Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

BỨC THƯ CỦA MỘT CÔ GIÁO (Nhà thơ Văn Công Hùng giới thiệu trên T/c Văn nghệ Gia Lai)



Vì công việc, tôi hay lang thang trên mạng, và nhờ thế mà đã rất nhiều lần tôi phát hiện ra các cây bút trẻ và mới. Họ viết, rồi đăng lên trang cá nhân. Tôi đọc, nếu liên quan, ví dụ là tác giả trong địa bàn tôi công tác, tôi sẽ chủ động liên hệ, chia sẻ, bàn luận, và nếu hay, tôi xin phép họ mang về Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai giới thiệu, nên tôi mở ở tạp chí 2 mục để có thể dễ dàng giới thiệu họ, một là mục “Sáng tác trẻ” và 2 là mục “Thơ mới”.

Trong một lần như thế tôi phát hiện ra Lữ Hồng.

Đọc trên fb của cô thì biết đây là một cô giáo, ra trường đã mấy năm, dạy kèm loanh quanh trong xóm để nuôi mình nuôi ước mơ làm cô giáo chính quy, và năm vừa rồi thi đậu công chức, được nhận về dạy ở một trường ở xã thuộc huyện Chư Prông, Gia Lai. Giáo viên cấp 3, thi công chức về làm giáo viên cấp 2. Nghe nói cô đậu với số điểm khá cao, vượt qua rất nhiều người để trở thành giáo viên. Cô rất mừng vì sự được đứng trên bục giảng, dù là phải ở xã, cuối tuần mới về nhà ở Pleiku. Và tôi đùa, vẫn còn hơn khối giáo viên ở Thanh Hóa phải về dạy mẫu giáo kìa, bởi cấp 3 với cấp 2 nó cũng không chênh nhau mấy. Cô bé có khuôn mặt rất xinh tuy có nhỏ con. Tôi đã mang 4 bài thơ của Lữ Hồng về giới thiệu ở trang “thơ mới” của Tạp chí với cái sapo giới thiệu khá dài, và ký tên tôi, nhà thơ Văn Công Hùng, chứ không như mọi khi, chỉ ký BBT. 

Thơ của cô rất lạc quan, tươi trẻ, khác nhiều bạn trẻ bây giờ làm thơ cứ than thân trách phận, cứ như là xung quanh toàn bóng đêm. Rồi cô bé ra tòa soạn thăm tôi trước ngày vào Chư Prông nhận công tác. Tôi nghĩ thế là ổn và mừng cho cô. Ra trường, mấy năm dạy kèm, giờ thi đậu công chức, được đi dạy, như nhiều cô giáo khác, khác chăng là cô này có làm thơ nữa. Và vì cô ấy làm thơ mà chúng tôi quan tâm, bởi một trong những nhiệm vụ của chúng tôi là phát hiện và bồi dưỡng những người mới viết cho phong trào sáng tác văn học nghệ thuật của tỉnh.

Hôm qua, check mail, nhận cái thư của Lữ Hồng. Tôi đọc, vừa đọc vừa hồi hộp, rồi xúc động. Chính xác ra, tôi không thể diễn tả nổi cảm xúc của mình lúc ấy. Tôi nhắn lại cho cô bé: Ôi cháu, vừa kỳ lạ vừa xúc động. Chú rất xúc động và cảm phục khi đọc cháu ạ. Cháu thật kiên cường. Bình an cháu nhé. Cháu ơi, chú nghĩ cháu cho phép chú công bố cái thư của cháu cho nhiều người biết. Trước hết là biết rằng, ít nhất có một người là cháu, bằng xương bằng thịt, xinh đẹp giỏi giang, đã vượt qua căn bệnh mà cả thế giới đang bất lực, và thứ 2, chú muốn giới thiệu cháu như một tấm gương của nghị lực sống, của sự lạc quan, của niềm tin và cả sự... may rủi. Cô bé nhắn lại, có nên không chú, bởi cháu sợ ảnh hưởng đến công việc của cháu, ngành cháu có ý kiến gì không khi một người mang trọng bệnh mới vào nhận công tác lại... khoe bệnh ra. Tôi bảo: Chú tin là ngành giáo dục sẽ tự hào về cháu. Cô bé lại bảo cháu thấy việc của cháu cũng chả có gì đặc biệt, nhưng khi mọi người biết lại bảo cháu muốn lấy lòng thương cảm của mọi người. Tôi thuyết phục cháu:qua đây chú càng cảm phục và quý cháu nhiều hơn và rất muốn được chia sẻ chuyện của cháu cho mọi người biết. Rất lâu sau cô bé nhắn lại: “hì hì cháu cảm ơn chú. Cháu cũng không biết nói gì hơn ạ. Cháu chia sẻ câu chuyện không mong chứng minh mình có nghị lực, chỉ đơn giản là cháu muốn mình trở thành niềm cảm hứng cho ai đó khi họ đang mất niềm tin vào cuộc sống vì ung thư. Cháu sợ điều đó nhất. Nếu câu chuyện của cháu có thể giúp được cho ai đó đang ở đâu đó một niềm tin thì chắc chắn phải là sự lạc quan, tươi mới, căng tràn phải không chú? Nếu hôm nào chú thong thả, chia sẻ câu chuyện của cháu thì cháu chỉ xin hình ảnh một cô gái tràn sức sống, mạnh mẽ, ít nhất là qua trang viết của chú. Chú nhé! hì hì”.

Sau đây là nguyên văn lá thư của cô giáo Lữ Hồng gửi tôi, hết sức cá nhân nhưng Lữ Hồng đồng ý chia sẻ, trước hết là cho những người ung thư, đang ngày càng nhiều ở Việt Nam:

Ia Pia, Chư Prông, đêm 22/04/2017

Chú kính mến,

Cháu viết những dòng này ở một nơi xa thành phố. Khi cháu đang thức cùng giáo án để kịp cho ngày mai lên lớp, dạy cho những đứa trẻ nhem nhuốc ở một xã nghèo của Chư Prông. Cháu bận quá, đến giờ mới có thời gian để thưa với chú, rằng cháu đã thật sự xúc động khi đọc những dòng chú viết về một bệnh nhân ung thư đã ra đi cách đây không lâu. Lúc cháu đọc bài của chú, cháu đã sờ tay lên bụng mình và… Cháu không thể gọi tên chính xác cho cảm giác lúc ấy và cũng không lí giải được vì sao đêm nay lại ngồi viết những dòng này… gửi chú – một người không máu mủ, ruột rà. 

Cháu bị ung thư. U tụy đã di căn gan – loại ung thư dễ gây tử vong nhất trong các loại ung thư mà người ta thường mắc phải. Thấm thoát mà đã 8 năm rồi chú ạ. Hồi ấy, khi còn là một cô bé lớp 12 học trước tuổi, sau khi trải qua ca phẫu thuật sinh thiết gần như lớn nhất khoa Ngoại gan mật bệnh viện Chợ Rẫy, cháu biết mình ung thư. Giai đoạn cuối. Và tiêm Mooc-phin là lời khuyên duy nhất các bác sĩ dành cho mẹ cháu khi nhận được câu hỏi rằng: nếu cháu lên cơn đau thì phải làm sao. Bi kịch lớn nhất của người con gái là khi biết mình chết trẻ. Và bi kịch lớn nhất của một người mẹ là biết tin con gái yêu dấu của mình sẽ đau đớn mà ra đi. Vậy mà…

….hôm rồi, sau 8 năm, cháu vẫn còn được ngồi cà phê cùng chú. Người ta vẫn hỏi liệu trên thế giới này có điều kì diệu không. Cháu trả lời rằng có. Cháu là một điều kì diệu. Cháu tin vậy chú ạ. Ung thư khốc liệt quá, nó đã cướp đi sinh mạng không biết bao nhiêu con người trên cõi đời này. Cháu vẫn nhớ như in lời các bác sĩ ở bệnh viện Đại học Y dược Huế năm 2009, rằng các khối u đã “mọc rễ” trong người cháu, rằng chỉ có thể sống được từ 3 đến 6 tháng nữa thôi. Và đến giờ, cháu không dám chắc cháu đã chiến thắng được ung thư hay chưa? Nhưng ít nhất cháu đã không hủy hoại cuộc đời mình bằng việc nói quá nhiều về số phận. 

8 năm là một quãng thời gian không quá dài, nhưng đủ để cháu nỗ lực có được tấm bằng Cử nhân Sư phạm của trường ĐH Quy Nhơn, đủ để cháu gõ đầu mấy đứa trẻ quanh xóm kiếm cơm, trong 4 năm ra trường chưa biên chế. Và giờ cháu đã đường hoàng đứng trên bục giảng với vai trò nhà giáo thực thụ. Chừng ấy năm sống chung với ung thư, cháu tin mình sống được là bởi chưa bao giờ nghĩ đến cái chết. Dù cứ mỗi khi trong xóm có người ra đi vì ung thư là mẹ cháu lại bỏ bữa mấy ngày liền. Ông trời lấy đi của cháu nhiều quá chú ạ, mà chỉ để lại cho cháu duy nhất nụ cười. Cháu dùng nó để chiến đấu với cuộc đời mình. Mỗi sáng khi trở dậy, việc đầu tiên cháu nghĩ là hôm nay vị thuốc nam ấy sẽ như thế nào: chan chát, bờn bợn hay nhớp nháp? Cháu tin là thuốc đã cứu mình 3 phần. Còn lại là sự lạc quan. 

Cách đây 1 năm, cháu đã cùng mẹ vào bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, điều buồn cười nhất là các bác sĩ nhìn cháu, xem cháu như một sinh vật lạ. Bằng khoa học, họ không lí giải được rằng bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn cuối mà sống khỏe được 8 năm qua. Máu huyết lại bình thường. Cháu không mê tín nhưng sống tâm linh phần nhiều, cháu tin ông trời còn thương cháu. Ở đời, trời hại mới chết chứ người hại thì không chết bao giờ. Khi nói ra điều này, chú đừng cười cháu nhé. Đôi lúc cháu nghĩ dại, cảm ơn vì nếu như không bị ung thư, nếu không biết mình chết trẻ, liệu cháu có sống đẹp được không? Trái tim có luôn hướng thiện như bây giờ được không? Thật lòng cháu mong cho tất cả mọi người, nhất là những cô gái trẻ như cháu, không ai phải oằn mình lên vì ung thư cả. Thanh xuân của người con gái đẹp lắm. Cháu đã chiến đấu với thế giới khốc liệt của ung thư trong cả quãng đời thanh xuân của mình. Hi vọng vào một dịp nào đó thật thuận tiện, không phải bằng nước mắt, mà bằng chính sự lạc quan, yêu đời, tươi mới của mình, cháu có thể chia sẻ câu chuyện này đến với mọi người, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư đang nằm ở bờ vực của cái chết với niềm tin thoi thóp. Để biết đâu được, họ còn kịp tin trên thế giới này vẫn tồn tại những điều kì diệu. Như cháu. Mang trong mình khối u ác tính. 8 năm qua. Vẫn chưa tiêm một mũi Mooc-phin nào. 

Chú hãy thứ lỗi nếu cháu có trải lòng hơi dông dài. Bây giờ, nằm xuống, chạm vào những khối u đặc quánh qua làn da mỏng, cháu vẫn không nghĩ là mình có thể chết chú ạ. Hihi Cháu thật lòng cảm ơn vì chú đã dành thời gian quý báu của mình để nghe những chia sẻ không đầu không cuối của cháu. Vì đứng trong hàng ngũ nhà giáo biên chế, với những lí do khá nhạy cảm (có lẽ chú hiểu), nên hiện tại cháu chưa thể công khai chuyện mình bị ung thư ác tính, dù người thân hay bạn bè đều biết rõ. Cháu chỉ dám chia sẻ với chú, phần nhiều là để trải lòng cùng một người mà cháu ngưỡng mộ. Hằng ngày cháu đến lớp và lấy đó làm niềm vui. Rảnh rỗi thì viết vài bài thơ giữ làm kỉ niệm. Cháu còn ước mơ có một tập thơ cho riêng mình nữa cơ, chú ạ. Mà điều ấy thì còn xa xôi. Nhưng cháu hứa sẽ cố gắng. 


Cháu mong chú giữ sức khỏe và có thật nhiều niềm cảm hứng mới cho văn chương, nghệ thuật.

Cháu, Lữ Hồng.”.
Lữ Hồng của lớp chúng ta
Tôi, gã đàn ông trông khá hầm hố, nhưng nếu viết tiếp nữa, chắc tôi khóc mất. Thôi, chỉ lá thư của cháu Lữ Hồng vừa công bố trên kia chúng ta đã đủ hiểu và đủ để thấy rằng, tình yêu cuộc sống, tình yêu con người là không bao giờ cạn. Khát vọng sống, khát vọng làm việc, khát vọng yêu thương... có thể không đồng đều với mọi người nhưng luôn thường trực trong mỗi con người. Lữ Hồng nhắc đến những dòng tôi viết về một bệnh nhân ung thư là khi một đại úy công an tôi quen còn rất trẻ, bị ung thư mất khi mới 39 tuổi, để lại 2 đứa con còn rất nhỏ. Và cũng còn rất nhiều người tôi quen đang hàng ngày hàng giờ chống chọi với ung thư...

Nhà thơ Văn Công Hùng
Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét