Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

RUNG ĐỘNG ĐẦU ĐỜI




      Tụi em ghét học quân sự tụi. Tụi em không muốn lên đó đâu! Chúng tôi ai cúng mang tâm trạng đó trong suốt quãng đường từ trường lên trung đoàn 922 - sư đoàn 31. Xa thành phố biển Quy Nhơn, sinh viên k32 bước vào một tháng học quân sự mà trong tưởng tượng sẽ rất kinh khủng và đáng sợ. Biết bao nhiêu là "lời dự báo", những kinh nghiệm của các anh chị đi trước làm chúng tôi ôm những "tương lai mịt mờ". Chuẩn bị thật kĩ càng, chúng tôi đi học quân sự.

       Hai chuyến xe đưa tất cả thành viên của lớp sư phạm văn đến tiểu đoàn 4. Tôi muốn bật khóc. Sao mà toàn là cây và núi thế này? Trời lai mưa. Hình như ông trời cũng thương xót cho chúng tôi mà. Cứ thế chúng tôi tự sắp xếp đồ đạc, chỗ ở, đứa nào cũng buồn nhưng bản tính vô tư lại được sống chung với tập thể phần nào đã khuấy động không khí nhộn nhịp, báo hiệu cho nhịp sống mới nơi sơn khê.

       Có lẽ Bác Hồ luôn luôn đúng khi nói rằng "Nơi đâu cần thanh niên có, nơi đâu khó có thanh niên", sức trẻ là sức mạnh lớn lao nhất. Một luồng gió tươi mát và mạnh mẽ đã theo chân sinh viên lên đơn vị cùng các chú, luồng gió ấy tràn vào từng góc tối, từng góc cây, ngọn cỏ cuốn phăng những gì buồn tẻ, đơn điệu và khô khan của đời sống quân ngũ. Những cái khó như thiếu nước, thiếu cơ sở vật chất, bữa ăn không như mong muốn nhanh chóng được lấp đầy, chúng tôi hòa nhịp cùng nơi đây như một lẽ tất yếu. Ngày đầu tiên khuôn mặt đứa nào cũng "đầy tâm sự" và mang khát vọng "hồi hương", thế rồi các chú uốn nắn từ từ. Có chú bảo "dù khổ như thế nào cũng phải cười, đó là người lính". Chúng tôi không phải là lính nhưng chúng tôi là những thầy giáo, cô giáo tương lai, chúng tôi là những măng non đang trên đường vươn lên để trưởng thành như cây tre vững chải và quan trọng hơn bây giờ chúng tôi có niềm vui, là động lực để các chú mỗi ngày làm việc hăng say. Dù có bực mình, đôi lúc la mắng thật nhiều nhưng chúng tôi biết các chú rất vui và hạnh phúc. Đó là niềm vui của người mẹ khi nhìn những đứa con thân yêu chập chững những bước đi đầu đời và bi bô "mẹ". Chỉ dẫn cho chúng tôi từ cách gấp cái chăn, cái mền, cách kéo cái chiếu cho thẳng, để đôi dép cho ngay ngắn làm chúng tôi miệng thì khô khan mà lòng thầm cảm ơn. Ở nhà, ở trường ngủ dậy là phó mặc cho ba mẹ hoặc hẹn lần lữa, lát nữa rồi sẹ dọn thế rồi lại tiếp tục, tiếp tục hen... Đi học quân sự chúng tôi không được hẹn và dần bỏ thói quen hứa. Việc làm là sự bảo chứng cho tất cả. Những bộ đồ quân sự xa lạ dần trở nên thân quen. Có chút gì đó như sự tự hào nhóm dần lên trong tâm hồn mỗi chúng tôi khi mình được khoác lên màu xanh của cây cỏ, của đất trời, của sự tự do, bình yên, màu của các chú - những con người thầm lặng trong cuộc sống đáng ra phải đầy đủ hơn và giờ đây các chú đang hết sức nổ lực để uốn nắn những thân cây con sao cho tương lai sẽ mọc thật thẳng, thật quyết liệt.

       Những dãy nhà đơn sơ, có vẻ như lỏng lẻo, thiếu chắc chắn nép vào nhau như khối tường thành vững chắc bất khả xâm phạm, ở nơi đó có những con người đang tự làm quen, ra sức học tập và cả những con người tận tâm huấn luyện, rèn dũa.

       Có mơ chúng tôi cũng không nghỉ rằng có ngày phải vừa cầm chén đũa, vừa cầm ghế đi bộ năm trăm mét chỉ để ăn bữa cơm. Ngại và làm biếng chúng tôi tự nhủ là sẽ nhịn nhưng các chú không để như vậy. Các chú cuốn chúng tôi vào những họat động, những bài học, những buổi lao động... làm chúng tôi mệt lả và cảm thấy rất đói. Cái sức trẻ chỉ biết ăn và ngủ bây giờ đã biết đến nắng, mưa, lao động và nhiều việc rất có ích mà nếu chỉ giấu mình trong sự bảo bọc của cha mẹ, sự nhàn rỗi mãi mãi sự không biết đến. Mỗi bữa ăn chúng tôi phải chống chọi với cái nắng, cái nóng và sự kén chọn của tuổi trẻ quen được nuông chìu, e dè trước bữa cơm đạm bạc của cuộc sống quân đội, có cái gì đó như nhắc nhở chúng tôi "chúng tôi chỉ có một tháng để khổ, để ăn cơm lính, còn người lính thực thụ thì phải ăn cả năm thậm chí cả đời". Tuổi trẻ đôi lúc không vô tâm như người ta nói đâu, bởi lẽ trái tim trẻ đập nhịp đập rộn rã, nhanh nhẹn nhưng luôn biết đập khẽ lại, trầm lắng trước những hi sinh. Thế hệ cha ông đổ máu cho nền độc lập dân tộc và hôm nay các chú rơi mồ hôi cho đất nước đẹp giàu, yên bình và chúng tôi đầy vô tư bước chân nơi giảng đường đại học.

      Hôm nay là ngày thứ năm chúng tôi lên với các chú. Chúng tôi đã quen và bắt đầu cảm thấy thú vị với nơi đây. Có những đêm trực khuya bản thân tôi thấy được cảnh vật sáng rõ dưới ánh trăng. Trăng hoang sơ và giữ nguyên được vẻ đẹp của tạo hóa. Dưới trăng mọi vật dường như sẽ trở nên lung linh với mãnh đất nơi này lại khác. Trăng làm bộc lộ những gì tự nhiên và thuần túy nhất. Chúng tôi ngỡ ngàng với vẻ đẹp ấy. Ở thành phố chúng tôi chỉ thấy trăng khi trời gần sáng, mọi hoạt động đều dừng lại, ánh trăng loãng đi trong phồn hoa đô thị. Trăng sơn cước không bị những tòa nhà cao tầng che khuất, cũng không bị ánh đèn màu làm nhạt nhòa, trăng là nữ hoàng của đêm. Ai bảo đời lính là khô cằn, sỏi đá. Những đêm trăng như thế này, dù là gỗ đá cũng rung động, nói gì con người.

       Chúng tôi bắt đầu ngày mới khi mặt trăng chưa mất hẳn trên nền trời bằng bài thể dục nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn. Thật khó cho những đôi mắt đã quen được nghỉ ngơi đến bảy, tám giờ bây giờ phải thay đổi, làm việc từ 5h15' nhưng dường như điều đó không làm cho mọi người mệt mỏi mà còn phấn chấn hơn rất nhiều.

       Dân văn chúng tôi vẫn hay truyền miệng nhau câu nói của nhà văn Sheakper: "To be or not to be" (Tồn tại hay không tồn tại). Tồn tại chứ không phải sống, tồn tại để biết rằng được cho và nhận. Thời gian một ngày là 24h và tùy mỗi người nó có thể là ít hoặc nhiều. Đối với chúng tôi từ khi bước chân lên đây sống trong môi trường này, một ngày là quá ít bởi lẽ chúng tôi nhận thấy có rất nhiều vịêc để làm, để mình được thể hiện sức trẻ.

       Sư đoàn 31 bây giờ và sư đoàn 31 trước đây 5 ngày không hề giống nhau, những con người mới bước chân lên sư đoàn 31 và những con người của sư đoàn 31 bây giờ cũng đã khác. Họ năng động, tràn trề nhựa sống. Những con người trẻ về với mảnh đất này như làm cho nó trẻ hơn, khỏe hơn. Và mảnh đất này cung đắp cho những con người trẻ những hạt mầm đáng trân trọng cho ngày mai tạo nên những cây xanh cho bóng mát chan hòa.

      Một tháng không phải là lâu, nhưng có lẽ cũng đủ để người đến và người ở nơi đây gắn bó tình cảm. Liệu sau 27 ngày học quân sự, ra về chúng tôi có còn vô tư để ùa về thành phố khi vẫn biết rằng các chú từ đây sẽ buồn hơn vì không có những cô cậu sinh viên nghịch ngợm, mà đáng yêu. Các chú là lính, các chú không được phép có tình cảm cho riêng mình, chúng tôi không phải là lính nên chúng tôi có quyền được buồn, được khóc. Nếu vậy các chú đừng nạt nhé, chúng cháu vẫn chỉ là những đứa trẻ đang tập sống, tập tồn tại. Và có lẽ bài học đầu đời là bài học nghiêm khắc mà đầy tình thương các chú dạy.

        27 ngày rồi sẽ trôi qua, bắt đầu là như thế, không biết kết thúc sẽ là gì các bạn nhỉ??? Và khi xa mảnh đất này những cảm xúc đầu sẽ thăng hoa như thế nào? Bởi lẽ "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn".

                                  Nguyễn Ngọc Nam Giang


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét