Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

CHẲNG AI MUỐN LÀM HÀNH KHẤT

“Ta là ai, trong cuộc đời này? Ai nào biết ta là ai…”.

Thỉnh thoảng, trong tâm trí tôi vẫn ngân lên câu hát này mỗi khi đi ngang qua hai mẹ con chị. Người đàn bà còm cõi, tóc rối và áo quần nhàu nát đang ôm đứa bé lấm lem bụi đời ngồi co ro nơi hè phố, cái nón mê rách tả tơi hướng về phía người qua lại cầu xin chút lòng thương của người đi đường.

Chắc phải có hoàn cảnh gì đấy, hai mảnh đời nghèo kia mới tồn tại một cách đáng thương như vậy. Bởi phàm là con người, ai cũng muốn được sống sung sướng, được tôn trọng và giữ được tự trọng; ấy thế mà mẹ con chị phải gói ghém những điều ấy và giấu kỹ sau đôi mắt u uẩn nhiều trở trăn để ngửa tay nhận lấy những khinh khi, ngờ vực của dòng đời.

Có đôi lần tôi dừng xe và thả vào nón của chị mấy tờ bạc lẻ. Bạn tôi nguýt dài quay đi: “Hơi sức đâu mà đem tiền cho mãi. Mình phải làm việc chăm chỉ mới nuôi đủ bản thân, còn mẹ con nhà chị ta chỉ việc ngồi đó và hưởng lộc của thiên hạ”.

Tôi hơi khựng người lại với phản ứng của bạn, nhưng rồi cũng hiểu vì sao bạn nhìn nhận như thế. Thời buổi này, “ăn mày” cũng trở thành một nghề, thậm chí có cả hệ thống phối hợp một cách “chuyên nghiệp” hẳn hoi, nên khi dừng lại và cúi xuống rủ lòng thương cho những người ấy, nhiều người chẳng còn đủ tự tin rằng tình thương của mình được trao đi đúng người, đúng chỗ.


Tôi không buồn vì cách nghĩ của bạn, chỉ thấy xót cho đứa trẻ phải đánh rơi tuổi thơ cơ cực bên vệ đường mà chưa được cảm thông. Mỗi lần thấy ai đặt vào cái nón cũ thếch ấy vài ba đồng tiền lẻ là một lần trong tôi lóe lên tia hy vọng: thằng bé con lại có cơ hội vá víu tuổi thơ được lành lặn và đủ đầy hơn một tí. Mà nếu thật là như thế, sao ta không một lần đánh cược với trái tim để biết rằng yêu thương trao đi không hề có lỗi.

Tôi bèn đọc cho bạn mấy câu thơ của Trần Nhuận Minh trong bài “Dặn con” mà tôi rất tâm đắc: “Mình tạm gọi là no ấm/ Ai biết cơ trời vần xoay/ Lòng tốt gửi vào thiên hạ/ Biết đâu nuôi bố sau này”. Và ngẫm nghĩ, của cho là của gửi, hôm nay ta cho mẹ con chị ăn xin tức là ta đã gửi lòng tốt vào trong thiên hạ. Rồi biết đâu, cuộc đời thăng trầm, dâu bể, một ngày nào đó mỗi người chúng ta ai cũng có thể trở thành “ăn mày”, khi đó người ta cũng sẽ đối xử tốt như ta đã đối xử, giúp đỡ những người hành khất năm nào…

Phan Nguyễn Trà Giang
Nguồn : Báo Bình Định ra ngày 28/8/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét