Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

ĐÀO TẤN THƠ VÀ TỪ


(Vũ Ngọc Liễn biên khảo, NXB Sân khấu, H., 2003; 635 trang)

NGUYỄN ĐÌNH THU (*)
(NCS – Học viện Khoa học xã hội)

Sống trên miền “đất võ trời văn”, Đào Tấn (1845-1907) nổi lên như một con người đa tài, đa tình, không chỉ làm rạng rỡ cho quê hương Bình Định mà còn cho cả đất nước. Nói đến danh nhân văn hoá Đào Tấn dĩ nhiên là nói đến bậc thầy của nghệ thuật tuồng Việt Nam. Không những nổi danh với nghệ thuật tuồng, Đào Tấn còn là một nhà viết từ khúc và thơ chữ Hán xuất sắc. Ông Vũ Mão xác định: “Trong lĩnh vực thơ và từ, ông là người có những đóng góp quan trọng cho nền văn học nước nhà” (1)…


Trên thực tế, cho đến nay sáng tác thơ và từ của Đào Tấn nói chung vẫn còn có phần xa lạ với nhiều người. Một mặt, số lượng thơ và từ Đào Tấn hiện còn vẫn là một ẩn số. Mặt khác, sự nghiệp tuồng của ông đã đạt đến đỉnh cao khiến cho độc giả phần nào không mấy chú ý đến những sáng tác thơ và từ của ông. Bản thân hoạt động nghiên cứu thơ và từ Đào Tấn hiện tại không chỉ ít về số lượng mà quy mô cũng nhỏ lẻ. Hầu hết đó là những bài viết trên báo, tạp chí mang cảm nhận riêng về một khía cạnh hoặc viết chung với nghiên cứu nghệ thuật tuồng tựa như một phần phụ chú của các cây bút như Xuân Diệu, Vũ Ngọc Liễn, Đặng Hiếu Trưng, Nguyễn Thanh Mừng, Đào Nguyên, Hồ Sĩ Vịnh, Trường Lưu, Hoàng Chương, Thanh Thảo, Thu Hoài, v.v... 

Trong bối cảnh trên, việc sưu tầm, biên khảo hay nghiên cứu về sáng tác thơ, từ của Đào Tấn, dù đạt đến mức độ nào cũng là đáng quý và có giá trị. Bởi chỉ có vậy, việc đánh giá vị thế danh nhân văn hoá Đào Tấn mới có được ái nhìn toàn diện, sâu sắc và hệ thống hơn. Đó cũng là một trong những con đường để chúng ta đi vào giải mã thế giới tâm hồn của một hiện tượng văn học vốn còn nhiều vấn đề này.

Trên con đường khai phá sự nghiệp sáng tác của Đào Tấn có không ít người nhưng có thể nói gương mặt tiêu biểu nhất trong số đó chính là nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn. Gần như cả cuộc đời ông đã cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu về Đào Tấn. Hiếm có một học giả nào lại chỉ nghiên cứu về Đào Tấn và có nhiều công trình nghiên cứu chuyên về Đào Tấn như ông. Trên hành trình nghiên cứu ấy, bản thân Vũ Ngọc Liễn đã ý thức được việc tìm hiểu thơ và từ Đào Tấn luôn là điều cần thiết, cấp bách. Chính ý thức và nỗ lực ấy đã tạo nên kết quả là sự ra đời của công trình Đào Tấn thơ và từ.

2. Mặc dù đã ra mắt bạn đọc gần mười năm nhưng cho đến nay, Đào Tấn thơ và từ vẫn là công trình biên khảo mới nhất về thơ và từ Đào Tấn. Cuốn sách được đặt thành Tập I này nằm trong bộ ba tập biên khảo văn bản tác phẩm Đào Tấn (tiếp sau còn có Tập II: Tuồng hát bội, Tập III: Đào Tấn qua thư tịch). Ngoài Lời đầu sách, Lời bạt, Phụ lục, nội dung trọng tâm của tập sách là biên khảo, giới thiệu sáng tác thơ và từ Đào Tấn, được chia thành 3 phần: A- Thơ, B- Từ khúc và C- Ba bài thơ Nôm.

So với công trình Thơ và từ Đào Tấn do cũng do chính Vũ Ngọc Liễn chủ biên (NXB Văn học, H., 1987; 284 trang), tập sách này đã bổ sung thêm tới 94 bài (cả thơ và từ), bao gồm: 141 bài thơ chữ Hán, 60 bài từ chữ Hán (!?) và 3 bài thơ Nôm. Số lượng 204 bài thơ và từ (!?) chưa phải là nhiều nhưng so với sáng tác của một số tác gia tên tuổi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cũng đủ cho người đời phải khâm phục.

Nhìn chung, cuốn sách được trình bày khá công phu, tỉ mỉ, thể hiện được tâm huyết của tác giả trong việc cố gắng dựng lại bức chân dung tinh thần Đào Tấn qua thơ và từ. Cả thơ và từ được đánh số thứ tự, theo một hệ thống: từ thể loại được sáng tác nhiều đến thể loại được sáng tác ít. Ở mỗi tác phẩm đều có phần phiên âm, phần dịch nghĩa, dịch thơ và những chú giải cần thiết. Mỗi phần của một tác phẩm được trình bày ngay ngắn với một hình thức thống nhất từ đầu đến cuối, vừa tạo nên tính thẩm mĩ vừa giúp độc giả có thể tiếp nhận văn bản một cách thuận lợi. Phần đầu và cuối cuốn sách, tác giả còn chọn đưa vào công trình 3 bài phê bình, cảm nhận về thơ và từ Đào Tấn của những cây bút phê bình tiêu biểu (Xuân Diệu, Hoàng Trung Thông, Thanh Thảo) mà đáng chú ý nhất là bài viết Đọc thơ và từ của Đào Tấn của Xuân Diệu (tr.11-72) như một minh chứng thuyết phục về giá trị thơ và từ của tác giả văn học nổi tiếng cuối thế kỉ XIX này. Phần phụ lục gồm 3 trang bìa của 3 tập thơ và từ Đào Tấn còn lại đến nay (Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục) cũng được in và giới thiệu cuối công trình.

Ở công trình biên khảo này, nhà nghiên cứu Vũ ngọc Liễn đã ý thức được việc sắp xếp các tác phẩm thơ và từ Đào Tấn theo trật tự thời gian là điều không thể nên chủ ý sắp xếp chúng theo chủ đề là cách làm hợp lý. Việc sắp xếp theo chủ đề đòi hỏi tác giả công trình phải đọc hết 141 bài thơ chữ Hán này để có thể rút ra 3 chủ đề chính:

I- Quan hệ xã hội, cảnh vật đất nước (112 bài)
II- Cõi Phật trong thơ Đào Tấn (13 bài)
III- Đào Tấn đón xuân (16 bài)

Trong công trình, bản thân Vũ Ngọc Liễn đã dịch nghĩa và dịch thơ nhiều tác phẩm, đáng chú ý là phần dịch nghĩa khá sát với nguyên tác. Điều đó cho thấy nhà biên khảo không chỉ có vốn Hán học sâu sắc mà còn có năng khiếu, sự chuyên cần và tình yêu văn học. Ngoài những bài thơ và từ do chính soạn giả công trình dịch (bao gồm phần phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ, dịch thoát, dịch theo nguyên điệu), trong tư cách nhà biên khảo, Vũ Ngọc Liễn đã cố gắng sưu tầm, tập hợp và giới thiệu được nhiều bài dịch của các dịch giả khác, vừa là để người đọc có cơ hội thưởng thức vừa cho thấy thơ và từ Đào Tấn không phải là ít người yêu quý và biết đến. Điều quan trọng là ông trung thực ghi nhận, kế thừa những đóng góp cụ thể của Nguyễn Thanh Hiện, Tống Phước Phổ, Mạc Như Tòng, Đỗ Văn Hỷ trong nhóm biên soạn sách Thơ và từ Đào Tấn (1987). Đóng góp quan trọng của ông còn là việc đưa vào sách phần phụ lục nguyên văn chữ Hán các tác phẩm thơ và từ của Đào Tấn, có ghi số thứ tự tương ứng như phần phiên âm, dịch nghĩa. Mỗi thi phẩm đều có ghi kí hiệu nguồn tài liệu trích dẫn. Điều đó rất tiện cho việc đối chiếu cũng như nghiên cứu về văn bản.

Mặc dù vậy, công trình này cũng không phải không có một vài hạn chế. Có tác phẩm nghiêng về nội dung thiền nhưng không được xếp vào chủ đề Cõi Phật trong thơ Đào Tấn (chẳng hạn bàiĐề Linh Phong tự) mà lại xếp vào chủ đề Quan hệ xã hội, cảnh vật đất nước. Ngoài ra, phần chú giải tác phẩm còn ít và có phần sơ lược; nhiều bản dịch thơ vì quá chú ý đến vần, điệu mà chưa chuyển tải đầy đủ vẻ trau chuốt của ngôn từ và ý nghĩa nguyên bản.

3. Trong mục Lời đầu sách, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn nhấn mạnh công việc sưu tầm, tập hợp được một khối lượng lớn tài liệu liên quan đến Đào Tấn ở khắp ba miền đất nước (hơn nửa đã được công bố trong ba tập sách: Thư mục và tư liệu về Đào Tấn (1985); Tuồng Đào Tấn (hai tập, 1987); Thơ và từ Đào Tấn(1987) và xác định: “Còn đọng lại gần một nửa khối lượng tài liệu đã tập hợp lúc đó và sau này chưa có điều kiện công bố” (tr.8). Sau khi dẫn giải về cấu trúc, qui cách biên soạn Đào Tấn thơ và từ, nhà nghiên cứu thận trọng nhận định: “Lại nữa, trong quá trình thu thập tác phẩm của Đào Tấn, nhất là tuồng hát Bội, chúng tôi thấy bị thất lạc không ít. Một số pho, vở hiện nay chỉ thấy tên kịch mục do người lớp trước ghi lại chứ không còn cách nào tìm lại được văn bản (!) như pho tuồng Vạn bửu trình tường, Đãng khấu, Bình địch, Tam Bảo thái giám thủ Bửu chẳng hạn… Ngược lại cũng có những tác phẩm tìm được, có người nói đó là của Đào Tấn, song với chúng tôi thì còn nhiều điều đáng ngờ là hàng giả (NĐT nhấn mạnh)… cho nên ĐÀO TẤN – tên gọi bộ sách do chúng tôi biên khảo cũng chỉ giới hạn trong khuôn khổ: in gộp khối lượng tác phẩm của cụ Đào và những tài liệu về cụ Đào, những tác phẩm và tài liệu đủ độ tin cậy mà thôi” (tr.9-10)… Thực tế cho thấy những dự cảm và sự nghiêm túc, thận trọng, cầu toàn của nhà biên khảo là hoàn toàn chính xác. Gần đây, theo khảo sát của nhà nghiên cứu Phạm Văn Ánh, trong tổng số 60 bài từ trong Mộng Mai từ lục đã có tới 38 bài là của các tác giả Trung Quốc, có 9 bài còn nhiều nghi vấn và chỉ có 13 bài tạm xác định là của Đào Tấn(2)… Vậy là đến nay khả dĩ chỉ còn có thể tin cậy vào phần thơ chữ Hán trong Tiên nghiêm Mộng Mai ngâm thảo và Mộng Mai thi tồn với tổng số 141 bài. Sau này, khi có điều kiện tái bản, chỉnh lý, soạn dịch lại “Thơ và từ Đào Tấn” thì nhất thiết cần cập nhật, tích hợp các nguồn thông tin tư liệu nêu trên.

4. Có thể nói tập sách biên khảo Đào Tấn thơ và từ của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn là một công trình có giá trị khoa học, giới thiệu một cách đầy đủ và chi tiết về toàn bộ sáng tác thơ và từ Đào Tấn trong điều kiện có thể - ngoại trừ phần từ khúc. Cuốn sách là cơ sở cho những bài viết, công trình tiếp tục đi tìm hiểu, nghiên cứu về sáng tác của Đào Tấn. Và chính nỗ lực tìm tòi, biên khảo của nhà nghiên cứu đã là chiếc cầu nối giúp độc giả làm quen dần với sáng tác thơ và từ của một trong những ông tổ tuồng Việt Nam, qua đó góp phần xây dựng bức chân dung tinh thần Đào Tấn một cách sâu sắc và đầy đủ hơn. 
_____________

(1) Vũ Mão: Vài cảm nhận về danh nhân văn hóa Đào Tấn, trong sách Đào Tấn, trăm năm nhìn lại. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2008, tr.119.

(2) Xin xem Phạm Văn Ánh: Sự thực nào cho Mộng Mai từ lục của Đào Tấn. Nghiên cứu Văn học, số 9-2009, tr.69-86.

(Tạp chí Nghiên cứu văn học số 07 – 2012)
Bài sử dụng lại từ Blog Thầy chủ nhiệm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét