Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

THỰC PHẨM MIỀN XUÔI "LỘI" LÊN MIỀN NÚI

Niềm vui của bà con
xã miền núi Vĩnh Quang
khi rau xanh, củ quả
còn tươi


Nhiều năm nay, khi giao thông đi lại thuận tiện, việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt là rau xanh, thực phẩm tươi sống phục vụ cho người dân ở các huyện miền núi trong tỉnh luôn đảm bảo kịp thời.



Cách TP Quy Nhơn hơn 70km, nhưng từ 5 - 6 giờ sáng, nhiều loại rau xanh, thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ Quy Nhơn, An Nhơn, Tuy Phước… đã được bày bán tại trung tâm huyện Vĩnh Thạnh và vùng lân cận. Chị Đặng Thị Nhung, tiểu thương ở chợ Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh), cho biết: “Các loại hàng hóa của tôi bán tại đây, từ các loại rau xanh, củ quả đến cá biển đều mua ở dưới miền xuôi mang lên. Tôi lấy hàng ở chợ Diêu Trì từ khuya để kịp mang lên đây bán vào sáng sớm…”.

Tại các xã miền núi của huyện Hoài Ân cũng có nhiều sạp bán cá biển, đáp ứng được nhu cầu thực phẩm tươi của người dân trên địa bàn. Đa phần những người buôn bán cá biển ở đây lấy hàng từ cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn) mang lên. Bà Lê Thị Sang ở thôn Ân Thường 2 (Hoài Ân), cho biết: “Cá biển từ Tam Quan chở lên còn tươi rói, ở vùng này mà được ăn cá tươi như vậy thì còn gì bằng. Mỗi sáng, tôi đều tranh thủ đi chợ sớm để mua được đồ ăn tươi, sau đó mới đi làm đồng”.

Ngoài những người buôn bán cố định tại các chợ vùng cao, nhiều tiểu thương ở dưới xuôi cũng mua hàng rồi chở bằng xe máy đến tận các xóm, thôn để bán. Người dân ở những nơi này quen gọi đó là “chợ di động”. Những “chợ di động” này thường đến một thời điểm nhất định trong ngày, nên không cần hẹn trước, cứ đến giờ là có người bán.

Ông Nguyễn Trúc Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Xã Vĩnh Quang hiện có 5 thôn, nhưng thôn nào cũng có “chợ di động”. Nhờ những “chợ di động này mà bà con vùng cao có thực phẩm tươi để ăn hàng ngày. So với các địa phương ở đồng bằng, giá bán các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi ở miền núi cao hơn cũng không nhiều”.

Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm ở những “chợ di động” đang là vấn đề cần quan tâm. Ông Trần Văn Khổ, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vân Canh, cho biết: “Ở huyện miền núi như Vân Canh, những “chợ di động” đã tạo thuận lợi cho bà con rất nhiều trong việc mua sắm hàng tiêu dùng hằng ngày. Tuy nhiên, những “chợ” này di động, họ để lại khá nhiều rác thải, gây mất vệ sinh môi trường. Sắp tới, để bên mua dễ dàng mua hàng, bên bán cũng thoải mái bán được hàng chúng tôi sẽ làm việc với họ để giải quyết vấn đề này một cách ổn thỏa.


ĐÌNH PHÙNG


Lời BBT
         Ra trường, nhiều bạn lớp mình được may mắn đứng lớp. Nhưng cũng không ít bạn phải làm những nghề khác. Trong đó sẽ có một số bạn theo nghề viết lách. Từ nay, mục Báo chí của Blog lớp sẽ tích cực đăng tải các bài báo của những bạn trong lớp đã được đăng trên các báo, tạp chí trung ương và địa phương để các bạn có điều kiện tham khảo, học hỏi. Mong những bạn có bài được đăng vui lòng gửi link (đường dẫn) hoặc file văn bản và thông tin về số báo, tạp chí đã đăng về mail spv32qnu@gmail.com hoặc viết vào tường facebook lớp để ban quản trị đăng tải và chia sẻ cũng mọi người. Chúc tất cả lớp mình thành công, những bạn nào theo đuổi nghề cầm bút hãy giữ đam mê đến cùng, tin rằng trời sẽ không phụ lòng những ai nhiệt thành, ngay chính.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét