Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

ẢNH : NGUYỄN NGỌC MINH HIẾU



PHỐ CHÀI



Chị vẫn thường gọi nơi mình đang ở bằng cái tên thân thương là “phố chài”. Bởi đó là khu tái định cư của những người dân làm nghề chài lưới nằm ưu tư bên kia sông Hà Thanh, vùng ngoại thành.

Hồi mới cưới, vợ chồng chị xin ra riêng vì anh còn phải nuôi em út ăn học. Số vốn ít ỏi, anh chị chỉ đủ mua ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô. Nhiều người khuyên ngăn vì cho rằng môi trường sống ở đó phức tạp, nhưng anh chị vẫn dứt khoát với quyết định của mình.

Cuộc sống buổi đầu khá khó khăn. Anh vốn là dân miệt biển, hồn hậu và phóng khoáng như khơi xa vậy. Vì thế, anh ít quan tâm đến chuyện cửa nhà, có hôm đi làm còn chẳng buồn khóa cửa. Chỉ có chị là lo lắng. Thỉnh thoảng chị cứ phải tranh thủ chạy từ cơ quan về ghé qua nhà xem sao. 

Trong suy nghĩ của mẹ chị và rất nhiều người khác nữa, cái định kiến “đàn ông làm nghề đi biển thường say sưa và đàn bà móc chài hay ngồi lê đôi mách” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của họ, tựa như cả làng Vũ Đại nghĩ về Chí Phèo của Nam Cao với tất cả những gì xấu xa và tha hóa nhất của con người. Không phải mẹ chị không có lý, nhiều vụ xô xát, gây mất trật tự an ninh được phản ánh trên truyền hình phần nhiều cũng bắt nguồn từ các xóm làng ven biển đấy thôi. Dạo ấy, chị hay thở dài và rối bời những tâm tư.

Rồi thời gian trôi, anh chị cũng bắt nhịp kịp với cách sống của những “láng giềng gần”. Chị biết họ thường đứng nơi đầu sóng ngọn gió nên quen dần với kiểu “ăn to, nói lớn”, bỗ bã, suồng sã nhưng rất chân thành. Rồi có những ngày nhiều gió, nhiều mây, anh chị đi vắng, quên đem quần áo đã phơi khô vào nhà, cứ ngỡ mưa ầm ào thế kia sẽ làm chúng ướt hết. Vậy mà lúc về, chị bất ngờ khi thấy cây phơi đã được ai đó đẩy sát vào mép hiên một cách cẩn thận để không bị mưa tạt. Hoặc, có hôm anh hàng xóm đi biển về, đem tặng anh chị con cá thật tươi để “ăn lấy thảo”; bác ở nhà đối diện vẫn thường chạy sang gửi cái hóa đơn đã nhận giúp lúc anh chị vắng nhà. Bỗng dưng chị thấy vui và cảm động lạ kỳ! Lần đầu tiên sống giữa xóm mới, chị thấm thía “tình làng, nghĩa xóm” là như thế nào.

Mấy hôm nay, bố mẹ hai bên khuyên anh chị chuyển đến nơi mới nằm ở vị trí trung tâm hơn, có điều kiện thuận lợi hơn cho con cái đi học sau này. Nhưng chị chẳng muốn xa “phố chài” chút nào. Chị bàn ra: “Con nghĩ ở nơi nào cũng vậy thôi, nếu mình tử tế thì họ cũng sẽ tử tế với mình. Môi trường sống là do ta tạo ra, tốt hay không tốt cũng bởi cách ăn ở, đối nhân xử thế của mình”. Và chị thấy nhẹ lòng, yên tâm khi cái quyết định “sẽ an cư lạc nghiệp giữa phố chài” thuyết phục được bố mẹ.

Vẫn biết “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở” (Chế Lan Viên), song với chị, chẳng rõ tự bao giờ, “phố chài” đã “hóa tâm hồn” mất rồi!

Trà Giang
Bài đã đăng trên Báo Bình Định


THƠ : ĐẤU MÙA (Nguyễn Thị Tuyết)


   Đầu mùa
   Thèm khát một cơn mưa dịu ngọt
   Bên ngoài trời khô khốc trơ trụi.
   Nắng! Ôi, cái nắng miền Trung
   Bỏng rát khôn cùng.
   Vai áo mẹ mồ hôi bạc sờn loang lổ
   Tấm lưng cha đượm mùi nắng khét.

   Đầu mùa
   Trời thì xanh vẫn cứ xanh hoài.

   Đầu mùa
   Cơn mưa lại chưa tới
   Cánh chuồn đâu cũng biếng bay lượn
   Mắt nhà nông lại khắc khoải nhìn trời
   Tìm một đám mây lành màu đen.

   Đầu mùa
   Trời thì xanh vẫn cứ xanh hoài.


Bình Thuận, ngày 28/4/2014
Nguyễn Thị Tuyết
Nguồn : Blog Tác giả


Tản văn GÓC PHỐ (Bùi Thị Thương)

Ảnh : Tuấn Vũ


Thành phố này thật lạ. Có điều gì đó làm người ta phải băn khoăn lắm. Ngày xưa, cứ nghĩ thành phố là những chuỗi nhà cao đến chọc trời, xe cộ náo nhiệt ồn ào… 

Một chiều ngồi nhìn thành phố từ một góc nhỏ nhất có thể. Người ta gọi nó là “góc phố dịu dàng” - dịu dàng từ ngay chính cái tên của nó, dịu dàng bởi mùi hoa sữa thoang thoảng đến nao lòng, dịu dàng từ chính góc cua của con đường như dáng của một người con gái. Thành phố đột nhiên yên bình đến lạ. Ta bắt gặp hàng mồng tơi mon men theo khung cửa sắt. Ta nhìn thấy những gánh hàng rong trở về bên phố trên đôi vai ai đã chai mòn năm tháng. Những chiếc xích lô chở chiều về, những vòng quay nặng nề hơn vì ngược đường gió. Góc phố vẫn thì thầm thở, những con người vẫn đi và về bao nhiêu năm trên con phố ấy nhưng có ai bất chợt nhận ra hàng cây bàng ngày nào đã bao mùa thay lá, bao nhiêu mùa quả bàng rụng đầy gốc cây. Cũng không còn mấy ai hí hửng nhặt những quả bàng về hì hục đập lớp vỏ bên ngoài để ăn phần cơm bên trong, rồi chép miệng khen “bàng mùa này béo thật”. Những quả bàng vẫn chỏng chơ buồn nơi góc phố. Chợt nghe mùi khoai lang nướng thơm lừng mũi, bỗng nhớ về ngày xưa, mẹ vẫn cặm cụi lùi những củ khoai lang vào tàn tro còn nóng sau bữa cơm chiều, hay vùi vào những đống lửa rạ đang cháy sau mùa gặt. Mùi khoai nướng chen lẫn với mùi khen khét của lửa rơm sao mà khó tìm gặp lại đến thế!

CHÙM THƠ TỨ TUYỆT CỦA NGUYỄN THỊ TUYẾT


              Chợ quê

   Bóng nhỏ ai trải dài
   Liêu xiêu trên mặt đất
   Đôi vai gầy kĩu kịt
   Mang đôi gánh chợ quê.


                Quê ngoại

   Ám ảnh hồn con mãi quê ngoại
   Chiều về hắt lên sau đụn khói
   Hàng xóm nhà ai vang tiếng nói
   Mà nhà của ngoại tiếng gió reo.


Nguyễn Thị Tuyết
Nguồn : Blog tác giả




ẢNH : TRƯỜNG TÔI 1 (Phạm Tuấn Vũ)




THƠ : MƯA GIĂNG LỐI CŨ (Vi Ánh Ngọc)



   Chiều nay lạnh anh về đây lối cũ
   Nghe tim mình ấp ủ bóng hình em
   Con đường nhỏ đã mấy mùa thân quen
   Giờ thay lá bỏ tình anh ở lại.

   Hoàng hôn tím xua tình đầu khờ dại
   Anh âm thầm ôm mãi mộng ngàn thu
   Em ra đi để lại áng mây mù
   Phủ đời anh tháng năm dài chết lịm.

   Con đường nhỏ giờ đây ai kiếm tìm
   Dư âm xưa lặng im ngày dĩ vãng
   Em đâu rồi! Cơn mưa vội giăng tràn
   Lạnh buốt đời… vỡ tan từng giọt lệ. 



-Vi Ánh Ngọc-
Nguồn : Blog tác giả


THƠ : QUÊ NGOẠI (Nguyễn Thị Tuyết)


Đã lâu rồi khao khát tắm sông quê
Sớm chiều về miên man dòng nước mát
Vẫn đôi lúc lòng mình tự hát
Dòng sông xưa bên lở bên bồi.

Mái nhà xưa trở lại thấy bồi hồi
Dội mưa nắng khép vào trong lặng lẽ
Nhà của ngoại giờ đây sao quạnh quẽ
Vắng tiếng cười giọng nói của con thơ.

Lâu lắm rồi cho đến tận bây giờ
Các cậu dì đi tìm lẽ mưu sinh
Sớm lại chiều vẫn bóng hình của ngoại
Lặng lẽ bên bếp lửa đợi con về.


Nguyễn Thị Tuyết
Nguồn : Blog tác giả


CHÀNG LỚP TRƯỞNG MÊ VĂN



Đó là Đặng Văn Nguyện (ảnh), học sinh lớp 12CB7, Trường THPT số 2 Phù Mỹ. Trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) cấp Quốc gia năm 2014 vừa qua, Nguyện đã xuất sắc đạt giải Ba môn Ngữ Văn.

Nguyện là con út trong một gia đình có 7 anh chị em, mẹ mất từ khi Nguyện còn học lớp 5. Ông Đặng Văn Bình, cha của Nguyện, cho biết: “Mẹ cháu mất sớm, anh chị em cháu có vợ có chồng rồi đi làm ăn xa, tôi ở nhà một mình bươn chải nuôi cháu ăn học. Tôi bị tật, được Nhà nước hỗ trợ 180 ngàn đồng/tháng nên cũng đỡ được phần nào. Vừa rồi, khi nghe tin cháu đạt giải Ba cấp Quốc gia môn Văn tôi mừng lắm”.

ẢNH CƯỚI CỦA BẠN LÊ THỊ LAN