Những cánh mai đào đang lung linh khoe sắc, xuân đã về trên đất trời Việt Nam. Đất nước thanh bình đón mùa xuân mới. Nhưng có ai biết được rằng để có mùa xuân tươi đẹp như hôm nay, bao thế hệ cha ông đi trước đã vĩnh viễn nằm xuống lòng đất Mẹ muôn đời bất diệt. Có những mùa xuân đi qua, mùa xuân lại về nhưng chiến trường thép súng đang còn xoay máu quân thù nên mùa xuân họ gửi lại phía sau lưng.
Hôm nay trên khắp đất trời Việt Nam đã và đang nở những sắc hoa tươi thắm trong mùa xuân mới, trong những ngày này mỗi con người của thế hệ chúng ta hôm nay hãy dành một khoảng thời gian dù là nhỏ nhoi quay ngược thời gian, nhìn lại một thời cha ông đã đi qua để mà tưởng nhớ, để mà biết ơn thế hệ đi trước đã cho chúng ta những mùa xuân tươi đẹp như hôm nay. Hòa chung trong bầu không khí ấy, tôi và bạn hãy cùng lắng nghe người trai chinh chiến thuở xưa tâm tình khi không về bên mẹ hiền cùng đón mùa xuân, qua ca khúc “Xuân này con không về” của nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân.
“Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương”
Người trai chinh chiến nơi sa trường biết rằng mẹ đang chờ mong tin con từng giờ từng phút. Thế nhưng tin con vẫn biệt tăm. Mai đào đã nở, chim én gọi bầy đua nhau hót chào mùa xuân, mẹ đang ngóng chờ tin con nhưng con vẫn xa ngàn xa. Xuân đã về trên khắp nẻo quê nhà nhưng xuân sẽ đẹp hơn nếu con về bên mẹ, cùng mẹ đón xuân về, cùng quây quần bên bếp lửa hồng, nơi mái tranh nghèo mẹ đã sinh ra và nuôi lớn con trưởng thành.
Người lính ấy mang nỗi lòng của mình gửi vào cánh mai đào nơi quê nhà để tâm tình cùng mẹ đang chờ mong con về. Có lẽ vì thế mà người lính mang một tâm trạng xốn xang khi nhìn chim én bay về từ khắp nơi. Thêm một năm nữa mẹ lại đón xuân âm thầm, thiếu đi điểm tựa tinh thần vững chắc khi về tuổi bóng xế chiều. Xuân bên mẹ mang nỗi buồn man mác và con cũng không ngừng nghĩ những phút giây, vẫn hoài trông về mẹ nơi quê nhà, hướng về quê hương với tất cả tình cảm của người con dành cho mẹ, thứ tình cảm không nói được thành lời.
Đó là nỗi lòng của người lính không về bên mẹ hiền, không cùng mẹ chào đón mùa xuân. Người lính biết rằng vắng con mẹ sẽ buồn lắm, một nỗi buồn mang những nét ưu tư.
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm
Mái tranh nghèo không người sửa sang”
Mái tranh nghèo giờ đang im lìm, vắng những tiếng khua, vắng những bước chân, vắng thứ thanh âm mà một thời thơ trẻ con đã đi qua. Người lính biết được nỗi buồn ấy miên man lan tỏa khắp nơi và có lẽ con gió kia đã mang nỗi buồn ấy chuyển hóa vào tâm hồn người lính sa trường để nỗi buồn mãi chông chênh theo thép súng của những người con đang bảo vệ quê hương đất nước.
Xuân này con không về và xin ước hẹn mùa xuân sẽ nở khi đất trời sạch bóng quân thù, con sẽ trở về. Mùa xuân không chỉ ở ba tháng mà xuân đến từ mọi khoảnh khắc thời gian và xuân sẽ trường tồn mãi mãi. Dường như người lính đang mở lòng mình bay theo những cánh hoa xuân về bên mẹ và nói cùng mẹ những lời yêu thương của người con mang bao ước vọng cuộc đời, ước vọng tương lai. Từ trong những cánh hoa xuân ấy, người lính biết mình đang mang trên vai hành trang cao cả của cuộc đời và xuân chiến trường sẽ là niềm vui của những người con đất Việt, họ đón xuân trên những nẻo yêu thương của cuộc đời. Và đâu đó họ đã mang tâm tình gửi về miền đất Mẹ thơm dòng nước mát quê hương.
“Mẹ ơi con xuân này vắng nhà
Mẹ thương con xin đợi ngày mai”
Những ca từ cuối của bài hát, nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân đã nói lên lời muốn nói của người lính từ nơi chiến trường. Người lính không về đón xuân cùng mẹ nhưng trong họ vẫn hướng về mẹ và biết rằng đất trời đang nở những cánh hóa tươi để đón xuân về. Mùa xuân sẽ vĩnh hằng, đất nước sẽ an vui, người người sẽ đón xuân trong thanh bình khi đất nước sạch bóng quân thù. Ngày đó sẽ không xa và mẹ thương con xin đợi ngày mai con sẽ về, thắp lên những cánh hoa xuân bất diệt cho đời.
Thế hệ cha ông thời khói lửa, có những mùa xuân không về đoàn tụ bên gia đình, bên người thân. Xuân chiến trường sưởi ấm họ và hát lên những khúc ca mùa xuân. Thế hệ chúng ta hôm nay sống trong ấm no hạnh phúc, đón xuân về trong niềm hân hoan của mùa, nở những nụ cười mừng thêm tuổi mới. Chúng ta hãy dành những khoảng lặng để tri ân thế hệ cha ông đã ngả xuống vì sự nghiệp dân tộc để hôm nay chúng ta có những mùa xuân tươi đẹp.
-Vi Ánh Ngọc-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét