Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

NƯỚC VỀ NƠI PHỐ THỊ

Ảnh : HoiAn.vn

                                Tặng Lớp SP Văn K32

Con nước về nơi phố thị. Mỗi khi con nước về lòng người bỗng trở nên quạnh quẽ, người lớn kẻ nhỏ mỗi người mang trong mình những suy nghĩ khác nhau: người lớn âu lo vì xe cộ không đi lại được, đi lại khó khăn thì đi làm cũng trở thành vấn nạn, rồi đủ cái thứ chuyện vặt vãnh đi chợ, đi dạy, đi học cũng hóa khó khăn; lũ trẻ thì vốn vô tư và dường như bất kể cái gì chúng cũng có thể biến thành trò chơi cho kì được, lâu dần thành cái thú.

Tôi sinh trưởng nơi phố thị nhưng do điều kiện gia đình nên sinh sống trong một con hẻm nhỏ giữa lòng thành phố. Sống ở thành phố thì khác nông thôn nhiều lắm, cả những trò chơi con nít cũng không thể lắm trò như nông thôn cho được. Chúng tôi không biết được những cái gọi là đánh đáo, chơi đồ hàng bằng lá mồng tơi, lấy rau muống làm “bánh mì siêu nhỏ” rạch ngang rạch dọc nhét đủ thứ vào. Chúng tôi cũng không thể suốt ngày lội đồng bắt tôm, bắt cá, mò cua, cũng rất ít thấy trâu bò đi nghênh ngang rồi cả đám mục đồng thổi sáo. Chúng tôi lớn lên trong đống xe đua, xe ô tô đồ chơi, những con búp bê hay sang hơn chút là những đồ chơi công nghệ cao và khói bụi. Hầu như quanh chúng tôi toàn những thứ đồ chơi nhân tạo và những trò chơi giữa tự nhiên trở nên khan hiếm vì điều kiện đất đai san sát không cho phép cũng như cuộc sống phố thị vốn xô bồ chứ không an nhiên như chốn quê.

Con hẻm nơi tôi sống nằm giữa lòng thành phố. Sâu hun hút và còn sát núi nữa, thành phố của tôi thành phố sau lưng là núi, phía trước là biển đẹp vô cùng. Phải nói tôi có một tình yêu biển vô cùng dạt dào, trong những lẩn về quê ngoại, không có điều kiện tắm biển, tôi hay tắm nơi những con sông, và bắt đầu nghĩ ra đủ thứ trò nơi đó. Hầu như mùa hè nào tôi cũng về ngoại theo chị men sống chơi đủ thứ trò để vô năm học thì lại về phố rồi nhớ nhung về những bờ kênh, chiếc cấu lắt lẻo rồi cả con sống bên tôi suốt cả mùa hè. Tôi thích nước. Tôi hay nghịch nước.Lâu dần tôi bắt đầu nhận ra mình không thể cứ ở ngoại, mình sống ở phố,niềm vui thích bên nước của mình cũng phải ở chính nơi đây, tôi lần chờ cơ hội nghĩ ra trò nghịch.

Trước nhà tôi có một cái hồ, người ta trồng đây rau muống, lũ trẻ trong xóm tôi mỗi khi nước lên lại có cái thú lội xuống ruộng hái rau muống chơi đồ hàng, đấy là tôi bày cho mà chơi chứ người thành phố đôi khi kị mấy cái chơi dơ thế lắm, nhưng lũ con nít thì lúc nào chẳng quá vô tư, có trò gì mới là hùa theo ngay. Tôi bày chúng hái hoa rau muống cắt nhỏ ra rồi thành đồ ăn, lấy trái mồng tơi làm gia vị, còn lá rau muống cũng xắt nhỏ làm nhân bánh. Khi hái rau muống chơi chúng tôi hay bị mấy cô chủ ruộng vác cây đánh vị nghịch quá nhưng lâu dần cũng quen thế là chẳng đuổi chúng tôi đi nữa. Lúc hái rau chúng tôi phát hiện dưới ruộng có rất nhiều ốc và cá nhỏ, thế là ban đầu từ việc lùng trứng ốc để chơi chúng tôi chuyển sang bắt ốc để ăn, để bán cho chợ, tiền thì cũng chẳng bao nhiêu cả nhưng bỗng nhiên thành một cái thú. Tôi tìm được niềm vui thôn quê ngay giữa chốn phố thị này. Có những buổi chiều rảnh rỗi, tôi và em còn đi bắt cào cào châu chấu bỏ vô hũ mà nuôi, nó chết thì khóc lên khóc xuống.

Nhưng vui nhất là khi con nước về, nước chảy trên núi xuống, nước từ hồ lên mà chưa thoát kịp rồi cả vì đường đi của con hẻm nhỏ vốn trũng thế là nước tràn lênh láng khắp cả đường. Tôi vẫn còn nhớ những lúc nước ngập có bữa qua cả yên xe đạp, thế là tôi không đi học được. Tôi thì thú vì được nghỉ học còn ba mẹ thì lại lo lắm, sợ tôi bị mất bài vì chỉ có đám trẻ trong chúng tôi phải nghỉ học chứ tụi lớp tôi nhà ngoài đường lộ vẫn đi học bình thường. Mỗi khi nước về tôi lại nhớ ba hay đặt tôi trên vai cõng ra đi học, ra tới nơi thì người ba ướt hết, phần vì mưa,phần vì nước lội, thấy thương. Những hôm ba đi làm thì mẹ lại nâng yên xe cao hơn chút rồi đặt tôi ngồi lên đó, để tôi bấu chặt vào người đưa tôi đi học. Tôi sợ run vì mẹ vốn yếu hơn ba nhiều. Có hôm nước đột nhiên rút xuống vì trởi hửng nắng rồi bỗng nửa đêm mưa đột ngột, tôi trở mình dậy đi vệ sinh thì đặt chân xuống nước lênh láng khắp nhà, khóc òa vì nghĩ mình tè dầm sợ mẹ mắng. Sau này nhà tôi xây cao hơn chút nên không còn bị ngập nữa. Khi nghỉ học ở trong nhà không có gì làm nhìn ra nước lênh láng thì thích, nhưng nước ngập cũng phải… tới cổ tôi, chơi thế nào được, thế là tôi rủ rê lũ hàng xóm thắt thuyền giấy. Chúng tôi thả đầy thuyền giấy trôi đi theo dòng rồi chỉm lỉm, có thế mà cũng thi nhau thắt đủ loại thuyền, xem đứa nào giữ thuyền trôi lâu hơn. Có những khi người lớn đi qua, hay dăt xe qua lại, “ông” vào thuyền làm thuyền chìm chúng tôi lại thi nhau khóc rên trong nhà bắt đến cho kì được. Lại có khi vừa thả thuyền thì trời mưa, “nhấn chìm” hết đám thuyền của chúng tôi, thế là chúng tôi buồn, rồi bỏ bữa. Con nít khi ấy lắm trò!

Nước rút dần nhưng vẫn đương mùa mưa chưa dứt, lúc này nước chỉ còn hơn đầu gối, thế là những hôm sáng trăng lũ chúng tôi ùa cả ra đường hẻm mà chơi. Nếu “thế giới ngoài hẻm” xô bồ, đông đúc bao nhiêu thì “thế giới trong hẻm” của chúng tôi như là gì rất khác, rất bình yên và lắm trò. Nước ở dưới ruộng ào cả lên đường hẻm, ngập lưng chừng, cá ở dưới đó cũng bơi lên theo dòng nước. Có những hôm sáng trăng chúng tôi đang bì bõm nghịch nước thì thấy một đàn cá chốt đang bơi qua bơi lại, cả lũ đứng yên rồi mắt sáng trưng lên chạy về nhà lấy rổ mà úp. Cá chốt nấu cháo ngon, mà cũng vì đứa nào đứa nấy té lên té xuống mới bắt được nên bát cháo ấy càng thơm hơn gấp bội. Chúng tôi không dám xuống ruộng vì nước sâu, chỉ dám chơi trên đường lộ, dưới ánh trăng, dưới ánh đèn, chúng tôi ụp hết mớ cá này tới mớ cá khác. Lũ ốc còn thi nhau bò đầy tường cũng bị chúng tôi bắt bỏ vô rổ. Bắt chơi đã chúng tôi lại chơi té nước vào nhau, đứa nào đứa nấy nhiễm nước bệnh cả lũ. Lại có khi chúng tôi phát hiện những cái gì trôi trên nước ngoằng nghèo như khúc gỗ, chạy lại xem thì hóa ra là con rắn, bỏ chạy thừa sống thiếu chết.

Rồi nước rút chúng tôi chẳng kịp buồn thì lại nghĩ ra trò chơi vói mấy cái dây câu thòng xuống ruộng mà câu cá, có khi câu được cá to mà mấy ông chú phải phục…

Bây giờ lớn rồi, tôi cũng vì tương lai mà đi xa khỏi con hẻm nhỏ nơi tôi từng sống, đôi khi về thăm lại nhà cũ, xắn quần lội nước, bỗng nhiên tôi đứng như trời trồng tiếc ngẩn ngơ.


(Lê Hứa Huyền Trân)
Lớp Sư phạm Ngữ văn K33
Đại học Quy Nhơn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét