Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI CÁ NHÂN TRONG THƠ CHỮ HÁN ĐÀO TẤN (Thầy Nguyễn Đình Thu)


Lẽ dĩ nhiên sáng tác thơ của Đào Tấn thuộc loại hình văn học trung đại. Bởi vậy, hình ảnh con người cá nhân Đào Tấn trong thơ phần nào vẫn còn chịu sự thúc ước, bó buộc của những lễ giáo phong kiến nên chưa có sự bung tỏa thật sự như hình ảnh con người cá nhân trong sáng tác văn học hiện đại. Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, trong sáng tác thơ chữ Hán của ông, ta vẫn thấy hiện lên con người cá nhân tác giả khá rõ nét.

            1. Trước hết, Đào Tấn rất nhạy cảm với thiên nhiên. Một dòng sông, một ngọn núi, một bến đò hay một ngôi chùa cũ, một viên đá nhỏ, một tiếng cuốc kêu, … đều có thể gợi hứng để ông sáng tác (Hương giang thủy hữu sở ký, Song Ngư sơn, Trùng độ Tam Giang, Vãng đăng Hồng sơn phỏng Thiên Tượng phế tự xuất sơn hữu tác, Đắc thạch, Văn Đỗ vũ, v.v…).  
    
            Thiên nhiên đối với Đào công đâu chỉ là chốn di dưỡng tinh thần mà còn là người bạn tâm tình ở mọi lúc mọi nơi. Ở đó, con người tác giả đã vượt thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của chức năng phận vị để được sống với chính mình, là chính mình. Đó là biểu hiện của những nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn, nhân cách cao cả mà không phải ai cũng có được. Ông yêu cảnh gió trăng trên biển: Mã quá sa nam nhàn bộ nguyệt/ Châu hoành triều khẩu bán nghênh phong (Ngựa qua phía nam bãi cát thì thả bộ dưới trăng/ Thuyền chèo ngang cửa biển nửa phần đón gió – Hành bộ ngẫu đắc), yêu bức tranh thôn dã yên bình: Tam ngũ thôn đồng tiêu tán thậm/ Ôn ky ngưu bối khán giai san (Rải rác năm ba đứa trẻ trong làng/ Ngồi yên trên lưng trâu nhìn núi đẹp – Đồng Nguyễn Tiểu Cao nhàn du), và muốn hòa hợp, tận hưởng trọn vẹn cảnh đẹp thiên nhiên: Tế vụ hàn yên bạn khách y/ Hô hấp vạn sơn thanh lãnh khí(Khói lạnh cùng sương rây như níu áo khách qua đường/ Mặc sức mà hít thở không khí trong lành của muôn ngọn núi – Quá Hải Vân). Ở đây, trong quan hệ với thiên nhiên, chúng ta thấy cái tôi nhà thơ đã không dừng lại ở sự thưởng ngoạn mà đã mang khát vọng hưởng thụ.

   Vượt lên trên cả tình yêu thiên nhiên, Đào Tấn còn là một nhân cách lớn ở cảm xúc nhân văn, sự nâng niu đối với thiên nhiên, cái đẹp. Nếu Nguyễn Trãi thưởng thức cái đẹp đầy trân trọng: Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén/ Ngày vắng xem hoa bợ cây(Ngôn chí, Bài số 10) thì thi sĩ họ Đào lại nâng niu nhặt từng cánh mai rơi: Thập biến thanh mai dữ lạc hoa (Thu nhặt từng búp mai xanh và hoa rụng khắp nơi – Tĩnh Tâm hồ phạn điếm tảo trà hậu biệt mai viên).

   Thiên nhiên khúc xạ qua thi nhãn Đào Tấn phần lớn không phải là những bức tranh tứ bình mang cảm nhận chung chung theo lối ước lệ tượng trưng với những công thức quen thuộc, mà đó là những bức tranh cụ thể có thể định danh, mang được cảm nhận riêng, sắc nét, sinh động. Đó có thể là cảnh núi đồng Nghệ An sắp vào mùa gặt: Đông trù cốc dĩ tam phân thục/ Nam dũ sơn như nhất tự bài (Đồng ruộng phía đông lúa ba phần chín/ Cửa sổ bên nam thấy dáng núi như hình chữ nhất – Hoan thành cửu nhật ký hoài kinh trung chư hữu), hay là cảnh nước non ở bến đò Đông Cương trong đêm: Thủy lưu đáo xứ hồn vi trọc/ Sơn thế hồi đầu bán dục thanh (Nước chảy đến nơi này dường như bị đục ngầu/ Ngoảnh đầu thấy nửa núi non như muốn xanh lại – Đông Cương hải độ dạ túc ký kiến). Cũng là trăng nhưng trăng trong thơ Đào Tấn không đông cứng mà bay nhảy, thoắt ẩn thoắt hiện rất sinh động: Ngưỡng khán nguyệt tại thiên/ Phủ khán nguyệt tại thuyền/ Hốt nhiên tại giang tâm/ Hốt nhiên tại thụ điên/ Chỉ hữu nhất minh nguyệt/ Lãn chiếu hà vô biên (Ngẩng đầu, trăng trên trời/ Cúi xuống, trăng trên thuyền/ Vừa mới ở lòng sông/ Lại treo trên cành cây/ Chỉ mỗi vầng trăng ấy/ Mà rọi thấu muôn nơi –Kiến nguyệt châu trung tác). Nhà thơ còn hình dung cụ thể tiếng mưa rơi trên sông như rơi trên tàu lá chuối, nghe lộp bộp bên song:Thanh như song hạ thính ba tiêu (Giang trung vũ).

   Và trên hết, thi nhãn Đào Tấn còn mang được cảm nhận tinh tế đối với thiên nhiên. Nếu sau hơn trăm năm, nhà thơ Hữu Thỉnh cảm nhận được mùa thu qua hương ổi:Bổng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về (Sang thu) thì trước đó, chỉ qua tiếng nước chảy và màu núi mà Đào Tấn đã thấy mùa thu như đang hiện ra trước ngựa: Thủy thanh sơn sắc mã tiền thu (Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh nhị tuyệt). Hay hái sen mà như mang cả hương thơm về nhà (Lục tần liêu loạn đới hương quy – Thái liên).

   Bàn về phương thức phản ánh của chủ nghĩa lãng mạn, có người đã nói: phản ánh hiện thực là tôi đem tâm hồn tôi phú cho nó. Cái nhìn đầy chủ quan ấy có lẽ đúng với Đào Tấn. Nhà thơ đã từng nhìn hoa cúc rơi đúng với tâm trạng của người sau cơn say:Hoàng hoa ly lạc túy tây phong (Hoa cúc bên rào rơi ngã vì say gió tây – Túy hậu). Và cũng chẳng đợi đến sáng tác của Xuân Diệu mới lấy con người làm chuẩn mực cho sự miêu tả thiên nhiên (Lá liễu dài như một nét mi – Nhị hồ), ý thơ đó đã từng xuất hiện trong sáng tác của cụ Đào: Dương liễu sơ khai nhất mạt mi (Nhành dương liễu mới nảy trông như nét mày vẽ – Dương liễu chi từ nhị thủ).

            Dường như tất cả những biểu hiện của con người cá nhân tác giả trong quan hệ với thiên nhiên đều xuất phát từ một giấc mộng mà suốt đời thi sĩ ôm ấp – giấc mộng “giang hồ”. Khi về hưu, nhà thơ đã khẳng định cuối đời rồi mà mình vẫn chưa tỉnh mộng ấy:Tiếu ngã giang hồ mộng vị tinh (Tiểu hạ đình ngẫu thư). Nếu sống đến trăm tuổi thì ông cũng chỉ muốn ngao du khắp nơi để đề vịnh:Tiếu ngã phù sinh như mãn bách/ Dã ưng đề vịnh biến thiên nha(Tuế đán ngẫu thành). Như vậy, chỉ trong quan hệ với thiên nhiên, con người cá nhân trong thơ Đào Tấn đã thể hiện khá rõ. Điều đó đã được Xuân Diệu nói đến và chính nhà nghiên cứu Vũ Mão cũng đã khẳng định lại: “Tôi rất tâm đắc với sự phân tích sâu sắc và tinh tế của nhà thơ Xuân Diệu là trong những tác phẩm của Đào Tấn đã gieo những mầm mống của chủ nghĩa lãng mạn, đi trước cả phong trào Thơ mới 1932-1945” [6, 123-127].

   2. Có thể nói, tình yêu nam nữ là “mảnh đất gieo hạt” cho con người cá nhân biểu hiện rõ nhất. Đó cũng là một trong ba đề tài nổi bật thể hiện tập trung tiếng nói của cái tôi cá nhân trong phong trào Thơ mới (thiên nhiên, tình yêu và tôn giáo). Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, tình yêu không phải là lãnh địa riêng của văn học lãng mạn hay văn học hiện đại. Mặc dù chịu sự trói buộc của lễ giáo phong kiến nhưng văn học trung đại cũng không thiếu những bài thơ tình hay, những mối tình đẹp; vẫn không phải không có những tác phẩm nói về tình yêu nam nữ tự do, mãnh liệt mang màu sắc nhục cảm, mà đặc biệt kết tinh ở những tác giả, tác phẩm lớn như Hương miết hành – khuyết danh, Truyện Kiều – Nguyễn Du, hay thơ Nôm của Hồ Xuân Hương, v.v…

            Tình yêu cá nhân vượt thoát ra mọi sự ràng buộc, đôi khi đi ngược lại với quy định của Nho giáo. Tình yêu nam nữ, kể cả tình cảm vợ chồng trong thơ Đào Tấn đã làm được điều đó. Khảo sát những thi phẩm chữ Hán của Đào Tấn, ta thấy tác giả gần như đi trọn các cung bậc của tình yêu lứa đôi: từ nhớ nhung mong gặp đến yêu nhau thắm thiết, thề nguyền, cuối cùng thay bằng sự đổ vỡ không thành thường thấy trong Thơ mới là sự xa cách tạm thời trong nỗi nhớ và niềm khao khát mãnh liệt. Bài thơ Thu tịch nói đến trăng, nước, gió, cây…, nhưng đó chỉ là cái nền khung cảnh để cuối cùng đọng lại là một nỗi nhớ người yêu da diết: Tọa niệm tố tâm nhân/ Giai kỳ diễu hà xứ (Ngồi nghĩ nhớ người yêu/ Trong cảnh đẹp này mà xa bặt nơi nao). Nhân vật trữ tình ở đây không thể kìm nén được cảm xúc cá nhân theo kiểu “Phép công là trọng niềm tây xá gì” (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn) mà để tiếng lòng ngân lên tự nhiên, để mình được sống thực với lòng mình. Nhớ người yêu, người con gái không ngại ngần nói lên khát vọng muốn làm mây bay đến bức tranh tường nơi lầu chàng ở: Thiếp nguyện vi vân trục họa tường (Tặng mỹ khanh nhị thủ). Ở đây, ta bắt gặp một cái tôi cá nhân chủ động của người con gái đang yêu, phá vỡ quan niệm thụ động, tĩnh tại trong tình yêu của người con gái theo quan niệm phong kiến, giống như trăm năm về trước Thúy Kiều đã “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” (Truyện Kiều –Nguyễn Du).

             Thơ chữ Hán Đào Tấn đã có biểu hiện của tình yêu thắm thiết, tự do, gần gũi thân xác rất gần với quan niệm, biểu hiện của tình yêu nam nữ trong văn học hiện đại. Điều đó có thể thấy ở tác phẩm Khuê kiềuTrung đình thập ngũ nguyệt minh đa/ Hảo bạn tương huề trúc hạ qua/ A muội liên kiên văn tế ngữ/ Hồi đầu vi tiếu bái Hằng Nga (Trăng rằm, sáng tỏ khắp phương xa/ Đôi bạn cầm tay, trúc luồn qua/ Kề vai thủ thỉ nghe chàng nói/ Ngoảnh đầu chàng ngợi: bái Hằng Nga). Ngay ở nhan đề Khuê kiều (người đẹp), ở hành động “tương huề” (cầm tay), “trúc hạ qua” (luồn qua khóm trúc), “liên kiên” (kề vai), ở sự hút hồn của cô gái đối với chàng trai (bái Hằng Nga), Đào Tấn đã tiếp cận được với tình yêu nam nữ cá nhân khác với tình cảm nam nữ mang tính chất ngưỡng vọng, giữ khoảng cách như trong sáng tác của Đồ Chiểu trước đó không xa: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái ta là phận trai” (Truyện Lục Vân Tiên). Mặc dù thế, tình yêu nam nữ trong thơ chữ Hán Đào Tấn vẫn mang cái đằm thắm, tế nhị chứ chưa đến mức cuồng nhiệt như “Hãy sát đôi đầu!/ Hãy kề đôi ngực!/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài!” trong thơ tình Xuân Diệu (Xa cách).

   Để minh chứng cho một tình yêu thắm thiết, thủy chung, nhân vật trữ tình trong thơ Đào Tấn cũng nhắn nhủ, thề nguyền. Lời thề của họ không to tát đến mức phải lấy sông biển, trời đất ra chứng giám mà như một lời nhắc nhở giản dị, chân thành: Mạc tương hậu nhật tình/ Bất như sơ kiến thì (Đừng để tình về sau/ Không như lúc mới gặp – Tý dạ ca). Nếu phải chia ly, xa cách thì người phụ nữ trong thơ tác giả sẽ khóc đến ướt áo lụa (La y lệ triêm thấp – Biệt ý). Vì họ có cái nhìn rất hiện thực rằng, nếu không có thư từ thì xa nhau cũng như là tử biệt: Nhược vô hồng nhạn phi/ Sinh ly tức tử biệt (Tuyệt cú nhị thủ).

            Nghiên cứu về nội dung biểu hiện của cái tôi cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX, Nguyễn Đình Chú đã nhấn mạnh: “Trong cái Tôi – cá nhân ở giai đoạn văn học này đã có cái tôi tự ý thức về mọi nỗi đau khổ của mình, cái tôi đòi quyền sống cho mình, trong đó có quyền được tự do bộc lộ tình cảm riêng tư cá thể, tự do yêu đương, tự do hưởng hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc tuổi trẻ kể cả hạnh phúc bản năng” [1, 40]. Người phụ nữ trong thơ Đào Tấn cũng như người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn đều có khát vọng hưởng thụ hạnh phúc lứa đôi. Khát vọng đó được thể hiện gián tiếp qua ý thức về bi kịch thực tại. Họ thấy mọi sự chăm sóc cho sắc đẹp đều trở nên vô nghĩa nếu không có chàng ở bên, hay thấy lo lắng khi vẻ đẹp của mình ngày càng mai một mà chưa thấy chàng trở về: Chu nhan bất khả trượng/ Na năng bất trù trướng (Nét son mà không còn như xưa/ Làm sao chẳng đau buồn – Hữu sở tư).

   3. Nếu con người nhà nho luôn có ý thức về bổn phận thì con người cá nhân lại thường ý thức về số phận. Cả cuộc đời làm quan, Đào Tấn không nguôi day dứt về số phận của mình – số phận của một ông quan đầy bi kịch. Đó là mâu thuẫn giữa khát vọng cao đẹp mà tác giả muốn vươn tới với thực tế khách quan không thể thực hiện được.

   Từ chỗ hăm hở làm quan là để phát huy tài năng, để có điều kiện giúp đỡ phong trào cách mạng, thực hiện lý tưởng cứu nước, cứu dân, Đào Tấn ngày càng cảm thấy mệt mỏi vì lý tưởng ấy như một giấc mơ xa vời: Quân Thiều hứa cửu lao thanh mộng (Nhạc Quân, Thiều từ lâu rồi vẫn mỏi mệt trong giấc mơ trong trẻo –Phụng chỉ cải Nghệ An giản lưu đồng thành). Đặc biệt đứng trước hòa nghị và cảnh ăn chơi sa đọa, sự vô tâm của triều đình phong kiến nhà Nguyễn, Đào Tấn càng như thấy được hoài bão của mình sẽ không thành: Như thử phong yên, như thử tửu/ Lão phu hoài bão kỷ thời khai (Khói lửa thế đấy, rượu thế đấy/ Biết chừng nào hoài bão già này mới toại nguyện – Tịch thượng tác). Câu hỏi cuối bài thơ mang một niềm day dứt khôn nguôi, “bao giờ” là không biết đến bao giờ nên nó bế tắc, đau đớn vô cùng. Khát vọng không thành, nhà thơ thấy mình như cánh chim chiều mỏi mệt đã uổng công cố gắng tìm kiếm, thực hiện lý tưởng: Quyện điểu tà phi phản cố lâm/ Mỗ khâu mỗ thụ phí tương tầm (Quá phỏng Kỳ Sơn Đặng gia trang ức thiếu thời độc thư xứ ngẫu chiếm). Và thật đau xót khi một người vốn mang cái “hùng tâm tráng chí” cuối cùng lại phải từ bỏ, như ném nó đi trước ly rượu: Tráng tâm không trịch tửu tôn tiền (Lục thập sinh nhật Mai viên tiểu chước). Như vậy, nếu tuồng của cụ Đào phản ánh sự đổ vỡ của lý tưởng trung quân thì thơ ông lại phản ánh sự đổ vỡ của lý tưởng cứu nước.

            Từ bi kịch cứu nước không thành đã nảy sinh ra bi kịch xuất xử trong con người Đào Tấn. Khi tìm hiểu về cuộc đời làm quan của tác giả, nhà nghiên cứu Mịch Quang đã phát hiện ra một mâu thuẫn rằng: “Bậc trọng thần thường được các vua Nguyễn sủng ái, có tuổi quan vào loại kỷ lục ở triều Nguyễn, ấy lại là người chê trách, miệt thị chốn quan trường nhiều nhất trong thơ và từ của ông” [6, 97]. Làm quan hơn 30 năm, triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp vừa muốn dùng Đào Tấn để xoa dịu các phong trào cách mạng, vừa sợ ông liên kết, giúp đỡ phong trào cách mạng địa phương nên ông bị đổi đi rất nhiều nơi. Vì thế, ông cảm nghiệm được cuộc đời làm quan của mình hết sức nhọc nhằn, cơ cực cứ long đong như cánh chim hồng, chim nhạn hết Bắc đến Nam (Tống Hồ An Tăng cải phiên Phú Yên, Huỳnh Giản chu dạ, Hoan thành Kỷ Hợi trừ tịch, v.v…).

            Lý tưởng không thành cộng với quan trường mệt nhọc, ô trọc, Đào Tấn lúc nào cũng ôm giấc mộng hoàn hương: Mộng lý hoàn gia tam thập xuân (Ba chục năm nay ta vẫn ước mơ về quê cũ – Thạch, Tuyên nhị tử nhập quốc học lâm hành thư thử miễn chi). Áp lực về chính trị trong thời buổi đen tối nhất của xã hội còn đẩy Đào công tới ý nghĩ đi tu. Bởi vậy, hình ảnh chùa Linh Phong nơi quê nhà luôn vẫy gọi trong tâm tưởng nhà thơ: Linh Phong tam thập tải/ Vị kiến thử tăng quy (Ba mươi năm xa cách chùa Linh Phong/ Vẫn chưa thấy vị tăng ấy trở về – Mai tăng tiểu chiếu). Về vấn đề này, giáo sư Trường Lưu đã nhấn mạnh: “Những mâu thuẫn trong lòng Đào Tấn là nửa phật nửa trần thế lôi kéo, nửa đạo từ bi nửa đạo cương thường, không bên nào dứt khoát. Cuối cùng, ông vẫn tiếp tục làm quan theo con đường có phần thuận buồm xuôi gió bên ngoài mà trong tâm tư có nhiều uẩn khúc” [6, 150].

            Dù về vui thú vườn nhà hay đi tu cũng đều là cách ứng xử lánh đời, tìm về cuộc sống thanh nhàn, ẩn dật để di dưỡng tinh thần. Cũng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Khuyến, Đào Tấn thường dùng những biểu tượng “cúc”, “tùng”, “lan”, “ông câu” để nói lên thú vui, khát vọng ẩn dật của mình. Đời làm quan, ông cho chẳng qua là giấc mộng và chỉ có cuộc sống thanh nhàn mới là “tiên”. Nhà thơ có tới hai lần ca ngợi cuộc sống thanh nhàn đến mức lý tưởng hóa: Khâu viên an lạc tức thần tiên(Yên vui nơi vườn nhà ấy là thần tiên – Đinh Mùi nguyên đán tức sự thí bút) hay Nhất nhật thanh nhàn nhất nhật tiên (Một ngày được thanh nhàn là một ngày tiên – Lục thập sinh nhật mai viên tiểu chước). Câu thơ vang lên như khẳng định chân lí sống của một con người sau khi đã dày dạn gió sương.

            Tuy nhiên, giấc mộng hoàn hương của Đào Tấn đã trở thành thảm mộng bởi ông không sao dứt ra khỏi chốn quan trường mà ông cho là nhơ nhuốc, bụi bặm ấy. Từ quan về nhà, bị giáng bốn cấp nhưng rồi vẫn phải trở lại làm quan, ông trở thành “người lữ khách mang nặng mối sầu tha hương” [9, 43]. Sự uất ức ấy đọng lại trong thơ ông là nỗi chán chường, hối hận. Có lúc, Đào Tấn cảm thấy xấu hổ khi người ta gọi mình là “tôi cũ”: Tàm quý nhân hô đế cựu thần (Xấu hổ thay người ta gọi mình là tôi cũ của vua – Đắc triệu hồi kinh), đi làm quan mà ông cho là bị giam hãm như đi tù:Thập niên thử địa lưỡng câu lưu (Mười năm hai lượt giam thân trên đất này – Tống đồng thành Cao quân Ngọc Lễ cải niết Hà Tĩnh nhị tuyệt). Và chính tác giả đã từng trực tiếp thổ lộ với em trai Khiêm Khiêm rằng: Nhân sinh vũ nội các hữu thác/ Ngã yểm phong trần trì nhất xa (Mỗi kẻ sinh ra trong trời đất đều có nỗi niềm riêng/ Ta chán cảnh một cỗ xe quan lao vào gió bụi – Hoan thành dữ gia cửu đệ Khiêm Khiêm tử thoại cựu). Từ chỗ chán nản, xót thương (Mạn đề), hối hận (Sơ thu vãng yết nghiệp sư Nhơn Ân Nguyễn tiên sinh sơn phần cảm thuật) về việc làm quan đến phủ định công (Hương giang hành tạp vịnh, Kinh quá Bình Định thành điếu cổ chiến trường thi), Đào Tấn đã đi đến đỉnh cao của sự thất vọng, trở thành nỗi tuyệt vọng giữa chốn quan trường.

   4. Không những ý thức về số phận, con người cá nhân Đào Tấn còn luôn ý thức về bản ngã của mình. Và có thể nói, đây là một trong những biểu hiện rõ nhất của con người cá nhân trong sáng tác. Chỉ có những người có nhân cách lớn, can đảm lớn, trách nhiệm lớn đối với bản thân mới dám đối diện với chính mình. Chỉ có những người tự thức mới biết rõ về mình và biết vui buồn vì mình. Từ bỏ thiên nhiên, xã hội rộng lớn, Đào Tấn đã đi vào khám phá chính bản thể tác giả, tự đánh giá về phẩm chất, việc làm của mình. Trong thơ cụ Đào, nhà thơ thường có những giây phút trăn trở, suy xét về mình, đặc biệt là vào những thời khắc giao thừa:Thông thông nhân sự kỷ tằng nhàn/ Tuế trừ kiểm điểm lưu niên ký (Sự đời bận rộn mấy khi rỗi/ Đêm giao thừa kiểm điểm lại việc làm của năm qua – Hoan thành kỷ hợi trừ tịch). Đối với ông, tự nhận thức là yêu cầu thường xuyên của bản thân, bởi vì: Tự tiếu phù sinh châu Giáp Tý/ Vị tri ngũ thập cửu niên phi (Cười mình, trong kiếp phù sinh nếu sống đến tuổi sáu mươi/ Thì chưa hẳn đã biết được sai lầm của tuổi năm mươi chín – Quý Mão trừ tịch thư hoài).

            Khi tự nhận thức về mình sẽ có hai xu hướng là thị tài và tự trào. Kiểu con người thị tài ta thường bắt gặp trong văn học thế kỷ XVIII – XIX  ở những nhà nho tài tử như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, … Bằng cái nhìn loại hình đối với những kiểu nhà nho, Trần Ngọc Vương đã phân biệt: “Điểm khác biệt cơ bản giữa người tài tử với người hành đạo và người ẩn dật là ở chỗ người tài tử coi “tài” và “tình” chứ không phải đạo đức làm nên giá trị của con người” [8, 84]. Con người thị tài là biểu hiện của ý thức cá nhân phát triển mạnh mẽ, con người đầy dũng khí dám đứng ra để khẳng định, ca ngợi tài năng của mình trước xã hội, có thể là tài trị nước, cầm quân, hay tài văn chương, học vấn. Nếu Nguyễn Công Trứ dám tự khẳng định: Trời đất cho ta một cái tài/ Giắt lưng dành để tháng ngày chơi thì Đào Tấn lại khẳng định cụ thể về cái tài của mình – cái tài thiền học già dặn: Nam quốc Mai Tăng lão học thiền (Sãi Mai nước Nam học thiền già dặn – Tặng Mai Tăng). Con người thị tài thường hướng đến cái tự do, phóng khoáng, vượt ra ngoài sự ràng buộc của những công thức, quy phạm. Điều đó biểu hiện ở Đào Tấn là một đời chỉ thích đi khắp đất trời để đề vịnh, ngắm cảnh núi sông (Tuế đán ngẫu thành, Tiểu hạ đình ngẫu thư). Hay cũng đi tu đấy, nhưng ông tu theo kiểu tự do đến mức phá bỏ hết các giới luật nhà Phật (Túy hậu, Tặng Mai Tăng).

   Khi chua chát trước cuộc đời đầy bi kịch, Đào Tấn lại có xu hướng ngược lại là tự trào. Tự trào không phải là phủ định mình mà là nhận thức lại để  thanh lọc tâm hồn mình trở nên tốt hơn. Tú Xương từng mượn lời bà Tú để chửi chính mình: Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không (Thương vợ) còn Đào công lại cảm thấy thẹn trước công đức của vợ đối với mình: Đối khanh bất giác ngã hình lậu (So với nàng, ta bỗng thành kẻ hèn kém – Mai Tăng đề ư An Tịnh tổng chế đường chi khiếu ngạo đông hiên. Đương Thành Thái Quý Tỵ, hòa tiết). Một con người tài năng như ông nhưng vì khát vọng không thành nên có lúc ông tự cười mình là bất tài: Bất tài tảo tác quy canh kế (Vì bất tài mà sớm lo kế cày ruộng – Quy canh cuộc quan điền thị Huỳnh Giản thủ chỉ Trần ông). Đó còn là một lão phu cười mình đã già, ngay đến sinh nhật cũng không nhớ: Tiếu tùng nhi bối vấn sinh niên (Buồn cười là ta phải theo hỏi lũ cháu con về năm sinh của mình – Canh Tý trừ tịch). Con người thị tài hướng đến sự tự do, phóng khoáng, ngược lại con người tự trào lại thường thu mình lại mà “gặm nhấm” sự cô đơn, cô độc. Trong triều đình, Đào Tấn là một “cô thần”, vì làm quan nhưng đóa “hàn mai” ấy lại không thể hòa nhập vào chốn quan trường ô trọc. Một mình tác giả trơ trọi trên chiếc thuyền giữa mênh mông sông nước trong bóng chiều tà: Độc lập thuyền đầu khán vãn huy (Tuế mộ chu hành), không biết nói cười cùng ai:Ngữ tiếu hướng thùy đạo? (Tý dạ ca nhị thủ). Ông cô độc như dòng Hương Giang, mọi người chỉ thấy cái bề ngoài là mặt nước mà ít ai cảm được cái hương nước của nó. Bài thơ nói về sông Hương nhưng thực ra tác giả muốn bộc bạch phẩm chất của mình trước sự hiểu lầm của nhiều văn thân sĩ phu yêu nước đối với ông:Cộng thức Hương Giang thủy/ Vô nhân thức thủy hương  (Ai cũng biết nước sông Hương/ Nhưng đã mấy ai biết hương của nước ấy Hương Giang thủy hữu sở ký).

            Tóm lại, trong sáng tác thơ chữ Hán Đào Tấn, con người cá nhân tác giả biểu hiện chỗ đậm, chỗ nhạt nhưng phong phú và phức tạp trong nhiều mối quan hệ. Một thế giới tâm trạng với bao yêu thương hờn giận, dằn vặt đớn đau của thi sĩ đã trải ra trước mắt người đọc. Đó được xem như là những dấu hiệu ban đầu của chủ nghĩa lãng mạn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Đình Chú, “Vấn đề “Ngã” và “Phi ngã” trong văn học Việt Nam trung – cận đại”, Tạp chí Văn học, số 5, (1999).

[2] Vũ Ngọc Liễn (Biên khảo), Đào Tấn thơ và từ, Nxb Sân khấu, Hà Nội, (2003).

[3] Nguyễn Lộc, Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, Tập1, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, (1976).

[4] Nhiều tác giả, Đào Tấn nhà thơ nghệ sĩ tuồng xuất sắc, Ty Văn hoá và Thông tin Nghĩa Bình, (1978).

[5]Nhiều tác giả, Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, (1997).

[6]Nhiều tác giả, Đào Tấn trăm năm nhìn lại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, (2008).

[7]. Trần Đình Sử, Lý luận và phê bình văn học (Tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, Hà Nội, (1997).

[8]. Trần Ngọc Vương, Nhà nho tài tử và văn học Việt nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, (1995).

TÓM TẮT
HÌNH TƯỢNG CON NGƯỜI CÁ NHÂN
TRONG THƠ CHỮ HÁN ĐÀO TẤN
                                                                                       Nguyễn Đình Thu
            Dù chịu ảnh hưởng của những tư tưởng phong kiến nhưng hình tượng con người cá nhân tác giả trong thơ chữ Hán Đào Tấn không phải là vắng bóng. Từ tâm hồn nhạy cảm và có cái nhìn cụ thể, tinh tế đối với thiên nhiên đến những cung bậc tâm trạng, khát khao hạnh phúc trong tình yêu nam nữ hay những dằn vặt đớn đau trước những bi kịch, cùng với biểu hiện thị tài, tự trào khi ý thức về bản ngã của mình, con người cá nhân trong thơ Đào Tấn đã hiện lên khá toàn diện, sắc nét. Có thể nói, những biểu hiện về con người cá nhân trong sáng tác thơ chữ Hán của tác giả đã bước đầu mang dấu ấn giao thời, báo hiệu sự xuất hiện của chủ nghĩa lãng mạn.

SUMMARY
THE IMAGE OF EGO IN DAO TAN’S POETRY IN CHINESE

                                                                                               Nguyen Đinh Thu

            Although the image of ego in Dao Tan’s poetry in Chinese was influenced by the feudal ideology but it always exist. It was through his sensitive soul, his anguish of mind and his love of nature…that his ego was clearly reflected in his works. Perhaps, the rise of ego in Dao Tan’s poetry in Chinese is one of the starting point of Romanticism in Vietnamese literature.

Nguồn: Nguyễn Đình Thu (2014), “Hình tượng con người cá nhân trong thơ chữ Hán của Đào Tấn”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Quy Nhơn, Số 3 (Tập VIII), tr. 5-12.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét