con người có tâm hồn rộng mở trước thiên nhiên, có tình yêu quê hương, đất nước nồng thắm, và có cả sự trĩu nặng của những trăn trở, suy tư.
3. Không gian tâm linh
Đồng hành với không gian vũ trụ có mặt hầu hết trong các thi phẩm chữ Hán của cụ Đào, không gian tâm linh cũng xuất hiện với số lượng khá lớn (có mặt trong 25/141 bài). Đó là những chùa, miếu, động, điện, mộ, đền, những địa danh mang tính thiêng, gắn liền với lịch sử dân tộc như miếu Lê Thái Tổ (Thanh Hóa), chùa Thiên Tượng (Nghệ Tĩnh), sông Hương (Huế), động Tàng Chân (Ngũ Hành sơn – Nam Ngãi), chùa Linh Phong (Bình Định), v.v... Nói cách khác, một thế giới tâm linh đã thực sự hiện hữu rõ nét trong thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn.
Trước không gian tâm linh, ít ai không nghĩ ngay đến những hoạt động lễ nghi, với trang phục, cách bài trí đặc trưng làm tăng vẻ uy thiêng, huyền bí. Ở không gian này trong sáng tác thơ chữ Hán, Đào Tấn lại không khai thác khía cạnh hoạt động lễ nghi nhằm truyền bá tư tưởng, nội dung tín ngưỡng tôn giáo, dân gian, cũng ít khi đi sâu miêu tả khung cảnh mà đi vào tìm hiểu, nhận thức vẻ đẹp tư tưởng, triết lý của văn hóa tín ngưỡng. Ông thấy được nội lực phi phàm trong phật Di Lặc (Dạ du Di Lặc điện ngẫu hứng), ngộ ra Phật tính không nằm ngoài mình (Tự phật), và thấu hiểu mùi đạo chân như của cõi thiền (Đề vách đá chùa Ông núi), v.v... Có thể nói cái lớn, và cũng là cái hơn người của Đào Tấn khi đến với không gian tâm linh chính là ở đó.
Nhìn từ phía ngoại cảnh, duy chỉ có một vài không gian tâm linh trong thơ chữ Hán Đào Tấn mới toát lên vẻ đẹp thanh khoáng (Du Ngũ Hành sơn,Đề vách đá chùa Ông núi) còn hầu hết là những cảnh u trầm, lạnh lẽo, hoang phế (Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật, Du Thiên Tượng phế tự ký thực, Dạ quá Hòa Quang tự ngẫu chiếm,…). Có thể nói để lại dấu ấn trong lòng người đọc với không gian tâm linh trong thơ chữ Hán Đào Tấn chủ yếu không phải ở cảnh đẹp hay tính thiêng mà ở những câu chuyện gắn với không gian đó. Trong bài Bái đề Độc Lôi sơn từ, người ta không thấy hình ảnh ngôi miếu cổ ở núi Độc Lôi (Nam Đàn – Nghệ An) hiện ra như thế nào, chỉ thấy toàn bộ thi phẩm là câu chuyện kể về tướng quân họ Phạm cuối thời Lý tử trận, được thờ tại đây: Chiến huyết do lưu vạn cổ từ/ Anh hùng sự nghiệp tối kham bi/ Lôi thanh nhất dạ thừa không khứ/ Bát đế sơn hà phó nữ nhi (Giọt máu chiến đấu còn lưu lại ở ngôi miếu cổ/ Thương thay sự nghiệp người anh hùng/ Đêm nao nghe có tiếng sấm rồi bay lên trời/ Phó mặc cho người con gái phải gánh vác non sông của tám đời vua trước). Hay hai lần đến Lam Sơn – Thanh Hóa, đứng trước miếu thờ vua Lê Thái Tổ, điều ông quan tâm, đắc ý nhất không gì khác là sự nghiệp của người anh hùng: Đại địa bôn trì nhất thập niên/ Thần long phản huyệt toại thừa quyền/ Đông Đô tái cận (cẩn) trung tâm hiển/ Thanh Hóa tam quân nghĩa vấn tuyên (Suốt mười năm giong ruổi khắp đất nước rộng lớn/ Con rồng thần trở về hang ổ vâng mệnh trời nắm quyền/ Chầu hầu Đông Đô là trải tấm lòng trung/ Ba quân thanh hóa nêu cao cờ chính nghĩa – Du Lam Sơn bái đề Lê Thái Tổ miếu). Mỗi không gian như một cuốn nhật ký, một chứng tích văn hóa, lịch sử, gắn liền với đời sống con người. Nói cách khác, Đào Tấn luôn nhìn nhận không gian tâm linh ở góc độ quan hệ xã hội thẩm mĩ. Từ hứng thú thẩm mĩ này, không gian tâm linh trong thơ Đào công không chỉ có giá trị văn hóa mà còn mang giá trị lịch sử to lớn.
Khảo sát không gian tôn giáo trong thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, Trương Xuân Tiếu đã có khám phá khá thú vị: “Miêu tả không gian nơi ở của thần, thánh, phật đầy những dấu hiệu giảm thiêng, mất thiêng, phải chăng Hồ Xuân Hương muốn thông qua nghệ thuật thơ ca để tế nhị phủ nhận thần quyền và qua đó nhằm đề cao sức mạnh vật chất của con người, đề cao sức sống của con người trước tự nhiên?”(2). Đó quả là một sáng tạo nghệ thuật của Hồ Xuân Hương nhưng nó cũng phản ánh phần nào cái nhìn cực đoan theo quan điểm cá nhân tác giả. Thực ra ở thời đại nào cũng cần có một không gian tâm linh để thỏa mãn đời sống tinh thần con người. Với Đào Tấn, ông không trần tục hóa không gian tâm linh, làm nó trở nên giảm thiêng, mất thiêng như cách làm của Hồ Xuân Hương mà lại gần hóa không gian tâm linh, khiến nó trở nên thân thiết hơn với mọi người trên trang thơ. Ngồi bên mộ thầy, người học trò họ Đào vẫn giữ thái độ kính trọng, gần gũi như đang ngồi học với thầy (Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật). Đặc biệt trong bài Tự phật, đứng trước phật Di Lặc, cụ Đào vừa giữ thái độ kính cẩn, vừa sánh ngang với phật để hỏi han, trò chuyện: Hòa nam khấu thỉnh Di Lặc phật/ Phúc như hứa đại tàng hà vật/ Tiếu vân trung hữu nhất đoàn băng/ Chỉ thị không không vô xứ ngật (Kính cẩn xin hỏi phật Di Lặc/ Trong bụng chứa vật gì mà to thế?/ Cười đáp: trong ấy có một khối băng/ Chả ăn gì cả, chỉ là trống rỗng). Rõ ràng nhà thơ không đẩy thần, thánh, phật, những người đã khuất trở thành lực lượng siêu nhiên có sức mạnh toàn năng ngự trị tinh thần con người nhưng cũng không tỏ vẻ bất kính, khinh khi, đả phá như cách nhìn của “bà chúa thơ Nôm” (chữ dùng của Xuân Diệu). Nói cách khác, cái nhìn của Đào Tấn về vai trò văn hóa tâm linh là cái nhìn dung hòa theo triết lý phương Đông. Đây quả là một đặc sắc, một nét nổi bật về mặt nội dung, tư tưởng trong sáng tác thơ chữ Hán của tác giả.
Có thể nói điểm nhấn ở không gian tâm linh trong thơ chữ Hán Đào Tấn là không gian Phật giáo mà Linh Phong tự là đại diện tiêu biểu nhất. Qua việc khảo sát văn bản thơ chữ Hán Đào Tấn cho thấy, ở không gian tâm linh có 17/25 bài nói về không gian Phật giáo, trong đó hình ảnh Linh Phong tự được đề cập, miêu tả chiếm tỉ lệ gần một nửa: 8/17 bài. Chùa Linh Phong tọa lạc trên đỉnh núi Ông nên còn có tên gọi khác là chùa Ông núi, thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Đây là một danh thắng của quê hương tác giả, và cũng là nơi giữa niên hiệu Kiến Phúc – Hàm Nghi (1884), Đào Tấn từng đến ẩn tu, lánh nạn. Bởi vậy trong suốt cuộc đời làm quan xa quê, hình ảnh Linh Phong tự hiện lên như một niềm thao thức lớn trong thế giới tinh thần tác giả. Nói đến Linh Phong tự trong miền ký ức nhà thơ là nói đến một không gian đẹp nhất, trong trẻo nhất mà dù đi đâu, ở nơi nào, lúc nào ông cũng khát khao, mong nhớ:
- Thập niên hồ hải quy lai mộng,
Nhất kính (kỉnh) yên hà tự tại thiên.
(Giấc mộng trở về sau mười năm đó đây,
Vùng trời thỏa thích một khối khói mây ráng chiều)
(Đề vách đá chùa Ông núi)
- Linh Phong cựu hữu đại như mẫu,
Nẫm tải giang hồ nhân vị quy.
(Ông bạn cũ của ta – chùa Linh Phong đất rộng cỡ một mẫu,
Vậy mà khách giang hồ đã hai mươi năm vẫn chưa về)
(Đắc thạch)
- Linh Phong tam thập tải,
Vị kiến thử tăng quy.
(Ba mươi năm xa cách chùa Linh Phong,
Vẫn chưa thấy vị tăng ấy trở về)
(Mai Tăng tiểu chiếu)
Mặc dù có lúc, Đào công đạt đến những chiêm nghiệm sâu sắc, những diệu ngộ trong triết lý nhà Phật. Tuy nhiên, đến với không gian Phật giáo nói chung, Linh phong tự nói riêng, ông không có khát vọng tham thiền đạt đạo, hay truyền bá những tư tưởng triết lý trên mà chỉ mong được sống trong một không gian thanh tịnh của cõi thiền. Có một cái nhìn đối lập giữa không gian quan trường ô trọc, cơ cực với một không gian Phật giáo yên tĩnh, thanh sạch đến vô ngần trong “con mắt thơ” của tác giả (chữ dùng của Đỗ Lai Thúy). Điều đó đã tạo sức bật cho tiếng nói phủ định quan trường, công danh phong kiến, cùng khát vọng trở về trong thơ chữ Hán Đào Tấn vang lên rất rõ.
Tựu chung, với cái nhìn gần gũi, trân trọng, đôi khi xót thương cho không gian tâm linh trong sáng tác, Đào Tấn như kéo mọi người trở về với cái đạo nhưng không phải thứ đạo cao siêu, thần bí nào khác mà chủ yếu là đạo làm người theo truyền thống văn hóa dân tộc. Đến thơ chữ Hán Đào Tấn, không gian tâm linh đã trở thành một phần máu thịt trong đời sống tinh thần con người. Tuy vậy nó không được cổ súy như một công cụ thần quyền để thống trị con người mà để con người sống nhân văn hơn. Cũng trong không gian này, ta thấy hiện lên một Đào Tấn khá thâm trầm, sâu sắc. Chỉ xét riêng những thi phẩm làm hiện rõ không gian Phật giáo, có thể khẳng định Đào Tấn đã góp phần không nhỏ vào việc tiếp sức cho dòng thơ thiền dân tộc chảy mãi từ giai đoạn Lý – Trần trở về sau không bị đứt đoạn, tạo nên tiếng nói đa thanh cho nền văn học viết trung đại.
4. Không gian điêu tàn
Những khung cảnh yên vui ở không gian ngoài xã hội trong thơ chữ Hán Đào Tấn không phải là vắng bóng. Người ta vẫn thấy đâu đó bức tranh làng quê yên bình, thân thuộc: Tam ngũ thôn đồng tiêu tán thậm/ Ôn ky ngưu bối khán giai san (Rải rác năm ba đứa trẻ trong làng/ Ngồi yên trên lưng trâu nhìn núi đẹp – Đồng Nguyễn Tiểu Cao nhàn du), là niềm vui của người nông dân khi sắp được mùa: Dã tẩu tự tri hòa khí chí/ Đông trù chỉ cố thoại phong niên (Ông lão nhà quê dường biết được niềm vui đã đến/ Trỏ nhìn cánh đồng phía đông mà bàn chuyện được mùa – Hỷ vũ), hay niềm vui của người dân trong ba ngày tết: Liễu đắc nhất niên sự/ Đồng du tam nhật xuân (Xong công việc một năm/ Cùng vui ba ngày tết – Tân Sửu trừ tịch). Tuy nhiên những cảnh tượng trên quả là hiếm hoi, thay vào đó là dấu ấn đậm sâu về một không gian điêu tàn. Bức tranh xã hội trong thơ chữ Hán Đào Tấn nhìn từ phía cảnh vật hiện lên rất tàn tạ, còn nhìn từ phía con người cũng rất đau thương. Đó là hình ảnh ngôi nhà hoang trong cơn loạn lạc, vắng người qua lại (Kinh phế trạch), ngôi chùa đổ nằm chơ vơ trên núi cao (Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác), hay cảnh đưa tang trên bến vào giữa đêm đầy ảm đạm (Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu). Mở rộng ra là không gian khói lửa chiến tranh của toàn phương Nam (Tịch thượng tác). Phải chăng đó chính là bức tranh hiện thực của xã hội nước ta cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.
Ở không gian này, trái ngược với không gian vũ trụ, tác giả thường quan sát sự vật với cự ly gần, bởi vậy cảnh vật hiện lên khá cụ thể, chi tiết: Cô tùng nhất kính thương lương thậm (Một lối tùng chơ vơ xiết bao hoang vắng -Trùng phỏng Long Cương), Độc lập hàn tùng y phế tự/ Vô ngôn ngọa thạch thủ tàn chung (Cội hàn tùng lẻ loi tựa lưng ngôi chùa đổ/ Khối đá im lìm nằm giữ lấy chuông hư - Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác). Đôi khi, dù là cảnh tượng đau thương pha chút ghê rợn nơi chiến trường hiện lên trong suy tưởng tác giả cũng rất rõ nét: Cầm bôn thú hãi đầu khanh tỉnh/ Nhục đản (chiến) cân phi bão kiếm mang/ Quỉ hỏa huỳnh huỳnh hồn túc thảo/ Bi phong táp táp cốt xâm sương (Chim bay, thú sợ lao xuống hầm bẫy/ Thịt nát gân bay mũi kiếm no nê/ Ma lửa lập lòe hồn nương cỏ dại/ Gió buồn hiu hắt hài cốt ngấm sương – Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi). Dường như nhà thơ không chỉ quan sát hiện thực bằng tất cả khả năng thị giác mà còn quan sát bằng cả tâm trí của mình. Đó chỉ có thể là cách quan sát của một ông quan luôn gắn mình với đời sống hiện thực, mà nhất là hiện thực đau khổ của người dân. Từ chuyện mưa lụt, hạn hán, nỗi lo sau ba ngày tết đến chiến tranh, loạn lạc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, tác giả đều trăn trở đưa vào trang thơ của mình. Bởi vậy, có thể nói trên phương diện miêu tả hiện thực, cùng với sáng tác của các tác giả như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Đào Tấn cũng góp phần không nhỏ vào việc tô đậm bức tranh hiện thực xã hội nước ta lúc bấy giờ.
Trước không gian điêu tàn, nhà thơ không giấu nỗi những cảm xúc cá nhân. Bao lần đến ngôi chùa hoang Thiên Tượng trên dãy Hồng Lĩnh là bấy nhiêu lần ông không khỏi bâng khuâng, bùi ngùi trước cảnh bể dâu: Thương tâm Phật tọa nhất hồng chung/ Như kim kiếp hỏa dĩ thành khôi/ Hồng thụ thanh hà hà sở ký/ Thùy nhân tái vị khỉ đàn đường (Đau lòng thay cho quả chuông lớn nơi tòa Phật/ Mà nay lửa kiếp đã thành tro/ Cây hồng ráng biếc biết gửi gắm vào đâu/ hỏi ai là người vì nơi đây mà xây dựng lại chùa này? –Du Thiên Tượng phế tự ký thực). Nhiều từ ngữ đã được tác giả sử dụng để trực tiếp bộc lộ tâm trạng đau xót của mình trước không gian này: lân(thương), khả liên (đáng thương), bi (buồn), lệ sổ hàng (lệ rơi bao hàng),… Điều đáng nói là đứng trên quan điểm nhân sinh, Đào Tấn còn có những suy ngẫm, triết lý sâu sắc: Khuyến quân mạc tiển (tiện) phong hầu sự/ Nhất tướng công thành vạn mệnh vong (Khuyên ai chớ ham chuyện phong hầu/ Một tướng nên công muôn mạng chết – Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi). Thời thịnh Đường, Vương Xương Linh đã mượn lời khuê phụ mà phủ định công danh phong kiến: Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc/ Hối giao phu tế mịch phong hầu (Bỗng thấy sắc xuân nhành dương liễu đầu đường/ Cảm thấy hối hận vì xui chồng đi kiếm ấn phong hầu – Khuê oán). Đến một số sáng tác trong văn học trung đại Việt Nam như Chinh phụ ngâmcủa Đặng Trần Côn, tiếng nói phản chiến cũng vang lên khá rõ. Điều khác biệt là cùng đứng trên quan điểm nhân sinh để phủ định công danh, chiến tranh phong kiến nhưng Vương Xương Linh hay Đặng Trần Côn chỉ nhìn ở phía người phụ nữ, cụ thể là ở quyền được hưởng thụ hạnh phúc lứa đôi, còn Đào Tấn lại có cái nhìn bao quát hơn ở phía con người, đó trước hết là quyền được sống. Trong chiến tranh phi nghĩa, không chỉ có người phụ nữ đáng thương mà tất cả những ai chịu đau thương, mất mát vì quyền lợi ích kỷ của các tập đoàn phong kiến đều đáng thương cả. Điều này đã tạo nên chiều sâu đầy tính nhân văn trong cách nhìn không gian điêu tàn của tác giả, nó không chỉ mang giá trị nhận thức mà còn có sức lay động lớn trong lòng người đọc, làm nên những thi phẩm chữ Hán mang giá trị đích thực trên phương diện nội dung.
Điểm nhìn của Đào Tấn ở không gian này tập trung vào cảnh tượng đau buồn trước cái chết. Có thể nói thơ khóc thương trong văn học trung đại Việt Nam trước và sau Đào Tấn đã có nhiều người sáng tác nhưng tập trung nhiều thi phẩm trong sáng tác của một người về chủ đề này có lẽ là ở Đào Tấn. 5/141 bài là số lượng tác phẩm tác giả dùng để khóc bạn đồng liêu (Khấp Lan Nông Phan thượng thư cố hữu), khóc lãnh tụ Cần Vương (Khốc Phan Đình nguyên), khóc bạn hàng xóm (Khốc tây tân Đinh Tử Trạch), khóc tướng quân triều đình (Khốc Hoàng Quang Viễn), và đau xót nhất là khóc vợ (Điệu vong). Trước cảnh tang thương, không gian như đọng lại để nhà thơ ngược dòng thời gian nghĩ về công tích của người đã khuất, và triền miên trong buồn đau, tiếc nuối: Đản bi kim tệ kiên hòa nghị/ Nhẫn sử hương bồn tụ khốc thanh/ Thủ vãn sơn hà tâm vị tử/ Thân kỳ Cơ Vĩ khí do sanh (Buồn nỗi vì tiền bạc mà triều đình khăng khăng nghị hòa/ Nỡ khiến quanh bình hương phải tụ tiếng khóc/ Một tay cứu vớt non sông, tấm lòng son chửa mất/ Thân dù cưỡi sao Vĩ sao Cơ, khí phách vẫn còn nguyên – Khốc Phan Đình nguyên). Phải nói rằng có một sự đồng cảm, thương xót lớn giữa tác giả với đủ các tầng lớp người trong xã hội, dù thân hay sơ, sang hay hèn, là người dân lao động, bạn đồng liêu hay cả lãnh tụ phong trào cách mạng chống Pháp cũng như triều đình phong kiến. Điều đó nói lên Đào Tấn không chỉ giàu tình cảm yêu thương mà còn là ông quan biết khóc thương cho cái đẹp, cái chính nghĩa. Nghĩa là dù làm quan cho triều đình tay sai nhưng ông không xu thời nịnh thế, trước sau vẫn là một lương quan trong mắt bạn đồng liêu cũng như tất cả mọi người xung quanh.
Khảo sát 141 bài thơ chữ Hán của Đào Tấn, gắn với không gian tiêu điều, tang thương, chúng ta thấy tác giả không chỉ cảm thương cho những số phận, con người trong nước mà còn tỏ lòng thương xót với cả những người xấu số như Đông Thánh Hậu, hay những anh hùng cô trung như Nhạc Phi trong lịch sử Trung Quốc (Bái đề Đông Thánh Hậu linh từ, Độc Tống sử cảm đề Nhạc Vũ Mục truyện, Vịnh Nhạc Vũ Mục). Tìm hiểu tiểu sử cụ Đào, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn còn chép lại câu chuyện có thực vào năm 1883, khi đang làm Phủ doãn Thừa Thiên, Đào Tấn có giúp đỡ hơn 400 thương nhân Trung Quốc gặp nạn trên biển về nước và được họ gửi trướng tạ ơn, đồng thời tác giả còn được những người này lập đền thờ sống ở đảo Hải Nam: “Lối ấy cụ có lắm năng thinh và có tâu cứu trợ nạn thuyền Hải Nam hơn 400 người về Tầu, được bọn nạn thương gửi tạ ơn cụ bức trướng bốn chữ “Công hoằng vĩnh viễn” và lập sanh từ ở Hải Nam đề câu liễn “Tứ bách dư nhơn tồn hoạt mạng/ Vạn thiên lý ngoại kiến sanh từ”(3). Cũng trong thời gian ở Huế, trong cuốn Búp sen xanh của Sơn Tùng và nhiều bài viết lẻ tẻ khác còn nói đến mối quan hệ thân thiết giữa Đào Tấn với gia đình Bác. Qua đó cho thấy tình cảm yêu thương, vẻ đẹp nhân văn của Đào Tấn không chỉ thể hiện trong văn chương mà còn cụ thể ở việc làm, và đã mang tính nhân loại. Điều này ta càng thấy rõ nét trong con người cũng như sáng tác của Hồ Chí Minh sau này.
Tóm lại, trong bức tranh hiện thực nước ta cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, Đào Tấn đã có cái nhìn chân xác về nỗi cơ cực, đớn đau của con người trong tình cảnh loạn lạc, đen tối nhất. Ở đó, dường như ông quan họ Đào không thể bằng lòng với bản thân mà làm ngơ trước những đau thương, mất mát của người dân. Tác giả đã bao lần cảm thương, rơi lệ trước không gian điêu tàn trong thi phẩm của mình. Tư tưởng, tình cảm nhân đạo ấy đã được ông thể hiện thống nhất trong trang đời cũng như trang thơ, hình thành nên một nhân cách thật đáng trân trọng.
5. Kết luận
Thế giới nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn nổi bật với ba hình thức không gian: không gian vũ trụ, không gian tâm linh, và không gian điêu tàn. Theo chân cuộc đời làm quan và khát vọng một đời ngao du của Đào công, một thế giới núi, sông, đầm, phá tươi đẹp, hùng vĩ; một miền tâm linh hiện hình trên những chùa, miếu, động, điện, đền, mộ; và cả bức tranh xơ xác, hoang tàn, loạn lạc của xã hội đương thời đã hiện ra trước mắt người đọc. Dù ở mảng không gian nào, đó hầu hết là những địa danh có thật trên vùng duyên hải miền Trung nước ta, với những biểu hiện khá chân thực. Trên mỗi hình thức không gian, nhà thơ luôn có những hứng thú, cảm nhận riêng biệt với những đối tượng thẩm mĩ ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Bởi vậy, người đọc vẫn thấy hứng thú trước một Đào Tấn không thể lẫn khuất, trùng khít với một tác giả nào khác trong văn học viết trung đại. Tình cảm yêu mến, xót thương của tác giả đối với cảnh vật, con người cũng cất lên từ đó. Không gian nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn không chỉ dừng lại ở tính ước lệ, tượng trưng quen thuộc của thi pháp trung đại mà đã tiến gần với bút pháp hiện thực, không chỉ nhằm mục đích tỏ chí, tỏ lòng mà còn để giải bày những cảm xúc cá nhân, nỗi niềm thế sự, đời thường. Nói cách khác, không gian nghệ thuật thơ chữ Hán Đào Tấn đang ở độ “giao mùa” giữa thi pháp trung đại và thi pháp hiện đại, là bước đệm cho sự ra đời của phong trào Thơ mới sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Trọng Kim (2012), Nho giáo, Nxb Thời đại, Hà Nội, 755tr.
2. Kỷ yếu hội nghị (1978), Đào Tấn, nhà thơ, nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty văn hóa và thông tin Nghĩa Bình, 474tr.
3. Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận (Toàn tập), Nxb Văn học, Hà Nội, 1162tr.
4. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 635tr.
5. Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2006), Đào Tấn qua thư tịch, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 832tr.
6. Nguyễn Phong Nam (Chủ biên, 1997), Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 228tr.
7. Nhiều tác giả (2008), Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 575tr.
8. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 374tr.
9. Trương Xuân Tiếu (2002), Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Luận án Tiến sĩ Ngữ văn), Viện Văn học, 185tr.
10. Lê Trí Viễn (1996), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 287tr.
11. Yoshiharu Tsuboi (2011), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa(Nguyễn Đình Đầu dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội, 417tr.
(*) ThS – Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Quy Nhơn.
(1) Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2003), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 635tr.
(2) Trương Xuân Tiếu (2002), Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương (Luận án Tiến sĩ Ngữ văn), Viện Văn học, tr.82-83.
(3) Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo, 2006), Đào Tấn qua thư tịch, Nxb Sân khấu, Hà Nội, tr.10.
Nguồn:
Nguyễn Đình Thu (2015), “Không gian nghệ thuật trong thơ chữ Hán của Đào Tấn”, Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội, Số 4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét